THE LONGEST NIGHT
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Mới sáng sớm banh mắt đã thấy nhiều tờ báo điện tử loan tin nóng hổi với cái tựa đề “Đêm Dài Nhất của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại San Jose.” Ý muốn nói đến buổi họp hôm 20-11 của Hội Đồng Thành Phố San Jose quyết định đặt tên cho khu thương xá đang xây cất trên đường Story Road là buổi họp đêm kéo dài lâu nhất. Cái tít (headline) dễ gây đứng tim này có vẻ là bản sao cái tựa đề cuốn phim nói về ngày D-Day [6 June 1944] quân đồng minh đổ bộ lên Normandy trong Thế Chiến II. Cuốn phim đó có tên là “The Longest Day.” Đêm dài nhất ở đây không hẳn là vì buổi họp của HĐTP kéo dài quá lâu, mà vì người đi dự về cảm thấy tức tối và buồn bực rồi sinh ra mất ngủ. Rất nhiều người tâm sự như thế. Và có thể nhiều người sẽ còn mất ngủ dài dài vì cái sự đời “như cái lá đa, đen như mõm chó chém cha cái sự đời” này. Tôi xin mượn ý trên để làm tựa đề cho bài viết là The Longest Night.
Việc đặt tên cho khu thương mại trên đường Story Rd. tạm coi như xong một giai đoạn, nhưng chắc chắn chưa kết thúc vì di lụy của nó còn dài dài. Chúng tôi là một cư dân San Jose, vả lại ở không xa con đường này là mấy, vì thế cảm thấy có liên hệ ít nhiều tới vấn đề. Vì thế tôi xin được ghi lại một vài tâm tình về sự việc và về những vấn đề liên quan đến cái Đêm-Dài-Nhất (The Longest Night) ở San Jose vừa rồi để gởi đến bạn đọc.
1. Tại sao lại LITTLE SAIGON?
Đã có nhiều lối giải thích chữ Little Saigon. Tuy nhiên tôi thấy chưa bao hàm hết ý nghĩa của nó [chữ Little.] Những người Bắc hoặc Trung, kể cả một số người Nam ở thành thị không hiểu nổi ý nghĩa chữ Little (nhỏ hay bé) trong cách dùng của người miền Nam. Tôi không ngại đem kinh nghiệm chuyện trong gia đình tôi để biện giải cho việc xử dụng từ ngữ này.
Tôi là dân Bắc Kỳ di cư 54. Tôi sống ỏ Saigon hầu như trong suốt thời gian di cư vô Nam. Tôi lấy vợ Nam Kỳ Lục tỉnh. Gia đình vợ tôi sống tại một tỉnh lỵ nhỏ miền sông Hậu. Ngoài mấy người anh trai còn có hai chị em gái. Vợ tôi là út. Theo phong tục người Bắc thì vợ tôi phải kêu bà chị là bác, và bà chị kêu vợ tôi là dì. Nhưng cho đến nay vợ tôi đã lớn tuổi, vẫn cứ gọi bà chị là chị, và bà chị kêu vợ tôi một tiếng là NHỎ, hai tiếng là NHỎ, chứ không kêu là dì bao giờ, và cũng không kêu tên. Trong gia đình tôi, tôi vẫn thường kêu đứa con gái út của tôi là “bé con” theo lối người nhà quê miền Nam mặc dầu cháu đã trên 20 tuổi. Thằng anh lớn gọi hai đứa em gái nó là Nhỏ hoặc Bé, và hai đứa em cũng tự xưng với thằng anh là Bé. Đó là lối xài chữ LITTLE (nhỏ, bé) của người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh. Chữ Nhỏ ở đây không có nghĩa là nhỏ hay to gì hết, mà nó chỉ là một tiếng gọi rất thân thương trong các gia đình người Nam. Hơn thế nữa, nếu để ý một chút, chúng ta cũng sẽ thấy các nữ sinh trung học nhiều khi gọi nhau là NHỎ trong khi đùa dỡn hoặc chuyện trò với nhau. Chữ “Nhỏ” này có thể là đại danh từ (pronoun). Có thể là danh từ (noun = con nhỏ đó.) Cũng có thể là hình dung từ (adjective) như trong “Saigon Nhỏ.”
Chúng ta đặt tên cho các địa danh (khu vực) riêng của chúng ta trên đất Mỹ là Little Saigon trong tinh thần liên đới với SAIGON, Hòn Ngọc Viễn Đông, của chúng ta ở trong nước mà chúng ta đã phải xa lìa và nay đã mất tên. SAIGON của chúng ta trong nước được coi như một người chị, và các LITTLE SAIGON là các đứa em con cùng một cha một mẹ sinh ra. Chữ Saigon mà chúng ta đặt cho một khu vực nào đó của chúng ta ở hải ngoại chắc chắn không mang đầy đủ sắc thái, dáng vẻ, diện mạo, cùng là đặc tính của Saigon của chúng ta đã mất. Thêm chữ Little vào để nói lên đây chỉ là một tượng trưng, hay một hoài niệm mà chúng ta luôn giữ trong tim. Nó [Little Saigon] mang ý nghĩa hao hao giống Saigon thôi chứ không phải là Saigon thực. Nó cần hiện diện để làm nguôi đi phần nào nỗi nhớ thương trong lòng người tha hương như chúng ta. Đây là một nét văn hoá đặc thù nói lên tâm tư tình cảm của bất cứ người ly hương nào không cứ Việt Nam, Tầu, Nhật, Ý v.v. Chỉ có thế thôi. Nói thế nào đi nữa cũng là dư thừa.
2. Học được điều gì?
Có phải chúng ta là người VN, sắc dân thiểu số nên người cầm quyền thành phố có quyền áp dụng cái thứ dân chủ rừng rú và man rợ của CS ở trong nước trên đầu trên cổ chúng ta? Rất nhiều sự việc xẩy ra trên nước Mỹ cho thấy cái lý tưởng Dân Chủ, nét đặc thù của nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ngày nay đã biến thái ghê gớm lắm. Bất cứ một ông Tổng Thống nào lên cầm quyền, dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ, đều trở thành vị Tông Đồ nhiệt thành rao giảng “đức tin Tự Do, Dân Chủ” cho thế giới. Nhưng không ông nào không nuôi ít nhất một vài đứa con nuôi là những tên lãnh tụ quốc gia độc tài khét tiếng. Thậm chí có ông còn đem quân đi bắt ông tổng thống nước khác đem về nước Mỹ nhốt chơi. Có ông ra lệnh làm thịt tổng thống nước khác mà không cần có lý do. Hóa ra nền dân chủ nước Mỹ đang biến thái trở thành một thứ dân chủ phường chèo, nói văn chương mầu mè là kịch tính. Có lẽ đúng hơn hết nó [nền dân chủ Mỹ] chỉ còn là chiêu bài của một anh Nhạc Bất Quần thời đại.
Biến cố Đêm Dài Nhất 20-11 phải gọi cho đúng cái tên của nó là thứ dân chủ “rừng rú.” Nó rất giống chế độ CSVN ở chỗ dân chủ biến thành một thứ đồ chơi cao cấp và xa xỉ, chỉ có những kẻ có quyền và có tiền mới được quyền dân chủ, còn người dân tay trắng đừng hòng mà có nó được. Muốn chứng minh HĐTP San Jose có chơi trò dân chủ rừng rú hay không, chỉ cần đặt cho họ một vài câu hỏi thế này thôi để xem họ có trả lời được không thì biết?
- Các ông tập trung dân có phải để lắng nghe ý kiến của người dân và làm theo ý kiến của đa số trình bầy không?
- Trên 90% dân chúng đã đồng thuận chọn tên Little Saigon. Tai sao các ông lại không làm theo ý dân mà làm theo ý các ông?
- Các ông tập trung dân để nghe ý kiến họ trong khi chính các ông lại nói đã chọn lựa xong cái tên Saigon Business District rồi. Điều đó có nghĩa là gì? Việc tập trung dân như vậy có phải để nói lên cho mọi người thấy các ông dân chủ không? Vậy đây là thứ dân chủ gì?
Câu trả lời đúng nhất đó là thứ dân chủ bịp, và hành động của HĐTP đúng là hành động bịp và lươn lẹo. Nếu HĐTP trả lời hợp lý được các câu hỏi trên, tôi tin rằng mọi người sẽ nghe thôi, bởi vì “nói phải củ cải cũng nghe” kia mà. Nhưng làm sao các ông trả lời nổi. Ông Phó Thị Trưởng Dave Cortese còn lươn lẹo như sau: “Tôi cũng thích cái tên này lắm chứ. Tôi có thể bảo đảm với ông rằng thành phố sẽ không hủy bó hoặc ngăn cấm bất cứ ai xử sụng tên Little Saigon trên cửa hiệu hay cơ sở của họ. Dù sao tôi cũng nghĩ tốt nhất ở điểm này là đối với thành phố thì đơn giản địa điểm dọc theo đường Story gọi là Saigon Business District, còn các chủ nhân các cửa hiệu, lân cận, các cơ sở, và truyền thông ai muốn gọi sao thì gọi. Nhiều người có lẽ sẽ gọi là Little Saigon. Tôi tin hầu hết sẽ như thế. Nhưng nếu có ai muốn gọi là New Saigon Store, hay một tên khác như thế, chúng tôi chắc chắn cũng sẽ đồng ý thôi. Chúng tôi nghĩ rằng phương cách chúng tôi giải quyết sẽ cho phép uyển chuyển trong những chuyện xẩy ra, và như tôi đã nói, dầu sao thì có lẽ đa số dân chúng sẽ dùng cái tên Little Saigon. Điều quan trọng cần ghi nhớ là thành phố không hủy bỏ (banning) việc xử dụng bất cứ tên thông thường nào mà dân chúng đã đề nghị.” (I like the name Little Saigon very much. I can guarantee you that the city will not ban or prohibit anyone from using the Little Saigon name on their business or property. I think it may be best, though, at this point for the city to simply say that the location along Story is a “Saigon Business District" and then let businesses, neighbors, property owners and media call it whatever they like. Some people may refer to it as Little Saigon, I expect most will. But if someone wants to call their business “New Saigon Store” or something like that, we want to make sure that is still OK too. We think the way we are doing it will allow a lot of flexibility to happen - and like I said, most people will probably use the Little Saigon name anyway. The important thing to remember is that the city is NOT banning the use of any of the popular names people have suggested (Email Cortese trả lời ông Nguyễn Bác Aí ngày 21-11-07.)
Thật là trơ trẽn và bịp bợm. Dave vẫn tưởng người VN sẽ không phân biệt nổi thế nào là một danh xưng về mặt hành chánh và luật pháp với một tên gọi bình dân thông thường, và tên gọi của một khu thương mại với cái bảng hiệu của một cửa tiệm. Người VN không đến nỗi ngu ráo cả như Dave nghĩ chứ!
Trên đây là bài học thứ nhất về cái gọi là nền Dân Chủ Mỹ. Bài học thứ hai là bài học về sự phản bội. Người Mỹ (xin hiểu là cá nhân) phản bội ta thì không lạ. Nước Mỹ phản bội đồng Minh Việt Nam hay Đài Loan còn không lạ nữa kìa. Nhưng người con của đồng bào phản bội lại đồng bào, người tỵ nạn phản bội người tỵ nạn là điều thật đau buồn. Nói bình dân một tí là đau hơn hoạn. Hoạn đau thế nào xin cứ hỏi các thái giám (công công) thì biết. Nếu lớp người trẻ VN bước vào dòng chính Hoa Kỳ mà đều học cái thói chính trị ma giáo, bịp bợm, và lưu manh như Madison Nguyễn thì tôi tin chắc nước Việt Nam hình chữ S có tổ tiên là Hồng Bàng sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới một ngày không xa.
3. Tại sao phải thế?
Tại sao Chuck Reed và Madison Nguyễn phải làm thế? Có thể khách quan khẳng định là chẳng có một lý do chính đáng nào hết. Cái lý do chính đáng duy nhất là vấn đề phát triển thành phố. Những nhà lãnh đạo thành phố làm việc phát triển thành phố là đúng. Hoàn toàn chính đáng. Nhưng lý do này sẽ gặp phải hai phản biện đưa họ vào ngõ bí không lối thoát, không biện minh gì được.
- Thứ nhất, nếu phát triển để tăng bộ mặt hấp dẫn của thành phố và đưa nền kinh tế của thành phố đi lên dựa vào khối dân tỵ nạn Việt Nam là chính, thì tại sao lại phủ quyết nguyện vọng chính đáng và hữu ích của họ đóng góp cho thành phố? Như thế không phải là nghịch lý và phi kinh tế lắm sao? Nếu chỉ vì một cái tên gọi thất nhân tâm do HĐTP áp đặt mà khu thương mại bị người tỵ nạn tẩy chay thì liệu nó có phát triển nổi không? Hãy thử tưởng tượng thành phố Nữu Ước xây một tòa nhà một ngàn tầng trong khu Manhattan, vừa có mục đích chiếm kỷ lục Guinness, vừa để làm biểu tượng cho kinh tế của nước Mỹ, mà đặt cho nó cái tên Mein Kampf thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Người Do Thái ở Nữu Ước họ chịu để yên sao? Và nền kinh tế Mỹ sẽ vì đó phát triển hơn được sao?
- Thứ hai là, một câu hỏi không thể và không bao giờ trả lời nổi.: Tại sao việc phát triển thành phố lại quan trọng đến nỗi phải nhất quyết, dù là bằng cách phi dân chủ nhất, phủ nhận một cái tên mà tuyệt đại đa số cư dân VN tỵ nạn thành phố và là cử tri đề nghị? Làm sao trả lời nổi, vì nếu phăng ra cho đến cùng đầu giây mối nhợ, người ta sẽ khám phá ra thực sự là vì lý do gì ngay. Nói lý vậy thôi chứ chẳng cần lần giây gỡ mối gì ráo trọi, trực giác chúng ta cũng biết được tường tận vấn đề rồi. Thông thường cha mẹ đẻ con, cha mẹ đặt tên con.
Trong lãnh vực kinh tế cũng không khác, ông chủ (hay đại gia, danh từ thời thượng) bỏ tiền ra xây dựng cơ sở làm ăn, ông chủ đặt tên cho cơ sở của mình. Chính nhờ điểm này người ta mới bắt bọn Việt Gian CS phải lòi đuôi. Chúng ngông cuồng muốn nói rằng chúng là chủ nhân khu thương mại trên đường Store Rd., chúng có quyền đặt tên cho khu này. Và hơn nữa chúng muốn chứng tỏ rằng chúng đã chiến thắng cộng đồng tỵ nạn ở hải ngoại. HĐTP San Jose há miệng mắc quai là vì vậy. Việc này cũng cùng một nguyên lý với vụ Trần Trường tại Nam Cali tuy hình thức sự việc và diễn biến khác nhau. Ở nam Cali, VGCS thua đậm vì chúng đã tính toán sai nước cờ. Nhất là người dân tỵ nạn ở đây có tinh thần và đoàn kết hơn. Lần này thì nhờ vào tính chất dân chủ muôn mặt (hay muối mặt cũng vậy) của nước Mỹ, VGCS đã thắng. Và xét trên bình diện đấu tranh thì VNCH lại thua CS một keo đau đớn.
Chỉ có đại gia VGCS xen vào như thế mới làm thụt lưỡi Chuck Reed và Madison Nguyễn mà thôi. Cả hai đã dám hy sinh cả tương lai, muối mặt với những người mà họ đã chịu ơn, giẵm đạp lên truyền thống dân chủ của nước Mỹ như thế không phải là chuyện tầm phào. Đưa ra ánh sáng cái nguyên nhân của sự việc, ở nước Mỹ này là chuyện rất dễ nhưng thật ra cũng rất khó.Vẫn lại một câu danh ngôn: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Bẩy trăm ngàn dollars Nguyễn Văn Hảo làm quà cho Ron Brown ai cũng biết. Nhưng tìm ra tang chứng thì cho đến nay cơ quan điều tra của Hoa Kỳ cũng đành chịu thua! Cũng nên biết là ngành điều tra tư pháp Hoa Kỳ làm việc khó hiểu lắm. Năm 1995 khi ông Yitzhak Rabin, thủ tướng Israel bị ám sát, Hoa Kỳ tức tốc gởi ngay an ninh điều tra sang giúp Israel tìm ra hung thủ. Nhưng gần 50 chục năm nay, cơ quan này vẫn sao không tìm ra được thủ phạm thực giết chết TT Kennedy. Ông Ls Hoàng Duy Hùng tố cáo Mặt Trận [nay là Việt Tân] đủ mọi thứ tội hình sự, có chứng cớ hẳn hoi. Vậy mà FBI cứ tỉnh bơ, coi như chẳng có gì. Đảng trưởng Việt Tân, ông Đỗ Hoàng Điềm, lại còn được TT Bush mời vô Bạch Cung uống trà tán phét nữa. Đúng là những chuyện tiếu lâm nhưng có thực.
Không biết trong vụ này Chuck Reed và Madison Nguyễn có chấm mút gì được không. Chuyện này chỉ có Trời biết, Đất biết, VGCS biết và hai đương sự biết mà thôi. Tin rằng nền an ninh Hoa Kỳ có muốn xen vào cũng phải lắc đầu chào thua.
4. Chưa Hẳn đã là thất bại
Rõ ràng VGCS đã chọn một chiến trường tốt cho chúng để tấn công người Quốc Gia. So với các nơi khác có đông người tỵ nạn cư ngụ, San Jose nói được là một chiến trường hầu như bỏ ngỏ, vùng đất kém phòng ngự nhất. Các hội đoàn ở đây phần lớn tự cô lập về mặt sinh hoạt chính trị. Họ chiến đấu tự phát, thiếu phối hợp. VGCS và tay sai xâm nhập người và các phương tiện để đánh phá cộng đồng dễ dàng như chỗ không người: sách báo, phát thanh, băng nhạc, đại nhạc hội, cửa tiệm …. đủ thứ. Trong khi đó các hội đoàn chống cộng càng ngày càng phân hóa và tan rã dần, rồi quay ra chống nhau thay vì chống cộng.
Nhìn vào bản đồ trận liệt ở đây thấy dễ tức cười. Cái thế Quốc/Cộng cài răng lược đố ai có thể gỡ được. Một thí dụ dễ hiểu: hai phe chống cộng nhìn nhận nhau cùng chiến tuyến, nhưng một phe coi Hon Liên là tay sai VGCS, một phe lại endorse ả vào Hội Đồng thành phố. Rất may mà cô ả trượt vỏ chuối. Kết quả là hai phe chống cộng hết muốn nhìn mặt nhau. Trường hợp Madison hiện giờ cũng thế, và nhiều chuyện khác nữa, con mắt hời hợt nhất cũng có thể dễ dàng nhìn ra, chỉ cần chịu để ý một chút. VGCS chọn nơi đây làm chiến trường là thích hợp và chúng thắng là chuyện dễ hiểu. Chúng dùng “nội tuyến” để quật ngã chúng ta mới là điều gây sửng sốt và làm đau lòng mọi người. VGCS đang cần một chiến thắng để phô trương thanh thế. Cũng giống như năm 1958 bọn Mặt Trận Giải Phóng đánh chiếm tỉnh lỵ Phước Thành trong chốc lát để gây tiếng vang.
Qua kinh nghiệm này, người Việt tỵ nạn rút ra được một bài học quí giá. Nhìn vào chính bản thân, chúng ta nhận thấy đa số đã phạm phải hai sai lầm nghiêm trọng sau đây:
- chống cộng theo cảm tính, và
- về mặt nhận thức chính trị, đa số quá nông cạn và hời hợt đến nỗi không phân biệt nổi ta/dịch, bạn/thù.
Thất bại này chưa hẳn đã là chuyện xui rủi. Biến cố này đích thực cảnh giác mọi người và khơi lên một khí thế đấu tranh mới. Rất nhiều người đã đề nghi những biện pháp cần áp dụng như kiện HĐTP, recall thị trưởng Chuck Reed và nghị viên Madison. Cả hai đề nghị đều nằm trong lãnh vực luật pháp gai góc. Phải nghiên cứu vấn đề và cần rất thận trọng. Không phản công thì thôi, nhưng khi đã quyết định thì nhất định phải thắng. Như thế mới được, bằng không thì khí thế đấu tranh sẽ xẹp xuống như chiếc bong bóng xì hơi. Phe ta có luật sư thì phe địch tất nhiên cũng có luật sư, và có phần chắc là họ sẽ có luật sư giỏi hơn vì họ có tiền và có những thế lực mờ ám chống lưng. Nếu kiện thành phố mà thắng ta lấy lại được tên Little Saigon. Nhưng nếu thua thì phải trù liệu trước bước kế tiếp. Quyền boycott và nhiều biện pháp khác vẫn nằm trong tay chúng ta. Vấn đề recall cũng vậy. Đây là vấn đề danh dự và tương lai của cả cộng đồng. Vì thế cần có lãnh đạo tốt và có uy tín được hỗ trợ bởi các chuyên viên giỏi, đủ trình đô. Tuyệt đối không thể đánh theo lối võ tự do được. Chín người mười ý rất dễ sinh chia rẽ và đưa đến thất bại.
Như trên chúng tôi đã trình bầy, VGCS rất cần một chiến thắng để phô trương thanh thế và cần một địa bàn để làm cơ sở hầu tung ra các cuộc tấn công vào các khu vực khác. Đội quân xung kích của phe ta không gì thích hợp hơn và hữu hiệu hơn là các hội đoàn, đoàn thể QLVNCH. Ông Việt Thường phê phán GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh không sai. Suốt bao nhiêu năm qua, tổ chức Tập Thể Chiến Sĩ QLVNCH chỉ thấy hội họp bầu bán vẫn chưa xong. Chưa thấy làm được việc gì đáng kể. Đấy là chưa nói đến chuyện bị bọn Việt Tân “chơi đểu” làm mang tiếng. GS Nguyễn Xuân Vinh đã có tinh thần và chứng tỏ nhiệt huyết qua việc ông tham dự Đêm-Dài-Nhất 20-11. Chỉ cần ông biết bỏ đi tự ái cá nhân, cố gắng hy sinh thêm một bước nữa, vận động hàng ngũ quân lực dấn thân vào công việc. Chúng tôi tin rằng thắng lợi sẽ nằm trong tầm tay.
Công việc tranh đấu này tuy nhiên cũng mới chỉ ở tầm mức chiến thuật. Dựa vào khí thế đang lên, những vị có trách nhiệm cũng nên hoạch định những đề án chiến lược để yểm trợ cho các phong trào tranh đấu lúc này đang dâng cao. Trong bài viết ngắn này chúng tôi không tiện dài dòng. Chỉ xin vắn tắt gợi ý lại lời kêu gọi thống thiết của nhà văn, nhà tranh đấu dân chủ Trần Khải Thanh Thủy xin đồng bào tỵ nạn hải ngoại embargo và boycott bọn VGCS. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất và thích hợp khả năng của chúng ta nhất. Chỉ cần đoàn kết và thống nhất ý chí chúng ta sẽ làm được việc này. Không luật pháp nào, không nhà nước nào, không thế lực nào có quyền cấm đoán chung ta làm công việc này cả. Caí khó là khó ở tại lòng người. Dĩ nhiên là không thiếu những người đã xé bỏ căn cước tỵ nạn. Nhưng chỉ cần vận động được 2/3 cộng đồng thôi là kết quả trông thấy rồi. Vấn đề quan trọng nhất là quí vị nhân sĩ, sĩ phu, các bậc tôn trưởng, các vị lãnh đạo, các nhà hoạt động cộng đồng có chịu hy sinh ngồi xuống để cùng nhau bàn bạc không mà thôi.
Kết Luận
Biến cố Đêm Dài Nhất xét về tâm lý nó không khác gì sự kiện anh chàng Mỹ đen Rodney King bị 4 viên cảnh sát Los Angeles đánh đập trên đường phố trong lúc đang lái xe. Rodney bị sức mạnh của luật pháp bề hội đồng trên thân thể. Còn cộng đồng tỵ nạn Việt Nam chúng ta bị HĐTP San Jose bề hội đồng bằng cách đâm lút cán những nhát dao phi dân chủ thấu qua tim. Cả hai trường hợp đều ít nhiều mang tính chất kỳ thị khó che dấu nổi. Theo đạo lý Đông Phương thì công lý tất thắng gian tà. Nhưng công lý cũng phải đổ công lao, có khi xương máu, thì mới có. Để dành được công lý cho Rodney, cả cộng đồng da đen tại thành phố Los Angeles đã đoàn kết lại và hành động. Để tranh thủ công lý cho chính mình, không lẽ cộng đồng tỵ nạn chúng ta lại thua kém cộng đồng da đen Los Angeles về tinh thần đoàn kết?
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
0 comments:
Post a Comment