CON ĐƯỜNG TỴ NẠN BUỒN TÊNH CÒN DÀI
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Tôi tỵ nạn CS vào miền Nam vì Hiệp Định Geneve 1954. Vô đến Vĩnh Long, một hôm, ôm bó rau muống nhặt từ ngoài mương, đang lơn tơn trên đường về nhà, tôi gặp một cụ gìa địa phương. Cụ chận thằng bé lại, chỉ vào bó rau hỏi: “Ăn hay cho heo đây?” Tôi thật thà đáp: “Thưa ăn.” Ông cụ lắc đầu ái ngại: “Người Bắc ăn thứ rau này. Người “Dziệc” chúng tôi không ăn ba thứ đó. Cái này chỉ để nuôi heo thôi.” Mặc dầu còn nhỏ, tôi cũng hiểu rõ sự vô tội trong cách phân biệt NGƯỜI BẮC, NGƯỜI DZIỆC của ông cụ. Nhưng từ đó tôi bất chợt nhận thức: “Thì ra mình không phải là người Việt chính gốc, mà là người Việt Nam gốc Bắc?” Dân Bắc vốn ưa khôi hài, chắc nhiều người cũng gặp trường hợp tương tự, chẳng cần so đo gì, tự nhận mình là “Nam Kỳ gốc rau muống.” Trên một khía cạnh nào đó, tôi đang bị lưu đầy ngay chính trên quê hương mình.
Phải hàng chục năm sau, tôi mới trở thành được người Việt mất gốc như ông cụ gìa tôi gặp ngày trước. Rồi do Hiệp Định Paris 1975, tôi lại một lần nữa chạy giặc CS đến nước Mỹ này. Tôi cố gắng để trở thành người Mỹ, nhưng cũng mới chỉ là người Mỹ gốc Việt, chứ chưa được coi là người Mỹ gốc Mỹ. Tôi tự hỏi nếu CS cứ dồn mãi, một ngày nào đó tôi sẽ còn phải trở thành một thứ người gì gốc Mỹ đây. Và còn sau đó nữa? Nhưng nghĩ lại, biết đâu vật đổi sao dời, có ngày tôi sẽ lại chẳng trở về lột xác thành một tên Bắc Kỳ gốc Mỹ chưa biết chừng. Nhưng đó chỉ là giấc mơ. Làm sao có thể trở thành hiện thực?
Cho đến nay, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ cái cảnh đời long đong trôi nổi, nguyên do chỉ vì CS này. Dứt được cái vòng tử sinh luân hồi này để trở về nguồn [Bắc Kỳ] xem ra khó xẩy ra trong một kiếp người, nếu cứ khư khư ôm lấy lối suy nghĩ và hành động cũ kỹ xưa nay.
TRỜI CHẲNG THƯƠNG MÌNH
Nghĩ đến cuộc di cư của người Vietnam tỵ nạn CS, tôi thường liên tưởng đến cuộc Thế Chiến II, khi quân Đức Quốc Xã tiến vào Liên Xô. Trong chiến dịch đông tiến Barbarossa này, Hitler đã huy động đến 3 quân đoàn, gồm 188 sư đoàn, với hàng ngàn xe bọc thép, đại pháo, máy bay, cùng với nhiều trăm ngàn xe cơ giới, chiến mã, tấn công 3 mũi hướng thẳng vào Moscow, trù tính chỉ trong vòng từ 8 đến 12 tuần lễ sẽ hoàn toàn thanh toán mặt trận phía đông. Thế địch như chẻ tre. Stalin buộc phải lui quân từng chặng, từng chặng. Và sau cùng đành phải rút về tử thủ cứ điểm cuối cùng là thủ đô Moscow. Tình thế nước Nga lúc đó thực là bi thảm và thất vọng. Đàng trước quân Đức đang hùng hổ xốc tới. Đàng sau, Nhật Bản luôn hăm he rình rập. Thế nhưng, ông Trời, thực vậy đúng là ông Trời, đã ra tay cứu nước Nga của Stalin. Mùa đông năm đó [1941] đã đến thật sớm, và cái lạnh lại khắc nghiệt hơn bất cứ một cái lạnh nào từ một nửa thế kỷ qua. Quân Quốc Xã không chịu nổi cái lạnh và vì thiếu nhiên liệu, nên đã mau chóng tan rã. Quân Nga chẳng cần đánh mà thắng.
Việc di cư của người Việt tỵ nạn cũng giống như quân đội Liên Xô hồi đó. Có khác là khác về độ dài thời gian. Trong suốt một nửa thế kỷ qua, người Viet Quốc Gia luôn phải tháo chạy trước sự tấn công không ngừng nghỉ của CS. Từ vùng VC vào vùng Tề, nơi có quân đội Quốc Gia bảo vệ an ninh. Rồi từ Bắc vào Nam. Cuối cùng từ miền Nam đến khắp nơi trên thế giới. Phiêu bạt đến đâu VC cũng vẫn không buông tha. Chúng không ngừng dùng đủ mọi sách lược, mọi thủ đoạn tấn công hầu khuất phục đám người đánh mất quê hương này. Nước Nga trước sự xâm lăng của phát xít Đức, dù sao cũng còn được ông Trời giúp, và các nước phương Tây cứu. Hoàn cảnh người Viet tỵ nạn khốn đốn và thê thảm hơn nhiều. Năm châu bốn biển bè bạn chẳng còn ai. Sức mạnh của một ý chí phục quốc là tinh thần đoàn kết thì hầu như đã tiêu tan. Đây là cứ điểm cuối cùng rồi. Nếu thua lần nữa, biết chạy đi đâu?
Cộng sản Liên Xô đã một lần được ông Trời giúp, nhưng cuối cùng cũng không tránh khỏi bị Trời trừng phạt vì cái tội chống Trời của chúng. Riêng CSVN là một tên qủi quái và điếm đàng nhất thế giới thì hình như lại luôn luôn được ông Trời phò hộ. Qua những phong ba dồn dập, khi ông chủ phương Bắc đập lên đầu để dậy cho một bài học, khi bị cả thế giới lên án và cô lập vì xâm lăng Cam Bốt, khi quan thầy Liên Xô đổ nhào khiến chúng trở thành tên đầy tớ mất chủ, thế mà chúng vẫn trụ được. Từ cái nhìn đó, một số không nhỏ giữa đám nạn nhân CS, trong đó có cả những hạng đầu sỏ chống cộng xưa kia, đang xun xoe quay đầu trở về thần phục CS.
CỘNG SẢN ĐÃ CHẾT? Nếu Liên Sô và khối CS Đông Âu không sụp đổ thì nơi đó vẫn còn là cõi thiên đàng mờ mờ ảo ảo mà bọn văn nô CS vẽ ra để phỉnh gạt thế giới. Nếu Liên Sô và khối CS Đông Âu không sụp đổ thì khi nằm xuống, ông Reagan vẫn chỉ là một con diều hâu đáng ghét trước con mắt nhiều người. Nếu Liên Sô và khối CS Đông Âu không sụp đổ, kéo theo cái chết tức tưởi của chủ nghĩa Marxit thì chế độ CSVN vẫn còn được nhiều kẻ có học mà ngu dốt trên thế gian tôn thờ là cái nôi của cách mạng thế giới. Chỉ sau khi Liên Sô và khối CS Đông Âu sụp đổ thì bức màn đen mới banh ra để cho thấy cái xác rữa tanh tưởi của chế độ này. Nay thì đã qúa rõ ràng, công cuộc chống cộng của người Việt tỵ nạn là một việc làm sáng ngời chính nghĩa. Nhưng đó là chuyện sau khi chế độ tại miền Nam đã cáo chung. Còn trước kia, trong khi chống lại tập đoàn CS chuyên gây tội ác, chúng ta lại bị thế giới coi khinh và kẻ thù mai mỉa là NGỤY, là TAY SAI. Tại sao thế?
Điều này cũng dễ hiểu thôi. Khi chủ nghĩa CS chưa bị lột mặt nạ, nó được hầu hết tầng lớp trí thức, nhất là tại Âu Châu, coi như một Ơn-Cứu-Rỗi mới của nhân loại. Nhiều quốc gia thuộc thế giới thư ba gọi nó là Cái Phao cho kẻ sắp chết đuối trên biển. Trong lúc đó nhân dân VN lại trí tuệ hơn lũ trí thức Âu Châu nhiều. Họ đã hiểu rõ thế nào là CS và phải chống lại nó. Tuy người dân VN trí tuệ nhưng lại dại dột bám víu vào bọn tư bản, một thế lực tàn bạo khác không kém gì CS để chống cộng. Làm như thế, chúng ta đã tự mình vứt bỏ cái chính nghĩa cao cả của mình. Đồng thời tự đồng hóa mình với một tên tay sai, một kẻ nô lệ, một tên lính đánh thuê. Rồi bây giờ khi CS đã chết, nhiều người không ý thức điều đó để thay đổi cách chống. Tệ hơn nữa vẫn còn u mê mơ tưởng rằng bọn tư bản Mỹ đang giúp chúng ta chống cộng. Các sự thay đổi chế độ tại Đông Âu vừa qua chính là cuộc chôn táng lý thuyết Marxit. Tôi nói CS đã chết rồi là thế.
Quả thật, không sai đâu. Như chúng ta đều biết, mục tiêu đấu tranh của chủ nghĩa CS là san bằng giai cấp, tiêu diệt hết bất công xã hội, xóa bỏ tệ nạn người bóc lột người để xây dựng một thiên đàng cho con người ngay tại trần thế. Lý thuyết Marxit cho rằng nguyên nhân gây ra những bất công chính là một xã hội có giai cấp, và cái công cụ để người này có thể bóc lột người khác là cái mà CS gọi là tư liệu sản xuất. Để thực hiện giấc mơ đó, CS chủ trương tiêu diệt hết những người mà chúng coi là giai cấp thống trị, hoặc giai cấp bóc lột. Đồng thời với việc tiêu diệt giai cấp, chúng tập trung tất cả mọi phương tiện sản xuất vào trong tay nhà nước, gọi là sở hữu toàn dân, để dễ bề khống chế đời sống người dân. Thế nhưng như đã thấy, khi đem lý thuyết ra áp dụng, CS đã không san bằng được giai cấp. Mà trái lại, sau khi tiêu diệt được giai cấp bóc lột, CS lại ngang nhiên ngồi vào cái ngai vàng của những kẻ mà chúng gọi là giai cấp bóc lột để bóc lột lại người dân còn thậm tệ hơn. Kết qủa là xã hội đã bất công và lầm than lại càng lầm than và bất công hơn gấp bội dưới chế độ CS.
Tình trạng này không phải chỉ xẩy ra tại VN mà là tại tất cả mọi quốc gia theo chế độ CS. Chủ nghĩa CS rõ ràng đã phá sản, hay nói cách khác, CS đã chết rồi cũng vậy. Sự kiện phá sản toàn diện này đưa đến sự sụp đổ không tránh khỏi của thế giới CS. Cả cái thành trì CS kiên cố nhất là Liên Bang Xô Viết cũng cùng chung số phận. Một số nhỏ các nước CS còn sót lại, trong đó có CSVN, vội vàng để sống còn, buộc phải từ bỏ đường lối kinh tế chỉ huy, trở lại áp dụng kinh tế thị trường. Việc làm này là sự tự hủy của lý thuyết, bởi nó đi ngược lại với biện chứng của lý thuyết. Tập thể được gọi là CSVN hiện nay không còn phải là CS, mà thực ra chỉ là một lũ mafia nắm quyền, dựa vào sức mạnh để đàn áp.
CHỐNG CỘNG HAY NUÔI CỘNG? CS đã chết về mặt lý thuyết, nhưng nó lại ma mãnh hóa thân thành một thứ yêu tinh. Thứ này còn qủi quái, dữ dằn hơn CS gấp bội. Trong cuộc chiến tranh chống CS, người quốc gia chỉ biết đánh CS bằng súng đạn. Điều đó hiển nhiên sai nên chúng ta đã thua. Lý do rất đơn giản . súng đạn không phải là vũ khí tối hiệu cho loại chiến tranh đặc biệt nàỵ CS gọi cuộc chiến này là chiến tranh nhân dân hay chiến tranh giải phóng. Danh từ tự nó nói lên lý thuyết chủ đạo của đường lối chiến tranh. Nhưng người quốc gia VN lại chống CS bằng lý thuyết của một cuộc chiến tranh chống xâm lược. Từ cách nói đến cách đánh, chúng ta làm thế là sai.
Bây giờ bọn cầm quyền Hanoi đánh người tỵ nạn thuần túy trên mặt trân văn hóa và tình báo lũng đoạn. Lý thuyết chiến tranh cũng đã thay đổi. Để chống lại, nếu chỉ dùng cách thức biểu tình và kiến nghị làm vũ khí thôi, e cũng không thể thắng được. Biểu tình bất qúa tạm dẹp được các biểu tượng làm gai mắt chúng ta như treo cờ máu, treo hình Hồ tặc, hay đuổi cổ một vài con hát thứ xướng ca vô loài. Chiến dịch Cờ Vàng hay khoanh vùng cấm CS bén mảng tới tuy rất hay, rất đẹp mắt, nhưng nó có tính cách vuốt ve tự ái hoặc làm nguôi ẩn ức trong lòng của chúng ta hơn là đem lại tác dụng tích cực. Vẫn là chúng ta ở vào thế bị động. CS tấn công đến đâu, chúng ta chống đỡ đến đó. Phần lớn các hoạt động chống cộng ở hải ngoại chỉ nên coi là biện pháp be bờ.
Điều đáng tiếc là chúng ta đang nắm thứ vũ khí tối hiệu trong tay mà không biết xử dụng nó. Thậm chí chúng ta còn trao vũ khí đó cho CS để chúng quật lại mình. Nếu chúng ta nghiêm chỉnh ý thức điều này, hy vọng chúng ta còn có cơ may thắng được CS. Vũ khí đó là đồng dollar. Thống kê của nhà nước VC đưa ra con số trung bình khoảng 3 tỷ dollars, tiền người Viet tỵ nạn gởi về nước hàng năm. Đấy là chưa kể đến số tiền chui do những người tỵ nạn ở nước ngoài mang theo khi trở về thăm gia đình hoặc du lịch. Số này chắc chắn còn lớn hơn con số thống kê được. Các nguồn ngoại tệ này không liên quan gì đến mục tiêu phát triển đất nước như tiền đầu tư hay tiền viện trợ, nên đương nhiên chui vào túi các cán bộ đảng để nuôi sống bộ máy kềm kẹp của chế độ. Xin nhớ rằng trong lúc hấp hối, chế độ VNCH chỉ cần 300 triệu dollars là có cơ may tồn tại. Điều nghịch lý và chua sót cho mọi cố gắng chống cộng là ở chỗ đó. Nếu cả khối người tỵ nạn chúng ta đồng lòng tạm thời không gởi tiền về cho thân nhân, không trợ giúp các tổ chức này nọ, không du lịch về VN, không tiêu thụ hàng hóa của VC, không mua băng, đĩa nhạc, không đi coi văn công trình diễn v.v. thì chuyện gì sẽ xẩy ra chúng ta có thể biết trước được. Không chịu hy sinh cái nhất thời thì không thể có được cái lâu dài. Rõ ràng chúng ta đã vừa chống cộng vừa nuôi cộng sản. Công cuộc chống cộng vì thế đã trở thành dã tràng xe cát biển đông!
VÕ RỪNG Người quốc gia đã đánh giặc với những thứ vũ khí kém hiệu năng. Cần nói thêm là cả đến cách đánh cũng thường khi rất ư là vô hiệu. Về mặt quân sự chẳng hạn, công đồn đả viện là một chiến thuật CS xài đi xài lại như cơm bữa, thế mà quân đội ta vẫn cứ bị mắc lừa dài dài. Về mặt tâm lý chiến, các chánh sách tuyên truyền vận động của ta lại càng tỏ ra bết bát hơn. Cha ông ta dậy: “đánh rắn thì phải đánh đầu.” Lời dậy của cha ông là kinh nghiệm thực dụng trong đời sống hàng ngày, cũng là sách lược trong đấu tranh chính trị. CS thuộc và biết áp dụng vào thực tế hơn chúng ta. Trong khi đánh người quốc gia, CS luôn nhắm thẳng vào lãnh đạo của chế độ ta mà đánh. CS đồng hóa người lãnh đạo với chế độ, dụng tâm tách rời nhân dân ra khỏi lãnh đạo, và chỉ đánh vào lãnh đạo mà thôi. CS bới móc những lầm lỗi cá nhân nhỏ nhặt nhất, nhai di nhai lại những vu cáo, những bịa đặt ti tiện nhất để bôi đen, cốt làm cho quần chúng mất niềm tin nơi lãnh đạo. Chúng rả rích lập đi lập lại những bài bản đó. Lâu dần người dân và cả đến dư luận thế giới cũng ngả nghiêng tin lời CS. Khi lãnh đạo bị mất tin tưởng là lúc chế độ bị lung lay.
Còn người quốc gia, chúng ta chống cộng nhưng không ghim họng súng vào những con người cụ thể như Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh chẳng hạn, mà thường chỉ hướng vào một đối tượng vô danh tánh, vô hình tượng mà chúng ta gọi chung chung là CS. Đại đa số lính tráng VC không phải là CS. Đại đa số nhân dân miền Bắc không phải là CS. Vô tình những hạng người này đáng lẽ ra là bạn lại trở thành kẻ thù, nạn nhân của chánh sách chống cộng sai lầm của chúng ta. Trong khi đó, những tên đầu sỏ CS lại an toàn lọt lưới. Chúng ta đánh rắn mà chỉ đánh cái đuôi thì rõ ràng là vô hiệu.
Những chuyện thất sách đại lại như trên kể ra thì còn dài. Tôi chỉ mới nói đến cách đánh hay tạm gọi là chiến thuật. Trên một bình diện cao hơn tạm gọi là chiến lược, chúng ta cũng đã phạm phải những sai lầm quan trọng không kém. Khi cuộc chiến còn đang tiếp diễn, nhất là từ khi khởi sự Hòa Đàm Paris, CS tấn công người quốc gia trên ba mặt trận mà chúng thường gọi là ba mũi giáp công. Đó là chính trị, ngoại giao và quân sự. Đối với CS, chính trị và ngoại giao mới là những mặt trận ĐIỂM. Trong khi quân sự tuy thế chỉ là mặt trận DIỆN. Mặt trận quân sự chỉ nhằm yểm trợ cho các mặt trận chính trị và ngoại giao. Tranh thủ hậu thuẫn của dư luận thế giới và nhất là dư luận Mỹ vào lúc đó mới chính là điều CS muốn làm và quyết tâm làm. Trong khi đó về phía VNCH, chúng ta dồn toàn lực vào mặt trận quân sự và hầu như bỏ ngỏ các mặt trận chính trị và ngoại giao. Kết quả như chúng ta đã thấy, vào cuối cuộc chiến, hầu hết dư luận thế giới đều thuận lợi cho phía CS. Trên chiến trường, mặt trân chính của chúng ta, chúng ta bắn thằng CS bằng súng đạn của người khác ban cho. Đến khi ngưòi ta không cho nữa, chúng ta không còn đạn để bắn. Thua trận là điều tất nhiên thôi. Có ai muốn đem đạn cho chúng ta bắn hoài vào lúc đó? NHỮNG CƠ HỘI ĐÁNH MẤT Từ 1954 đến nay, người quốc gia chống cộng đã một lần bỏ lỡ cơ hội để tồn tại, và một lần khác cơ hội để quật khởi.
Chúng ta nhớ lại tại hòa đàm Paris, Chu Ân Lai lúc đó là ngoại trưởng Trung Cộng có đưa ra một đề nghị với ông Ngô Đình Luyện, đại sứ VN tại Anh, việc Trung Quốc và Miền Nam sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ. Ông Ngô Đình Diệm lúc đó còn là thủ tướng đã bác bỏ lời đề nghị này. Tôi cho rằng sự từ chối của chính phủ ông Diệm đã làm mất đi cơ hội tốt và cũng là cơ hội duy nhất để chế độ miền Nam có thể tồn tại được vào tháng 4-1975. Vào lúc nguy kịch nhất của nền Đệ Nhị Cộng Hòa tại miền Nam, Khmer Đỏ đã hoàn toàn kiểm soát Campuchea. Trung Cộng rất lạnh nhạt với Lê Duẫn, nhưng lại thân thiện với cánh miền Nam trong Mặt Trận Giải Phóng. Giả thuyết tôi muốn đưa ra là liệu quân đội miền Bắc có dám tấn công vào Saigon trong khi có tòa đại sứ Trung Cộng tại đó không? Vả lại, nếu có tòa đại sứ Trung Cộng tại Saigon vào lúc đó, thì người mà ông Dương Văn Minh có thể tìm đến nhờ cậy phải là viên đại sứ Trung Cộng chứ không phải là ông Merillon, đại sứ Pháp. Nếu trường hợp đó xẩy ra thì người quốc gia có thua cũng không đến nỗi thua cháy túi. Việc bắt tay với Trung Cộng nếu thực hiện vào lúc đó, điều thiệt thòi chưa biết thế nào, nhưng chính yếu là khả năng làm giảm bớt sự khống chế tòan diện của các chính quyền thực dân Mỹ sau này. Nhưng thôi, đó chỉ là chữ NẾU đáng tiếc. Cũng chẳng nên trách cứ ông Diệm. Một người đã lấy chữ “Tiết Trực Tâm Hư” làm phương châm trị quốc thì làm sao có thể bỏ người đồng mộng đồng sàng là Tưởng Giới Thạch để ôm mộng với tên đồ tể Mao Trạch Đông. Ông Diệm nếu làm một hồng y giáo chủ chắc sẽ được tôn kính suốt đời. Nhưng ông làm tổng Thống bị giết không phải chuyện lạ.
Cơ hội người quốc gia có thể nắm lấy để đánh gục tập đoàn cầm quyền Hanoi xẩy đến một lần vào năm 1979, nhưng chúng ta cũng đã để nó vuột qua. Có thể nói năm 1979 là năm nguy khốn nhất của chế độ CS Hanoi. Trong lúc VC đang sa lầy ở Cam Bốt thì quan thầy Trung Cộng ra tay dậy cho chúng một bài học để đời về sự bội bạc và tráo trở của chúng. Lúc đó ông chủ Liên Sô đang lâm vào tình trạng quẫn bách vì cái bụng đói nên không thể giúp gì cho tên đầy tớ của mình được. Vả lại, dù Liên Sô có muốn giúp thì nước xa cũng không thể cứu được lửa gần. Chưa hết, trong nước nạn đói hoành hành khắp nơi, kể cả tại vùng vựa lúa Hậu Giang. Ngay đến dân làng quê hương của Hồ cũng phải lũ lượt kéo nhau ra Hanoi để ăn xin. Vì cái tội xâm lăng Cambot, VC bị cả thế giới lên án và làm ngơ trước tình trạng đen tối đó. Duy chỉ có Ấn Độ ra tay nghĩa hiệp giúp cho được ít chục ngàn tấn bobo. Thứ thực phẩm này nói là để chăn nuôi gia súc, nhưng kỳ thực VC đem bán cho dân ăn và nuôi tù. Mọi người lúc này mới sáng mắt ra và đã qúa ê chề với CS rồi. Tình hình này tưởng đã qúa chín mùi để tòan dân đứng lên làm một màn quật khởi. Chế độ CS như một cây cột mục ruỗng, chỉ cần một ngón tay xô nhẹ cũng có thể đổ kềnh. Thế nhưng cơ hội ngàn năm một thuở đó đã qua đi một cách uổng phí.
QUE SERA, SERA? Lúc này mà còn nói đến chống cộng có phải là trái mùa hay lỗi thời không? Thời còn Liên Sô và khối CS Đông Âu, ông bạn Mỹ hô hào cả thế giới vùng lên chống cộng. Hồi còn cái gọi là Thế-Giới-Tư.Đo, chống cộng mới là hợp thời và trúng mùa. Bất cứ nơi nào có bóng dáng tên nón cối dép râu là có chống. Và có chống là có dollar, dĩ nhiên . Bây giờ tình thế đã đổi khác, ông bạn ngày xưa lại uốn lưỡi kêu gọi xóa bỏ hận thù, quên đi qúa khứ. Ấy vậy mà người Viet tỵ nạn vẫn còn tưởng rằng Mỹ chống cộng và bám đuôi Mỹ. Không phải lỗi thời hay trái mùa lắm sao? Mùa chống cộng chúng ta chống là phải. Lúc này đây, đáng lẽ chúng ta thu hoạch mùa Hòa-hơ.p-hòa-giải mới là đúng thời vụ? Nhiều người, nhiều tổ chức, đảng phái nghĩ như vậy và đang làm như vậy. Người thức thời vụ nhất có lẽ phải kể đến ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ luôn hát câu "Có tôi đi hàng đầu" và năng nổ nhất trong bất cứ thời vụ nào.
Không phải chỉ có ông Kỳ, mà còn một số có lẽ không nhỏ đang đơm đó thời vụ như ông Kỳ. Sự thay đổi lập trường chính trị trong cộng đồng chúng ta bị tác động một phần do CS tuyên truyền và mua chuộc. Nhưng một phần không nhỏ quyến rũ bởi đường lối đối ngoại hiện nay của Hoa Kỳ. Đường lối này như thế nào tôi có lẽ phải kể lại chuyện xẩy ra hồi 1998 tại Houston, Texas. Câu chuyện thế này: Tại nhà hàng Fu Kim vào tối ngày 6-2-98, hội Lion VN trong hiệp hội Lion quốc tế có tổ chức một buổi nói chuyện cho ông Dennis Harter, phó đại sứ HK tại VN . Hai nhà báo Nguyễn Quốc Cường và Trọng Kim tường thuật buổi nói chuyện của ông Harter, đã tóm tắt một cách dí dỏm đường lối ngoại giao của Hoa kỳ áp dụng tại Vietnam như sau: Nếu chúng ta đừng nghe những gì CS và HK nói, mà hãy nhìn những gì CS va HK làm, thì qua phần đối đáp của ông Harter, người ta có thể kết luận mà ít sợ sai lầm là hiện nay HK và VN quả thật đang cùng dắt tay nhau đi dưới những tấm bảng chỉ đường của một lộ trình Diễn Biến Hòa Bình. Đã rõ ràng rồi chưa?
Sau khi Liên Sô sụp đổ, cái thế giới lưỡng cực không còn nữa. Chỉ còn lại Mỹ tự tung tự tác xây dựng cái mà họ gọi là Trật Tự Thế Giới Mới. Chiêu bài chống CS được thay thế bằng đủ thứ từ ngữ hoa hòe hoa sói như: Quên đi qúa khứ, Xóa bỏ hận thù, Hướng về tương lai, Hòa hợp hòa giải v.v. Xu hướng theo đuôi Mỹ hòa hợp hòa giải với VC đang có nguy cơ trở thành một đối cực với xu hướng chống cộng triệt để trong cộng đồng VN tỵ nạn. Sự phân cực chính trị này xẩy ra trong cộng đồng Vietnam cũng giống như trong các cộng đồng người Hoa ở đây, vì đó là xu thế của thời đại dollar, và dĩ nhiên được cả Mỹ lẫn CS tán thưởng vì nó giúp cho cả hai cùng đi theo lộ trình của diễn biến hòa bình. Một điều khó nhận ra là vì tinh thần chống cộng của đồng bào tỵ nạn VN còn quá cao, nên những người tỵ nạn chủ trương hoà hợp hòa giải với CS vẫn còn phải miễn cưỡng treo chiêu bài chống cộng để che mắt hầu thu hút sự hưởng úng của quần chúng.
Đi sâu vào tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy cả hai xu hướng này đều nói đến chống cộng, nhưng mục tiêu tranh đấu của hai bên phân biệt rất rõ ràng. Xu hướng hòa hợp hòa giải sẵn sàng chấp nhận chế độ CS, miễn là CS công nhận đa nguyên, đồng ý cho họ được tham dự vào các sinh hoạt đảng phái trong nước. Trong khi đó, mục tiêu tranh đấu của xu hướng chống cộng triệt để phủ nhận chủ nghĩa CS và phải tiêu diệt hoàn toàn chế độ đó. Chúng ta thấy đang có sự phân cực trong cộng đồng theo hai chủ trương như trên. Sự phân cực chính trị này đưa đến tình trạng phân hóa trầm trọng không thể tưởng tượng được trong cộng đồng tỵ nạn chúng ta. Sự thể càng ngày càng trở nên trầm trọng đến độ hai bên coi nhau như kẻ thù cần phải tiêu diệt trước khi nói đến chuyện đấu tranh với CS. Sự phân hóa càng gay gắt thì phe hòa hợp hòa giải tự nhiên càng tiến gần đến với CS hơn.
Như vậy thì vấn đề hòa hợp hòa giải là chuyện tất yếu xẩy đến? Đúng là như vậy, nhưng không phải xẩy ra tốt đẹp như những người nhẹ dạ mong đợi, bởi vì nó là đứa con bất đắc dĩ, kết qủa do cơn động cỡn của cặp Chí Phèo và Thị Nở.
DIỄN BIẾN HÒA BÌNH Cho dù người Mỹ quên đi được mối hận thất trận tại Vietnam, nhưng chắc chắn không thể nào không thèm thuồng mơ ước được trở lại đó. Đem quân đánh như đánh Iraq chăng? Không thể nào vì không có lý do thuyết phục. Vả lại, đánh nhau với VC, nghe nói cũng đủ ớn rồi. Vậy thì phải làm theo cung cách khác. Cung cách đó chính là đường lối mà CS gọi là diễn biến hòa bình. Vậy phải hiểu diễn biến hòa bình như thế nào? Theo nghĩa rộng của cụm từ này thì Diễn Biến Hòa Bình là một tất yếu lịch sử . Dòng lịch sử luôn chảy. Nếu không có một biến động mạnh nào can thiệp vào, như một biện pháp quân sự chẳng hạn, thì nó luôn chảy một cách bình dị xuôi theo thời gian, chuyên chở mọi sinh hoạt của đời sống xã hội con người. Nói tất yếu có nghĩa là nó phải xẩy ra, nhưng xẩy ra một cách từ từ chậm chạp. Lịch sử cho thấy nhiều nền văn minh, nhiều đế quốc hùng mạnh đã từ từ biến mất theo cung cách tự nhiên của diễn biến hòa bình. Như vậy thì không một nhà nước nào hay một chế độ nào có thể tự hào sẽ tồn tại đến bất diệt. Chế độ CSVN cũng không đi ra ngoài qui luật đó. Nếu ta không đạp đổ nó thì tự nó cũng sẽ từ từ thay đổi và biến mất đi theo thời gian.
Còn Diễn Biến Hòa Bình hiểu theo nghĩa là một vận động nhẹ nhàng và tiệm tiến nhằm làm thay đổi bộ mặt của một chế độ cho phù hợp với đòi hỏi của tình thế thì qủa thật Hoa Kỳ đang làm diễn biến hòa bình tại Vietnam. Chính CSVN cũng đang tích cực tham gia vào cuộc vận đông này, đúng như hai nhà báo Quốc Cường và Trọng Kim nhận định như đã nói ở trên. HK vận động diễn biến hòa bình còn tin được. Nhưng CSVN làm diễn biến hòa bình, nghe thực là chói tai. Vấn đề xem ra có vẻ nghịch lý, nhưng đó lại là sự thực. Nghị Quyết 36 CS được ban hành có thể coi là một cách làm diễn biến hòa bình của CS. Hai kẻ thù với nhau ngày xưa nay lại bám víu lấy nhau vì những quyền lợi thiết thực của mỗi bên. Một bên để sống còn, và một bên để trục lợi. CS cần đầu tư, viện trợ, và nhất là ảnh hưởng của sức mạnh của Mỹ để khắc chế áp lực của Trung Cộng. Trong khi HK muốn dùng VN be bờ ngăn nạn hồng thủy Tầu tràn xuống, đồng thời đổ tiền bac vào làm ăn buôn bán ở đây. Hiện trạng VN không cho phép cả hai thực hiện điều mong muốn. Vậy thực tế là nên hợp tác với nhau để làm việc này.
Cách làm diễn biến hòa bình của HK là dùng chiêu bài dân chủ để tạo một thế lực có khả năng làm cân bằng quyền lực tại chỗ hầu bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại đây. Còn cách làm diễn biến hòa bình của VC là phải thu vén thế nào để có thể chấp nhận một xã hội cởi mở hơn, điều mà các chế độ độc tài khó có thể chấp nhận. Vấn đề tối ưu của VC hiện nay là phải bình định được các thế lực chống lại chúng ở hải ngoại trước đã. Bất cứ một trao đổi chính trị nào cũng đều là sự trao đổi về quyền lợi. CS muốn được những thứ chúng cần thì tất nhiên phải trả một cái giá. Cái gía đó là sự chấp nhận một hình thức dân chủ nào đó. Trung Quốc đang từ từ thực thi diễn biến hòa bình rồi. Đàn em VC rồi ra cũng phải bắt chước đi theo con đường đó thôi. Đó là con đường độc đạo. Không thể đi vội vã, mà phải dò từ từ từng bước để không bị té huống hố. Đối với CS, vấn đề nằm ở chỗ là chấp nhận dân chủ nhưng không đe dọa đến tư thế độc quyền lãnh đạo của chúng.
Cái gía HK đưa ra luôn luôn được ngụy trang dưới chiêu bài hết sức cao cả là dân chủ và nhân quyền. Việc mở rộng dân chủ và nới lỏng nhân quyền dĩ nhiên phải nằm trong giới hạn mà vì quyền lợi, cả hai bên đều có thể chấp nhận. Nền dân chủ tiền chế này là cần thiết để rửa mặt cho chế độ mới trong tương lai. Những thành phần rồi sẽ xuất hiện đối lập tại VN dưới chế độ mới chắc chắc sẽ là những người đã được “tiền định” và được cả hai phía chấp nhận. Họ không những phải là những nhân vật có thành tích đấu tranh cho dân chủ hiệu MADE IN USA, mà còn phải có một tinh thần chống cộng xìu xìu ển ển mới được. Trong thành phần đối lập này mà có được vài ba ông tướng, tá, nghị sĩ, dân biểu của chế độ cũ, cùng với ít nhiều chánh khách chung thân bất mãn với chế độ VNCH là thập phần hòan hảo. Dù khoác chiếc áo nào trên người, đám này thực chất chỉ là những THẰNG BỜM thời đại. Trước nắm xôi VN béo bở, lũ bờm thời đại đã thấy thò đầu ra khá nhiều. Nếu điều tiên liệu này là đúng thì hậu qủa sẽ là những người thực tâm yêu nước sẽ không còn chỗ đứng. Người Viet tỵ nạn lúc đó sẽ không còn lý do để chống cộng vì trước con mắt của thế giới, VN đã có tự do dân chủ rồi. Tập đoàn CS Hanoi nhất định sẽ huênh hoang gọi sản phẩm này là "Nền dân chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Nền dân chủ có định hướng này có bộ máy công an và quân đội làm gậy chống, lại được cái dù Mỹ che đầu thì hẳn là phải đời đời bền vững? Tập đoàn thống trị Hanoi hẳn là phải yên tâm.
Người Vietnam tỵ nạn CS có lẽ không ai không mơ ước được trở về sống nơi quê hương xứ sở, trở thành người Việt, dù là người Việt gốc Pháp, gốc Mỹ gì đó. Nhưng nếu trở về dưới chế độ dân chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa này, thì chẳng thà ở lại nơi tha hương với thân phận người Pháp hay Mỹ, hay gì đó gốc VIỆT còn hơn. |
Duyên-Lãng, Hà Tiến Nhất
|
0 comments:
Post a Comment