CON GÀ NÒI GIÀ VÀ TRIẾT LÝ SỐNG CỦA NÓ
|
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
|
Ông Kỳ mới lại vừa nổi lên, cuốn hút dư luận như một cơn lốc xoáy. Chuyện cứ lâu lâu lại diễn ra như một cái vòng luân hồi luẩn quẩn. Ông nổi tiếng từ hồi mới tập tễnh bước vào nghề làm chính trị, lập nên cái gọi là “CHÍNH PHỦ CỦA DÂN NGHÈO” vào năm 1965. Dân Vietnam nghèo thì nghèo thật, nhưng người đứng đầu cái chính phủ của đám dân này hàng ngày vẫn nốc rượu ngoại quốc loại đắt tiền, đá gà ăn thua bạc trăm thêm chữ ngàn, và thỉnh thoảng tự lái máy bay nhà nước chở bồ nhí sang tận Singapore ăn sáng. Tên tuổi ông càng bùng lên như một đám cháy rừng khi ông lôi một anh Ba Tầu giầu sụ trong Cholon ra pháp trường cát tại Saigon bắn bỏ, một thế lực mà rất ít người dám cả gan đụng tới. Người bình dân bảo là ông Kỳ mó dái ngựa.
Tột đỉnh vinh quang và lừng lẫy danh tiếng nhất là khi ông dắt vợ và đoàn tùy tùng đi phó hội Paris lúc ông đang là nhân vật số 2 của chế độ. Tuy là nhân vật số 2, nhưng thực chất ông Kỳ chỉ là một thứ phỗng đá mà người ta thường thấy trang trí tại các cửa đình, cửa chùa. Cái tài của con phỗng đá này là biết nắm lấy cơ hội trong bất cứ hoàn cảnh nào để ngoi lên khỏi những đợt sóng thời cuộc đang muốn dìm nó xuống. Tuy chẳng ưa gì ông phó của mình, nhưng khi thấy ông phó thất nghiệp lêu bêu, ông Tổng Thống cũng động lòng trắc ẩn, giao cho ông phó cái sứ mạng cao cả là sang làm cố vấn chỉ đạo cho phái đoàn Vietnam Cộng Hòa đang tham dự Hội Nghị Quốc Tế họp tại thủ đô nước Pháp bàn về số phận Tổ Quốc mình. Ông Kỳ xem ra rất thỏa mãn với nhiệm vụ đó, và vui vẻ lên đường. Ông xuất hiện với bộ đồ bay đen trong phòng lái chiếc phản lực cơ như một phi công thần phong anh hùng của quân đội Nhật Bản thời Đệ II Thế Chiến. Một ký gỉa ngoại quốc nói đùa với ông: “Ngài Phó Tổng Thống thật đa năng đa tài. Ngài lái phản lực tài tình như lái con thuyền quốc gia vậy.” Ông Kỳ cười hề hề và tỏ ra rất tự mãn với lời nhận xét hóm hỉnh kia.
Sang đến Paris, ông Tổng Thống Pháp không biết, hỏi “Kỳ là ai.” Người Pháp, kể cả ông tổng thống của họ, không biết Kỳ là ai, nhưng ông đã mau chóng thành công trong việc làm nổi lên một loạt dư luận báo chí để cho mọi người biết mình là ai. Hình ảnh một ông Phó Tổng Thống Vietnam Cộng Hòa cùng vợ ăn mặc chải chuốt, dúng mốt Parisienne dẫn nhau đi trượt tuyết và shopping tại những cửa tiệm sang trọng bậc nhất của thủ đô Paris tráng lệ được in trên mặt báo chung với hình bà Nguyễn Thị Bình, trưởng đoàn thương thuyết của cái gọi là Chính Phủ của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Vietnam. Người đàn bà này trái lại, ăn mặc đơn sơ, có vẻ hơi nhà quê, tay cầm chiếc bình tưới đang chăm sóc mấy luống rau sau khu vườn nơi phái đoàn của bà cư ngụ. Hai hình ảnh, hai sinh hoạt của hai bên đối địch trên bàn cờ chính trị tự nó gây nên những thị phi, khen chê trong nước và trên thế giới. Dĩ nhiên là bà Bình chỉ đóng kịch, nhưng tài đóng kịch của một tay cộng sản lão luyện trong nghề bịp như bà vậy mà che được con mắt thế gian. Tấm hình bà Bình đóng kịch thu hút được cảm tình và dư luận thế giới. Trong khi hình vợ chồng ông Kỳ chỉ nhận được những cái bỉu môi khinh bỉ.
Những chuyện xem ra vụn vặt đầy tính bi hài này đã góp phần không nhỏ vào việc một đàng thì đưa đến chiến thắng vẻ vang, còn một đàng thì dẫn đến sự thảm bại của cả một chế độ, và làm điêu đứng bao nhiêu triệu con người. Cũng trong việc đi phó hội này, ông Kỳ còn muốn tỏ ra mình có năng khiếu làm chính trị và làm một cách trí thức nữa là đàng khác qua việc ông lắt léo dùng từ ngữ trong những lời tuyên bố. Không ai biết rõ ông nói năng ra làm sao, nhưng báo chí tường thuật lại rằng ông công nhận Mặt Trận Giải Phóng là một “THỰC THỂ CHÍNH TRỊ” tại Miền Nam. Ông cãi lại rằng ông muốn nói “THỰC TẾ” chứ không phải “THỰC THỂ.” Mấy thứ chữ nghĩa khó tiêu hóa này đã gây sóng gío không ít. Dư luận cho rằng trong một ý nghĩa nào đó, ông Kỳ đã có ý công nhận tính cách hợp pháp của Mặt Trận Giải Phóng, khiến ông phải mất công thanh minh thanh nga mãi mới yên đi được.
Trước biến cố tháng 4-1975, trong tình hình dầu sôi lửa bỏng của đất nước, ông Kỳ cũng không quên chuyện tự làm cho mình được nổi bật. Trong lúc mọi người đang bon chen để tìm đường thoát thân, ông tuyên bố nhất định ở lại, vì “Sang Mỹ làm gì có mắm tôm, cà pháo mà ăn.” Nhiều ngườu lúc đó tưởng thật và tin ông. Nhưng khi CS chưa vào đến Saigon, người ta đã thấy ông Nguyễn Cao Kỳ ung dung ngồi hưởng gío biển trên một chiến hạm Mỹ ngoài Biển Đông, bỏ lại không thương tiếc những đồng đội và những thần dân mới ngày hôm qua còn đăt hết tin tưởng nơi ông.
Sang tới Mỹ, ông đã không chịu sống kiếp sống con sò, con ốc như nhiều ông tướng, hoặc chánh khách cờ đến tay không biết phất. Lâu lâu người ta lại thấy ông cố vùng vẫy ngoi lên trên mặt biển mà tự nhiên bấy lâu nó muốn yên lặng rồi. Có lần ông xuất hiện trước một cử tọa gồm hầu hết là những chiến hữu hoặc bạn hữu tại một câu lạc bộ của một căn cứ không quân Mỹ tại miền Bắc Californiạ Cuộc họp mặt không có những nhân vật tai mắt, và tuy chỉ là để kỷ niệm và ăn nhậu, nhưng ông Kỳ đã phá rào bước qua lãnh vực chính trị và tuyên bố lung tung. Chuyện ông đề cập đến bữa đó là một vấn đề hết sức bén nhậy và tế nhị trong lúc này đối với cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại. Đó là vấn đề bang giao và cấm vận đối với chính quyền CSVN.
Theo nhận định chung thì hầu hết người Việt tỵ nạn đều mong muốn Hoa Kỳ duy trì cấm vận và cô lập Vietnam về mặt chính trị. Tuy nhiên có một số rất nhỏ đã thay đổi lập trường, trong đó có ông Nguyễn Cao Kỳ. Như phần lớn các nhà tư bản Mỹ, những người này, trước hết là những con buôn chưa hề bao giờ đặt vấn đề chống cộng như là một lý tưởng. Họ chỉ có một lý tưởng duy nhất là làm giầu, cho dù có phản bội lại Tổ Quốc. Tư bản Mỹ và thành phần người Viet mất gốc này sợ chậm chân để các nước khác cướp mất phần của họ tại phần đất nghèo đói nhưng đầy rẫy hấp lực kiạ Thứ đến là các chính khách tôn thờ cơ hội chủ nghĩa. Họ như những cây sậy, gío thổi chiều nào ngả theo chiều đó. Loại chánh khách này mới xuất đầu lộ diện sau một thời trùm chăn.
Từ xưa đến nay, ít người dám nghĩ ông Kỳ là một chính khách hoạt đầu, vì tinh thần chống cộng của ông luôn luôn được nêu cao như một ngọn cờ tiên phong. Nhưng nay thì thì cảm nghĩ chung ấy không còn nữa. Ông Kỳ đã công khai bỏ rơi lập trường cũ và đứng hẳn vào hàng ngũ những người cổ võ Hoa Kỳ lập bang giao và bãi bỏ cấm vận. Có thể ông Kỳ ngày nay đã khôn lớn và đã biết nhìn xa trông rộng? Hồi giữa thập niên 60, một thuộc cấp thân tín của ông có nhận định về người chủ của mình như sau: “Chỉ mười năm nữa thôi, ông ta [Kỳ] sẽ biết ăn nói chững chạc và hành động khôn ngoan như một lãnh tụ tầm vóc.” Thời gian nhiều cái mười năm đã trôi qua, nhưng người ta chỉ nhìn thấy ông Kỳ vẫn là ông Kỳ của mấy chục năm về trước. Nghĩa là ông không thay đổi. Nghĩa là ông ta vẫn bốc đồng và ăn nói vung vít như xưa. Ông vẫn hành động nông nổi và thiếu cân nhắc như xưa. Người Tầu nói: giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời thật đúng. Nói theo kiểu người bình dân ta thì trước sau ông Kỳ vẫn quen thói “chó đen giữ mực.” Đã từng ở vào cương vị lãnh đạo quốc gia, dù nước có mất, và nhà có tan thì đạo lý và tập quán Vietnam vẫn không cho phép ông Kỳ buông lỏng để nói và làm những điều như đã thấy. Dù sao “giấy rách phải giữ lề.” Cha ông ta đã dậy như thế. Việc ông Kỳ đi yết kiến ông Bùi Tín khi ông này mới đào ngũ và sang Mỹ là một hành động gây thương tổn danh dự cho hàng triệu đồng bào và đồng chí của ông, những người đã phải bỏ mình vì nước, và những người đã phải bỏ nước ra đi như ông. Chuyện ông kêu gọi hòa hợp hòa giải, quên đi qúa khứ, tái lập bang giao, bãi bbỏ cấm vận lại càng là một điều không nên. Ông ta đòi đúng những cái mà CSVN đang mơ ước và đang đòi hỏi. Trong khi đó bọn CS vẫn tỏ ra kiêu căng và ngoan cố trước những đòi hỏi tự do và nhân quyền ở trong nước. Hẳn ông Kỳ không đến nỗi mất trí không còn nhớ nổi rằng ngay thời ông còn nắm quyền, CS đã tung ra chiêu bài hòa giải và lợi dụng nó như thế nào. Một người làm chính trị như ông Kỳ cũng không thể không hiểu rằng chữ đoàn kết của CS có nghĩa là thần phục. Đoàn kết với CS tức là thần phục và làm tôi đòi cho CS. Có thế thôi.
Lý do ông Kỳ nêu ra để hô hào hòa giải xem ra có vẻ cao cả. Ông nhấn mạnh đến việc cứu vớt đồng bào của ông ở trong nước, phát triển kinh tế, làm cho dân giầu nước mạnh. Ai chứ đồng bào ông, những người đang tha phương cầu thực rải rác khắp năm châu bốn biển, đã biết rõ tinh thần yêu nước thương dân của ông Kỳ thế nào rồi. Từ ngày bỏ nước ra đi, người ta chưa hề thấy ông Nguyễn Cao Kỳ chia sẻ một đồng xu nhỏ nào của ông cho bất cứ ai là người đồng bào của ông trong cũng như ngoài nước. Cũng không hề thấy ông tham gia bất cứ một sinh hoạt cộng đồng nào, tại bất cứ đâu. Nay bỗng người ta nghe thấy ông nói đến chuyện cứu dân cứu nước.
Thật là khôi hài. Nhưng chuyện tức cười là ngay trong khi hô hào việc cứu dân cứu nước, ông lại hướng các hoạt động của mình vào phía người Mỹ. Tuy kiến thức không có, nhưng ông viết sách bằng tiếng Mỹ cho người Mỹ dọc. Ông thường hay xuất hiện trước cử tọa người Mỹ tuy chỉ là những người Mỹ bậc trung lưu, ở đó ông cố ý bắn tiếng bằng cách đưa ra những ý kiến hoặc những đường hướng chính trị thăm dò. Thật là trớ trêu, những ý kiến của ông thường đều rập khuôn với những đường lối và chính sách của CS, và cũng là những chính sách dò đường nằm trong lộ trình đối ngoại của các chánh quyền Mỹ. Tuy nhiên trong những trường hợp như thế, ông cũng thường không quên hướng về phía cộng đồng tỵ nạn để dậy cho họ điều này điều nọ. Chẳng hạn ông dậy chúng ta có chính nghĩa nhưng đã để chính nghĩa đó mất vào tay công sản. Ông đổ lỗi việc làm mất chính nghĩa vu vơ cho kẻ vô danh nào đó, nhưng chắc không phải ông. Có khi ông trách người Mỹ trịch thượng và thường có thói cả vú lấp miệng em. Mỹ cá nhân nào đó cũng không thấy ông nêu tên. Ông chỉ trích những người lãnh đạo đất nước chịu cúi mình làm tay sai cho ngoại bang. Người lãnh đạo tay sai ngoại bang là ai cũng không thấy ông vạch mặt. Chắc chắn ông Kỳ muốn chừa mình ra ngoài cái tập thể lãnh đạo đốn mạt và điếm nhục này. Là người có trí khôn ai cũng hiểu ông Kỳ muốn nói như thế. Nhưng sự thể là người tỵ nạn không mấy ai không tin rằng ông Kỳ mới đích thực là một kẻ lãnh đạo tay sai ngoại bang.
Qua những lời tuyên bố của ông, người ta có thể nghĩ rằng ông Kỳ muốn nói xa nói gần đến việc VC nên mời ông ta về cộng tác với chế độ. Đã có lần ông nói huỵch toẹt rằng ông chỉ xin “đăng ký” một chức đại sứ lưu động để vận động yểm trợ đầu tư và tái thiết cho Vietnam. Ông hay tỏ ra ta đây là một chính khách lão luyện chính trường nên thỉnh thoảng lại tung ra một hoạt động nào đó như một cuộc tiền vận động trước mùa bầu cử sắp đến. Xem ra thành phần cử tri ông muốn nhắm vào không phải là những người đồng bào của ông hay ai khác mà là người Mỹ, nói đúng hơn là chánh phủ Mỹ. Một thành phần cử tri đặc biệt khác nữa là bọn CS trong Bộ Chính Trị tại Hànội. Mai ngày nếu ông có tốt số được đắc cử thật thì hẳn là các thành phần cử tri đặc biệt này đã bỏ phiếu cho ông. Chắc chắn không phải đồng bào ông, vì họ đang quyết liệt đòi loại ông ra khỏi hàng ngữ của họ. Ông Nguyễn Văn Thiệu đã có thời nổi tiếng với câu “Làm chính trị là phải lỳ.” Ông Kỳ không ưa ông Thiệu, nhưng xem ra ông Kỳ đã học được ở ông Thiệu một điều và còn vượt xa cả ông Thiệu, đó là sự lỳ lợm trong nghề làm chính trị.
Mặc cho bất cứ ai lên tiếng chê trách ông, ông vẫn thản nhiên và ngạo mạn thực hành câu châm ngôn “Chó sủa mặc chó, đoàn lữ hành cứ đi.” Nghe nói trong lúc chờ thời, ông làm nghề cố vấn thương mại cho một số nhà đầu tư, và sống một phần thời gian tại các nước Đông Nam Á. Kể cũng tức cười thật, bởi vì nó nghịch lý ở chỗ một người làm thương mại dở đến độ làm gì cũng thất bại, thậm chí đến phá sản, lại có thể làm được cố vấn cho các nhà đầu tư thế giới. Cái gì chứ cái chức cố vấn thì người Vietnam mình đã có qúa nhiều kinh nghiệm rồi. Khi mới đoạt được chánh quyền, Hồ Chí Minh đã mời ông vua thoái vị Bảo Đại, rồi cả đức cha Lê Hữu Từ làm cố vấn cho hắn. Những nhà tư bản chẳng ai dại gì mua pháo mượn người đốt. Có thể họ đã ngửi thấy một cái gì đó ở nơi ông Kỳ? Ông Kỳ đã từng là một tay chính khách mại bản. Biết đâu họ đã chẳng nghĩ rằng tới một ngày nào đó, Kỳ còn có thể có một cái gì đó để đem lại lợi lộc cho họ. Họ là nhà buôn. Nhà buôn thì cần lời. Cũng như ông Kỳ nuôi con gà nòi để thả vào trận đấu. Những nhà buôn kia chắc hẳn cũng nuôi Kỳ với một mục đích tương tự. Chúng ta chờ xem con gà nòi Nguyễn Cao Kỳ sẽ làm nên thành tích gì?
Trong khi chờ đợi cuộc đấu hào hứng bắt đầu, con gà nòi Nguyễn Cao Kỳ xem ra thích rong ruổi những chốn ăn chơi vùng Đông Nam Á. Nhiều người chê trách Kỳ. Điều đó cũng chưa hẳn đúng. Người hiểu tâm tính Kỳ không ai bằng một ông phi công đàn em của bà TM, người vợ cũ của ông Kỳ. Ông này quyết đoán rằng đó là vì Kỳ rất mê tín. Cũng có lý. Thường thường những chính khách người có học thì tin vào tướng số, kẻ vô học thì tin vào thầy bói, cô đồng để chọn đất xuất thân. Ông Lã Vọng xưa đến ngồi câu bên bờ sông Vị nên đắc thời và lừng danh trong lịch sử. Biết đâu ông Kỳ chẳng có ý chọn mảnh đất bên trời Đông để mong phất cờ trở lại. Nhưng cũng lại có người bạn của ông thuở trước có ý kiến rằng chẳng có gì đúng cả, mà chẳng qua chỉ vì cái hobby cố hữu của Kỳ: "Ở đấy - các nước Á Châu - được tự do đá gà, chứ ở Mỹ này làm gì có. Hội Bảo Vệ Súc Vật nó kiện chết luôn." Biết đâu đó mới chính là triết lý sông của ông Kỳ?
Trên đây là bài viết cũ. Đến đây tôi xin thêm vào một vài nhận xét nhân việc ông Nguyễn Cao Kỳ mới xin được về Vietnam ăn tết.
Theo như ông Kỳ nói, và cũng theo phát ngôn của nhà nước CSVN thì ông Kỳ về quê ăn tết là chuyện riêng tư của ông. Đã là chuyện riêng, tôi không muốn màng tới. Nhưng có một điều tôi không thể không nói, đó là việc ông ta về và tuyên bố rằng Vietnam cần một chế độ độc tài để phát triển kinh tế. Nói huỵch toẹt ra là ông công nhận chế độ CS, và thừa nhận nó là cần thiết để phát triển Vietnam. Tôi sẽ không đưa ra bất cứ một lý luận cao siêu nào, và cũng không trưng ra một bằng chứng xa vời nào, mà chỉ dựa vào thực tại ở Vietnam để vạch ra sự bịp bợm điếm đàng và ngu dốt của ông Kỳ qua câu tuyên bố trên.
Năm 1985 khi Vietnam sắp lâm vào tình trạng sụp đổ hoàn toàn thì Nguyễn Văn Linh bắt chước Liên Sô đưa ra chánh sách gọi là mở cửa hay cởi trói. Nếu lý luận như Nguyễn Cao Kỳ - phải độc tài thì mới có phát triển - thì từ 1985 về trước mới là thời kỳ VN có điều kiện nhất để phát triển kinh tế, vì thời đó là thời CS thi hành chính sách độc tài triệt để nhất. Và cũng theo lý luận của Kỳ thì sau 1985 là thời kỳ VC đã nới lỏng cho một chút tự do [nghĩa là bớt độc tài chuyên chế hơn trước] phải là thời kỳ kinh tế kém phát triển mới đúng.
Nhưng như người ta thấy, mọi sự đều trái ngược: thời kỳ độc tài khét tiếng nhất là thời kỳ kinh tế lụn bại nhất. Ngược lại khi nới lỏng tự do một chút thì kinh tế mới khá hơn. Đó là thực tế hiển nhiên tại Vietnam. Từ sự thực hiển nhiên này chúng ta có thể đi đến kết luận về Nguyễn Cao Kỳ như sau: Nếu ông ta không biết điều đó thì ông ta là người BẤT TRÍ. Còn nếu ông ta biết mà vì một lý do nào đó ông ta phủ nhận sự thực thì ông ta là một người BẤT NHÂN, vì ông ta biết mà dám nói láo để bợ đỡ CS hầu giúp chúng nắm vững quyền hành mà đàn áp đồng bào. Người bất trí mà nắm quyền thì có thể người dân còn đỡ khổ, nhưng kẻ bất nhân mà nắm quyền thì người dân chắc chắn không thể sống nổi.
Tôi nêu ra nhận định trên không phải để tranh luận với ông Nguyễn Cao Kỳ, vì ông ta không có gì đáng để nói tới. Nhưng để cảnh giác đồng bào đừng bao giờ để bọn lưu manh chính trị lường gạt.
|
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
|
Monday, November 20, 2017
CON GÀ NÒI GIÀ VÀ TRIẾT LÝ SỐNG CỦA NÓ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment