Lễ huý nhật lần thứ Sáu Cố Nhà Văn Duyên Lãng Hà Tiến Nhất
Sáu năm trước, đúng vào ngày 19 tháng 9, 2016 Cố Nhà Văn Duyên Lãng Hà Tiến Nhất tạ thế. Website Chính Khí Việt, anh chi em alpha bên facebook xin một lần nữa dâng lời cầu nguyện cho Linh Hồn Dominico sớm về hưởng Nhan Thánh Chúa nếu như khi còn sinh tiền cố nhà văn DLHTN còn điều gì vướng mắc.
Nhân đây Chính Khí Việt xin giới thiệu đến quý bạn đọc một bài viết của Cố Nhà Văn Duyên Lãng Hà Tiến Nhất viết về:
LÁ CỜ MANG HỒN DÂN TỘC
Từ ngày TC ra quyết định thiết lập nền hành chánh trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta, sóng gió nổi lên dữ dội trong dư luận người Việt. Cả trong lẫn ngoài nước, người dân Việt Nam hăng hái xuống đường đòi đất, đòi biển. Điều khá khôi hài là nhiều người lại chú tâm tranh luận chuyện cầm cờ hay không cầm cờ, và cầm lá cờ nào - đỏ hay vàng - xuống đường mới là hợp lý, hơn là bàn bạc tìm xem có phương cách nào hữu hiệu để đòi cho kết quả. Theo đà dư luận, khi viết bài này, chúng tôi chỉ xin giới hạn đề tài trong phạm vi nêu lên ý kiến về vấn đề, trong hai lá cờ đỏ sao vàng và cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ nào có đủ tư cách phất lên để làm nhiệm vụ cao cả và trọng đại này. Việc tìm xem phương cách nào đòi cho có kết quả xin hẹn vào một dịp khác sau này nếu hoàn cảnh cho phép.
(Xin lưu ý bạn đọc, để cho tiện, trong bài viết, chúng tôi sẽ dùng chữ cờ Quốc Gia (QG) hoặc cờ Vàng để chỉ lá cờ Vàng 3 Sọc Đỏ, và chữ cờ Cộng Sản (CS) hoặc cờ đỏ để chỉ lá cờ đỏ sao vàng của CS).
I. Nguồn gốc và ý nghĩa của hai lá cờ QG và cờ CS
1. Cờ Quốc Gia
Năm 1890, vua Thành Thái ban một chỉ dụ (decree) thay đổi lá cờ Long Tinh là lá cờ có từ thời vua Gia Long nền vàng với chữ hán tự ở giữa. Lá cờ mới vua Thành Thái ban hành cũng nền vàng nhưng với 3 sọc đỏ nằm theo chiều dài của lá cờ, và được gọi là Đại Nam Quốc Kỳ.
Năm 1920 vua Khải Định thay đổi hình thức lá cờ Đại Nam, từ nền vàng 3 sọc đỏ, thành nền vàng với một vạch đỏ lớn nằm giữa cách đều hai bên. Lá cờ này cũng gọi là cờ Long Tinh như tên gọi từ thời vua Gia Long.
Cờ Long Tinh
Ngày 2-6-1945 thời Hoàng Đế Bảo Đại, chính phủ Trần Trọng Kim lại thay đổi lá cờ một lần nữa, gọi là cờ Quẻ Ly. Lá cờ Quẻ Ly gần giống với lá cờ do vua Thành Thái vẽ kiểu, chỉ khác là vạch đỏ ở giữa không liên tục mà bị đứt đoạn. Gọi là cờ Quẻ Ly vì trong 3 vạch đỏ, vạch ở giữa đứt đoạn là quẻ thứ sáu, quẻ Ly, trong Bát Quái Đồ - Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài - trong Đạo Học.

Cờ Quẻ Ly
Ngày 5-6-1948, Hoàng Đế Bảo Đại ký Hiệp Ước Vịnh Hạ Long với nước Pháp, tuyên cáo Việt Nam là một quốc gia độc lập trong Liên Hiệp Pháp, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhà vua trở thành Quốc Trưởng của tân Quốc Gia VN. Ông ra lệnh thay đổi lá cờ Quẻ Ly, nối liền vạch đỏ trên lá cờ thành 3 vạch liền, tức quẻ Càn, có nghĩa là Trời. Lá cờ Quẻ Càn đã trở về với nguyên thủy của nó từ đời vua Thành Thái 1890. Lá cờ Vàng 3 sọc đỏ (quẻ Càn) chính thức trở thành cờ của Quốc Gia Việt Nam (State of Vietnam) độc lập thống nhất, và tiếp nối sau đó là cờ Việt Nam Cộng Hòa (Republic of Vietnam) khi nền Cộng Hòa được tuyên bố tại miền Nam ngày 22-10-1955. Chúng ta thường gọi lá cờ này là Cờ Quốc Gia. Ngày nay Việt Nam Cộng Hòa tuy đã mất lãnh thổ, nhưng người tỵ nạn vẫn còn ôm ấp nền Cộng Hòa cùng với lá cờ của nó khi ra hải ngoại.
Lá cờ Quốc Gia với nền vàng tượng trưng cho mầu da vàng của dân tộc Việt, và mầu đỏ tượng trưng cho dòng máu của giống nòi. Vì thế người VN vẫn thường dùng nhóm từ “Máu đỏ da vàng” để nói về dòng giống và tổ tiên của mình. Ba sọc đỏ chỉ đất nước, gồm ba miền Bắc, Trung, Nam, là một quốc gia thống nhất, một dân tộc thống nhất, mang huyết thống máu đỏ da vàng. Nó cũng còn muốn nói lên vũ trụ quan sâu sắc của người dân Việt, bao gồm 3 yếu tố Thiên, Địa, Nhân hài hòa. Con người là gạch nối kết giữa Trời và đất (thiên, địa).
2. Cờ cộng sản
Thực ra lá cờ đỏ sao vàng không có gì để nói. Nguyên thủy nó là lá cờ đảng của đảng CSVN. Nó chỉ trở thành cờ chung cho cả miền Bắc, sau khi đảng CS cướp được miền Bắc do Hiệp Định Genève 1954. Nó nghiễm nhiên mà trở thành cờ của cái gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chứ không do một văn kiện lập pháp nào xác lập nên. Và hiện nay, nó là quốc kỳ của cái gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Người miền Nam quen gọi là cờ CS. Cũng như lá cờ Liên Sô, cờ Trung Cộng, và tất cả các lá cờ của các nước CS khác, lá cờ CS có nền đỏ tượng trưng cho giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Nó còn tượng trưng cho tính chiến đấu - thề phanh thây uống máu quân thù - của giai cấp này cho mục tiêu CS nhuộm đỏ toàn thế giới. Ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa có người giải thích là tượng trưng cho năm thành phần xã hội: sĩ, nông, công, thương, binh. Nhưng, cũng có người lại nói nó muốn hàm ý về một Liên Bang Đông Dương gồm các miền Bắc, Trung, Nam, Lào, và Cao Miên trong giấc mộng lớn của Hồ Chí Minh. Lời giải thích thứ hai dễ chấp nhận hơn, bởi vì nếu cứu cánh của cái gọi là cuộc cách mạng vô sản tại VN là chăm lo cho hạnh phúc của 5 thành phần dân chúng sĩ, nông, công, thương, binh, thì đã chẳng có cái thảm họa “trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ” và làm sao CS san bằng được giai cấp để tiến lên xã hội đại đồng như lý thuyết Marx đề ra. Đã một thời, người dân nghèo VN tay giơ cao lá cờ đỏ như một thứ cứu tinh, miệng hát vang lên bài thánh ca “Vô sản thế giới, đoàn kết lại.” Họ sung sướng đến run lên, tưởng rằng ngày được hưởng thiên đàng tại trần thế đã đến nơi. Nhưng than ôi, đó chỉ là màn lừa bịp của Hồ Chí Minh, một tên bịp bợm quá vĩ đại, khiến ngày nay cả Dân Tộc rơi vào cái thảm họa “dân oan” cũng vĩ đại không kém.
II. Đặc tính của Quốc Kỳ
Có bao giờ bạn nhìn thấy hình ảnh các chiến sĩ QLVNCH đang dựng cờ trên nóc cổ thành Quảng Trị không? Thật khó có thể dùng lời để diễn tả đầy đủ quang cảnh này. Cuối tháng 5-1972, quân xâm lược miền Bắc tràn xuống đánh chiếm thị xã Đông Hà và cổ thành Quảng Trị. Ngày 19-6, TT Nguyễn Văn Thiệu hứa sẽ tái chiếm trong vòng 3 tháng. Và sau đó 10 ngày, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH cho đổ 20.000 quân vào trận chiến. Trận chiến này đáng kể là một trận chiến đắt giá nhất trong cuộc chiến tranh VN. Kể về nhân mạng, riêng QLVNCH phải hy sinh khoảng 1000 thương vong mỗi tuần. Thương vong địch thì bọn đầu lãnh Hànội không bao giờ công bố, và chắc chắn nhiều hơn bên ta. Về bom đạn, chỉ tính riêng tổng số yểm trợ phi pháo của quân đội HK là 80.000 tấn thuốc nổ, tính ra tương đương 8 quả bom nguyên tử HK bỏ xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, năm 1945. Hai bên ta và địch giành nhau phải nói đúng là từng tấc đất. Sau 81 ngày ác chiến, các chiến sĩ QLVNCH đã chiếm lại được cổ thành Quảng Trị, và đã kéo được lá cờ QG lên trên nóc cổ thành. Có người bạn sau này kể với tôi: “Tụi tao vừa đói lại vừa khát, mệt lả người vì mất ngủ, và tinh thần căng thẳng. Thế mà mấy đứa em tao - binh lính dưới quyền - đứa nào đứa nấy tranh nhau trèo lên nóc thành để dựng cờ khi vừa dứt tiếng súng. Tao nhìn chúng nó dựng cờ mà nước mắt cứ chẩy ròng.”
Sự thể nói lên cái gì? Những người lính hăm hở dựng cờ với vẻ mặt hết sức tươi vui hớn hở. Tưởng cha mẹ hay người yêu của họ chết đi rồi sống lại, họ cũng chỉ mừng đến thế là cùng. Những mệt nhọc, vất vả của bao ngày đối mặt với tử thần hãy còn hằn lên thân xác, áo quần. Những đồng đội gục ngã, xác có thể chưa kịp lấy đi. Họ đau buồn lắm chứ. Thế mà tại sao những người lính này lại vui đến thế! Có phải chỉ vì một miếng vải? Vâng đúng, chỉ vì một miếng vải mà họ chịu bao hy sinh và gian khổ để cho nó được trường tồn. Miếng vải này thực ra đã vượt khỏi ý nghĩa là một miếng vải trên bình diện vật chất để trở thành linh hồn của Dân Tộc, hồn thiêng của sông núi, và tượng trưng cho những giá trị truyền thống của giống nòi. Với những biểu tượng đó, chúng ta gọi nó là Quốc Kỳ.
Chúng ta thử so sánh với quang cảnh binh lính CS kéo lá cờ của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng trên nóc dinh Độc Lập xem sao. Vài tên kéo cờ với dáng điệu vô tư hờ hững. Bọn lính chiếm đóng khác tản mát dưới sân dinh thì ngơ ngơ ngáo ngáo, mắt láo liên, chừng như muốn lục lọi để tìm kiếm xem có cái gì chôm chĩa được thì lén đút vào ba lô. Sự thể đó là bởi vì, lá cờ này chẳng nói lên được cái gì, cũng chẳng tượng trưng cho một giá trị gì cao quí.
Từ hai hình ảnh trên, chúng ta rút ra được kết luận, quốc kỳ mang đặc tính là biểu tượng, hoặc là đại diện cho một cái gì đáng tôn trọng chứ không thuần túy chỉ là một miếng vải vô hồn. Cái đó gọi là “Hồn Dân Tộc.”
Và một câu hỏi khác. Bạn có coi phim dã sử Trung Hoa của Hồng Kông hay Đài Loan bao giờ không? Hãy nhìn kìa. Giữa một dải đồi núi mênh mông, hay trên một vùng bình nguyên bao la bát ngát, hai đạo quân đối nghịch đang giao chiến, vũ khí đụng nhau chí chát, ngựa xe chạy bạt mạng trên những xác người, binh lính lao thẳng vào nhau tàn bạo như những con sơn dương đực tranh cái. Bạn cho đó là hỗn loạn có phải không? Vâng, đúng là hỗn loan. Nói đúng hơn là hỗn chiến. Nhưng hỗn chiến mà không phải là không có chỉ huy. Sự chỉ huy ngoài chiến trường thời xưa căn cứ vào tiếng trống (hay tiếng kèn) và lá cờ. Nghe tiếng trống khoan thai hay dục dã, người chiến binh biết phải tiến hay phải lui. Lá cờ trong tay người chủ soái là lá cờ có quyền ra hiệu lịnh. Nhìn xem Cờ Soái phất, đoàn quân biết hướng phải rút hoặc tiến theo. Những bậc khai quốc xa xưa, ngay khi vừa có ý định mưu đồ lập quốc - thiết lập triều đại - đã phải quyết định chọn một lá cờ làm biểu tượng cho vương triều mình định thiết lập. Vì thế chúng ta mới có câu thành ngữ quen thuộc “dựng cờ khởi nghĩa.” Mỗi vương triều, mỗi đế chế, mỗi quốc gia, mỗi chế độ đều có lá cờ riêng làm tiêu biểu. Thời Liệt Quốc bên Tầu chảng hạn, nhìn lá cờ đầu của một đoàn quân, người ta biết ngay là quân Triệu, quân Sở, hay quân Ngụy v.v. Thời Các Sứ Quân nước ta chắc hẳn cũng thế. Đến thời Quốc/Cộng chia đôi sơn hà, miền Bắc CS có lá cờ mầu máu ngôi sao vàng năm cánh ở giữa. Trong khi đó, lá cờ của miền Nam Tự Do mầu vàng tươi với ba giải đỏ ở giữa nằm theo chiều dọc miếng vải. Hai lá cờ của hai miền Nam, Bắc biểu tượng cho cái gì, và đã hướng dẫn nhân dân hai miền đi theo con đường nào, và dẫn đưa đất nước đến đâu. Kết quả người dân VN đã nhìn thấy tận mắt.
Như thế đặc tính thứ hai của quốc kỳ là định hướng con đường đi của dân tộc.
III. Giá trị của lá Cờ Đỏ
Các sinh viên là những người có học. Một câu hỏi đặt ra cho họ là khi xuống đường tranh đấu, họ có hiểu được ý nghĩa, và biết được giá trị của lá cờ họ cầm trong tay không? Tôi tin rằng nếu họ hiểu thì họ đã chẳng cầm lá cờ đỏ sao vàng, bởi vì thứ nhất, chế độ mà lá cờ đó đại diện thiếu mất cơ sở pháp lý, và thứ hai, bản thân lá cờ đó vô tổ quốc và phi dân tộc.
1. Về pháp lý - Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập ngày 2-9-1945 và lập Chính Phủ Liên Hiệp, gồm đủ mọi thành phần đảng phái và nhân sĩ. Tuy nhiên chính phủ này cũng không được một quốc gia nào thừa nhận. Chính phủ này tồn tại cho đến năm 1948.
Sau khi nhận thấy cái dã tâm bành trướng chủ nghĩa CS của Hồ, các thành phần quốc gia mới rút ra khỏi chính phủ Liên Hiệp. Họ qui tụ lại chung quanh Hoàng Đế Bảo Đại để tranh đấu dành độc lập bằng con đường thương lượng hòa bình với Pháp. Hiệp Ước vịnh Hạ Long ngày 5-6-1948 ra đời, tuyên bố VN độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, và nhanh chóng được nhiều quốc gia thừa nhận. Đất nước đã độc lập rồi đâu còn cần gì phải đòi. Thế nhưng Hồ Chí Minh một mình đứng tách riêng giương cao lá cờ nhuộm bằng máu của nhân dân để phục vụ cho mục tiêu cộng sản hoá toàn vùng Đông Nam Á. Như thế, về mặt pháp lý, công cuộc chống Pháp của Hồ không còn lý do tồn tại. Chống Pháp chỉ là chiêu bài Hồ sử dụng để phục vụ cho CS quốc tế. Độc lập dân tộc thì đã có rồi. Hồ hiện nguyên hình là một tên thảo khấu làm tay sai cho CS quốc tế. Chính quyền quốc gia của QT Bảo Đại tuy không phải là một chính phủ toàn mỹ, nhưng ít nhất nó đã được thiết lập trên một cơ sở pháp lý vững chắc. Trong giai đoạn đó, nhiều quốc quốc gia nguyên là thuộc địa Pháp cũng tranh đấu dành độc lập, khởi đầu bằng cách đứng trong Khối Liên Hiệp Pháp. Các nước này, tỉ dụ như Algerie, Maroc chẳng hạn, họ không cần có đảng CS, không cần phát động cuộc chiến vũ trang tốn hao xương máu của nhân dân, mà ngày nay họ cũng đã độc lập thực sự và phát triển còn hơn VN gấp nhiều lần. Lịch sử cho thấy người có công dành độc lập hoàn toàn cho đất nước từ tay người Pháp, và đẩy được người Pháp cuối cùng ra khỏi VN là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1955 khi ông còn là Thủ Tướng của Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam, chứ không phải là Hồ Chí Minh. Đặt vấn đề là nếu Hồ Chí Minh cho rằng Bảo Đại ký Thỏa Ước Vịnh Hạ Long là bán nước cho Pháp, vậy thì cái Hiệp Ước Sơ Bộ trước đó hai năm ngày 6-3-1946, Hồ ký với Sainteny cho phép quân đội Pháp đổ bộ vào VN, nếu không gọi là Hiệp Ước bán nước thì gọi là cái gì? Hồ Chí Minh tránh làm sao được cái tội rước voi về dầy mả tổ?
2. Về đạo lý - Mẫu số chung của tất cả các lá cờ CS trên thế giới là lấy mầu đỏ làm nền. Mầu đỏ ở đây có hai ý nghĩa. Thứ nhất, nó tượng trưng cho giai cấp công nhân toàn thế giới. Và thứ hai, nó biểu tượng tính chiến đấu của giai cấp này cho mục tiêu nhuộm đỏ toàn thế giới. Từ ý nghĩa đó đưa đến kết luận là, bất cứ chế chộ CS nào cũng đều chỉ phục vụ vô sản thế giới hay quốc tế CS. Nói khác đi là, các chế độ CS đều là những bọn người vô tổ quốc. Hơn nữa, chính Hồ chí Minh đã viết trên tờ Người Cùng Khổ (Paria) rằng, người cộng sản là những người không có tổ quốc. Như thế thì VGCS đã vô tổ quốc lại còn phi dân tộc nữa. Hồ đã từng dậy bảo cán bộ rằng, dưới lá cờ vẻ vang của đảng (xin nhớ của đảng chứ không phải của dân tộc), họ phải hoàn thành nhiệm vụ Bolshevik hóa toàn dân và toàn đảng. Nói rằng đảng CSVN đấu tranh đem lại độc lập cho dân tộc là nói láo, là bịp. Lá cờ đỏ tượng trưng cho một chế độ vô tổ quốc và phi dân tộc, tất nhiên nó cũng phi chính nghĩa luôn.
Dưới lá cờ phi chính nghĩa, trong suốt thời gian nắm quyền lãnh đạo, đảng CS đã đưa đất nước đi từ thảm hoạ này đến thảm hoạ khác, từ cải cách ruộng đất đến Nhân Văn Giai Phẩm, đến rèn cán chỉnh quân, đến xâm lăng miền Nam, đến học tập cải tạo, đến kinh tế mới, đến hai lần đổi tiền, đến hợp tác hoá nông nghiệp, đến đánh tư sản và xóa bỏ công thương nghiệp tư doanh, đến phong trào vượt biên, đến xuất khẩu lao động, đến nạn phụ nữ lấy chồng ngoại quốc, đến xuất khẩu trẻ em vị thành niên làm điếm, đến nạn học giả bằng thật, đến quốc doanh hoá các tôn giáo, vân vân và vân vân. Và cuối cùng, chính nó, đảng VGCS trở thành một gian đảng bán nước, bán nước có văn tự văn khế hẳn hoi, nên chúng không còn gì để chối cãi.
Cái chế độ đã không có căn bản pháp lý, lại vô tổ quốc và phi dân tộc như thế, thì lá cờ tượng trung cho cái chế độ đó có xứng đáng được người dân tôn trọng không? Hỏi tức là trả lời rồi vậy.
IV. Cái bẫy Tam Sa
Nếu không có cái nghị quyết 36/CP thì có lẽ đã không có chuyện ồn ào về vấn đề cờ quạt lâu nay trong cộng đồng. Mục đích của cái nghị quyết này là để thôn tính và bình định các cộng đồng tỵ nạn tại hải ngoại, mà công tác hàng đầu là dẹp cho được lá cờ QG. Dẹp được lá cờ Vàng và trương được lá cờ đỏ lên thì coi như công việc bình định của CS mới đạt yêu cầu. Trong chiến thuật dẹp lá cờ QG, bọn đầu lãnh Hànội đã tính toán để đi từng bước nhưng đều thất bại. Bước thứ nhất là sáng kiến họp hẹp không treo cờ của nhóm Thông Luận của Nguyễn Gia Kiểng bên Âu Châu. Rồi kế tiếp đến đề nghị phương thức “win-win” của tay trùm hoạt đầu Đoàn Viết Hoạt. Tiến xa hơn một bước nữa là thí nghiệm Trần Trường, và lai rai bọn du sinh treo cờ đỏ tại một vài trường đại học. Cộng đồng tỵ nạn tỏ ra rất tỉnh táo và sáng suốt, nên không sa vào bẫy của những mưu ma chước quỉ này.
Nhân chuyện TC khơi dậy vụ Hoàng Sa và Trường Sa, bọn đầu lãnh Hànội lại tính tương kế tựu kế để mưu tính dẹp lá Cờ Vàng. Chúng thừa biết vụ Hoàng Sa và Trường Sa sẽ gây nên một làn sóng chống đối dữ dội trong dư luận, nên chuẩn bị đòn phản công khá tinh vi và hấp dẫn. Chúng áp dụng phương pháp chữa bệnh “lấy độc trị độc” trong đông y để hành động. Bằng phương pháp này, bọn CS đã thành công ngoạn mục trong việc dẹp tan phong trào Phục Quốc. Sau ngày 30-4-75, phong trào Phục Quốc nổi dậy ở nhiều nơi tại miền Nam. CS liền tạo ra Phục Quốc giả để hốt hết đám Phục Quốc thật. Chúng đã thành công.
Các cuộc xuống đường gọi là “tự phát” chống TC ở trong nước hồi tháng trước, xem ra có nhiều hơi hướng của phương pháp dĩ độc trị độc. Có cuộc xuống đường tự phát thật sự sao? Có chứ, tôi tin là có bởi vì dân tộc VN hiện nay không thiếu những tâm hồn yêu nước thực sự. Nhưng tôi cũng còn tin có những cuộc xuống đường “cuội”, được điều khiển bằng remote control. Dĩ nhiên có rất nhiều sinh viên và người dân xuống đường do lòng yêu nước thật sự thúc đẩy. Vì thiếu ý thức, vì bị nhồi sọ, vì sợ, hoặc vì lý do gì khác, họ cũng cầm cờ đỏ, mặc áo thung đỏ khi xuống đường. Nhưng có dấu hiệu cho thấy có bàn tay nhám nhúa đạo diễn ở hậu trường. Những cuộc xuống đường này là xuống đường cuội. Những tay đầu nậu xuống đường cuội là những thành phần đảng, đoàn, hoặc con ông cháu cha trong đảng. Tự phát gì mà các sinh viên in được cả hàng trăm chiếc áo thung cờ đỏ chỉ trong chốc lát. Nhà in nào cho phép các sinh viên in những tấm banner chữ Tầu to bằng nửa chiếc chiếu nằm. Tự phát gì mà thoạt đầu công an còn dẹp đường cho biểu tình đi rồi sau mới giả bộ dẹp. Chuyện nhuộm cờ trên áo, in banner ở hải ngoại thì dễ như trở bàn tay, nhấp nháy là có rồi. Nhưng ở trong nước thì dứt khoát không thể nếu không có phép của công an. Chỉ với một vài chứng liệu cụ thể đó, người ta có thể khẳng định rằng, có cuộc xuống đường gọi là tự phát ở trong nước để đả đảo TC do bọn VGCS dấu mặt tổ chức. Chỉ tội nghiệp các em sinh viên con nhà lành bị lợi dụng. CS ác ôn, lừa bịp, và lợi dụng cả nước hơn nửa thế kỷ nay, chúng bịp và lợi dụng tinh thần yêu nước của các em là chuyện dễ hiểu.
Như ta thấy, bọn đầu lãnh Hànội cho dẹp các cuộc xuống đường thiệt của sinh viên yêu nước, nhưng đồng thời lại tạo ra những cuộc xuống đường cuội làm cái bẫy với 3 mục đích:
1. Dụ những người yêu nước và chán ghét CS xất đầu lộ diện cho chúng điểm mặt để sẵn sàng trừ khử khi cần thiết. Đây là chính sách phòng chống nổi loạn cố hữu của VGCS.
2. Chuyển mục tiêu đấu tranh từ chống VGCS bán nước sang chống TC xâm luợc để chạy tội bán nước. Tội bán nước là một trọng tội lớn nhất đối với Dân Tộc và với lịch sử. Bọn đầu lãnh Hànội biết thế. Vì đang ở vị thế cầm quyền, chúng cần che giấu được bao nhiêu hay bấy nhiêu, lúc nào đỡ lúc nấy. Và cũng chính vì biết thế, nên VGCS mới đẩy bọn sinh viên và du sinh đảng, đoàn, đứng ra tổ chức những cuộc xuống đường cuội chống TC để đánh lạc hướng đấu tranh của những người yêu nước thực sự.
3. Xuất khẩu các cuộc xuống đường cuội với cờ đỏ để diệt cờ Vàng. Đây mới là mục tiêu chính yếu trong ý đồ của VGCS. Vấn đề cờ Vàng cờ đỏ lại một lần nữa bị du vào cái bẫy của VGCS. Cái bẫy do những tên tay sai tại hải ngoại tiếp tay giăng ra, đặc biệt là bọn xanh vỏ đỏ lòng Việt Tân. Bọn này lên mặt ái quốc, ái quần, ngôn rằng để tạo tinh thần đoàn kết và hợp sức trong công cuộc chống xâm lăng, người tỵ nạn nên cởi mở trong việc sử dụng lá cờ khi xuống đường chung với du sinh. Cho nên hoặc là cả hai phe không cầm cờ, hoặc là ai cầm cờ nấy, hồn ai nấy giữ. Ôi cái bọn nửa nạc nủa mỡ, tinh thần ái quốc cao vời vợi! Bà con ta nghe có thấy sướng cái lỗ nhĩ không? Thế mà có người hưởng ứng đấy. Bọn du sinh đảng, đoàn vì thế mới thu được một vài thắng lợi nhưng không đáng kể như đã thấy.
V. Cuộc chiến giữa 2 lá cờ
Lá cờ tự thân nó chỉ là miếng vải vô tri vô giác, nó không có ý thức đấu tranh. Nhưng khi người ta công nhận nó là quốc kỳ thì nó trở thành linh hồn của một dân tộc. Nó là đại diện của đất nước, và là tượng trưng cho những giá trị trường cửu của giống nòi. Vì thế nó cũng mang tính chiến đấu. Lá cờ đỏ trên bình diện nổi, hiện nay nó đang ở địa vị thắng thế. Nhưng xét về tư cách và những giá trị mà một lá quốc kỳ phải có, lá cờ Vàng mới xứng đáng để những người VN yêu nước tôn trọng và quí mến. Người dân tỵ nạn tuy đã mất lãnh thổ, nhưng họ đã mang Tổ Quốc mà lá cờ Vàng là hiện thân đi theo. VGCS thôn tính đất nước. Chúng còn mang dã tâm thôn tính luôn cả các cộng đồng của chúng ta. Lý tất yếu, muốn chống cộng, người tỵ nạn bắt buộc phải duy trì sự hiện hữu của lá cờ Vàng. Cuộc đấu tranh giữa hai lá cờ Vàng và đỏ là cuộc đấu tranh giữa lý tưởng dân tộc và phi dân tộc, giữa thiện và ác, giữa độc lập và nô lệ, giữa dân chủ và độc tài, giữa tự do và gông cùm xiềng xích.
Có những đảng phái hay đoàn thể luôn tự hào rằng họ có bề dầy chống cộng. Cũng có những cá nhân tự vỗ ngực khoe khoang thành tích tranh đấu đòi tự do nhân quyền cho quê hương. Nhưng không hiểu sao họ không hiểu được cái đạo lý trên. Những người này chủ trương hai bên Quốc/Cộng bắt tay xuống đường chống TC xâm lược, có thể hoặc không mang cờ quạt gì, hoặc mang cả hai lá cờ song hành. Họ muốn gì? Công luận qui kết họ chủ trương hoà hợp hòa giải với CS, nhưng họ lại không dám thừa nhận. Cho thấy những người mệnh danh là trí thức mà ăn nhằm cháo lú của CS thì họ còn lú hơn kẻ vô học gấp bội. Đã thế họ còn thua xa cả đám dân giang hồ phiêu bạt, vì dân giang hồ thường đã không làm thì thôi, một khi đã làm thì dám làm giám chịu, chứ không chối quanh chối quẩn. Bọn dân ngu cu đen ít chữ nghĩa, nghĩ và làm như thế chẳng nói làm gì. Nhưng đảng Việt Tân, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Trọng Việt, đều là phe nhóm có tiếng tăm, những thứ tai to mặt lớn học hành đàng hoàng mà ba chỉ ba rọi mới thật đáng buồn! Những người này khi chủ trưong quốc/cộng đề hề như thế, họ đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng sau đây trong đấu tranh:
1. Đánh lấy thua - Trong đấu tranh chỉ có thắng, thua mà không có huề, vì huề tức là thua. Đối diện với kẻ thù nếu không có ý chí thắng địch, tất sẽ thua. Đây không hẳn là một nguyên tắc, cũng không phải là một định luật, mà là một kinh nghiệm xương máu. Khi tham chiến tại VN, người Mỹ đưa ra chủ trương “cuộc chiến không có kẻ thắng người thua (tức là huề.) Cuối cùng họ đã thua. Trừ khi những đảng phái, những quí vị nói trên, thực sự muốn hoà hợp với CS thì không kể. Còn nếu cứ khăng khăng một mực rằng mình đấu tranh giải thể chế độ CS, trong khi chủ trương huề cờ như thế thì tức là nói láo. Dựa vào kinh nghiệm của người Mỹ, nếu hai bên Quốc, Cộng cùng không mang cờ khi công tác đấu tranh chung như ông cơ sở Việt Tân tại Anh đã thực hành, thì lá cờ Vàng nhất định sẽ tiêu ma, và cờ đỏ sẽ xuất hiện một cõi. Hoặc nếu cho cả hai lá cờ có mặt cùng một lúc với nhau như ông Nguyễn Ngọc Bích cổ võ thì kết quả chắc chắn cũng sẽ không khác gì.
2. Nghịch lý trong lý luận - Chấp nhận sự có mặt của lá cờ đỏ trong các cuộc xuống đường phản đối TC xâm lược hoàn toàn là một nghịch lý. Lá cờ đỏ như trên chúng tôi đã phân tích, là biểu tượng của tội ác bán nước của chế độ CS. Nay lại giơ nó lên để biểu lộ lòng yêu nước trong một hành động chống xâm lược, như thế không nghịch lý lắm sao? Các ông cần nhớ là, theo luận lý học, bất cứ ai cũng không thể đồng thời vừa là ái quốc, vừa là bán nước được. Các ông yêu nước, vậy chứ các ông có dám bán nước không? Bọn VGCS bán nước, quí vị cho là chúng cũng yêu nước sao? Vậy thì lá cờ đỏ của VGCS làm sao đồng thời biểu tưọng cho tinh thần ái quốc và tội ác bán nước cùng một lúc? Những đảng phái chính trị của người Việt QG, những nhà khoa bảng xuất thân từ các chế độ tự do lại không hiểu được lý lẽ sơ đẳng đó sao? Các sinh viên trong nước và du sinh, trong hoàn cảnh của họ, và vì những lý do riêng, họ đem lá cờ đỏ xuống đường đả đảo TC là chuyện của họ. Các ông già đầu rồi. Có người lấy việc đấu tranh như một nghề mưu sinh. Các ông bị CS đuổi chạy trối chết. Bây giờ các ông muối mặt chấp nhận đứng dưới lá cờ máu kia để làm gì? Hỏi là hỏi vậy thôi, chứ mọi người đã biết tỏng các ông muốn gì rồi.
3. Tán trợ bán nước - Các ông công nhận sự hiện hữu của lá cờ đỏ chẳng khác gì là gián tiếp công nhận chế độ Việt gian bán nước. Như thế nếu bị kết tội tán trợ bán nước, các ông có cho là bất công và oan ức không?
Lá cờ biểu tượng “Hồn Dân Tộc”
Đứng trước vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa bị xâm chiếm, nhân dân Việt Nam sôi sục căm hờn xuống đường chống TC là thể hiện tinh thần yêu nước đúng. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi là bởi vì VGCS có bán đất thì Tầu mới có lý do chiếm đất một cách đường đường chính chính, khiến cả thế giới phải ngậm hột thị. Bằng chứng nếu chỉ là tờ Công Hàm của Phạm Văn Đồng hay 2 bản Hiệp Ước mật thì cũng chỉ là mấy tờ giấy thôi, chưa đủ sức thuyết phục. Cái dấu mộc đỏ mang hình lá “cờ máu” của bè lũ bán nước trên đó mới là khả tín. Nhân dân VN xuống đường đòi đất. nhưng anh Tầu giơ mấy tờ giấy có đóng dấu mộc “cờ máu” kia ra thì xin hỏi còn đòi vào đâu được nữa. Trương lá cờ đỏ để bán cao đơn hoàn tán kiếm ăn thì có thể còn tạm được. Nhưng trương lá cờ bán nước để chống xâm lược thì chỉ có lũ con cái bọn VGCS mới có đủ mặt dầy mặt dạn để làm mà thôi. Lá cờ này đã vô tư cách thì không đủ tư thế để nói chuyện nước non được. Lá cờ có đủ tư cách trong việc đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa là lá cờ cố HQ Thiếu tá Ngụy Văn Thà trên chiếc hộ tống hạm Nhật Tảo đã giương cao trước mặt quân xâm lược tại Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Điều đó có nghĩa là, chỉ có những kẻ chống quân xâm lược thực sự mới có đủ tư cách và tư thế để nói chuyện phải quấy với bọn xâm lược, và mới thuyết phục được công luận quốc tế đứng về phía đòi công lý mà thôi.
San Jose ngày 9 tháng 1 năm 2008
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
CỜ LONG TĨNH
0 comments:
Post a Comment