CHÍNH KHÍ VIỆT

Monday, November 27, 2017

NHỮNG KỶ NIỆM BUỒN NÔN

NHỮNG KỶ NIỆM BUỒN NÔN
 
 

 
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
 
     Chỉ có việc đặt tên cho một khu thương mại nho nhỏ mà trở thành một biến cố quan trọng, một cuộc tranh cãi sôi nổi, một chuyện giằng co dai dẳng, một sự ăn thua đủ giữa quần chúng người Việt tỵ nạn với chính quyền của thành phố. Nói đúng ra là với sự liên minh giữa ông thị trưởng của thành phố San Jose và một nghị viên cũng là người Việt Nam trong Hội Đồng của thành phố này. Điều trớ trêu là cả bà nghị viên và ông thị trưởng đều là những “con gà” được người Việt tỵ nạn ở đây ấp từ cái trứng mà trở thành, và được coi là những đồng minh đáng tin tưởng nhất của họ. Nếu tôi nói rằng trước đây, cả hai đều là thần tượng cho những mơ ước chính trị của người Việt tỵ nạn trong khu vực là điều chẳng có gì là quá đáng. Tôi nói có sai không?
 
     Chúng ta hãy nhớ lại xem. Chúng ta cảm thấy thế nào khi mà một cô gái chưa chồng, còn trẻ măng, mới vừa tốt nghiệp đại học xong đi đến từng nhà, từng buổi họp cộng đồng tươi cười chào đón mọi người và giơ tay thề thốt: “Chúng cháu lớp trẻ nguyện sẽ đứng bên cạnh các chú các bác trong công cuộc xây dựng cộng đồng vững mạnh để chống lại bọn CS?” Chúng ta nghĩ sao trong hầu hết các buổi lễ lạc của cộng đồng, quí vị đều nhìn thấy trong hàng quan khách một ông Mỹ trắng cao nghều bảnh bao trong bộ đồ bay của Không Quân Hoa Kỳ với chiếc cravate mầu vàng ba sọc đỏ nơi cổ áo của ông ta? Ông ta hãnh diện đã từng là một chiến sĩ can trường trong cuộc chiến chốn CS xâm lược của Dân Tộc Việt Nam. Tôi đã nhìn thấy có những cụ già đầu bạc run lên vì sung sướng đứng ngắm nghía không mỏi mắt những hình ảnh vừa uy nghiêm vừa thân thương đó.
 
     Nhưng nay thì đã vật đổi sao rời. “Những chuyện xa xưa ấy xin đừng nhắc thêm buồn - lời một bài hát.” Vị sĩ quan không quân Hoa Kỳ đã trở thành ông thị trưởng của thành phố. Và cô gái trẻ người Việt dễ thương kia đã có chỗ đứng đầy hãnh tiến bên cạnh ông thị trưởng. Cả hai, trong vấn đề đặt tên cho khu thương mại trên đường Story Road  đã đứng quay lưng lại với nguyện vọng của những người trước đây đã tin tưởng và dồn phiếu cho họ.
 
     Xin được nói cho rõ. Bài viết này không chủ ý biện bạch xem cái tên nào đúng, cái nào sai, cái tên nào hay, cái nào dở, mà chỉ luận sự kiện trên căn bản chữ “TÍN” trong đạo làm người của những kẻ cai trị dân là những người đã đặt họ lên chức quyền. Tên nào cũng đã có lịch sử riêng của nó với cái hay, cái dở riêng, tùy chỗ đứng, hướng nhìn, và cảm quan của người đánh giá. Giải thích thường bao giờ cũng chủ quan, và đôi khi thiên kiến. Tuy nhiên đứng trên lập trường chính trị của người tỵ nạn và xét tổng quát thì cái tên Little Saigon mang ý nghĩa trọn vẹn hơn bất cứ một cái tên nào khác. Có ít nhất cũng bốn hay năm khu thương mại trên đất Mỹ mang cái tên này rồi. Như thế cái tên Little Saigon không đẹp không hấp dẫn sao? Little Saigon đúng là niềm tự hào, tuy bé nhỏ, của tất cả mọi người Việt tỵ nạn tại hải ngoại.
 
     Thú thực ngay từ đầu tôi đã không mấy quan tâm đến chuyện đặt tên cho khu vực thương mại mới này. Lý do đơn giản là tôi chẳng có tiền để mà lui tới những khu buôn bán sang trọng như thế. Nhưng khi nghe thấy bọn Việt gian CS (VGCS) trong nước hí hửng vỗ tay reo mừng khi nghe cái tên Vietnamese Business District do bà nghị viên Madison đề đặt. Về sau chính bà này cùng với thị trưởng Chuck Reed còn nhất định bác khước chữ “Little Saigon,” tên do cộng đồng tỵ nạn ở đây yêu cầu, thì tôi cảm thấy bên trong phải có một cái gì đó không ổn.
 
     Mà không ổn thiệt!
 
     Tại sao khi không lại có vấn đề VGCS vỗ tay reo mừng chuyện của người dân tỵ nạn ở tận bên nước Mỹ này? Chuyện cũng hơi khó hiểu, nhưng không phải là không hiểu được. CS khen ai, chê ai đều có lý do riêng của nó. CS khen, có khi là chúng khen thiệt, nhưng cũng có khi là con dao chúng kề vào cổ người được khen. Và CS chê cũng có thể là chúng chê đúng, nhưng lại rất có thể là chúng “mạ vàng” hay “sửa sắc đẹp” cho người bị chê. Từ đó suy ra, đừng thấy CS kết án tổ chức này, đảng phái nọ ở hải ngoại là khủng bố mà tưởng thật. Cũng đừng vội mừng khi thấy được CS ca tụng. Cần phải cẩn trọng lắm lắm.
 
     Trường hợp bà nghị viên Madison, nếu bà thực tình đứng trong hàng ngũ những người chống cộng, thì việc VGCS hoan hô bà chính là chúng kê con dao vào cổ bà. Chúng muốn mượn tay người tỵ nạn để xin bà tí huyết đấy. Như thế thì bà nên hãnh diện. Còn nếu không thì lại là chuyện khác. Việc bà làm đáng được CS khen ngợi. Không biết bà có phải là một tay cao cờ không, nhưng chắc chắn bà là một người đàn bà can đảm, có bản lãnh. Bởi vì không một người nào làm chính trị ở địa phương còn mơ ước đến tương lai mà lại quyết liệt quay lưng lại trước yêu cầu chính đáng của những người đã tín nhiệm và bỏ phiếu cho mình. Người làm chính trị khôn khéo và có tầm nhìn xa quyết không ai hành động lỗ mãng như thế, trừ khi đàng sau họ có cả một trái núi chống lưng.
 
     Bà nghị viên Madison và ông thị trưởng Chuck Reed hành động ngược lại ý nguyện của cử tri vì lý do gì thì xin bàn đến về sau. Nhưng chỉ với lý do ông bà cho rằng đám người yêu sách chỉ là thiểu số ồn ào, không quá 200 người, thì thật là điều không ổn. Nếu bà và ông thị trưởng tập trung được con số trên 200 những người ủng hộ ông bà thì hãy nên nói như thế. Lý luận như ông thị trưởng và bà nghị viên thì cuộc tuần hành vĩ đại của mục sư Martin Luther King, Jr. năm 1963 tại Washington cũng vẫn phải kể là thiểu số vì mới qui tụ được chưa tới 1/10 dân số da đen ở đây? Trong hoàn cảnh nếu bị mất uy tín vì vấn đề đặt tên này, ông Chuck Reed còn có thể có đường binh khác, chứ bà Madison thì có phần chắc là không. Vậy thì xá gì một cái tên mà bà dám hy sinh cả một tương lai đang ở trước mặt? Rất nhiều người dân San Jose không ngờ người làm chính trị khôn khéo như bà Madison và cáo già như ông Chuck Reed mà lại dám đánh canh bạc liều như vậy.  Một ván bài quá nhỏ mà riêng cô Madison đã đổ vào hết “láng” rồi thì đúng là một tay chơi ít có. Vì thế người hiếu kỳ muốn đi tìm hiểu nghề chơi chính trị của bà Madison. Hiểu được lối chơi của người trong cuộc, người ta  mới biết được then chốt của vấn đề.
 
     Cứ giả dụ đây là một canh bạc thật. Vậy trước hết cần phải biết các tay chơi trên chiếu bạc là những ai. Những tay chơi đang ngồi trên chiếu bạc trước hết phải kể là chính quyền thành phố. Tuy nhiên thực ra chỉ có ông thị trưởng Chuck Reed và bà nghị viên Madison mới là các tay “đặt tụ.” Các nghị viên của các sắc dân khác trong Hội Đồng thành phố trong canh bạc này đúng ra chỉ là dân chầu rìa. Họ chẳng có gì để ăn thua. Tay chơi thứ hai trên chiếu bạc là các sắc dân trong khu vực. Nếu cần quan tâm thì chỉ có người dân Việt tỵ nạn quan tâm đến cái tên đặt cho khu buôn bán gần nhà mình thôi, chứ những dân khác họ bận tâm làm gì. Vả lại người khác làm sao hiểu nổi những lắt léo trong việc xử dụng ngôn ngữ Việt Nam như chúng ta. Đến các nhà buôn lẻ trong khu thương mại nên được kể là tay chơi thứ ba. Trong khu thương mại gọi là Vietam thì chắc chắn chủ nhân các cửa hàng đa số là người Việt. Ngoài ra còn một số các chú Ba chăng. Trong vấn đề làm ăn, các chú Ba có tiếng là những người không biết nhìn mầu sắc - câu đồng dao VN: mấy chú Ba Tầu mầu xanh cũng như mầu đỏ. Việc đặt tên cho cái khu buôn bán của họ là Thị Nở hay Chí Phèo gì đó không cần biết. Chuyện quan trọng đối với các chú là kiếm được thật nhiều tiền.
 
     Như vậy kẻ quan tâm có chăng là các chủ nhân Việt Nam tại đây. Họ là người tỵ nạn thì có thể tin là họ yêu thích cái tên Little Saigon hơn các tên khác. Cái tên này vừa thân thương đối với họ, vừa là niềm tự hào của họ. Hãy cứ thử lấy cái tên “Nam Kỳ Khởi Nghĩa” mà đặt thử coi xem chuyện gì xẩy ra. Còn lại tay chơi cuối cùng trên chiếu bạc là các nhà đầu tư. Đây mới là cái khó vì hầu như mọi người không biết họ là ai, cũng không biết họ thích cái tên nào. Các người đầu tư là các nhà tư bản. Trên thế giới hiện nay có hai loại tư bản rất dễ phân biệt là tư bản xanh và tư bản đỏ. Có thứ tư bản nào lại không muốn kiếm tiền? Để có đồng tiền cho dù phải bỏ đi cả liêm sỉ, thậm chí phải giết người. Chuyện này nói không ngoa đâu. Riêng bọn tư bản đỏ còn là thứ ưa sĩ diện. Nó rất chuộng cái danh hão. Từ điểm khác biệt tâm lý này, người ta có thể mang máng nhận ra được chủ nhân thực sự của khu thương mại mới này là ai. Như vậy, tay chơi này kỵ cái tên Little Saigon là điều có thể hiểu được.
 
     Nhìn vào cách chơi, người ta thấy thị trưởng Chuck Reed và nghị viên Madison không phải là những tay chới có máu mặt, họ chỉ là những tay chơi thế, hay còn gọi là cò mồi. Bảng suy loại trên cho thấy trên chiếu bạc thực sự chỉ có hai tay chơi đang tố nhau là sắc dân Việt Nam trong khu vực - cộng đồng tỵ nạn nói rộng ra - và các nhà đầu tư được chơi thế do ông Chuck Reed và bà Madison. Sự đoán mò nhưng có lẽ đúng y boong này được củng cổ bởi những yếu tố và kinh nghiệm cụ thể đã xẩy ra. Thứ nhất là chuyện ông thị trưởng Chuck Reed ngay sau khi vừa đắc cử đã định ôm ngay Hon Lien, một ả tay sai VGCS vào ngồi trong Hội Đồng thành phố để gây phe cánh cho ông ta. Thứ hai là hình ảnh một Madison duyên dáng đàng sau là tay tu bíp trọc phú Nguyễn Xuân Ngãi và một lô những kẻ đang thậm thụt với VGCS. Nguyễn Xuân Ngãi là ai? Ông ta mới đây gởi thư năn nỉ chính quyền Bush đưa VGCS ngồi vào cái ghế Ủy Viên Không Thường Trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chiếc ghế này có lợi chăng là lợi cho VGCS và Nguyễn Xuân Ngãi thôi. Dân Tộc VN tuyệt đối chẳng ăn được cái giải gì. Lớp sau Nguyễn Xuân Ngãi người a còn thấy thấp thoáng tên tay sai VGCS Vũ Đức Vượng và một lô tên khác nữa.
 
     Canh bạc sẽ kết thúc trong vài ngày nữa.
 
     Hồi thời phong kiến thì “ý dân là ý Trời.” Nhưng trong thời tự do dân chủ ngày nay, câu nói đó không nhất thiết còn là chân lý nữa. Quyền hành và tiền bạc mới là ý Trời. Chuyện đặt tên cho khu thương mại trên đường Story sẽ được đem ra biểu quyết tại Hội Đồng thành phố San Jose vào ngày 20 tháng 11 này. Các nghị viên vote theo ý dân là điều còn mơ hồ lắm. Người VN sống trên nước Mỹ đã từng có kinh nghiệm về sinh hoạt của nền dân chủ nghị trường Mỹ. Tại Quốc Hội Mỹ, rất nhiều khi hai đảng trao đổi quyền lợi qua lá phiếu của nhau.
 
     Nước Mỹ cho đến ngày nay chưa có được một nền tảng bảo hiểm y tế cho toàn dân là vì không dung hòa được quyền lợi tư bản mà hai đảng đại diện. Ở các hội đồng địa phương cũng thế thôi. Tại San Jose chẳng hạn, biết đâu đã chẳng có sự thỏa thuận ngầm giữa bà Madison và một số các nghị viên khác. Khi bà Madison yêu cầu nghị viên nào đó vote cho bà những gì không đụng chạm đến quyền lợi của nghị viên ấy thì họ dại gì mà nêu ra những lý do vớ vẩn nào đó để từ chối. Khi khác bà Madison cũng lại làm cho họ như bây giờ họ làm cho bà. Đây là thông lệ “bánh ích trao đi bánh qui trao lại” trong nghị trường. Một cuộc trao đổi sòng phẳng. Theo nguyên tắc này, ngày mai đây, một ông nghị Mễ chẳng hạn - xin giả dụ thôi - vote cho bà Madison. Sau này nếu có việc đặt tên cho một khu thương mại Mễ thì chuyện bỏ phiếu lại sẽ lại diễn ra y chang như trước. Bà Madison sẽ vote cho ông nghị viên Mễ để trả nợ, còn việc anh muốn đặt tên cho khu thương mại của anh là Taco, là Burrito, or whatever I don’t care. Đó là việc của người Mễ các anh. Biết đã có như thế nhưng tôi vẫn cứ mong chuyện đừng xẩy ra như thế ở đây.
 
     Khi ngồi vào bàn máy viết những dòng này tôi cứ vẩn vơ trong đầu câu chuyện Ngô Khởi giết vợ để được làm tướng nước Lỗ. Để cầu công danh và lợi lộc, Ngô Khởi đã nhẫn tâm giết cả người vợ rất ngoan hiền của mình chỉ vì người đàn bà này là dòng tộc nước Tề vốn là kẻ thù của chủ mình là vua nước Lỗ. Đấy là chuyện ngày xưa. Ngày nay, có phải người ta đang manh tâm giết chết đến cả một chút lưu luyến bé nhỏ nhất của một tập thể đã đánh mất tất cả cũng chỉ vì một chút công danh lợi lộc? Hình ảnh cô gái trong chiếc áo dài VN duyên dáng và ông Mỹ oai phong đeo chiếc cravate màu vàng ba sọc đỏ ngày nào trở lại trong đầu khiến tôi choáng váng và cảm thấy buồn nôn.
 
 
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

0 comments:

Post a Comment

 

Subscribe to our Newsletter

Contact our Support

Email us: Support@templateism.com

Thành Viên của Website