PHỦ NHẬN THIÊN CHÚA
BẰNG LÝ LUẬN: TÀO LAO
BẰNG THỰC NGHIỆM: BẾ TẮC
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Trên nhiều websites tiếng Việt lúc này thấy xuất hiện khá nhiều bài viết tán dương và cổ võ cho quan điểm vô thần (atheistic opinion.) Tất cả gặp nhau ở một điểm là phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa (God hay Thượng Đế hay Tạo Hóa.) Điều đáng tiếc là một số đã nhân cơ hội quay sang bôi nhọ, công kích, và mạ lỵ Thiên Chúa Giáo. Các bài viết có khi là sự trực tiếp bầy tỏ quan điểm. Có khi dịch từ các phát biểu hoặc luận văn của các triết gia hoặc khoa học gia hàng đầu trong lãnh vực nghiên cứu và khả năng hiểu biết của các vị này. Vấn đề trình bầy một quan điểm, dù là vô thần, để giúp học hỏi là chuyện đáng hoan nghênh. Nhưng đưa ra quan điểm của những nhân vật cho dù thuộc hàng trí giả trong thiên hạ, coi là chân lý tuyệt đối, rồi dựa vào đó để bôi bác, đánh phá, cho tín ngưỡng của người khác là cuồng tín, cực đoan, mê tín, dị đoan v.v. là một chuyện không thể chấp nhận được.
I. PHỦ NHẬN THIÊN CHÚA BẰNG LÝ LUẬN: TÀO LAO
Chúng tôi có đọc, không dám nói là hết nhưng, một số khá lớn các bài loại này. Những bài viết phần lớn dựa vào quan điểm của hai nhân vật trí giả hàng đầu trong lãnh vực triết học và khoa học hiện nay là triết gia Bertrand Russell và nhà vật lý vũ trụ Stephen Hawking. Nhận định chung của chúng tôi là, con người không thể phủ nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa dù bằng lý luận như Russel, hoặc bằng thực nghiệm như Hawking. Việc làm của họ không đạt được mục đích, bởi vì không thể và vô ích, hoặc rơi vào bế tắc. Vì thời giờ quá eo hẹp, hôm nay chúng tôi xin đề cập đến quan điểm vô thần của triết gia Bertrand Russell trước. Quan điểm của nhà vật lý vũ trụ Stephen Hawking xin để đến lần sau, khi thời giờ cho phép.
Quan điểm vô thần của triết gia Bertrand Russell được trình bầy trong bài diễn văn nổi tiếng của ông “Why I am not a Christian” do ông Lê Dọn Bàn dịch sang tiếng Việt đang được nhiều người nhắc tới như là một mẫu mực về lý luận trong lúc này. Bài diễn văn được biết đến nhiều là vì quan điểm vô thần rất quyết liệt của ông. Toàn bài là những luận chứng triết học phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế. Russell phê phán quan điểm của thần học Kitô giáo là nông cạn và thiếu sót. Chúa Giêsu cũng chẳng tài cán gì hơn ai, không phải là một con người khôn ngoan thượng đẳng (ý nói không phải là Thượng Đế.) Nhận định của ông là nếu có Thiên Chúa thì Thiên Chúa quá tầm thường lại độc ác, vì đã dựng nên một thế giới đầy rẫy đau khổ và bất công, lại còn dựng nên hỏa ngục đời đời để trừng phạt con người có tội. Russell cho rằng Đấng Christ không đứng cao ngang bằng hạng với nhiều nhân vật lịch sử như Đức Phật, Socrates. Xem ra ông rất thù ghét đạo Công Giáo, ông kết luận về Giáo Hội Công Giáo như sau: “Tôi nói với tất cả thận trọng rằng, đạo Kitô, như tổ chức giáo hội, đã từng và vẫn còn là thù nghịch chính của các tiến bộ đạo đức trên toàn thế giới……” Russell nói thế nhưng ông không thể chối cãi được sự thật lịch sử là, khoa học kỹ thuật tiến bộ và phát triển trước nhất và mạnh mẽ nhất tại các nước theo Thiên Chúa giáo, nền văn minh Thiên Chúa Giáo vươn tới đỉnh cao nhất trong các nền văn minh của nhân loại, những tấm gương sống quên mình vì hạnh phúc của người khác đa số đều là người Thiên Chúa giáo v.v. và v.v.
Chúng tôi tự biết mình tài hèn sức mọn, sở học không nhiều, kiến thức lại thiếu, nhưng cũng dám bạo phổi trình bầy một vài suy nghĩ riêng tư về triết gia Bertrand Russell và những luận chứng của ông nêu lên để bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúng tôi không đi vào phê phán từng luận chứng, mà chỉ nêu một vài điểm quan trọng trong đó và cũng thường gặp ngoài công luận. Mơ ước của chúng tôi là, cho dù có Thiên Chúa hay không, thì con người cũng nên tôn trọng tín ngưỡng hay không tín ngưỡng của nhau. Đối với bản thân là một tín hữu công giáo, chúng tôi luôn tâm niệm rằng cho dù thật sự không hề có Thiên Chúa đi chăng nữa, thì con người cũng nên tự dựng nên một Thiên Chúa riêng cho mình mà tôn thờ. Vì không có Thiên Chúa, con người sẽ lên ngôi Thiên Chúa. Cái thảm họa “xã hội vô thần của người cộng sản” một phần ba nhân loại ngày nay đã trải nghiệm, và mọi người trên thế giới đã mắt thấy tai nghe. Nó dã man, tàn bạo và kinh hoàng như thế nào là một thực tại không ai có thể phủ nhận.
Để tránh hiểu lầm, chúng tôi xin minh định, bài viết này không phải để tranh luận, lý do là vì triết gia Bertrand Russell không còn nữa. Thật sự chúng tôi cũng không dám, xin nói thật, mà đơn giản chỉ đưa ra nhận xét riêng tư của chúng tôi về ông, về quan điểm của ông. Lại nữa, chúng tôi không nhân danh công giáo để phát biểu, mặc dầu chúng tôi là một tín đồ công giáo. Sống trong một thế giới tự do, quyền tự do phát biểu là quyền của mọi người. Chúng tôi dù chỉ là phàm phu, cũng phải được quyền bầy tỏ quan điểm như bất cứ ai. Không phải chỉ có giới này, thành phần nọ mới được quyền phát biểu về những vấn đề quan trọng. Một điềm khác nữa là, để trình bầy quan điểm của mình, chúng tôi không nêu lên vấn đề “Có Thiên Chúa” như một luận đề để bảo vệ. Căn cứ vào tư cách, đạo đức cá nhân của triết gia Bertrand Russell, phân tích các luận chứng ông nêu, chúng tôi cho rằng, quan điểm Thiên Chúa không hiện hữu của ông không đứng vững, các luận chứng ấy chứa đầy rẫy thiếu sót và bất cập về nhiều mặt. Những thiếu sót và bất cập đó có thể xem như là mặt tích cực trong việc bảo vệ quan điểm riêng của chúng tôi “Có Thiên Chúa hiện hữu,” mà như đã nói trên, chúng tôi không nêu lên thành một luận đề để bênh vực. Đó là cách gián tiếp chúng tôi trình bầy quan điểm của mình.
Bước vào bài viết, chúng tôi xin đặt ra một câu hỏi rồi sẽ tuần tự bàn bạc để bạn đọc dễ theo dõi. Câu hỏi đó là: Bertrand Russell cho rằng Thiên Chúa không hiện hữu, tức không có vấn đề sáng tạo, hay nói cách khác, vũ trụ vạn vật là do chúng tự thành, có phải là một chân lý đáng tin cậy không? Câu trả lời của chúng tôi đơn giản là KHÔNG. Và tại sao thì:
1. Với kinh nghiệm - Chỉ cần hướng mũi giáo vào vài điểm khó giải và nhậy cảm nhất mà Russell nêu lên trong bài diễn văn “Why I am not a Christian” là có câu trả lời rồi. Các luận chứng của ông phần nhiều (nói hơi quá) đều là lý sự cùn (triết lý mà,) đôi khi nhảm nhí nữa. Vả lại, như chúng ta thường thấy xẩy ra trong triết học, học thuyết này đánh đổ học thuyết khác, triết lý nọ phủ định triết lý kia là chuyện xẩy ra như cơm bữa. Điều này dễ hiểu thôi, bởi vì tất cả chỉ là lý thuyết, nói đúng hơn là giả thuyết, không có chứng minh cụ thể. Duy vật sử quan (Materialistic Conception of History) là một lý thuyết vô thần hấp dẫn nhất từ trước đến nay, bởi vì nó dựa trên căn bản đáng tin cậy nhất để thuyết phục là dùng lịch sử giải thích sự tiến hóa của xã hội, thế mà cũng đang trên con đường đi tới nghĩa địa, thì thử hỏi ba cái lý sự cùn của Russell có nhằm nhò gì. Nó đứng vững và tồn tại được mãi không? Dùng lý luận để phủ nhận Thượng Đế là điều không tưởng và vô ích, bởi vì kinh nghiệm sống cho thấy, tin có Thượng Đế là một “đức tính” nền tảng của đời sống tâm linh của con người từ lúc sinh ra. Một đứa trẻ còn rất nhỏ mỗi khi gặp đe dọa, nơi nó chạy đến để tìm sự che chở là cha mẹ. Trước sự đe dọa, cha mẹ em bé dù là người tàn tật, yếu đuối, hay bất lực, em bé vẫn chỉ tìm đến cha mẹ chứ không một ai khác. Tại sao? Là bới vì em chỉ tin vào cha mẹ em. Tự nhiên thế thôi. Càng khôn lớn hơn, đời sống tâm linh con người càng trưởng thành hơn. Cuộc sống bắt buộc phải đấu tranh quá phức tạp mà sự che chở của cha mẹ không đủ bảo đảm nữa, sự tin tưởng của đứa con vào cha mẹ tự nhiên chuyển dần sang một đấng thần linh quyền năng. Người theo Phật tin Phật. Người Hồi tin Đấng Allah. Người theo Chúa tin Chúa v.v. Đức tin như vậy là bẩm sinh và là thuộc tính của con người. Không ai có khả năng tiêu diệt niềm tin đó được. Hỏi, người CS có chắc chắn vô thần không? Thưa, chưa chắc. Phạm Văn Đồng lúc về già lại gõ mõ tụng kinh. Lenin trước khi chết mơ ước có 10 Fransis Assisi (vị thánh bên Công Giáo) để xây dựng lại nước Nga là những thí dụ nên suy gẫm. Họ thực sự vô thần hay hữu thần?
2. Tiểu xảo của Russell - Bertrand Russell tự biết không thể đạp đổ được tượng thần Thượng Đế trong tâm thức con người, ông phải vận dụng đến hạ sách là hạ thấp tư cách cá nhân của Đức Giêsu để làm việc đó. Ông đánh giá Đức Giêsu là một con người kém trí tuệ, thiếu khôn ngoan, và thiếu cả đạo đức (độc ác) v.v. Chúng ta thử nhìn vào cái hạ sách này xem sao.
a/ Chúa bất tài - Nếu Thiên Chúa thật sự vô cùng tài trí và khôn ngoan, Ngài đã chẳng dựng nên một thế giới chênh lệch và đầy rẫy bất công như thế này. Kẻ quá giầu, người lại quá nghèo. Người quyền cao chức trọng, kẻ làm tôi mọi suốt đời không ngóc đầu nổi. Người thì quá thông minh, kẻ ngu dốt đến lạ lùng ….. Đó là lý luận và biện chứng nêu ra để phê bình Chúa: Ngài là một con người kém thông minh và thiếu khôn ngoan. Đây là vấn nạn của hầu hết mọi người trên thế gian chứ không phải riêng gì Bertrand Russell. Một xã hội không còn bất công, không còn người bóc lột người, mọi người sống bình quyền và bình đảng, làm việc theo khả năng, hưởng theo nhu cầu v.v. là điều ai không mơ ước? CS Nga, CS Tầu, CS Vietnam đã cố gắng thử xây dựng xã hội lý tưởng này rồi, nhưng kết cục lại chỉ là một xã hội phản chứng trần truồng và thê thảm: bất công càng chồng chất bất công, chênh lệch càng thêm chênh lệch, đạo đức càng ngày càng suy đồi, xã hội điên đảo càng đảo điên hơn, con ngưòi càng bóc lột con người hơn. Cả Giáo Hội Công Giáo thời sơ khai cũng đã từng xây dựng giáo hội cộng sản. Nhưng khó quá. Giáo Hội cũng không làm nổi, đành phải dừng lại ở chỗ rao giảng luật yêu thương của Chúa cho con người thực hành mà cải tạo xã hội.
Để lý giải cái vấn nạn vô cùng khó khăn này, chúng ta thử tưởng tượng thế này. Thế giới hiện nay có khoảng 14 tỷ người. Chúa công bằng vô cùng, dựng nên 14 tỷ người này và thỏa mãn cho họ đầy đủ mọi nhu cầu một cách sung mãn và đồng đều, không ai hơn kém ai. 14 tỷ ngưòi tài trí thông minh như nhau, học giỏi như nhau, thành đạt như nhau, công ăn việc làm như nhau, tiền bạc kiếm bằng nhau, có nhà ở khang trang như nhau, xe hơi giống nhau, gia đình vợ đẹp con khôn như nhau v.v. Như vậy thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Chắc chắn mọi người lúc đó sẽ lại chửi Chúa rằng: Thiên Chúa gì mà ngu quá vậy không biết. Cái thế giới monotone (đơn điệu) thế này boring (nhàm chán) quá, như thế này thì làm sao mà sống nổi đây? Lúc đó con người lại mơ ước trở lại cuộc sống xưa kia, dù sao cũng đỡ nhàm chán hơn. Như thế thì người ta chỉ biết trách móc Chúa mà không hiểu Ngài. Chúa tạo ra cái thế giới chênh lệch và bất công này để làm gì? Nếu triết gia Bertrand Russell có thực sự nghiêm chỉnh đọc Thánh Kinh, hẳn ông sẽ tìm ra được thánh ý của Chúa. Ngài dậy: “… … Điều răn thứ hai là: Người phải yêu người thân cận như chính mình (Mc 12, 31.) Thiên Chúa dựng nên con người, đòi buộc con người phải thương yêu nhau, còn tạo ra cơ hội là dựng nên một xã hội không đồng đều và đầy rẫy bất công để con người thực hành đức bác ái. Thực hành luật yêu thương là chia sẻ và san sẻ cho nhau các sở hữu tinh thần lẫn vật chất. Chiến tranh, loạn lạc, tai ương, bất công, đói khổ v.v. là tại con người thiếu tình yêu thương, không biết chia sẻ và san sẻ cho nhau những gì mình nhận được từ Thiên Chúa hơn người khác. Nếu con người sống luật yêu thương như Chúa dậy thì thế giới sẽ không có chiến tranh, xã hội sẽ hết bất công, và con người đâu có còn phải đau khổ. Vậy thì thế giới bất công là do Thiên Chúa bất tài, kém thông minh hay tại con người tham lam, ích kỷ?
b/ Chúa ác độc - Quả thực cái hình ảnh “hỏa ngục đời đời” Chúa dựng nên để phạt kẻ có tôi xem ra tàn nhẫn và độc ác quá. Nhưng vẫn là chuyện có thể hiểu được và cũng dễ chấp nhận thôi nếu chúng ta chịu tìm tòi và suy nghĩ. Chúng tôi muốn nói với những ai không chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa quyền năng rằng, “nếu” có Thiên Chúa thì Ngài thuộc về thế giới thường còn và vô hình, chứ không thuộc thế giới vô thường và hữu hình này. Do đó những chữ “đời đời, vĩnh hằng v.v.” nên hiểu ý niệm thời gian là của thế giới vô thường. Thật ra chẳng làm gì có thời gian. Thời gian chỉ là khái niệm con người dùng để mô tả sự thay đổi của vạn vật. Trái đất quay nửa vòng chung quang trục Bắc Nam từ Đông sang Tây ta có một ngày. Nó di chuyển trên quĩ đạo chung quanh Mặt trời một vòng ta có một năm. Giả sử trái đất đứng yên một chỗ, không di chuyển, cũng không quay thì làm gì có ngày và có năm. Nhà triết học qua bên thế giới thường còn mà nói chữ “đời đời” hay “vĩnh hằng” v.v. người ta sẽ cười cho.
Vậy phải giải thích chữ “đời đời trong hỏa ngục” như thế nào để cho Chúa khỏi phải bị nguyền rủa là ác đức?
Một vật xoay tròn đều - cái bánh xe chẳng hạn - phát sinh ra lực qui tâm, và đồng thời còn phát sinh ra phản lực gọi là lực ly tâm. Tất cả các vật thể nằm trong vòng ảnh hưởng của sự quay đều của bánh xe đều bị hai lực đó tác động, hoặc bị hút vào tâm của bánh xe, hoặc bị đẩy ra xa khỏi bánh xe. Bánh xe càng quay nhanh, sức hút và sức đẩy càng mạnh. Mỗi vật thể nằm trong tầm ảnh hưởng của bánh xe quay chỉ bị tác động một lần, hoặc bị hút, hoặc bị đẩy, và hậu quả là vĩnh viễn, nghĩa là không bao giờ có chuyện hút vào rồi lại đẩy ra hay ngược lại nữa.
Con người sống trên đời, thân xác có sinh, có diệt nên thuộc thế giới vô thường đời này. Linh hồn [tâm thức?] không bị hủy hoại nên sau khi chết, đi về thế giới thường còn. Việc thiện, ác của con người trên đời do tâm thức tự do quyết định mà làm ra nên vẫn đi theo tâm thức về thế giới bên kia. Thế giới thường còn bên kia ví như cái bánh xe quay tròn đều. nó cũng phát sinh ra lực qui tâm và phản lực ly tâm. Con người chết, phần tâm thức mang theo về thế giới bên kia các việc thiện, ác đã làm ở trên đời. Do đó nó được hút vào thiên đàng hay bị đẩy xuống hỏa ngục tùy theo mức độ nhiều ít hay nặng nhẹ của thiện, ác. Tác động của bánh xe vô hình này đối với mỗi linh hồn cũng chỉ xẩy ra một lần và hậu quả vĩnh viễn. Đó là ý niệm đời đời ở bên kia thế giới thường còn: thiên đàng hay hỏa ngục.
Chúng tôi đưa ra hình ảnh cái bánh xe quay để giải thích khái niệm thời gian của “thiên đàng vĩnh cửu” và “hỏa ngục đời đời” cho dễ hiểu thôi, mặc dù chính mình cũng chưa hẳn thỏa mãn với sự giải thích đó. Chắc chắn không thể dùng hình ảnh của thế giới vô thường này để cắt nghĩa việc thưởng phạt đời sau của Thiên Chúa được, bởi vì vấn đề sẽ rơi vào bế tắc. Rất tiếc sự bế tắc lại nằm trong giáo lý của Phật, lãnh vực mà tôi đã thú nhận là thiếu kiến thức nên không dám lạm bàn, rất dễ bị hiểu lầm và lầm lẫn. Bởi vì bên Thiên Chúa Giáo có vấn đề “hỏa ngục đời đời” nên triết gia Bertrand Russell cho là Chúa Giêsu độc ác, thiếu khoan dung, tư cách thua cả Đức Phật hay Socrates. Do đó mà chúng tôi muốn cho thấy rằng theo kinh Phật, con người ta sau cái chết, tùy nghiệp sẽ thành Phật, vô Niết Bàn, xuống ngục A Tỳ hay đầu thai là chuyện không lý giải được: bế tắc. Chúa Giêsu vẫn là Thiên Chúa nhân hậu và đầy khoan dung, không tin cứ thử khiêm tốn qùi dưới chân Thánh Giá suy gẫm mà coi sẽ thấy.
Như vừa trình bầy, phê bình những điều vô cùng rối rắm và khó hiểu trong giáo lý của Đức Phật thật sự ngoài khả năng của tôi. Để giữ cho không khí hòa ái và cho bớt nhức đầu, tôi xin kể hầu quí bạn đọc câu chuyện ngày xưa cho vui. Khoảng 1978 hồi còn nằm trong trại tù Tân Lập, Vĩnh Phú, tôi ở cùng đội với một vị Đại Đức tên Minh, tuyên úy Phật Giáo QĐIII. Ông ở trên lầu (sàn trên,) nằm bên cạnh đại úy Nguyễn Hưng, phi công, con của cựu tỉnh trưởng tỉnh Định Tường thời Đệ ICH, cụ Nguyễn Trân. Tôi nằm tầng trệt (sàn dưới.) Buổi chiều sau khi tù vô “chuồng,” thỉnh thoảng tôi lên lầu truyện gẫu với vị tuyên úy dễ mến này. Có một lần chúng tôi đàm đạo về Phập Pháp - tôi muốn học hỏi. Tôi hỏi thầy Minh về cái pháp vô ngã, vô thường trong đạo Phật. Ông giảng cho tôi một thôi một hồi, rồi sau cùng hỏi tôi có hiểu không. Tôi trêu chọc ông, thật sự chẳng hiểu mô tê gì (đói thấy mụ nội làm sao mà hiểu): “Thì thấy có thầy Minh đấy, mà lại không phải là thầy Minh, nhưng hóa ra là thầy Minh thật, thế mới hay.” Ông cười hiền hậu: “Anh hiểu rồi đấy.” Tôi được trớn đùa thêm: “Bởi vì ông cũng đang nằm trong phòng giam trại tù Tân Lập chứ có phải tại phòng tuyên úy ở Biên Hòa đâu.” Thật ra tôi mù mờ chẳng hiểu gì cả. Đại Đức Minh khen thật hay khen xã giao, tôi cũng chẳng biết nữa.
Cái bế tắc tôi muốn nói ở đây không phải vấn đề vô thường hay thường còn, vô ngã hay tự ngã, mà là vấn đề hai chữ “tự do” của con người theo Phật Giáo. Một người, tôi đặt tên là A chẳng hạn, còn sống anh rất khôn ngoan và xông xáo. Suốt đời anh bất kể Trời, Phật, bất chấp luật pháp, việc tàn ác, thất đức nào anh cũng không từ, miễn sao anh và vợ con anh được sung sướng. Sau khi chết, với bản chất khôn ngoan và xông xáo cố hữu, để được sung sướng, A nhất định phải bon chen nhập vào Đại Ngã của vũ trụ để thành Phật, hay ít ra xoay xở vô Niết Bàn cho sướng, chứ tội gì chui đầu vào ngục A tỳ hay đầu thai thành trâu, chó cho khổ. Ai cấm anh đâu? Tự do mà. Nếu anh không được phép hành động theo bản năng thì rõ ràng anh đã mất tự do. Vì trên đời anh ác độc quá nên anh bị bắt phải đi đầu thai làm con trâu kép cầy trả báo. Câu hỏi đặt ra là, ai, cái gì có quyền bắt anh A phải đi đầu thai làm kiếp trâu? Ai có khả năng và có quyền tước đi quyền tư do hành động theo bản năng vốn có của anh? Nếu có Đại Đức Minh ở đây, tôi tin chắc ông sẽ trả lời tôi rằng nguyên do là tại cái “Nghiệp” của A. Vâng tôi biết thế. Phật Pháp dậy rằng Nghiệp là nguyên nhân gây ra Quả. Vâng, nhưng Nghiệp đây chỉ là một khái niệm trừu tượng, vô ngã, vô tri thì làm sao nó có ý chí và quyền năng để tước đoạt tự do của anh A được. Tôi cho rằng đó là chỗ bế tắc của Phật Pháp bởi vì Đức Phật cũng đã gạt bỏ đi Thượng Đế quyền năng.
Tiện đây tôi cũng xin tạt qua vấn đề Phật Pháp “Duyên Khởi” trong đạo Phật một tí. Phật Pháp dậy rằng, trong cái thế giới vô thường này, tất cả đều tùy Duyên. Hữu Duyên tất thành, vô Duyên tất hoại. Nhưng cái ý niệm “Duyên” nó có khác cái gì ý niệm Nghiệp gì đâu. Duyên cũng chỉ là một ý niệm mơ hồ, trừu tượng, vô ngã và vô tri thì làm sao tác động vào vạn vật để khiến chúng thành hay hoại được. Cứ coi Duyên như một chất xúc tác đi. Nhưng chất xúc tác trong hóa học là vật chất hữu thể, nó khác xa. Luận lý về Nghiệp hay Duyên cũng giống như lý luận đấu tranh giai cấp của Marx. Marx nói trong xã hội con người cần có đấu tranh gai cấp mới có tiến bộ. Khi được hỏi, khi các giai cấp đã bị tiêu diệt, chỉ còn giai cấp công nhân thôi thì có phải giai cấp này hết đối tượng tranh đấu, xã hội hết tiến hóa không? Marx bí quá trả lời, lúc đó con người đấu tranh với thiên nhiên. Một triết gia lừng danh, một trí giả khuynh đảo được cả thế giới, thế mà lúc lâm vào chỗ bí thì hồ đồ, ăn nói tào lao như vậy đó. Thê thảm!
3. Bertrand Russell: một bậc trí giả hay trí thức gà mờ?
Sau cùng, để làm rõ tính khả tín trong quan điểm vô thần của triết gia Bertrand Russell, chúng tôi xin nhận định về tính cách trung thực trong quan điểm của ông, tức là sự vô tư, sáng suốt của người nêu quan điểm, mà không quan ngại đến sự chính xác của quan điểm. Sau đây cần nêu lên một vài điểm mốc lịch sử cần thiết trong thời sinh tiền của ông để nhìn vấn đề cho thấu đáo:
- Bertrand Russell: sanh năm 1872 chết năm 1970 (thọ 97 tuổi)
- Karl Marx: sanh năm 1818 chết năm 1883 (tho 64 tuổi)
- Liên Bang Sô Viết thành lập : năm 1917
- Hiệp Định Geneve chia cắt VN : ngày 21 - 7- 1954
- Tỉnh lỵ Phước Thành của VNCH bị CS chiếm: : ngày 18 - 9 - 1961
- Trận Ấp Bắc tỉnh Bến Tre xẩy ra : ngày 02 - 1 - 1963
- Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng : ngày 08 - 3 - 1965
Nhìn vào các mốc thời gian trên, trong mỗi người không thể không nẩy sinh ra một số thắc mắc. Những thắc mắc phải có như sau:
a/ Thời sanh tiền của triết gia Bertrand Russell (97 năm) là thời kỳ bành trướng mạnh nhất của triết thuyết duy vật của Karl Marx. Russell có hiểu biết gì về lý thuyết Duy Vật Biện Chứng của Karl Marx không? Ông có nhìn thấy hay biết gì về việc người CS thực hành triết lý duy vật vô thần của Marx tại các nước CS Nga, Đông Âu, Trung Hoa, VN, Triều Tiên, và nhiều nơi khác nữa trên thế giới không?
b/ Theo Hiệp Định Geneve, VN bị chia cắt tạm thời thành 2 quốc gia riêng biệt: VNCH miền Nam, và VNDCCH miền Bắc. Biến cố có tính cách quốc tế quan trọng này xẩy ra tại Geneve, Thụy Sĩ, triết gia Russell có biết việc phân chia này không?
c/ Chiến tranh xâm lược miền Bắc gây ra cho miền Nam có thể kể từ khi CS đánh chiếm tỉnh lỵ Phước Thành ngày 18-9-1961, sau đó trận Ấp Bắc ngày 01-1-1963, và rồi cứ thế càng ngày càng bùng nổ lớn và khốc liệt theo thời gian. Báo chí Tây phương có tường thật không?
d/ Hoa Kỳ chỉ thực sự tham chiến tại VN kể từ ngày Thủy Quân Lục Chiến của họ đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 8-3-1965. Điều này có nghĩa là, VGCS miền Bắc gây chiến xâm lược miền Nam trước rồi Hoa Kỳ mới nhẩy vào tham chiến sau. Bertrand Russell có biết các sự kiện này không?
Có thể nói Russell là người sinh ra cùng thời với chủ nghĩa vô sản của Marx, nên con người ông đồng thời cũng gắn liền với cuộc chiến tranh xâm lược để bành trướng của chủ nghĩa này. Tất cả các sự kiện xẩy ra liên quan đến VN trong thời chiến chắc chắn phải được phổ biến từng ngày, từng giờ trên các phương tiện truyền thông Âu Châu. Một triết gia lớn như Russell không thể không biết hoặc nhầm lẫn được. Ông đủ trí tuệ để biết nguyên nhân của cuộc chiến, phân biệt được ai là kẻ gây chiến, và ai bị bó buộc phải tự vệ. Thế nhưng triết gia Russell đã đứng hẳn về phía bọn xâm lược Bắc Việt. Ông lập ra các tòa án xử tội ác chiến tranh nhắm vào Hoa Kỳ. Chúng tôi không tán thành việc nước Mỹ trực tiếp tham chiến tại VN, nhưng việc quân đội Hoa Kỳ sử dụng vũ khí gì, phương tiện chiến tranh nào để chiến đấu, so với việc giết người bằng cách trấn nước, bổ quốc lên đầu, lấy dao cắt cổ, mổ bụng để nhét chất nổ vào trong, giật mìn xe đò, pháo kích trường học v.v. của VGCS thì hãy còn thua xa về mức độ dã man và tàn bạo. Tòa án của triết gia Russell đã tổ chức nhiều phiên tòa ở Âu Châu và Mỹ. Tháng 11-1969 ông còn kêu gọi ông U Thant, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ cho ông thiết lập một Ủy Ban Quốc Tế điều tra việc ông cho là Hoa Kỳ hành hạ và giệt chủng dân chúng miền Nam VN trong thời chiến tranh. Ý ông muốn đem vụ Mỹ Lai ra xử. Thật là quái đản, một vụ giệt chủng khủng khiếp hơn vụ Mỹ Lai gấp bội, tàn ác gấp bội, nhất là được tính toán kỹ càng ở Huế mà chúng ta thường gọi là “Vụ thảm sát tết Mậu Thân” xẩy ra trước vụ Mỹ Lai chỉ vài tháng trời, thế mà Bertrand Russell không biết? Không ai thấy ông nói lên dù chỉ một nửa lời công đạo? Không lẽ ông không biết vụ thảm sát tết Mậu Thân thật?
Thái độ của Bertrand Russell buộc người VN chúng ta phải đặt ra thắc mắc là ông có biết hay không biết các biến cố trong chiến tranh VN, hiểu hay không hiểu vấn đề để chọn thái độ và chỗ đứng cho đúng với cương vị và đạo làm người của ông? Nếu ông biết mà vẫn giữ lập trường và chọn chỗ đứng bên cạnh bọn xâm lược Bắc Việt, thì ông không xứng đáng được gọi là trí thức, chứ chưa nói là trí giả, là một con người đầy thiên kiến, thiên vị, vô lương tâm và vô nhân đạo. Còn như nếu ông không biết thì quả thật khả năng nhận thức của một triết gia như ông rất đáng nghi ngờ. Chuyện xẩy ra ở dưới đất ông không biết thì làm sao biết được chuyện trên trời? Việc con người mà ông không biết, hoặc biết không đến nơi đến chốn thì làm sao khẳng định được việc của Thượng Đế? Chuyện ngay trước mặt và trong tầm nhìn mà ông không nắm vững thì làm sao thấu đáo được thực tại Thiên Chúa vô hình, có hay không có? Vậy thì ông chứng minh được cái gì bằng ba cái lý sự cùn của ông?
Như trên chúng tôi đã viết, triết thuyết này có thể bị triết thuyết khác đánh đổ. Như vậy thì bất kỳ triết tuyết nào cũng vậy, chưa phải là sự thật phổ quát, là chân lý tuyệt đối. Quan điểm của triết gia Bertrand Russell cũng không ngoại lệ, nó không thể được coi là chân lý hiển nhiên mọi người phải chấp nhận. Hơn nữa tư cách và đạo đức cá nhân của ông còn có nhiều chỗ bất cập như đã trình bầy. Cho nên việc phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa của ông chỉ đáng kể là một mớ lý luân tào lao. Ông có đọc Thánh Kinh, nhưng đọc để đem ra bôi bác. Đáng tiếc, trong Kinh Thánh có chỗ Chúa Giêsu nói rõ về ông, ông lại không chịu đọc, hoặc có đọc mà không thèm quan tâm. Chúa nói: “Lậy Cha là Chúa tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lậy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha (Mt 11, 25-26.)
II. PHỦ NHẬN THIÊN CHÚA BẰNG THỰC NGHIỆM: BẾ TẮC
Đến đây chúng tôi xin bước qua phần nhận định về quan điểm vô thần trong khoa học.
Khoa học gia vô thần được nhiều người Việt ca tụng mà ở đây chúng tôi nhắc đến là nhà vật lý vũ trụ ông Stephen Hawking, hiện vẫn còn sống. Có một điều chúng tôi thấy cần lưu ý bạn đọc là có một sự khác biệt trong cách thức bầy tỏ quan điểm giữa một triết gia và một nhà khoa học. Triết gia không tin có Thiên Chúa thì ông bầy tỏ quan điểm một cách quyết liệt và đôi khi sỗ sàng. Trái lại, một nhà khoa học -như Stephen Hawking chẳng hạn- thường ít khi nói lên minh bạch quan điểm của mình. Ông chỉ muốn đem khoa học ra minh chứng rằng vũ trụ vạn vật này tự hữu và tự hành, không cần gì đến bàn tay của Thiên Chúa. Stephen Hawking không minh thị phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng khoa hoc, ông khẳng định: “Mục tiêu của tôi đơn giản thôi. Đó là sự am hiểu tường tận về vũ trụ, tại sao nó lại như thế này, và tại sao nó hiện hữu thế thôi.” (My goal is simply. It is complete understanding of the universe, why it is as it is and why it exist at all). Ông không phải ai khác hơn là một nhà khoa học đem Thiên Chúa (God) liên kết với các định luật vật lý. God đối với ông chỉ là một bộ (set) các phương trình toán học, một nguyên lý trừu tượng ổn định trật tự và sự hài hòa trong vũ trụ.
Như thế có thuyết phục không? Trong phần này, chúng tôi lấy học thuyết Big Bang làm tiêu điểm để phê phán, một phần vì học thuyết này được nhiều người dựa vào để công kích niềm tin của người Thiên Chúa Giáo. Đàng khác, nó cũng là lý thuyết trọng tâm mà nhà vật lý vũ trụ học Stephen Hawking gắn bó. Vì thế chúng tôi xem xét quan điểm vô thần của Hawking qua học thuyết Big Bang hơn là trực tiếp đề cập tới ông.
1. Charles Darwin - Đem tên tuổi nhà thiên nhiên học (naturalist) lừng danh và là cha đẻ của thuyết Tiến Hóa (Evolutionism) vào đây xem ra hơi lạc quẻ. Đúng vậy, nhưng cũng có lý do cả. Trước hết Darwin không phải là một người vô thần (atheist) nên không thể xếp Charles Darwin và các nhà khoa học vô thần vào chung một danh sách được. Ông tự bạch: “I have never been an atheist in the sense of denying the existence of a God. - I think that generally… ... an agnostic would be the most correct description of my state of mind.” (Tôi chưa bao giờ là một người vô thần hiểu theo nghĩa là chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nói chung là người của thuyết bất khả tri (agnosticism) là cách mô tả đúng đắn nhất trạng thái tư duy của tôi). Thứ hai, thuyết Tiến Hóa không đặt ra vấn đề vũ tru từ đâu mà có. Lý thuyết này chỉ là cách giải thích sự tiến hóa của các sinh vật từ một tế bào sống cho tới muôn loài vạn vật như chúng ta thấy ngày nay.
Sự giải thích tiến trình phát triển của các loài sinh vật sở dĩ được đa số giới khoa học hoan nghênh và thừa nhận là bởi vì nó tỏ ra hữu lý và có sức thuyết phục. Tuy nhiên nó không phải là không có những chỗ bế tắc. Khoa học vi hạt hiện nay không thể nào giải thích nổi sự chọn lựa tự nhiên của các hạt như thế nào để đi đến tiến hóa. Ngay đối với các chủng loại cũng thế nữa. Chẳng hạn ở vào thời rất xa xưa, hàng vạn, triệu năm, có loài vượn tiến hóa thành người theo qui luật tiến hóa đột phá. Câu hỏi là sự đột biến đó là đột biến chủng loại hay cá thể. Nếu là chủng loại thì tại sao ngày nay vẫn còn loài vượn trên trái đất? Và nếu là cá thể thì những con vượn ngày nay bao giờ mới trở nên thành người? Hoặc, nếu bảo rằng loài hươu cao cổ phải phát triển cái cổ dài hơn để thích ứng với môi trường sống của nó. Vậy tại sao những loài động vật ăn cỏ khác chung sống với hươu cao cổ trong cùng một khu vực lại không dài cổ như hươu? Khỏi cần nói chi xa xôi cho mệt, ai tin được những người da đen tại Mỹ một ngày nào đó, theo định luật chọn lựa tự nhiên của Charles Darwin, sẽ biến thành người da trắng?
Có nhiều người coi thuyết Tiến Hóa của Darwin là lý thuyết phản bác lại thuyết Sáng Tạo cúa Thiên Chúa Giáo một cách thuyết phục nhất. Họ cho rằng thuyết Tiến Hóa là minh chứng không thể phản bác được để chống lại lời Thánh Kinh dậy Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Nhưng họ lại không thấy rằng thuyết Tiến Hóa không đề cập đến vấn đề vũ trụ này tù đâu mà có. Nó chỉ giải thích sự tiến hóa của vạn vật, nhưng không đề cập đến nguyên nhân (original cause) tạo nên vạn vật. Thánh Kinh và thuyết Tiến Hóa không có gì mâu thuẫn nhau, chỉ là cách đặt vấn đề và phương pháp giải thích vấn đề của hai lý thuyết khác nhau. Đó là lý do tại sao có sự có mặt của lý thuyết Tiến Hóa và người cha đẻ của nó là Charles Darwin trong bài viết này.
2. Big Bang - Đây mới là vấn đề trọng tâm của bài viết. Kiến thức hạn hẹp về các vấn đề khoa học như chúng tôi mà dám trình bầy và bàn luận về một học thuyết quá sức vĩ đại và phức tạp của thời đại là thuyết Big Bang có thể bị coi là một việc làm càn dỡ. Dù thế chúng tôi quyết đem ra bàn để cho thấy Big Bang Theory thật sự là một lý thuyết bế tắc trong việc phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúng tôi đi tìm sự lý giải bằng thực nghiệm của học thuyết Big Bang xem nó quan niệm thế nào về vũ trụ chúng ta đang sống, vũ trụ hình thành ra sao, và tìm xem nó bế tắc ở chỗ nào.
Xin đừng hấp tấp, chúng ta lần mò đi từng bước để nắm vững vấn đề.
a/ Vũ trụ trong nhãn quan khoa học - Lý thuyết chuẩn (standard theory) cho biết, vũ trụ bật xuất hiện như một sự kỳ lạ (singularity) khoảng 13.7 tỷ năm về trước. Singularity là gì và từ đâu mà có? Khoa học trả lời: Danh dự mà nói, chúng tôi không có gì chắc chắn cả. Chỉ biết rằng singularities là những vùng thách đố sự hiểu biết của khoa vật lý học hiện nay. Người ta cho rằng các singularities nằm trong tâm của các lỗ đen (black holes) trong vũ trụ. Các lỗ đen là những khu vực có sức hút cực lớn, có thể nuốt trửng bất kể vật thể nào trong vũ trụ trong phạm vi hấp lực của nó, dù là mặt trời, mặt trăng, các vì sao, và luôn cả ánh sáng. Áp suất của lỗ đen lớn đến độ mà tỷ trọng của vật chất trong đó đều trở thành vô cực. Các vùng trong đó vật chất có tỷ trọng vô cực này được gọi là singularities. Người ta cho rằng vũ trụ bắt đầu là một cái gì đó -gọi là singularity - vô cùng nhỏ bé, vô cùng nóng, vô cùng đặc (dense.) Nó từ đâu mà đến? Khoa học trả lời: Chúng tôi không biết. Và được hỏi tại sao nó xuất hiện? Khoa học trả lời: Chúng tôi cũng không biết. Sau khoảnh khắc xuất hiện, singularity phình ra, trương lớn mãi và nguội dần từ vô cùng nhỏ và vô cùng nóng cho đến kích cỡ và nhiệt độ như ngày nay sau hàng tỷ, tỷ, tỷ năm. Đây là cái nhìn tổng quát của khoa học hiện đại về vũ trụ từ khi nó khởi đầu cho đến khi nó trở thành bao la, kỳ diệu như chúng ta thấy ngày nay.
b/ Cấu trúc của vật chất - Muốn hiểu về thuyết Big Bang chúng ta không thể không biết sơ qua về cấu trúc của vật chất trước để có một chút ít khái niệm. Đi học, lớn khôn một chút chúng ta được ông thầy dậy rằng vật chất (matter) được cấu tạo nên bởi các phân tử (molecule.) Phân tử kết hợp lại bởi nhiều nguyên tử (atom.) Nguyên tử được cấu tạo nên bởi các hạt proton, neutron, và electron. Có vật chất thì đồng thời cũng có phi vật chất (anti-matter.) Hạt phi vật chất (particle of anti-matter) có cùng một tính chất như hạt vật chất, nhưng mang tích điện âm. Như vậy thì, proton có anti-proton, electron có anti-electron, và neutron có anti-neutron. Theo các định luật vật lý thì vật chất và phi vật chất trong vũ trụ phải cân bằng về số lượng (equal amounts.) Nhưng thực tế có thể quan sát được là số lượng vật chất lại nhiều hơn phi vật chất. Khi các hạt (particle) va chạm vào các phi hạt (anti-particle,) chúng bị phá hủy. Cả hai phân hủy thành bức xạ điện từ, năng lượng được tỏa nhập vào các hạt trung hòa gọi là photon. Vũ trụ bất quân bình về vật chất và phi vật chất. Vì thế một trong những thách đố lớn lao nhất của khoa Thiên Văn Học hiện đại là phải tìm ra căn nguyên của sự bất toàn này trong vũ trụ.
Một vấn đề nữa cần đặt ra là câu hỏi cái gì làm cho vật chất có khối lượng (mass.) Vật chất có khối lượng (mass) chúng ta mới biết nó nhiều ít, nặng nhẹ hay tròn méo ra sao. Nếu không có khối lượng, vũ trụ chỉ là một nồi cháo lú không hình thể, gồm các vi hạt bắn ra chung quanh tứ phía với vận tốc của ánh sáng, và như thế vũ trụ, giải Ngân Hà, mặt trời, mặt trăng, trái đất v.v. không thể thành hình. Câu trả lời đã được xác định chỉ trước đây ít ngày và có lẽ sẽ được công bố trong nay mai. Đó là hạt Higgs boson hay còn gọi là God particle. Higgs boson làm cho vật chất có khối lượng ở một nhiệt độ thích hợp. Khám phá ra Higgs boson khoa học tiến một bước rất xa trong việc giải thích sự hình thành của vũ trụ.
c/ Học thuyết Big Bang - Big Bang Theory là một nỗ lực giải thích chuyện gì đã xẩy ra ngay vào lúc khởi đầu của vũ trụ. Những khám phá trong khoa thiên văn và vật lý cho thấy rằng thực tế vũ trụ này có một khởi đầu (beginning.) Theo lý thuyết Big Bang, một phần vô, vô cùng ngắn ngủi của một giây đồng hồ sau khi vũ trụ bắt đầu hiện hữu, nhiều loại hạt và phi hạt, số lượng bằng nhau, bay lang thang, đụng vào nhau phát sinh ra một nhiệt lượng vô cùng nóng thành một bầu hồng hoang (cosmic minestrone) trong không gian. Trước lúc khởi đầu thì chẳng có gì cả (nothing.) Đang khi và sau khởi đầu mới có một cái gì đó mà chúng ta gọi là Vũ trụ (Universe.)
Chuyện vũ trụ thật sự bắt đầu như thế nào? Đa số các nhà thiên văn ngày nay đều nói rằng không còn gì phải bàn cãi nữa. Vũ trụ bắt đầu bằng một tiếng nổ (explosion) vĩ đại gọi là Big Bang. Ý niệm về Big Bang bắt đầu từ các quan sát của Edwin Hubble nhận thấy vũ trụ càng ngày càng căng dần. Ông đưa ra mô hình (model) gọi là Big Bang để giải thích hiện tượng căng vừa nói, mà ngày nay được hầu hết các khoa học gia chấp nhận. Gọi là Big Bang nhưng thực ra chẳng có vụ nổ (explosion) nào cả. Big Bang là biến cố đánh dấu cái khoảnh khắc vũ trụ bắt đầu, khi không gian và thời gian hiện hữu, và tất cả vật chất trong không gian khởi sự bành trướng. Đúng trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi đó, các proton, neutron, và electron thành hình. Các hạt và phi hạt đụng chạm vào nhau phát sinh ra năng lượng, tạo ra một nhiệt lượng vô cùng khủng khiếp. Các hạt trung tính hấp thụ năng lượng gọi là photon. Hàng tỷ, tỷ năm sau, Photon (Higgs boson) biến matter thành mass. Các lực trong vũ trụ là lực hấp dẫn, lực điện từ, lực hạt nhân mạnh, và lực hạt nhân yếu tách rời nhau. Cứ thử tưởng tượng thế này, lịch sử vũ trụ là một cuốn film dài. Bạn thấy gì khi bạn quay ngược cuộn film từ cuối trở lại đầu. Bạn sẽ thấy tất cả các ngân hà sẽ càng ngày càng xích lại gần nhau hơn, cho đến khi bất thình lình, chúng va chạm vào nhau và trở thành một hòn bi nhỏ xíu, nhỏ nữa, nhỏ nữa bằng hạt cát, rồi chẳng còn thấy gì nữa. Đó là khái niệm về vụ nổ Big Bang.
Một thắc mắc cần nêu ra là, với những minh chứng của nó, lý thuyết chuẩn về Big Bang có phải là mô hình vững chắc (consistent model) không? Khoa học trả lời là KHÔNG, nó chỉ là một lý thuyết đại chúng nhất. Nhà vật lý thiên thể học danh tiếng quốc tế George Ellis xin chúng ta nhận thức rằng có cả lô các mô hình để giải thích các quan sát. Chẳng hạn ông có thể thiết lập một vũ trụ hình cầu đối xứng với trái đất từ tâm của chúng. Bạn không thể bác bỏ nó dựa trên các quan sát được. Bạn chỉ có thể loại bỏ nó dựa trên bình diện triết học. Theo quan điểm của Ellis tuyệt đối không có gì là sai trong đó cả. Điều mà ông muốn đưa ra công khai là thực tế người ta đang sử dụng các tiêu chuẩn triết học trong việc lựa chọn các mô hình (model.) Big Bang là một mô hình được lựa chọn. Đa số trong khoa vũ trụ học người ta che dấu chuyện đó. Năm 2003, nhà vật lý học Robert Gentry đề nghị thay thế lý thuyết chuẩn bằng một lý thuyết hấp dẫn khác cũng giữ nguyên những chứng minh như thuyết Big Bang. Dr. Gentry cho rằng mô hình chuẩn Big Bang xây dựng trên một kiểu mẫu sai lầm (faulty paradigm) Theo ông nó không đứng vững được với những dữ kiện dựa vào kinh nghiệm.
Như trên chúng ta thấy, thuyết Big Bang có rất nhiều vấn nạn không giải đáp được và có lẽ không bao giờ và không ai giải đáp nổi. Xin nêu trở lại hai chỗ bế tắc căn bản để giúp giản dị hóa vấn đề cho đỡ mệt trí óc. Thứ nhất, khoa học thừa nhận vũ trụ có khởi đầu. Sự khởi đầu là Big Bang. Thứ hai, trước khi có Big Bang vũ trụ không có gì, là hư không (nothing.) Câu hỏi đặt ra là ai đã khởi đầu Big Bang. Khoa học không trả lời được. Học thuyết Big Bang khẳng định, singulary xuất hiện trước khi có không gian (space.) Hỏi, nếu không có không gian thì singulary xuất hiện lấy chỗ đâu để mà bành trướng? Như vậy phải đặt lại vấn đề là singularity có trước không gian, hay không gian có trước singulary. Cái vòng lẩn quẩn này cũng không có lối ra. Khoa học không trả lời được. Rõ ràng học thuyết Big Bang đã bị bế tắc trong vấn đề nó muốn chứng minh: vũ trụ tự hiện hữu. Chúng ta đã thấy rõ khoa học hoàn toàn bế tắc trong việc chối bỏ sự hiện hữu của một quyền năng vô hình ngoài vũ trụ tức là Thượng Đế hay Thiên Chúa.
3. Những ngộ nhận - Có một số ngộ nhận chung quanh học thuyết Big Bang. Chẳng hạn chúng ta thường có khuynh hướng cho rằng Big Bang là một vụ nổ lớn (giant explosion.) Nhưng các nhà chuyên môn nói, chẳng có tiếng nổ nào cả, mà chỉ có bành trướng (expansion) và bành trướng tiếp tục. Một ngộ nhận khác là chúng ta hay tưởng tượng singularity là một trái cầu lửa nhỏ xuất hiện trong không gian. Theo sự giải thích của các nhà khoa học, trước khi có Big Bang thì tuyệt nhiên không có không gian (space.) Cho mãi đến năm 1968 và 1970, ba nhà vật lý vũ trụ trong đó có Stephen Hawking mới tính toán, cho rằng thời gian và không gian có một sự khởi đầu hạn chế tương ứng với sự khởi đầu của vật chất và năng lượng. Singularity đã không xuất hiện trong không gian, vì lúc đó chưa có không gian thì Singularity làm sao xuất hiện trong đó được. Đúng hơn là không gian khởi đầu từ trong singularity. Trước khi có singularity thì chẳng có gì: không có không gian, không thời gian, không vật chất, không năng lượng. Tóm lại, chẳng có gì (nothing.) Như vậy thì singularity xuất hiện từ đâu và trong cái gì nếu không phải là trong không gian? Khoa học trả lời: Chúng tôi không biết. Chúng tôi không biết nó từ đâu ra, tại sao nó ở chõ này hay ở chỗ kia. Tất cả điều mà chúng tôi thực sự biết được là chúng ta đang ở trong singularity. Nó và cả chúng ta nữa không hiện hữu cùng một lúc.
4. Chuyện bên lề, đọc cho vui - Một bài viết trên internet về vấn đề liên quan đến đề tài chúng tôi đang đề cập tới. Tác giả viết: “Vậy nếu bạn muốn là một người có trí tuệ và chấp nhận những kết quả có lý lẽ khi tìm hiểu về vũ trụ thì chúng ta phải chấp nhận một sự kiện hiển nhiên rằng không có Thượng đế nào tạo dựng vũ trụ cả. Vũ trụ đã tự hiện hữu vì định luật về hàm số sóng này.”(chú thích của người viết: Hàm số sóng = wave function).Tác giả muốn ám chỉ những người tin Thượng Đế tạo nên vũ trụ là thiếu trí tuệ, ngu dốt, mù quáng v.v. ? Không sao, nhưng chuyện đòi hỏi phải chấp nhận sự kiện không có Thượng Đế tạo dựng vũ trụ như một điều kiện ắt có để thấy được kết quả là vũ trụ tự hiện hữu thì hơi khôi hài. Có thể hỏi ngược lại, nếu như có người vẫn tin tưởng Thượng Đế tạo dựng vũ trụ thì việc họ ứng dụng định luật hàm số sóng để khám phá vũ trụ thì sao, người đó không thể thấy được vũ trụ tự hiện hữu cho dù vũ trụ thật sự tự hiện hữu thực? Vô lý? Theo tác giả, vũ trụ tự hiện hữu VÌ định luật về hàm số sóng. Điều này có nghĩa là vũ trụ và hàm số sóng là một mối liên hệ nhân quả, hàm số là nhân và vũ trụ là quả. Sự thể lại rơi vào chỗ bế tắc của thuyết Big Bang, vì như thế bắt buộc cái “nhân” hàm số phải có trước rồi mới có cái “quả” là vũ trụ sau? Nếu giải thích bằng pháp Duyên Khởi trong đạo Phật thì vấn đề bước qua lãnh vực tôn giáo mất rồi, không còn nằm trong phạm vi khoa học nữa. Chúng tôi xin miễn bàn. Như trên chúng tôi đã trình bầy, khoa học khẳng định, không có bất cứ cái gì trước khi vũ trụ xuất hiện dù là không gian, thời gian, năng lượng v.v. Như vậy thì từ đâu có Hàm Số Sóng, hay nó cũng lại tự hiện hữu? Trong cơ học lượng tử, khái niệm hàm số sóng được thừa nhận như một tiền đề không thể chứng minh được và cũng không thể suy ra từ bất cứ một tiền đề nào khác. Rõ ràng tác giả muốn lấy một giả thiết để chứng minh một lý thuyết, mà là lý thuyết về sự hiện hữu của vũ trụ. E rằng đây là trường hợp mà Dr. George Ellis vừa nói trên là sử dụng tiêu chuẩn triết học trong việc chọn mô hình vật lý vũ trụ. Làm sao hàm số sóng tự hiện hữu và hiện hữu trước vũ trụ được khi nó chỉ là một định luật vật lý. Nó chỉ có thể hiện hữu đồng thời hoặc sau sự xuất hiện của vũ trụ.
Học thuyết Big Bang thừa nhận vũ trụ có khởi đầu (beginning) nhưng bao giờ nó kết thúc (end) thì lý thuyết không đề cập tới. Theo khoa học và theo lý trí thông thường thì cái ngày xui xẻo đó chắc chắn sẽ đến. Vả lại trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu cũng đã nói rõ ngày đó sẽ không tránh khỏi. Vấn đề là bao giờ nó đến thôi. Mấy lúc gần đây, báo chí ồn ào đưa ra tiên đoán về ngày tận thế, nhưng bà con cô bác cứ yên tâm. Tại buổi họp hàng năm của Hiệp Hội Hoa Kỳ Vì Tiến Bộ Khoa Học (The American Association for the Advancement of Science) ngày 18-2-2013 vừa qua, nhà vật lý lý thuyết Joseph Lykken, cũng là cộng tác viên của một trong các thí nghiệm tại LHC (Large Hadrom Collider) đã trấn an mọi người: “It may be the universe we live in is inherently unstable, and at some point billions of years from now it's all going to get wiped out.” (Vũ trụ chúng ta đang sống vốn không ổn định, tới một thời điểm nào đó hàng nhiều tỷ năm sau nữa nó mới bị hủy diệt). Ông nói thêm: “Even if the universe is in for an unfortunate end, there is at least one reason for consolation. You won't actually see it, because it will come at you at the speed of light. So in that sense don't worry.” (Cả nếu như vũ trụ này rơi vào một kết thúc bất hạnh, thì sẽ có ít nhất một lý do để yên ủi là bạn thực sự sẽ không thấy nó, bởi vì nó sẽ đến với bạn với tốc độ của ánh sáng. Biết như thế thì việc gì phải bận tâm).
Thay phần kết luận
Có câu chuyện thế này xin kể lại hầu bạn đọc để thay cho phần kết luận của bài viết. Dĩ nhiên là chuyện liên quan đến Big Bang. Như chúng ta đều biết, khoa học ngày nay phát triển rất nhanh, và chắc chắn sẽ còn càng ngày càng nhanh hơn gấp bội nữa. Nhưng đúng như Dr. Joseph Likken tiên đoán là theo tính toán của các nhà khoa học thì hàng chục tỉ năm sau nữa vũ trụ mới gặp phải tai họa khủng khiếp (ý muốn nói tận thế.)
Chuyện xẩy ra vào năm 73 tỉ 113, là năm nền văn minh nhân loại đã lên đến tột đỉnh. Lúc đó mọi sự khác bây giờ rất nhiều. Chẳng hạn người ta không cần phải có quần áo che thân, chỉ cần bôi một loại lotion ngoài da là thân nhiệt lúc nào cũng cảm thấy mát rượi, nóng không sợ mà lạnh cũng chẳng ke. Không đi xe hơi mà bay bằng hai ống phóng Heli lỏng cặp hai bên mình, tới nơi tháo hai ống phóng bỏ vào túi đeo lưng, nhẹ nhàng. Tất cả mọi thứ máy móc người ta có thể mở, tắt bằng một con số riêng ở trong đầu. Làm việc với nó cũng lệnh ban ra từ cái đầu. Dân số thế giới tuy càng ngày càng ít đi vì phá thai và triệt sản tự do, nhưng lúc đó con người đã tới sinh sống trên mặt trăng và trên sao Hỏa. Đi lại giữa trái đất và hai hành tinh này dễ dàng còn hơn đi chợ. Người nào có nhu cầu đi mặt trăng và sao Hỏa thì mua một con chip gắn vào dưới da. Máy móc sẽ đọc con chip đó, và người ta chỉ cần nhấn nút là vèo một cái tới nơi rồi. Những đại gia ở Saigon, Hànội bây giờ dẫn bồ nhí đi Hồng Kông, Thái Lan, Singapore ăn tối phải lấy máy bay là cổ lỗ sĩ quá so với lúc đó. Khoa học biến robot của năm 2013 thành người y như thật, có thất tình lục dục, có trí khôn và có cả con tim biết yêu. Vì dân số giảm nên người ta phải sử dụng robot trong quân đội để bảo vệ an ninh và giữ nước. Điều trớ trêu là robot bị bóc lột và lợi dụng quá mức nên chúng quay đầu súng chống lại loài người. Nhiều cuộc chiến xẩy ra giữa con người và robot, nhưng thường thì người thắng vì có trí tuệ và khôn ngoan hơn robot.
Đang lúc văn minh cực thịnh đó, giới khoa học thông báo một tin tức chết người: không còn bao lâu nữa sẽ là ngày “doomsday” của vũ trụ. Lập tức các nhà khoa học trên toàn thế giới được triêu tập lại để tìm cách đối phó. Trong hội nghị, cho dù các nhà khoa học lừng danh nhất cũng lắc đâu thất vọng. Đang lúc cả phòng họp bồn chồn lo lắng thì bất chợt có một ông tiến sĩ vật lý lên cầm microphone đưa ra sáng kiến khiến mọi người ngơ ngác. Một vài người biết mặt nói ông là dân “gốc Mít.” Nhưng có người cãi lại, bảo rằng ông tiến sĩ “gốc Đa” chứ không phải gốc Mít, mà là Đa Tân Trào mới là độc. Trước một cử toạ đông đảo có đến hàng vạn người gồm các nhà khoa học, nhà báo, và đầy đủ đại diện các phủ của thế giới, ông tiến sĩ trình bầy giải pháp, giọng đủng đỉnh như việc chẳng có gì là quan trọng. Theo ông thì tưởng là chuyện gì chứ chuyện này thì đâu có gì phải lo. Nếu cái vũ trụ này không có khởi đầu thì mới là chuyện đáng lo, bởi vì người ta không biết đầu, biết cuối đâu mà mò. Học thuyết Big Bang quả quyết vũ trụ có khởi đầu thì cứ từ cái khởi đầu đó mà làm lại. Nghĩa là khoa học cần phải làm một cái Big Bang khác để tạo ra một vũ trụ mới hoàn chỉnh hơn, mặc cho cái vũ trụ hiện tại bị hủy diệt đi không sao. Ông hỏi mọi người: “Chứ không thì cứ ngồi đây mà chờ chết à?” Theo ông lý luận thì vũ trụ này có doomsday là bởi vì những định luật vật lý hiện nay chưa được hoàn chỉnh. Vậy chúng ta phải hoàn chỉnh các định luật để cái vũ trụ chúng ta tạo ra sẽ không có cùng, không có doomsday. Đó là việc thứ nhất.
Việc thứ hai càng dễ dàng hơn theo ông nghĩ. Ông tiến sĩ kể hồi xưa. Ngày còn nhỏ, ông đi coi hát ở ngoài chợ làng, thấy có màn ảo thuật rất hấp dẫn. Nhà ảo thuật đứng trên một sân khấu giữa trời, trong tay không cầm cái gì cả. Ông ta quơ tay trong không khí mấy cái rồi chộp lấy từ trong thinh không một con chim câu trắng. Tay kia ông ta cũng làm như vậy và bắt được một con chim khác cũng mầu trắng. Chim thiệt đàng hoàng đấy nhá. Để chứng minh là chim thật, nhà ảo thuật thả cả hai con bồ câu ra. Chúng bay bổng vào không trung. Ông tiến sĩ giấy gốc đa hí hửng giải thích: “Vấn đề cốt lõi của khoa học là làm nên (create) cái “Exist” từ cái “Non-exist.” Big Bang cho rằng vũ trụ này được làm ra từ hư vô (the universe was made of nothing,) điều này là khẳng định, không có gì cần bàn luận nữa. Nhà ảo thuật cũng làm ra các con chim từ nothing. Vậy tại sao khoa học không làm nên được một cái vũ trụ mới từ nothing? Nhà ảo thuật tay không làm ra được con chim, chẳng lẽ khoa học lại chịu thua nhà ảo thuật? Cả hai có gì khác nhau đâu?
Để kết thúc sáng kiến độc đáo của mình, ông tiến sĩ giấy gốc đa lớn tiếng hỏi mọi người: “Can you do that?” Cả hội trường đồng loạt trả lời như một tiếng sấm: “Yes, we can” và vỗ tay rào rào.
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
0 comments:
Post a Comment