CHÍNH KHÍ VIỆT

Friday, November 17, 2017

(CHƯƠNG 1, 2, 3) Chuyện Thâm Cung Dưới Triều Đại Hồ Chí Minh


Chuyện Thâm Cung Dưới Triều Đại Hồ Chí Minh






Chương 1

MÙA XUÂN ĐEN TỐI
Việt Thường 

Cái Tết Việt Nam vừa thiêng liêng vừa sâu đậm. Đó là dịp để mọi bất hòa trong gia đình, họ hàng; trong bà con lối xóm xí xóa cho nhau. Đó là dịp để mọi người nhớ đến gốc: cúng lễ Thành Hoàng, tổ tiên, vua bếp, đi trảy hội. Đó cũng là dịp để người ta sửa lại cá tính, hành vi: ăn nói từ tốn, bạt thiệp; đi đứng, ăn mặc chững chạc; nét mặt cởi mở, hi vọng, nhân ái. Nhà cửa, đường phố, lối xóm được quét dọn sạch sẽ. Những thú tao nhã được tổ chức như cờ người, thi hoa kiểng, đánh đu, ném còm, thi thơ v.v... Còn một cái thú nữa là đốt pháo, xin xăm ở đền, chùa; coi bói đầu năm; xuất hành lấy lộc và xông nhà... mừng tuổi. Những người đi làm phương xa cũng nhớ dịp Tết về quê đoàn tụ cùng họ hàng lối xóm. Ngày mùng Một, con cháu làm lễ chúc tụng ông bà, cha mẹ, anh chị em; cùng nhau lễ gia tiên trong khói hương ngan ngát; cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm với bánh chưng, cá thu kho, củ cải giầm, dưa hành, củ kiệu, bún thang, giò lụa, chả quế v.v... và được nghe kể lại về phả hệ, về truyền thống của gia đình, tôn tộc, về làng xã với những đóng góp cho đất nước các đặc sản cũng như tài tử, văn nhân và anh hùng giữ nước và dựng nước. 

 Cái di sản sinh hoạt văn hóa tư tưởng ấy bắt đầu từ thuở Hùng Vương cho đến tận những năm đầu của thập niên 50, có ai nghĩ và nhớ lại rằng cái Tết đã bị cố tình phá bỏ, chà đạp tàn bạo bởi ông Hồ chí Minh và tập đoàn cộng sản chóp bu cầm quyền ở xung quanh ông ta. Có thể nói rằng, hơn bốn ngàn năm lịch sử của Việt Nam, chưa có một triều đại nào, một tập đoàn cầm quyền nào - là người Việt Nam - đề ra đường lối phá hoại các di sản văn hóa, kiến trúc, sinh hoạt tư tưởng... của dân tộc Việt Nam như ông Hồ chí Minh và tay chân thân tín. Cố tình xóa bỏ cái Tết truyền thống của dân tộc để thay vào cái "Tết" thành lập đảng (cộng sản) 3-2 và "Tết" độc lập 2-9, nhưng ông Hồ chí Minh và những kẻ thừa kế ông ta đã thất bại thảm hại, tuy rằng việc thực thi chính sách "phản dân hại nước" đó có làm tổn thương sâu đậm đến cả cơ sở vật chất lẫn ý thức xã hội về truyền thống của dân tộc ta. Khái niệm cách mạng - thực ra là tiến bộ và tốt đẹp - đã bị ông Hồ chí Minh và những kẻ thừa kế ông ta lạm dụng làm bình phong che đậy những chính sách và những hành động vừa lạc hậu vừa tàn bạo, gây nhiều hậu quả tai hại nghiêm trọng và lâu dài cho đất nước và dân tộc Việt Nam, còn hơn cả quân xâm lược ngoại bang.   Tết cổ truyền của Việt Nam bị ông Hồ Chí Minh và các đệ tử của ông ta đặt trong phạm trù "hủ tục lạc hậu", cần phải "cách mạng" lại.

 

TỤC CŨ LỄ MỚI

  Nỗi khát khao độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam những năm trước 1945 cộng với sự thiếu thông tin và những thủ đoạn tuyên truyền bịp bợm của những người cộng sản Việt Nam do ông Hồ chí Minh lèo lái và đào tạo là những yếu tố hợp thành với những yếu tố khác nữa, đưa đến sự thành công của ông Hồ Chí Minh trong việc giành được cái ghế chủ tịch nước của Việt Nam dưới chế độ cộng hòa.  Cái tên Hồ chí Minh, trong những năm đầu của thập niên bốn mươi, được gắn liền vơí các huyền thoạị "Hình như" Hồ chí Minh là Nguyễn ái Quốc. "Nghe nói" Hồ chí Minh là một nhà nho yêu nước, được cụ Phan Bội Châu "kính nể". "Lại nghe nói" Hồ chí Minh là hậu duệ của Quang Trung Nguyễn Huệ (nguyên là họ Hồ), gốc gác xa xưa là giòng dõi vua Nghiêu bên Tàu, có chí lớn là đánh đuổi giặc Pháp giành lại độc lập cho Việt Nam, đồng thời cũng sẽ nối chí của Quang Trung là lấy lại đất cũ của Việt Nam là Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây). "Nghe nói" cụ Hồ chí Minh mỗi mắt có hai con ngươi giống công tử Trùng Nhĩ bên Tàu, làm nên nghiệp bá - tức Tấn văn Công thời Đông Chu . Những huyền thoại đó lan từ miền núi xuống đồng bằng; từ nông thôn về thành thị và cuối cùng nó không còn là huyền thoại nữa mà được coi như "sơ yếu lý lịch" của ông Hồ chí Minh. Chẳng thế mà cuối tháng 8-1945, khi ông Hồ chí Minh từ Thái-nguyên về Hà-nội, các thành viên là cộng sản trong Việt Minh ở huyện Gia-lâm đã tổ chức đón như đón Vua: cũng hương án khói nhang nghi ngút, cờ quạt, chiêng, trống, quan viên, bô lão trong làng, xã của huyện mặc áo thụng quỳ lễ vọng hai bên đường.   Chính Phủ Liên Hiệp mà ông Hồ chí Minh là chủ tịch; cụ Nguyễn Hải Thần là phó chủ tịch; cố vấn chính phủ là cựu hoàng Bảo Đại và các thành viên của chính phủ còn bao gồm những nhân sỹ trí thức yêu nước như cụ Huỳnh thúc Kháng, Phan kế Toại, Bùi bằng Đoàn, Nguyễn văn Tố... là đặc trưng của nền dân chủ sơ khai của nước Việt Nam độc lập của những năm 1945-46... Cho nên ông Hồ chí Minh vẫn còn khoác áo của một "người Việt Nam yêu nước và... dân chủ". khi nói với đám đông, bao giờ ông Hồ chí Minh cũng lễ phép "kính thưa các cụ phụ lão..." và xưng là "tôi". Những "hiện tượng tiêu cực" lúc đó trong xã hội Việt Nam mới giành được độc lập, ông Hồ chí Minh đều "chân thành" nhận lỗi về phần chính phủ và cá nhân ông tạ Ngày Tết dân tộc, ông Hồ chí Minh tặng quà cho các cụ già nhiều tuổi và các cháu nhỏ theo đúng truyền thống dân tộc là "kính trên nhường dưới". Quan điểm, hành vi lúc ấy của ông Hồ chí Minh đã đoàn kết được nhân dân Việt Nam, đã được nhân dân Việt Nam bao gồm các đảng phái, đoàn thể, tôn giáo... "hòa thuận, hòa giải, hòa hợp" để bảo vệ và xây dựng đất nước. Đáng tiếc là nhân dân Việt Nam đã bị lừa. Ông Hồ chí Minh và những người cộng sản cầm quyền xung quanh ông ta đã lừa bịp nhân dân Việt Nam, cho đến nay là thế hệ thứ ba!   Chẳng khác gì chuyện hồ ly tinh chín đuôi, mượn xác hiền nữ Tô Đắt Kỷ để lọt vào cung của Trụ Vương. Và, khi đã nắm được trọn quyền lực thì bắt đầu ra oai tác quái, hãm hại trung thần, giết hại lương dân. Ông Hồ chí Minh cũng vậy. Phải chờ đến khi Trung Cộng làm chủ lục địa Trung Hoa vào năm 1949, dựa vào Trung cộng, ông ta trở mặt tiêu diệt những lực lượng đã "hòa thuận, hòa hợp và hòa giải" với ông ta và bắt đầu từng bước một xóa bỏ nên dân chủ sơ khởi của Việt Nam, xóa bỏ mọi tính truyền thống của dân tộc Việt Nam, xây dựng một chế độ chính trị toàn chế kiểu Anax của thời trung cổ - trong đó vua cũng đồng thời là thủ lãnh tôn giáo, kinh tế và quân sự; và nhà độc tài tồn tại nhờ vào giới tướng lãnh có đặc quyền cũng như tầng lớp thư lại (tức cán bộ).   Phương pháp cố hữu của ông Hồ chí Minh là nêu lên những khẩu hiệu hợp lý để che đậy những hành động phi lý, bất nhân. Trong cái Tết dân tộc cũng vậy, ông ta hô hào "tiết kiệm, lành mạnh hóa", cái đó là đúng, bởi đất nước đang có chiến tranh và sau chiến tranh, đất nước còn nghèo nàn, cần phải tiết kiệm cũng như cần phải xóa bỏ nạn cờ bạc, hút thuốc phiện, xiết nơ.... trong dịp Tết. Nhưng, bên cạnh những cái "hợp lý" đó thì ông ta ngăn cản, hạn chế việc xã giao, thăm hỏi trong gia đình, lối xóm; việc cúng lễ tổ tiên, lễ đền, lễ chùa v.v... đồng thời ông ta cho lồng vào những lệ mới của ngày Tết đó là lập bàn thờ Tổ quốc với cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm để thờ ảnh ông ta và một số nhân vật cộng sản quốc tế như Marx, Engels, Lénine, Staline, Mao trạch đông. Và, những buổi trước đây nghe kể về phả hệ, về truyền thống gia đình, làng xã... thì nay thành nghe về tiểu sử Hồ chí Minh và những nhân vật cộng sản quốc tế, về lịch sử đảng cộng sản Nga và công ơn của "Đảng" và của "Bác" đã đem "cơm no, áo ấm và độc lập, tự do, hạnh phúc" cho nhân dân Việt Nam. Thanh thiếu niên được dạy những điệu múa tập thể của Nga-xô và Trung Cộng và hát những bài ca ngợi hai nước "đàn anh" đó với các lãnh tụ cộng sản của họ. 

 

LỰC LƯỢNG "CÁCH MẠNG"

Để "cách mạng" lại Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam - bị xếp là hủ tục lạc hậu - ông Hồ chí Minh dựa vào tầng lớp thanh thiếu niên. Những người cộng sản làm công tác thanh thiếu niên tích cực "vô văn hóa" tầng lớp công dân tý hon này. Bằng những chuyện kể miệng, họ làm cho các em "không sợ ma" nhưng cũng không tin vào "hồn" của tổ tiên, sự linh thiêng của thần, Phật, Thành Hoàng của làng, xã. Cho nên, vào dịp Tết dưới chính quyền "Hồ chí Minh" đã xảy ra những vụ vặn đầu Thành Hoàng; "ỉa" lên bệ thờ đền, chùa; ăn vụng đồ cúng trên bàn thờ tổ tiên; đào bia ở các mộ. Thanh thiếu niên chỉ tụ họp hát "son, đố, mì", hát bài "quốc tế ca", "ca ngợi Hồ Chủ tịch", "ca ngợi đảng lao động Việt Nam ". Những câu ru con ngàn đời:

"Công cha như núi Thái Sơn

 Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra..."

bị đổi thành:

"Công "Bác" như núi Thái sơn

Nghĩa "Đảng" như nước trong nguồn chảy ra".

 

Câu đối Tết thì một vế ca ngợi ông Hồ chí Minh, một vế ca ngợi đảng cộng sản. Trong chùa, ngang hàng với Quan Âm Bồ Tát là ảnh Hồ chí Minh, ở đền cũng vậy. Ở làng, xã đều có cổng chào với ảnh Hồ chí Minh và một vài ảnh các nhân vật cộng sản quốc tế và cờ búa liềm. Họ còn tổ chức lễ rước ảnh Hồ chí Minh, tổ chức đêm văn nghệ diễn kịch mà nội dung là đả kích việc thờ cúng tổ tiên, thần Phật, Thành Hoàng, vua bếp... và kết thúc bằng màn thiếu nhi đánh trống ếch, rước ảnh "bác Hồ". Cấu trúc gia đình bị phá bỏ bởi mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Tín ngưỡng ngàn đời của làng xã bị thay bằng sự sùng bái cá nhân ông Hồ chí Minh. Thậm chí những địa danh mang dấu tích của lịch sử, của văn hóa cũng bị đổi tên như Phong Vực, Đồng Lương thành Vạn Thắng; như Cổ Liêu thành Xuân Thủy v.v... là tên của tay chân thân tín của ông Hồ chí Minh vẫn còn đang sống sờ sờ ra đó. Đình làng - một dạng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa của nông thôn xưa - bị biến thành trụ sở ủy ban hoặc công an xã, làm kho tàng mà cũng có khi là trại giam của địa phương. Bài vị, tượng thờ, cờ xí bị xếp xó hoặc vứt bỏ, thay vào đó là bàn thờ Tổ quốc của địa phương, cũng đèn nến, lư hương để "thờ sống" ảnh việt gian Hồ chí Minh và xung quanh đền là các "lãnh tụ" của "nước bạn" như Mao trạch Đông, Chu Đức, Chu ân Lai, Kim nhật Thành, Phác chánh  Ái, Malenkov, Vorochilov, Bulganine, Molotov...   Trong tay việt gian Hồ chí Minh, ngày Tết truyền thống càng tăng thêm bất hòa trong gia đình, lối xóm; là dịp để soi mói nhau; là thời điểm cho con cái bộc lộ mạnh mẽ tính "cách mạng" của mình bằng cách cản trở việc thờ cúng tổ tiên. Cha mẹ lo bàn thờ tổ còn con cái lo bàn thờ sống ông Hồ chí Minh. Có chính quyền cộng sản hỗ trợ nên đương nhiên phần thắng bao giờ cũng về phiá con cái. Đã có nhiều gia đình con cái ngang nhiên đập phá bàn thờ tổ tiên... và những đứa "mất dạy" đó được chính quyền của ông Hồ chí Minh biểu dương là "cách mạng tiến bộ". Một chứng minh rõ ràng nhất là ngay đầu năm 1975, ở khu Bảy-gian thuộc phố Phan Chu Trinh Hà-nội, con đánh cha thâm tím mặt mũi, nhưng khi đưa ra đồn công an Phan Chu Trinh (thuộc khu Hoàn kiếm), người con còn được tuyên dương là tiến bộ vì đã dám đánh "thế lực lạc hậu" dù đó là cha đẻ!!! (Người bị đánh là ông Vinh, có vợ cả và các con lớn ở Pháp).

 

TẾT U ÁM

  Dựa vào Trung cộng, ông Hồ chí Minh đánh thẳng thực dân Pháp trong chiến dịch biên giới 1950. Theo đúng tinh thần "chính quyền được đẻ từ họng súng", cuối năm 1951 ông Hồ chí Minh cho ra khỏi lồng giấy con quỷ đỏ "Đảng Lao động Việt Nam ", công cụ thực hiện những tư tưởng "phản dân hại nước" của ông ta. Năm 1952, ông Hồ chí Minh cho giết đại tá Trần dụ Châu, chủ nhiệm quân nhu, mục đích chính là thị uy với mọi loại cán bộ cả quân sự lẫn dân sự. Cũng với mục đích đó, trong hội nghị quân sự, ông Hồ chí Minh đã "bạt tai" đại tá Phùng thế Tài - được coi là loại du đãng đầu bò nhất trong binh lính của ông Hồ chí Minh - và trấn áp trung tướng Nguyễn Sơn (khi ở quân đội Trung cộng đeo lon đại tướng). Ra vẻ nghiêm khắc như vậy, nhưng chính ông ta lại "tha bỗng" cho Bút Tre, trưởng ty thông tin Phú Thọ, tác giả đơn bướm:

 "Trên rừng con khỉ đánh đu

Thằng Bô-la-éc mút cu cụ Hồ"

vì xét cho cùng, Bút Tre vẫn là "đề cao" Hồ chí Minh. (Sau này khi hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phú Thọ, Bút Tre còn được vào tỉnh ủy giữ chức phó ban tuyên huấn tỉnh ủy).   Rồi tiếp theo là "chỉnh quân", "chỉnh đảng", "cải cách ruộng đất"... người dân bị giết và bị tù vô tội vạ... Thế là cái khởi thủy người dân đi theo ông Hồ chí Minh vì ông ta là thành viên của Chính Phủ Liên Hiệp; vì muốn đánh thực dân Pháp cứu nước, chắc chắn không phải "mê" chủ nghĩa xã hội, vì có ai biết nó là cái quái thai gì đâu... thì nay "phải theo" ông ta vì bị tước hết tài sản, bị lôi ra khỏi tổ ấm cộng đồng làng xã để bị xếp vào các phạm trù mơ hồ "nhân dân" hoặc "phản động", nghĩa là "vì sợ" mà đi theo.  Sau 1954, Tết Nguyên đán ở miền Bắc thật là u ám. Người không có của để ăn Tết chiếm đại bộ phận dân chúng mà ngay người nào còn có chút tiền, vàng, cũng không dám ăn vì sợ hàng xóm và con cái, họ hàng tố giác. Nhà nước của ông Hồ chí Minh quản lý chặt chẽ mọi sinh hoạt của nhân dân bằng chính sách quản lý hộ khẩu và chế độ tem phiếu lương thực, thực phẩm, tiền lương v.v... Ở các thành phố lớn như Hà-nội, Hải-phòng, Nam định, ông Hồ chí Minh còn có "sáng kiến" xâm nhập hợp pháp mọi gia đình "công dân" để "khám xét" gầm giường, bàn thờ, tủ, hòm... bằng cách đẻ ra "tổ vệ sinh đường phố" để đến tất cả mọi hộ "diệt gián" mà thành phần gồm: đại diện thanh niên, y tế tiểu khu và công an quản lý đường phố. Trước Tết vài ngày, toàn thành phố được lệnh "tổng vệ sinh" và đương nhiên thông qua "tổ vệ sinh đường phố" có thành viên là công an, chính quyền Hồ chí Minh cho "khám nhà" toàn dân định kỳ (chưa kể đột xuất). Có thể nói là nhiều gia đình quá sợ hãi phải "dẹp" bàn thờ tổ tiên và hầu hết mọi nhà đều phải lập "bàn thờ tổ quốc thờ sống Hồ chí Minh" để khỏi bị cơ quan an ninh "hỏi thăm sức khỏe".   Các trụ sở tiểu khu đều được trang hoàng cờ hoa, bàn thờ tổ quốc thờ Hồ chí Minh; ngoài cửa và bên trong trụ sở đều dán các câu đối do Nhà xuất bản Phổ thông in ấn và phát hành. Tất nhiên nội dung là ca ngợi Hồ chí Minh và đảng của ông ta. Trên bàn thờ Hồ chí Minh cũng lư hương, cây nến, cành đào, bánh chưng, trái cây, mứt... nghi ngút suốt ba ngày Tết. Kinh phí do dân đóng góp. Trụ sở được công an đường phố và tự vệ canh gác... cùng với đội cứu hỏa nhân dân và tổ chữ Thập Đỏ đề phòng cháy nhà và... ỉa chảy.  Tết Nguyên đán được ông Hồ chí Minh và đảng của ông ta tổ chức cho nhân dân thật là... chu đáo... thật là...khỏe  ... thật là... lành mạnh và thật là... công bằng và v.v...

 

CHU ĐÁO 

Chu đáo bởi vì trước Tết, nhà ai cũng được "tổ vệ sinh đường phố" có thành viên là công an đến mở giúp các hòm, tủ, gậm giường, xó bếp... để phun thuốc diệt gián cũng như kê dọn lại nhà cửa cho gọn gàng, ngăn nắp.   Chu đáo bởi vì ngay từ trước Tết cả hơn tháng trời, các thành phần trong tiểu khu bị coi là "phức tạp" như nhân viên, binh lính, sỹ quan trong chế độ Bảo Đại; các tư sản, tiểu thương, tiểu chủ... bị cải tạo tại chỗ; các trẻ em hư hỏng; những người chưa có công ăn việc làm rõ ràng v.v... đều "được" cho đi các trại cải tạo. Số nào được coi là "căn nhẹ" hơn thì bị tạm giam trước Tết vài ngày và sau Tết vài ngày thả ra. Số nhẹ hơn nữa thì bị gọi lên đồn công an để "răn đe". Đã thế, suốt tháng củ mật, tự vệ, dân phòng có công an đường phố lãnh đạo, ngày đến tuần tra, canh gác. Công an và phụ trách thanh thiếu nhi ngày nào cũng "hỏi vui" các em về tình hình bố, mẹ, họ hàng các em "làm ăn" ra sao, có thành kính và nhiệt tình trang hoàng "bàn thờ tổ quốc" của gia đình không; có "lạc hậu mê tín" cúng kiến người đã chết không; có "kiếm chác" được cái gì, ở đâu, bằng cách nào, những tiêu chuẩn Tết ngoài các thứ Nhà Nước qui định cho từng đối tượng không.    Chu đáo bởi đêm giao thừa, đại diện các hộ đến trụ sở tiểu khu để cùng lễ sống "Bác Hồ", chúc "Bác" sống lâu để lãnh đạo toàn dân đến ấm no, hạnh phúc như vẫn ghi trên tiêu đề các công văn, hôn thú, khai sinh, khai tử, lệnh khám nhà và bắt giam v.v..., và cũng hứa qua quyết tâm thư là quyết phấn đấu vì "sự nghiệp" của "Bác" cho đến... hơi thở cuối cùng. Rồi mọi người, thành kính nghe "Bác" chúc Tết đồng bào qua loa truyền thanh và nghe thơ của "Bác". Đây là lần thứ hai nghe lại, vì bài này viết đọc trong dịp năm mới dương lịch, đã thành "tài liệu học tập" trong cơ quan và tổ dân phố; thành "kim chỉ nam" cho các bài báo - cả báo tường ở cơ quan, khu phố - trích dẫn, chứng minh, ca ngợi chế độ của Hồ Chí Minh. Còn bài thơ và bài nói đã được in trên giấy hoa có hình chim rồng, phượng; được bán đến từng hộ dân phố, cơ quan trường học để dán mừng Tết. Những Hoài Thanh, Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Tố Hữu... đã đi ca ngợi khắp nơi về lời hay, ý sâu của bài thơ và nó đã được đưa vào học đường các cấp - kể cả nhà trẻ!  

 

KHỎE 

Dưới chính quyền Hồ chí Minh, Tết Nguyên Đán được qui định nghỉ hai ngày rưỡi: chiều Ba Mươi, ngày Mùng Một và Mùng Hai Tết.   Hầu hết người dân đều làm việc trong các cơ quan nhà nước, hoặc hợp tác xã, hoặc tổ hợp tác - hai loại sau cũng do cơ quan chức năng của nhà nước tương ứng ngành nghề quản lý. Cho nên cái Tết khỏe vì: sáng Ba Mươi, tất cả phải làm tổng vệ sinh ở cơ quan cho gọn sạch rồi niêm phong phòng ốc, tài liệu, giao cho bộ phận bảo vệ có tự vệ cơ quan phối hợp canh gác; chiều Ba Mươi làm tổng vệ ở sinh gia đình và vĩa hè, đường phố (các gia đình bị lưu ý được chiếu cố cho tổ vệ sinh đường phố có công an đi theo đến "giúp đỡ" làm vệ sinh từ xó tủ đến gậm giường); sáng Mùng Một, tất cả phải ra ngoại thành bằng phương tiện tự túc để hưởng ứng "Tết trồng cây" do ông Hồ chí Minh đưa ra "sáng kiến"; chiều Mùng Một về đến nhà tắm giặt sạch sẽ đất bùn; tối Mùng Một lễ Tết các chức sắc ở tiểu khu và khu phố; ngày Mùng Hai "cuống cuồng" đưa vợ con đi lễ Tết các "thủ trưởng" cơ quan với tốc độ : đi bộ... 5 cây số/giờ; xe đạp... 12 cây số/giờ. Thật là khỏe!

 

LÀNH MẠNH 

Ông Hồ chí Minh đã "lành mạnh" hóa ngày Tết của nhân dân Việt Nam. Cấm hái lộc vì như vậy là phá hoại "tài sản của nhân dân"; cấm "xuất hành", cỗ lớn cúng tổ tiên vì như vậy là lạc hậu, mê tín (nhẹ hơn phản động chút chút); trẻ em không có lỳ xỳ vì bố mẹ đào đâu ra tiền. Họ hàng, bè bạn chúc mừng miệng vì không có "tiêu chuẩn" mời nhau ăn uống. Các đền bị dẹp từ lâu. Ở Hà-nội chỉ còn đền Ngọc Sơn và đền Quan Thánh được mở cửa mấy ngày Tết, nhưng không cho thắp nhang, đốt vàng, xoa chân "Đức Ông". Mọi người chỉ đến xem như một di tích lịch sử. Không được xin xăm và bói toán. Không cờ bạc, rượu chè, trảy hội. Không ăn mặc "nhố nhăng"; cán bộ mặc đại cán, nhân dân áo ngắn, hầu hết mặc áo bông màu xanh công nhân hoặc màu cỏ úa bên ngoài. Ra đường, nếu không nhìn mặt thì già trẻ, trai gái trông đều lẫn lộn cả. Các vườn đào Nhật tân, vườn hoa Ngọc Hà bị "cải tạo" trồng hoa màu để tăng thêm lương thực và cây công nghiệp (y hệt cảnh Sài-gòn sau tháng 4-1975: những vĩa hè cỏ ở đường Gia Long... bị trồng khoai mì; sân bay Tân Sơn Nhất bị trồng sả...); chỉ lưu lại số ít do công ty công viên (quốc doanh) quản lý lấy hoa, cây cảnh... phục vụ các cơ quan của đảng (cộng sản), chính phủ và các sứ quán. Trẻ em thì có bóng bay là dụng cụ chống sinh đẻ do ủy ban dân số của Liên Hiệp Quốc "viện trợ" đem ra nhuộm và "thổi miệng", vừa tiết kiệm vừa "bền". Người lớn thì có sách, truyện bán dịp Tết như: tuyển tập Lê-nin, tư bản của Kác-Mác; phép biện chứng của tự nhiên của Engels, Nhật ký trong tù của Hồ chí Minh; thơ của Tố Hữu; truyện Thượng Cam Lĩnh của Tàu; các tiểu thuyết của Nga từ Boris Polévoi đến Tolstoi; từ Korjevnikov đến Solokhov, Erengbourg v.v... Ngoài ra có các phim về "đấu tranh giai cấp" của cả Nga và Tàu. Các sân khấu ca nhạc hát ca ngợi "Đảng và Bác" với các điệu vũ dân gian nhưng thấy có bóng dáng "Ba Tàu" và "con Gấu Nga". Có lẽ cái thú "êm dịu" nhất là xem cây cảnh và chọi chim ở sân đền Quan Thánh mà cười được thực lòng vì cái "ngây ngô" của cán bộ văn hóa Hà-nội có giám đốc là Nguyễn Bắc, người có sáng kiến quét vôi trắng toàn bộ Tháp Rùa cũng như đánh bắt rùa ở Hồ Gươm lên ăn thịt (con nặng 80 kg thì ăn hết cả thịt lẫn mu; con nặng 120kg thì ăn thịt còn cái mai đem "triển lãm" ở Văn Miếu). Năm nào cũng được nghe cán bộ văn hóa "a-lô" trong ngày chọi chim: - không biết có cố tình không - "Các cụ muốn chọi chim xin xếp theo hai hàng. Bên phải tôi là các cụ "chim to"; bên trái tôi là các cụ "chim nhỏ". Đề nghị trật tự canh chừng không cho ai được sờ, mó làm chim các cụ sợ!"  Hà-nội thanh lịch khi vào tay ông Hồ chí Minh thì ngày Tết được lành mạnh hóa như vậy đấy và được tô hồng là "Tết văn hóa" trái với xưa kia là hủ lậu, mê tín, dị đoan và lãng phí!!!

 
CÔNG BẰNG

Dưới chính quyền Hồ chí Minh, công dân Việt Nam bị phân làm 13 loại. Mọi hưởng thụ văn hóa và vật chật... đều có ranh giới rõ ràng. Ông Hồ chí Minh và tay chân luôn khoe ầm ỹ rằng ở Việt Nam (miền Bắc) có khung lương "tiến bộ" và "công bằng" nhất thế giới!(?) Bởi vì lương chủ tịch nước - là Hồ chí Minh - có 270 đồng và lương khởi điểm của nhân viên ở bậc 1 là 36 đồng. Nghĩa là sự chênh lệch giữa người cao nhất với người thấp nhất là 7,5 lần. Có điều ông Hồ chí Minh và tay chân không chịu thật thà khai báo những sự thực phũ phàng là có sự qui định của ban tổ chức trung ương đảng (cộng sản) với từng đối tượng như các ủy viên ban bí thư lên đến ủy viên bộ chính trị thì hưởng theo chế độ cộng sản chủ nghĩa (mặc dù Việt Nam lúc đó mới là chế độ dân chủ cộng hòa)- cần gì có nấy cho cả bản thân lẫn gia đình vợ con. Từ ủy viên trung ương trở xuống (cả dự khuyết) cho đến các bộ trưởng, thứ trưởng (cả ngoài đảng cộng sản) đều có sổ cung cấp đặc biệt ở cửa hàng bù giá Tôn Đản; thí dụ cửa hàng thu mua gà của các hợp tác xã nông nghiệp, các nông trường quốc doanh với giá 2 đồng 4 một ki-lô nhưng bán lại cho đối tượng có tiêu chuẩn vào mua với giá 7 hào một ki-lô, rẻ hơn giá thu mua 3,5 lần, chưa kể tiền vận chuyển, hư hao, lương công nhân viên của cửa hàng v.v... vì công quỹ phải bù lỗ. Cán bộ trung cao - từ vụ trưởng, cục trưởng, chuyên viên 2 trở lên - có sổ mua hàng ở cửa hàng phố Nhà Thờ và Vân Hồ (Hà-nội). Các loại khác mua theo tem phiếu qui định cho từng đối tượng, do thương nghiệp địa phương bán thu tem. Điều cần lưu ý là thành phần này - loại tem phiếu - tuy ai cũng có tem phiếu qui định có vẻ công bằng lắm, nhưng không phải ai cũng "có quyền" mua hàng. Bởi vì, tỷ dụ có 10 người được chế độ tem thịt là lạng rưỡi/tháng, nhưng thương nghiệp chỉ có đủ thịt bán thu tem cho 6 người, thế là 4 người còn lại, về danh nghĩa cũng được nhận đủ tem phiếu như "thiên hạ", nhưng thực tế không có thịt mà mua. Kết quả là hoặc vứt tem đi vì quá hạn hoặc bằng lòng mua thay thế bằng đậu phụ (3 lạng/tháng) , được gấp đôi đúng như công thức 7kg lá khoai mì bổ dưỡng tương đương 1kg thịt bò.   Cho nên hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán dưới chế độ Hồ chí Minh cũng phân phối như trên. Người dân Hà-nội đã uất ức nói rằng: 

 

"Tôn Đản là chợ Vua, Quan

Vân Hồ* là chợ trung gian, nịnh thần

Bắc Qua là chợ nhân dân

Hàng Bè là chợ công nhân anh hùng."

 

Nghĩa là trong khi hàng quan lại đỏ mua gà ở cửa hàng cung cấp bù giá Tôn Đản có 7 hào một ki-lô; ở Vân Hồ hoặc ở phố Nhà Thờ cửa hàng cung cấp cho cán bộ trung cao 1 đồng 50 một ki-lô; người dân thường phải mua ở chợ Bắc Qua với giá thị trường tự do 7 đồng một ki-lô, và, công nhân ra chợ Hàng Bè để mua chân gà, đầu, cổ, cánh - đồ phế thải của gà làm cung cấp cho chuyên gia Nga-xô và Trung-cộng (cần lưu ý rằng Hồ chí Minh và tay chân vẫn phỉnh phờ rằng giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng).   Hàng Tết phân phối cho nhân dân, công nhân và cán bộ đảng viên thường, theo sổ hộ tịch gia đình, phân loại theo hộ độc thân; 2-3 người; 4-6 người; 7 người trở lên; không phân biệt nam nữ, già trẻ lớn bé. Người đi mua phải mang phiếu mua hàng Tết với sổ hộ tịch và tùy theo cách phân loại hộ nói trên mà được gói to hay nhỏ, ít hay nhiều. Thường mỗi gói đều có: một cái "gọi là" bánh chưng, vì được gói xô bồ gạo lẫn cả tẻ, đậu lẫn sạn, miếng thịt lợn bằng cái vảy mũi cả bì lẫn lông, có khi còn chưa chín rền; một gói trà; một hoặc hai bao thuốc lá; một dúm hạt dưa; một gói mứt lẫn lộn bí và lạc; một muỗng cà phê bột ngọt và cuối cùng, hộ đông người có thêm một bánh pháo (phần lớn đốt không thèm nổ) và một chai rượu quốc doanh. Cái công bằng ở đây là dù già hay trẻ, dù nam hay nữ, tiêu chuẩn đều tính như nhau, nghĩa là đứa bé vừa đẻ cũng có phần thuốc lá và trà cũng như cụ già không còn cái răng nào cũng có tiêu chuẩn mấy viên mứt lạc! Đúng là, úm ba la, chúng ta đều có!   Chút bố thí như vậy mà trước và sau Tết, báo, đài ra rả kể ơn của "đảng và bác" với nhân dân như Trời, Biển! Những người được ăn Tết Nguyên Đán trước khi có chính quyền Hồ chí Minh thì biết nhưng không dám nói còn trẻ em ra đời và lớn lên thời kỳ Hồ chí Minh cầm quyền thì tin là thật và vui mừng vì cả năm chỉ có vài lần gia đình được mua "bột ngọt"! (dù chỉ là một muỗng cà-phê).  Tuy túi hàng Tết khiêm tốn như thế, tuy lòng thèm khát âm thầm của bao đêm ngày, nhưng rất nhiều gia đình nhân dân, cán bộ, đảng viên thường, không có tiền để mua. Và, số khá lớn chạy vay được tiền mua túi hàng Tết thì cũng phải giành các thứ như trà, thuốc lá, mứt, bánh chưng để biếu các "thủ trưởng" lớn nhỏ ở cơ quan, các chức sắc ở khu phố, nhất là công an đường phố. Phần lớn ăn Tết tinh thần. Đấy là sự Công Bằng lớn nhất và cao thượng nhất mà ông Hồ chí Minh và đảng của ông ta đem lại cho người dân!!!

 

HỒ CHÍ MINH CÓ BIẾT KHÔNG? 

Cả cuộc đời ông Hồ chí Minh sống bằng nghề làm gián điệp: là nhân viên KGB của Nga theo dõi hoạt động của đảng cộng sản Tàu do Mao trạch Đông lãnh đạo; hợp tác với phản gián Trung Cộng để theo dõi quân Tưởng giới Thạch; là gián điệp của Trương phát Khuê để giám sát các hoạt động của người Việt Nam yêu nước ở bên Tàu; cộng tác với cơ quan OSS (tiền thân CIA) của Mỹ chống Nhật; cộng tác với Phòng Nhì của thực dân Pháp để hãm hại những người Việt Nam yêu nước khác quan điểm của ông ta (như cụ Phan Bội Châu, ông Hồ Tùng Mậu, trung tướng Nguyễn Bình), cho nên ông Hồ chí Minh có tai, mũi và mắt tinh và thính hơn các đệ tử rất nhiều. Ông ta đóng kịch giỏi đến nỗi - cho đến nay - nhiều người vẫn cho rằng ông ta là tốt, các sai lầm đều do tay chân như Trường Chinh, Lê Duẩn... mà ra, kể cả những nạn nhân ông ta cũng nghĩ vậy. Cho nên, ngày Tết, ông Hồ chí Minh đột ngột đến thăm gia đình ông Bùi hưng Gia, nhà tư sản ở phố Hàng Trống (Hà-nội) đã quyên góp trong tuần lễ vàng cho Chính phủ Liên hiệp một trăm ki-lô vàng. Nhưng thăm thì thăm, gia đình ông Bùi hưng Gia vẫn bị đóng nhãn tư sản, cả tầng lầu căn nhà của gia đình bị "mượn" cho cán bộ đảng viên ở và cửa hàng bị "công tư hợp doanh" theo kiểu Việt Nam thường nói là "buôn chung với đức Ông". Ông ta cũng tự động đến chúc Tết, cho kẹo một gia đình "có công với cách mạng chống Pháp" ở con hẻm phố Khâm Thiên mà đêm giao thừa mấy mẹ con gầy ốm đang ôm nhau trong căn nhà xiêu vẹo như chuồng lợn, lối vào đầy bùn hôi thối ở cống thành phố hỏng chảy ra, cơm chiều chưa có và cũng chẳng có tiền mua túi hàng Tết theo tiêu chuẩn tem phiếu! Ông Hồ chí Minh rơm rớm nước mắt... cá sấu. Những ngày sau đó và cả nhiều năm sau, đó vẫn là "đề tài" sáng tác của lũ văn nô ở cái hợp tác xã 51 Trần Hưng Đạo (Hà-nội). Còn cái gia đình nghèo khổ "có công với cách mạng chống Pháp" đó vẫn cứ nghèo mạt rệp, bị "bác và đảng" quên ngay từ lúc giao thừa. Cả nước vẫn đói khổ và ngày càng đói khổ trong lúc các cơ sở phục vụ riêng cho quan lại đỏ chóp bu mọc lên như nấm: bệnh viện Việt-Xô; cửa hàng cung cấp đặc biệt ở Hàng Trống, ở Tôn Đản; khu nghỉ mát ở Tam Đảo, Bãi Cháy, Đồ Sơn, khu Quảng Bá, Trà Cổ... tiêu chuẩn nghỉ hè cả gia đình (3 đời) sang Hắc Hải (Nga-xô), sang Tàu (Liễu-châu), Động Đình Hồ v.v... và v.v...   Mở đầu bằng Hồ chí Minh cho đến nay là các Đỗ Mười, Võ chí Công, Võ văn Kiệt... với "đổi mới", chưa bao giờ đại biểu quốc hội (bù nhìn) chứ chưa nói đến người dân thường được phép biết ngân sách Nhà Nước đã chi bao nhiêu cho các thứ xa xỉ của giới quan lại đỏ chóp bu và đảng của họ!

 

 


 

Trương Phát Khuê

张发奎

 1896 - 1980

Tướng Trương Phát Khuê năm 1946

 

 

 

LÒNG DÂN

 Tham vọng của ông Hồ chí Minh và đệ tử là muốn xóa bỏ lịch sử và truyền thống dân tộc của Việt Nam. Hy vọng vài đời sau, các thế hệ trẻ chẳng còn hiểu gì về quá khứ mà cứ tưởng những cái đang có là do công ơn "bác và đảng". Điều này được thể hiện qua bài viết về lịch sử Việt Nam của Trần huy Liệu - Viện trưởng Viện Sử của chế độ Hồ chí Minh - rằng "Lịch sử Việt Nam bắt đầu từ khi có đảng (1930)" và "Hồ chủ tịch là người sáng lập ra nước Việt Nam". Chỉ vì được ông Hồ chí Minh thuận cho Trần huy Liệu vào Huế giết cha con ông Phạm Quỳnh, cướp con dâu ông Phạm Quỳnh về làm thiếp mà cái ông "sẹo đầu sẹo cổ" này bẻ cong ngòi bút, cũng như đồng nghiệp Phạm huy Thông của ông ta và các môn đồ Trần quốc Vượng, Phan huy Lê, Hà văn Tấn, đồng tác giả bộ Thông Sử Việt Nam hiện nay.  Cái láu cá kiểu hồ ly tinh của ông Hồ chí Minh và cái mặt trơ trán bóng của mấy "học giả"; coi thẻ cung cấp đặc biệt là "lý tưởng" cuộc đời cũng không qua được  ý trời. Bởi ý trời là lòng dân.    Dù phủ nhận, dù cố tình phá bỏ, nhưng luật cung cầu trong kinh tế vẫn tồn tại và phát huy tác dụng ngoài ý muốn của ông Hồ chí Minh và tay chân.   Nền kinh tế có kế hoạch (ngoan cố, duy ý chí) của ông Hồ chí Minh bị chính tay chân có nhiều quyền lợi nhất của ông ta phá vỡ. Nhân dân bị thiếu hàng hóa thiết yếu tạo ra thị trường "chui" và các gia đình quan lại đỏ có nhiều đặc quyền đặc lợi thành thương nhân "lủi". Và bên cạnh kinh tế quốc doanh, có kinh tế "quốc lủi" ra đời và cái công cụ chuyên chính của chế độ (công an, quân đội, thuế vụ...) đã nhiệt tình và cổ vũ, dấn thân cho kinh tế quốc lủi, cho sự hóa thân của quốc doanh thành quốc lủi, cả thương nghiệp lẫn thủ công nghiệp.   Cán bộ, mậu dịch viên của ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, kể cả ở khu vực cung cấp đặc biệt, phần lớn làm việc hai mang: một làm cho "quốc doanh", một làm cho "quốc lủi". Các bà mệnh phụ đỏ lãnh đạo "quốc lủi" trong khi chồng lãnh đạo "quốc doanh". Nổi bật lên là "chị Tư", phu nhân của phó thủ tướng Nguyễn duy Trinh, ủy viên bộ chính trị trong dịch vụ buôn vàng, kim cương, hàng viện trợ (của cả Đông phương, Tây phương, Liên hiệp Quốc); vợ phó giám đốc Sở Công an Hà-nội, Lê Nghĩa, cầm đầu khu chợ trời Chùa Vua; khu mua bán trao tay ở suốt từ Hàng Đào cho đến Hàng Giấy, chợ Đồng Xuân ra ô Quan Chưởng, ga Đầu Cầu... Đặng thị Kỳ, phu nhân của tướng Văn tiến Dũng thì buôn các hàng viện trợ quân sự; bà vợ cả tây lai của bộ trưởng Hoàng minh Giám thì mở xưởng sản xuất đồ nhựa và các ấn phẩm ở ngay tòa vi-la trước bệnh viện St. Paul cũng như đỡ đầu cả về vốn lẫn "chính trị" (tức là ô dù) cho các hộ sản xuất chui đồ nhựa; thứ trưởng Lê Đông của bộ nội thương và giám đốc Sở thương nghiệp Hà-nội, Nguyễn trí Tuyển thì cung cấp cho chợ trời các mặt hàng quí hiếm, trong vụ này có liên quan đến cả thường vụ thành ủy Hà-nội. Nguyễn đức Lạc và bí thư trung ương đảng Nguyễn văn Trân; dịch vụ đĩ điếm, thuốc phiện và cờ bạc thì có bàn tay quản lý của Dương Thông ở cơ quan an ninh. Thậm chí có nơi hình thành cả khu "tứ khoái" cho cấp trên về kiểm tra và dân "phe phẩy" có tiền đến hưởng thụ như ở Hải Hưng do chính bí thư tỉnh ủy Nguyễn quý Quỳnh chỉ đạo, hoặc ở Quảng Bình do "tiểu vương" là bí thư tỉnh ủy Nguyễn tư Thoan. Đến nỗi ngành nghỉ mát cũng bị "quốc lủi" hóa, như trường hợp vợ chồng một chủ nhà in lậu (bị chế độ liệt là phản động) cũng nghỉ hè ở khu cho bộ chính trị ở Tam Đảo, nằm ngay cạnh phòng của Trường Chinh và do Trường Chinh phát hiện!    Trên đây chỉ tạm nêu lên vài dẫn chứng cụ thể. Chỉ có thể hiểu rằng hầu hết bọn quan lại đỏ ở ngành nào đều là "chủ" của kinh tế "quốc lủi" nơi đó. Như hiện nay ở miền Nam Việt Nam vậy, cũng vẫn là quan lại đỏ đầu ngành làm trò vượt rào: Võ văn Kiệt đỡ đầu cho Ba Thi; Lâm văn Thê (đã chết) đỡ đầu cho nhóm Kiên Giang; Nguyễn vĩnh Nghiệp đỡ đầu cho rể là Tô mạnh Thắng; Cao đăng Chiếm, Trần Quyết đỡ đầu cho nhóm Mười Vân, Hai Hiệp ở Đồng Nai; Mai chí Thọ đỡ đầu cho Triệu bỉnh Thiệt; Nguyễn văn Linh (nguyên tổng bí thư) đỡ đầu cho công ty hải sản Tây Nam và Việt kiều Tuyết (đen) buôn xe hơi bãi rác ở Mỹ về; Đỗ Mười đỡ đầu cho Sea Prodex và ngành lương thực của Nguyễn công Tạn v.v... để các nhóm đó tham ô thoải mái, cưỡi trên dư luận.   Vì thế, Tết Nguyên Đán ở Việt Nam (phía Bắc) chỉ vài năm bị ảnh hưởng phá hoại của Hồ chí Minh, rồi sau đó luật cung cầu trong kinh tế cũng như lý tưởng "vinh thân phì da" của quan lại đỏ đã làm cho kinh tế "quốc lủi" lấn át kinh tế quốc doanh và nó đã đem lại cho ngày Tết Nguyên Đán dần dần truyền thống cũ về ăn uống, lễ nghi, nhưng cái phần tinh thần cao đẹp thì đã bị mất. Ngày Tết trở thành ngày phô trương giàu sang, quyền uy của tầng lớp có nhiều đặc quyền, đặc lợi. Còn đa số nhân dân vẫn là nạn nhân của cả quan lại đỏ lẫn cá mập "quốc lủi".   Dù sao đó cũng là biểu hiện thất bại chua chát của "tư tưởng Hồ chí Minh" và những mầm chiến thắng của nhân dân Việt Nam sẽ cùng các mùa xuân nở rộ.

 


 Việt gian Trần Huy Liệu  vào Huế giết cha con ông Phạm Quỳnh, cướp con dâu ông Phạm Quỳnh về làm thiếp

 


ÔN CỐ TRI TÂN

Nhớ lại những mùa xuân đen tối để thấy hết sự hiểm sâu, tai họa của ông Hồ chí Minh và tay chân.   Năm nay, chính quyền cộng sản ở Việt Nam đang mời chào các Việt Kiều "yêu nước" về ăn Tết quê hương. Họ o bế Việt Kiều "yêu nước" còn hơn là các thương binh và con em gia đình liệt sỹ của họ. Tại sao? Vì Việt Kiều "yêu nước" có ngoại tệ mạnh và là hình ảnh nổi bật của bức tranh "đổi mới" cũng như "hòa giải và hòa hợp", nhưng ngoại tệ mạnh vẫn là lý do chủ chốt. Và cái cầu quê hương sẽ giúp giới quan lại đỏ tìm được từ Việt Kiều "yêu nước" đường giây "quốc lủi" để chuyển được các thứ mà quan lại đỏ đã vơ vét của nhân dân ra nước ngoài, đề phòng... cho số phận đen tối ở trong nước của họ, vừa gửi ngân hàng, vừa đầu tư ra "nước ngoài", gây vốn cho quỹ hoạt động lỡ có ngày "Đảng" phải rút vào bí mật.   Trong con mắt của những người cộng sản cầm quyền ở Việt Nam hiện nay, thì hình ảnh của người Việt Nam nhảy từ bức tranh "phản động" sang "yêu nước" là một thủ đoạn chính tri.. Và, đến một lúc nào đó lại từ "yêu nước" trở về "phản động". Cần nhớ rằng đảng cộng sản Việt Nam độc quyền nắm chính quyền là nguyên nhân chính gây ra cho người Việt Nam phải bỏ quê hương đi lưu vong xứ người. Cho nên những người cộng sản cầm quyền không chỉ đưa ra chính sách "hòa hợp, hòa giải" lúc này để tạm thời xoa dịu cơn phẫn nộ của trong nước và ngoài nước về tội ác của họ. Điều quan trọng là họ phải tỏ ra trung thực muốn hòa hợp hòa giải vì quyền lợi của dân tộc và đất nước Việt Nam. Cho nên biểu hiện thành thật cụ thể nhất là họ phải làm việc tự phê bình bằng văn bản (như tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ của họ trong cuốn "Tự chỉ trích" trước 1940) về các vấn đề kinh tế, ngoại giao, văn hóa xã hội v.v... qui rõ trách nhiệm, xin lỗi và phục hồi quyền lợi mọi mặt những nạn nhân của họ; công bố rõ ngân sách phải chi cho đảng của họ từ lúc nắm chính quyền cho đến nay; truy tố những kẻ gây nhiều tác hại cho nhân dân và đất nước. Không thể chỉ nhận xét lập lờ nước đôi công tội và "huề cả làng".

Ai đã đi tù vì đấu tranh cho dân chủ, tự do cho Việt Nam ở các trại tù cộng sản đều nhớ rằng chính quyền cộng sản đã khẳng định: "Chỉ có thành thật khai báo, thấy được sai lầm thì mới có phương hướng và quyết tâm sửa chữa những sai lầm đó." Vậy mong rằng những người cộng sản cầm quyền hãy "thành thật khai báo" trước nhân dân và công luận đi. Đấy là biểu hiện đầu tiên của thái độ thực sự muốn "đổi mới" và muốn "hòa hợp, hòa giải". 

Những người Việt Nam ở nước ngoài đừng bao giờ quên gốc. Đừng bao giờ đánh mất đi niềm tự hào là người Việt Nam . Đừng bao giờ quên bài học "hòa hợp hòa giải" của nhũng năm 1945 và 1975.   Để mùa xuân làm sống mãi cái Tết truyền thống Việt Nam, vừa tao nhã, vừa nhân ái. Và mỗi lần Tết đến, đừng bao giờ quên nhắc lại những mùa xuân đen tối của dân ta trong tay ông Hồ Chí Minh và đảng của ông ta. Vì, chỉ có: 

"Ôn cố mới tri tân" 

Tháng 12-1992  

* Có chỗ đọc là Nhà Thờ, tức phố Nhà Thờ. Cả hai nơi đều có cửa hàng cung cấp cho cán bộ trung cao của cộng sản.
 
Chương 2
NB Việt Thường - Ghi nhớ về lễ Noel Hà nội

 

 

Nhà thờ lớn Hà Nội (còn gọi là Nhà thờ Saint Joseph) được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, được mô phỏng kiểu kiến trúc Nhà thờ Đức Bà Paris của Pháp. Đây có thể xem là một trong những công trình kiến trúc nổi bật của đạo Thiên chúa giáo, là sự giao thoa văn hoá giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo, giữa phương Đông và phương Tây. Nhà thờ hiện nay nằm trên khu đất rộng ở số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
 
ĐOÀN TỤ...
 
NĂM 1954.
 
Hà-nội vẫn có cái lạnh thật dễ thương của tháng cuối trong năm, không hề có chút gì giống nỗi cô đơn của Déméthée vì phải xa cô con Proserpine đã bị thần Pluton nứt mặt đất bắt xuống âm ty làm vợ. Nhà nhà đều chuẩn bị đón mừng lễ Giáng-sinh, kể cả những gia đình không phải công giáo. Mặc dù dân Hà-nội tránh nạn cộng sản di cư vào Nam như thác, nhưng bù lại, binh lính, cán bộ, công an và dân các tỉnh ùn ùn kéo về lấp chỗ trống nhanh như cỏ dại mọc đầu mùa xuân. Còn hơn thế, Hà-nội như có vẻ sầm uất hơn. Hàng tồn kho của Hà-nội vẫn còn nhiều, lại càng nhiều hơn gấp bội vì số người di cư vào Nam mang bán tống bán tháo tất cả những gì có thể bán được. Và thế là "Chợ Trời" của Hà-nội là toàn bộ "36 phố phường". Các phố xưa kia cổng kín tường cao, trưa trưa chỉ có tiếng rao của người bán dạo đồ thêu, đồ làm vệ sinh trong nhà, củi tạ, nước mắm Phú-quốc v.v... vang lên như tiếng chim gõ kiến trong cánh rừng già, thì nay cũng thành chợ: đồ gỗ ở phố Phan Chu Trinh; máy ở Hàm Long; sách cũ ở đầu Bà Triệu; xe đạp ở Quang Trung và Nguyễn Du; quần áo ở Tô Hiến Thành... rồi tới Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng. Ồn ào nhất là khu ga, lan ra cả Sinh Từ, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Kỳ Đồng, Cấm Chỉ, Phùng Hưng, cho đến tận cả Cột Cờ. Tuy mùa hoa phượng vĩ đã tàn nhưng Hà-nội đỏ ối hơn bao giờ hết. Các công sở cho đến đầu đường, xó chợ, cổng đền, chùa và nhà thờ, chỗ nào cũng cờ đỏ sao vàng, nhiều chỗ còn cả cờ Nga và cờ Trung cộng. Lính Tây rút hết, nhưng lại có lính của ủy ban quốc tế: Ca-na-đa, Ba-lan, Ấn-độ. Ảnh của lãnh tụ vô sản trong nước và ngoài nước được treo khắp hang cùng. ngõ hẻm và bày bán ngay ngoài đường ở các phố Tràng Tiền, Cửa Nam, Hàng Buồm, Hàng Giấy, Bờ Hồ... đủ mọi mẫu: rậm râu sâu mắt cũng có; hói đầu trán dô cũng có; mập ú cũng có; mặt như mâm bánh đúc cũng có v.v... Nếu không có chú thích chức vụ dưới ảnh thì cứ tưởng đây là các loại diễn viên của đoàn tạp kỹ nào vậy.
 
Cuối phố Lò Đúc, gần ngay nhà thương chó - nay là cơ quan của bộ Lâm nghiệp - ai ai cũng mừng cho cụ phán Thành, chủ căn nhà lầu mới nhất, khỏi phải sống lẻ loi vì đã có con trai là cán bộ cùng vợ con mới từ Việt Bắc về đoàn tụ. Cho nên Nô-en 1954 của nhà cụ phán Thành được chuẩn bị khang trang hơn mọi năm. Cây Nô-en của nhà cụ to đẹp nhất khu vực đó. Gần chín năm trời, cụ phán Thành đã dành nhiều thì giờ ngắm các tượng Thánh cũng như cầu xin Đức Mẹ cho ngày đoàn tụ này. Con trai một của cụ là cán bộ hàm vụ trưởng, công tác ở văn phòng phủ thủ tướng; con dâu của cụ, xuất thân là rễ cốt cán trong cải cách ruộng đất thí điểm ở Thái Nguyên, nay là cán bộ tổ chức của Tổng công đoàn và đứa cháu nội của cụ vừa tròn sáu tháng. Con, dâu và cháu của cụ về Hà-nội đã vài tháng nay, nhưng vẫn ở tại cơ quan. Chỉ có con trai cụ về nhà hai lần thăm cụ, uống vội một chén trà chứ không chịu ăn uống gì và hấp ta hấp tấp bỏ đi cứ như là nhà có ma. Mâm cơm được dọn ra, anh ta liếc nhìn đĩa thịt gà, cái yết hầu động đậy, nét mặt căng thẳng nhưng vẫn không đủ can đảm ngồi lại ăn với bố bữa cơm sau chín năm xa cách! Rồi, một buổi tối, anh ta về nhà, cũng vội vã uống chén trà để báo cho cụ phán Thành biết vài ngày nữa anh ta sẽ đem vợ con về ở ngôi nhà này vì đã được phép của "đảng ủy" cơ quan. Xa nhau chín năm, người con trai cụ phán Thành thay đổi quá nhiều, cả từ vẻ mặt, ánh mắt, người ngợm cho đến ngôn ngữ ăn nói. Hai cha con ngồi chỉ cách nhau một cái bàn mà sao còn thấy xa hơn Hà-Nội lên Việt-Bắc!
 
... ĐỂ CHIA LY HƠN
 
Cụ phán Thành và mấy bà con giáo dân hàng xóm của cụ sang xem cây Nô-en không còn tin ở lỗ tai của mình khi nghe anh cán bộ - con trai của cụ - chỉ vào cây Nô-en và nói vẻ khó chịu:
 
- Thầy rước cái "của nợ" này về làm gì cho tốn tiền lại rác nhà.
 
Dân công giáo toàn tòng, được mặc chiếc áo đại cán màu lá mạ, vai đeo xắc-cốt vải bạt, ăn nói như vậy đấy. Lặng người một lúc cụ phán mới nói được:
 
- Anh có còn là con chiên của Chúa không mà nói vậy?
 
- Thầy, u có công đẻ ra con, nhưng Đảng và Bác cho con sự sống, cho con lý tưởng. Giờ đây con là thuộc về Đảng và Bác, xin thầy và bà con lối xóm nhớ cho như vậy.
 
Cụ phán Thành ú ớ:
 
- Vậy là anh không... không...
 
- Vâng, con là người cách mạng, không tin ở tôn giáo nào cả, đó là thuốc phiện như Marx đã nói và...
 
Anh con nhìn bố, vẻ ái ngại:
 
- Thầy có được nghe chính Chúa nói không?
 
Cụ phán nhìn con, vẻ xa lạ:
 
- Vậy anh có được nghe chính Marx nói không?
 
Anh đỏ mặt, lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì cụ phán Thành nói tiếp:
 
- Anh có nhận tôi là cha đẻ của anh nữa không thì tùy, nhưng chúng ta không cần báng bổ đức tin của nhau. Tôi là con chiên ngoan đạo, sống trong sự che chở của Chúa. Anh là người cách mạng, anh tin vào cụ Karl Marx, đó là việc của anh. Anh gọi đó là chủ nghĩa hay tôn giáo, tất cả đều là cách diễn đạt mà thôi.
 
Những người được chứng kiến cuộc đối thoại của hai cha con cụ phán Thành không thể nào quên được vẻ đau khổ của người cha và vẻ căm thù lạnh lùng của người con. Câu chuyện hôm ấy đã chấm dứt tình nghĩa cha con. Căn nhà được bít lại: cụ phán Thành ở trên lầu và gia đình người con ở tầng trệt. Đến năm 1960, cụ phán Thành bị cải tạo trong diện tư sản nhà đất, cụ phải dọn ra căn phòng phía sau, trên nóc nhà bếp, kế sân thượng phơi quần áo, rộng độ gần hai chục mét vuông. Đấy là một sự chiếu cố của ban cải tạo, vì đúng ra tiêu chuẩn đầu người chỉ là năm mét vuông. Mà, cũng có thể không tìm ra căn phòng nào có cái diện tích năm mét vuông như vậy, ngoại trừ cái cầu tiêu phụ! Căn nhà lầu của cụ phán Thành, chắt chiu cả đời người cạo giấy ở sở Phi-năng (tài chánh) của Pháp và sự buôn bán tảo tần của vợ mới làm nên được, nay có chủ mới là Sở quản lý nhà đất Hà-nội. Căn nhà đó được chia cho con cụ phán Thành ở vì là cán bộ trung cao của đảng, tiền nhà do cơ quan đài thọ. Vài năm sau, cụ phán Thành chết cũng chỉ được bà con trong họ đạo lo chôn cất. Người con trai chỉ đến viếng như một... người hàng xóm bình thường. Thời gian cứ thong thả đi qua. Nô-en nối tiếp Nô-en, chẳng biết còn được bao người nhớ đến câu chuyện trên, một thời là chuyện cửa miệng của người dân Hà-nội (không phải dân ngụ cư)?
 
Chuyện tưởng như có tính riêng biệt, ai ngờ đấy chính là "mâu thuẫn mới", của xã hội Bắc Việt Nam, được hình thành từ ngày ông Hồ chí Minh về trú ngụ tại phủ toàn quyền Đông Dương, cho đến ngày phải theo qui luật "có sinh có tử", ông vẫn luyến tiếc cái phủ toàn quyền ấy, vì nó tượng trưng cho uy quyền cá nhân của kẻ ngự tọa trong đó lên đầu nhân dân của ba nước Việt, Lào và Cam-bốt, cho nên lăng của ông được xây liền ngay cạnh phủ toàn quyền cũ, hình thành một "quần thể" kiến trúc biểu tượng quyền uy tối thượng cả khi sống cho đến lúc chết.
 
TỪ ĐẤU TỐ... ĐẾN VU CÁO
 
Bốn cuộc cách mạng: cải cách ruộng đất; văn hóa và tư tưởng; cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và chấn chỉnh tổ chức do ông Hồ chí Minh và đảng của ông ta phát động và thực hiện, đã làm đảo lộn mọi nền tảng đạo đức xã hội, mọi giá trị văn hóa tư tưởng, mọi sản phẩm của thành quả lao động, mọi khái niệm... mà loài người đã phải trả những giá rất đắt trong quá trình lịch sử mới có được, mới định hình được.
 
Hà-nội là nơi tập trung của nhiều tôn giáo, nhưng chẳng biết từ thuở nào, ngày Nô-en đã trở thành ngày hi vọng của tất cả mọi người, của tất cả mọi nhà. Không ít gia đình Phật -giáo cũng có cây Nô-en trong nhà và dù không là giáo dân, nam nữ thanh niên Hà-nội vẫn dự lễ đêm Chúa Giáng-sinh với đầy tôn kính.
 
Chẳng biết dưới triều Tự Đức, giáo dân bị giết ra sao, nhưng đến "thời đại Hồ chí Minh" thì giáo dân (ở Bắc Việt Nam) là đối tượng nặng nề nhất và lâu dài nhất chịu đựng mọi thủ đoạn tàn bạo của ông Hồ chí Minh và đảng của ông ta.
 
Trong âm mưu chống di cư vào Nam, giáo dân ở Ba Làng đã bị tàn sát cả già, trẻ, phụ nữ có thai. Cánh tay thực hiện "tư tưởng sát nhân" này của ông Hồ chí Minh là trung tá Nguyễn văn Đổng (tức Đồng sỹ Nguyên, sau này vào bộ chính trị cộng đảng và giữ chức phó thủ tướng). Cái tin đau lòng đó đã bay về Hà-nội, và mặc dù vào lúc xế chiều của phong trào đòi dân chủ của Nhân Văn - Giai Phẩm, nhưng người Hà-nội vẫn được nghe một bài thơ truyền miệng (sau này được xếp vào loại "thơ ghế đá"):
 
"Đồng Sỹ Nguyên, Đồng Sỹ Nguyên!
Theo Hồ ngươi giết con chiên Ba Làng.
Tội ác ngươi nhất thế gian
Trẻ thơ cũng bắn, già làng cũng đâm
Cỏ cây cũng phải khóc thầm
Núi sông cũng phải một lần phong ba
Đảng ngươi, đảng lũ Tàu, Nga
Cộng ngươi, cộng máu, cộng hòa thịt xương
Cách ngươi, một lũ bất lương
Cùng quân ăn cướp, cùng phường lưu manh
Đảng ngươi tội ác rành rành
Chứng nhân còn đó, sử xanh, Đất, Trời
Lũ ngươi đền tội đời đời!"
 
Tổ quốc tế (thành phần là Ấn độ) có vào Ba Làng thu thập tài liệu, nhưng Khu ủy cộng sản Khu Bốn, cơ quan an ninh và trung tá Nguyễn văn Đổng có "sáng kiến" dựng ra một toán cướp tấn công mấy chiếc xe ô-tô mang cờ trắng có chữ IC của tổ quốc tế, "trấn lột" hết mọi thứ - tất nhiên là đơn từ khiếu nại và mọi hình ảnh tang chứng về vụ tàn sát giáo dân của chính quyền Hồ chí Minh - và còn cho các nhân viên quốc tế này "ăn no" trận đòn hội chợ. Như tình tiết trong một phim ảnh, ở phút gay go nhất thì "công an" và "bộ đội cách mạng" tới kịp thời giải cứu cho tổ quốc tế "thoát chết". Tất cả được sự săn sóc của các cô y tá trẻ, tay mát rười rượi và quà lưu niệm của ủy ban tỉnh và các đoàn thể "vừa hậu hĩnh, vừa giá trị", cho nên tổ quốc tế hỉ hả ra về "cứ như là vừa đi du lịch vào miền Trung, quê của Bác Hồ" cho biết xứ của cách mạng.
 
Chuyện chưa dừng ở đó. Cơ quan an ninh của ông Hồ chí Minh quyết "đẩy" bằng được một đức cha người Canada tên là Denis Parkett, tên Việt là Cha Quý, ở nhà thờ Nam Đồng, bởi lúc đó trong ủy ban quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam, phái đoàn Canada giữ ghế chủ tịch. Ngón nghề của họ vẫn là bổn cũ soạn lại: vu cáo, tố bậy. Vở kịch do biên kịch và đạo diễn đều là người của cơ quan an ninh thuộc phòng quản lý tôn giáo.
 
NHỮNG NGƯỜI MỘ ĐẠO
 
Từ mùa hè 1957, chiều chiều thường có một cặp vợ chồng độ tuổi trung niên đi xe đạp qua ngã Hàng Bột xuống nhà thờ Nam Đồng. Người chồng da mặt đen, cặp lông mày sâu dóm, một hàng râu cứng và rậm trên cặp môi thâm xì và thêm hai con mắt trắng dã có vằn tia máu. Vợ nói tiếng Bắc, hai gò má cao, cặp mắt ướt và mệt mỏi, đầu búi tóc, dáng người sang trọng. Hai người đi bên nhau thật chẳng xứng đôi chút nào.
 
Đây là hai người đang muốn cải đạo. Họ xuống nhà thờ Nam Đồng để gặp đức Cha người Canada, có tên là Denis Parkett và tên Việt là Cha Quý xin được học kinh bổn. Cùng với hai vợ chồng này, khoảng thời gian đó có 3 chị em gái tuổi xồn xồn cũng xin được học kinh cải đạo ở chỗ đức Cha Denis Parkett. Cô chị tên là Th., ngoài ba mươi tuổi vẫn chưa chồng, đang hứa hôn với một thiếu tá công an; cô em tên là S. có một con gái, chồng tên là Gi..., người phố Hàng Đào, đang ở Pháp chuẩn bị thi tú tài phần 2 và cô em chót là O..
 
Không biết năm người này khai với cha Quý ra sao về tên tuổi, nghề nghiệp và địa chỉ. Nhưng, nếu ai tò mò thì thấy người đàn ông mắt trắng dã đó tên là Ba, còn vợ là Lê thị Nhung, làm việc ở văn phòng công an Khu Hai Bà (nay là Quận Hai Bà).
 
Những người "mộ đạo" đó tiếp tục học kinh bổn cho đến tận giữa năm 1958 mới thôi. Bởi vì, nếu ai hay để ý tin trên báo sẽ thấy ở trang hai, báo Thời Mới, chỗ "kín đáo" nhất có một tin ngắn nói về việc chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra lệnh trục xuất "ông Denis Parkett, quốc tịch Canada, có tên Việt là Quý, hành nghề tôn giáo, bị "giáo dân" cáo giác là tuyên truyền phản cách mạng và có biểu hiện hoạt động gián điệp."
 
Còn năm người "mộ đạo" thì sao? Thưa rằng, vợ chồng bà Nhung trở thành xã viên hợp tác xã đánh máy và in rô-nê-ô Hai Bà Trưng, chịu sự lãnh đạo hai chiều của phòng văn hóa thông tin Khu Hai Bà và P.21 thuộc Sở công an Hà-nội, đời sống khấm khá. Cô Th. lấy chồng là thiếu tá công an, trưởng phòng quản trị hành chính thuộc Cục Lao Cải (sau đổi tên là Cục quản lý trại giam), dưới quyền thiếu tướng Lê hữu Qua - người chỉ huy công tác bảo vệ phái đoàn Phạm Văn Đồng dự hội nghị Genève 1954 về Việt Nam. Cô em tên là S., đầu năm 1959 được đặc cách cho cùng con gái sang Pháp đoàn tụ với chồng. Còn cô O., lấy chồng là một giáo viên. Tất cả chẳng ai rửa tội theo đạo cả. Chẳng cần suy diễn, chúng ta cũng có thể hiểu họ đã đóng vai gì trong vở kịch của me-sừ Dương Thông đạo diễn.
 
VẾT DẦU LOANG
 
Nếu trên mặt báo, tin trục xuất Cha Denis Parkett được xếp ở chỗ "kín đáo" bao nhiêu thì ngoài đời tin ấy lan nhanh trong người dân Hà-nội. "Người ta" kháo nhau là có hoạt động "gián điệp và phản động" trong sinh hoạt tôn giáo. Rồi cũng lại "người ta" xì xầm rằng tạm thời nên tránh đến các nhà thờ, "Chúa ở trong lòng mỗi chúng ta", cứ ở nhà mà cầu kinh cũng được, lúc này biết ai là "giáo ngay" ai là "giáo gian". Ở trường học, tự nhiên các em học sinh cũng bắt đầu nhìn những bạn mình là công giáo bằng "con mắt cảnh giác cách mạng", ở khu phố người ta cũng hay nhòm ngó gia đình giáo dân hơn. Các xứ đạo, các nhà thờ thường xuyên có những bộ mặt lạ lãng vãng đến nhẵn mặt dân trong khu vực, chẳng ai nói với ai nhưng ai cũng biết là "công an mật" đang "làm nhiệm vụ" (?). Cơ quan an ninh của ông Hồ chí Minh cho âm binh đi diễu ngày đêm như vậy cùng với những tin đồn "giật gân" nào là ở nhà thờ X. vừa thấy cờ tam tài, ở nhà thờ Y. thì bắt được lựu đạn v.v... và "kẻ gian" thường lợi dụng những buổi lễ ở nhà thờ để họp mặt với nhau v.v... Và, cũng thời gian ấy, không khí "đấu tranh giai cấp" trong cải cách ruộng đất, trong chống bè lũ Nhân Văn - Giai Phẩm... càng làm mọi người hoang mang, đến nỗi ai nhìn vào nhau cũng thấy "địch", cũng lo "cảnh giác" kẻo bị địch "lợi dụng". Rồi cứ thế, mọi người biến thành "con rùa" lúc nào cũng rụt cổ vào mai cho "chắc ăn". Nhà thờ vắng tanh trong các buổi lễ. Cổng nhà thờ nào cũng có ảnh "bác Hồ" chiếu tướng người qua lại. Ai muốn vào nhà thờ, chợt khựng lại khi thấy ảnh "bác" vì tự nhiên bài học "cảnh giác" phọt ra.
 
Nhiều năm liền, ngày Nô-en chẳng khác ngày thường. Nhà thờ tuy được mở cửa, nhưng chỉ có trẻ em và các cụ "thật già" ở tuổi gần đất xa trời. Cả Hà-nội chỉ có Nhà Thờ Lớn ở phố Nhà Chung (Nhà Thờ) được chính thức làm lễ Giáng Sinh. Ngay từ chiều ngày lễ, công an nổi, công an chìm lượn lờ suốt quanh đó và quanh Hồ Gươm. Nam nữ thanh niên Hà-nội, không là công giáo, hầu như chẳng một ai qua lại khu vực nào có Nhà Thờ tọa lạc, sợ bị ghi sổ đen, sợ bị chụp ảnh lưu trong hồ sơ của Cục 78 bộ công an. Khá nhiều thanh niên công giáo cũng bỏ lễ sợ bị qui chụp là "mê tín, lạc hậu" và có hại cho con đường học hành, công tác sau này. Có điều hài hước là trên các mặt báo ngày hôm sau, ở trang nhất đều có ảnh lễ Nô-en tại Nhà Thờ Lớn với sự hiện diện của đại diện chính phủ. Nếu chỉ đọc báo, ai chẳng nghĩ rằng vấn đề "tự do tín ngưỡng" dưới chế độ Hồ chí Minh được tôn trọng triệt để. Thật là chỉ có nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Và, những đòn phép "khủng bố công giáo" cứ như vết dầu loang vừa bao trùm rộng về diện vừa nhẹ nhàng về phương pháp hành động đã có nhiều kết quả.
 
MÁU TƯỚI VÙNG CAO
 
Ông Hồ chí Minh và đảng của ông ta chưa bao giờ chính thức đề ra chính sách "tiêu diệt công giáo" ở Việt Nam. Trái lại, về văn bản còn thể hiện là giúp đỡ ổn định sinh hoạt "việc đời việc đạo". Cho nên, nếu tìm hiểu số phận giáo dân Việt Nam trong chế độ Hồ chí Minh qua "sách, báo, và công báo" thì chẳng thấy "vấn đề kỳ thị tôn giáo" nơi chính phủ Hồ chí Minh. Phải gạt sách vở ra một bên mà đi tìm "sự việc" đang diễn ra và đã diễn ra trong xã hội Việt Nam dưới chính quyền cộng sản. Bởi vì cả 4 cuộc cách mạng về cải cách ruộng đất, về văn hóa tư tưởng, về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và về chấn chỉnh tổ chức đều bao hàm nội dung "tận diệt tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng." Chính quyền Hồ Chí Minh không giết hoặc bỏ tù "giáo dân" mà giết và bỏ tù "địa chủ, tư sản, phản động" mặc dù có khi người "bị tội" chẳng có một tấc đất, chẳng có một đồng vốn, chẳng làm gì sai chính sách của chính phủ Hồ chí Minh đề ra trên giấy trắng mực đen. Lấy thí dụ tại Hà-nội: các cơ sở của giáo hội bị "ăn cướp" trắng trợn như trường Thánh Mẫu Marie bị lấy làm bệnh viện B để có thể phá bỏ tượng Thánh Mẫu; trường Thánh Paul bị lấy làm bệnh viện tai mũi họng; khu Nhà Chung bị lấy làm câu lạc bộ, và khu nhà các Frères ở đường Cao Bá Quát bị lấy làm viện bảo tàng v.v... Một mặt thu hẹp đi đến thủ tiêu các hoạt động văn hóa, xã hội của Nhà Thờ, mặt khác chính quyền cộngsản dựng ra những tổ chức "Công giáo quốc doanh" như ủy ban liên lạc những người công giáo yêu nước do linh mục quốc doanh Hồ thành Biên cầm đầu, như vậy có hàm nghĩa ai không ở trong tổ chức của Hồ thành Biên là "không yêu nước"(?), như ủy ban liên lạc những người công giáo yêu hòa bình, yêu tổ quốc do con chiên ghẻ là luật sư Dương văn Đàm canh cửa và tờ báo Chính Nghĩa (?). Tất cả đều ăn lương của Mặt trận Tổ quốc - nghĩa là của đảng cộng sản và do cán bộ tôn giáo vận của Mặt trận Tổ quốc giám sát. Nhưng tổ chức "ngụy công giáo" đó chính là bộ phận của cơ quan chuyên chính của chính quyền cộng sản, cho nên tất cả đều đồng lõa với vụ tàn sát hơn một vạn người Việt Nam dân tộc Mèo ở Hà Giang chỉ vì những đồng bào người dân tộc Mèo này bảo vệ các Linh mục và giữ đạo. Sự việc đó xảy ra vào cuối năm 1961, trước khi ông Hồ chí Minh cho lệnh mở đường lên Mèo Vạc với sự giúp đỡ của Trung cộng. Con đường có tên nghe rất kêu là "Hạnh phúc" mà Xuân Diệu hết lời ca ngợi bằng thơ. Để tố cáo trước dư luận và hậu thế, dòng văn nghệ phản kháng cũng ra đời "thơ ghế đá":
 
 
tamtay.vn - photo - Nét đẹp VIETNAM !
 
"Đứng trên Cổng Trời nhìn về Quản Bạ
Tưởng mình cưỡi gió ngắm trần gian"
Đẹp thay đất nước bạc vàng
Đứng đây sao thấy vô vàn thân thương
Sa-mu san sát bên đường
Cảnh sao hùng vĩ, ngựa giương bờm dài
Đải lầu, vòng bạc, hoa cài
Bản Mèo đứng đó nhìn ai mà buồn
Phải chăng bản nhớ người thương?
Hà Giang, Mèo Vạc máu xương đỏ ngầu
Hồ cộng cùng với Mao Tàu
Giết hơn một vạn kể đâu giống nòi
Mẹ hiền Tổ-quốc đâu rồi?
Dù là thiểu số cũng người Việt Nam
Cũng máu đỏ, cũng da vàng
Búa liềm Hồ cáo bản làng tang thương
Sông Nho Quế máu còn vương
Người Kinh, người Thượng khắc xương ghi lòng
Đoàn kết chống cộng đến cùng
Tội ác Hồ cáo, Lạc Hồng chớ quên!
 
Ban tuyên huấn trung ương của Tố Hữu và cơ quan an ninh của Dương Thông điên cuồng. Chẳng cần úp mở nữa, nếu người Mèo ở Hà Giang theo Tin Lành thì nhà thờ Tin Lành sẽ là mục tiêu "phỉ báng". Và, thế là Nhà thờ Tin Lành ngay cạnh câu lạc bộ Đoàn Kết, gần nhà Hát Lớn, được lấy làm "trụ sở" cho hợp tác xã Thêu. Các cô, các bà xã viên ngồi từ trong nhà thờ ngồi ra hè... cho vui... bên dưới dòng chữ: “Je suis le chemin, la vérité et la vie”. Con đường đó, khách nước ngoài "bắt buộc" phải qua lại vì nó ngay sau khách sạn quốc tế Thống Nhất (tức Métropole cũ), cái khách sạn này đã có cả từ nhà báo Burchett đến Madelène Riffaud, cho đến nhà thơ nữ Bulgarie, Olga Dimitrova - cô "bồ" cao lớn của Tố Hữu và cả nữ minh-tinh Jane Fonda của Mỹ... tá túc dài dài.
 
NƯỚC MẮT VÙNG THẤP
 
 
 
VG Đinh Thị Cẩn, Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Nguyên Chủ nhiệm UB BVBMTE TPHCM) và các vị cán bộ
 
 
 
 
 
 
Chính quyền cộng sản Hà-nội sợ tiếng nói dân gian đến nỗi "cảnh giác" cả với tay chân. Con trai luật sư Dương văn Đàm chỉ can tội đánh lộn chút chút mà cũng bị công an đến tận nhà xích tay đưa đi cải tạo, trong lúc đó thì con của Đinh thị Cẩn, ủy viên dự khuyết trung ương cộng đảng, cũng như con của trung tướng Nguyễn văn Vịnh, ủy viên trung ương đảng cộng, đều can tội giết người thì được... qua Liên-xô để đào tạo "nhân tài". Đó là cú dằn mặt với cái Hội liên lạc những người công giáo yêu hòa bình, yêu tổ quốc nằm ở góc đường Ngô Quyền - Hai Bà Trưng, ngay cạnh nhà hộ sinh Hoàn Kiếm!
 
Cái dằn mặt thứ hai là việc bãi chức "không kèn không trống" của chủ tịch huyện Kim Sơn (Ninh Bình) Phạm minh Do, người giáo dân của đất Phát Diệm đã có nhiều công trong kháng chiến chống Pháp và nhiều cống hiến trong phát triển nghề phụ ở Kim Sơn sau 1959. Ông Phạm minh Do muốn đẩy mạnh diện tích trồng cói và nghề nuôi vịt đàn cho giáo dân trong huyện trong lúc Trung ương lại lấy đất của huyện để lập nông trường quân đội mang tên Sao Vàng. Chắc cho đến nay ông Phạm minh Do vẫn chưa hiểu cái thâm ý sâu xa của chính quyền Hồ chí Minh là muốn đặt một đơn vị vũ trang thường trực ở cái đất Phát Diệm, nơi mà mấy cán bộ tôn giáo vận của Mặt Trận Tổ Quốc gọi là "Roma của Việt Nam, Vatican của Đông Dương". Cho nên Kim Sơn tức núi vàng mà dân càng ngày càng kiệt quệ. Tuy nhiên chính quyền cộng sản không thể nào "tiêu diệt" được tiếng chuông Nhà Thờ Phát Diệm. Công an và quân đội chưa có hiệu quả mấy nên Tố Hữu vội góp phần: ông trưởng ty văn hóa Nam Hà được cho ra một tiểu thuyết để "bôi nhọ" giáo dân nhưng không thành công. Nhiều văn nô cũng muốn nhảy vào lĩnh vực này nhưng thấy khó khăn vì thiếu hiểu biết. Chỉ mãi sau này, văn nô Nguyễn Khải - trùm cơ hội - cố nặn ra tiểu thuyết "... Cha và con và..." nhưng chẳng có chút tiếng vang nào. Cùng với thời gian thử thách đức tin, sinh hoạt đạo của giáo dân từ thoái trào lại dần dần lấy lại phong độ như xưa và còn hơn xưa...
 
NÔ-EN 69 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
 
Năm 1968, đúng là năm con khỉ (mậu thân) cho nên cuộc "Tổng tiến công và nổi dậy" do Hà-nội kết thúc cũng khỉ thật. Quân đội của ông Hồ chí Minh vào Nam làm cuộc "tiến công" nhưng vì nhân dân không "nổi dậy" nên cuộc tiến công đó "chìm xuồng" luôn. Tướng Lê Chưởng, người ra lệnh tàn sát tập thể đồng bào ở Huế, có sự chỉ điểm của những tên nằm vùng là tiến sỹ, giáo sư, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ... được ông Hồ chí Minh gọi ra thưởng cho cái ghế Bộ trưởng bộ giáo dục. Thật may cho học sinh Bắc Việt Nam vì Lê Chưởng trên đường ra Hà-nội bị tai nạn ô-tô vọt óc mà chết. Thương tiếc Lê Chưởng, ông Hồ Chí Minh bèn cho vợ Lê Chưởng là Lê Diệu Muội cái ghế thứ trưởng bộ nội thương mặc dù chưa biết làm tính nhân có số thập phân!!! Chính là từ cái năm 1968 này, các nhà thờ tự nhiên buổi lễ có đông con chiên. Họ đến để cầu nguyện cho con, em, chồng, cha...đã bị "sinh Bắc, tử Nam". Công an nổi, công an chìm đành chịu phép trước "thân nhân" của liệt sỹ. Cái mở đầu của 1968 đã làm cho Noel náo nhiệt hẳn lên. Và, sang năm 1969, năm mà ông Hồ chí Minh đi "thăm Các-Mác và Lê-nin", người Hà-nội sau khi phải cố mà khóc "cho có vẻ có lập trường" thì không còn muốn khóc nữa. Một dạng thức phản kháng có tính lây lan hình thành trong thanh niên học sinh, nhất là ở lứa tuổi phải đi lính. Họ đi hàng hai ba chục người đập phá, la hét, gây chuyện với công an và đánh công an để có phải vì thế bị giam khỏi phải đi lính mà rơi vào cảnh "sinh Bắc, tử Nam". Học sinh miền Nam tập kết đánh nhau với thanh niên địa phương. "Dũng sỹ diệt Mỹ" từ miền Nam được cho ra thăm Hà-nội, thủ đô cách mạng, bị "bụi đời" đập chết ở công viên Thống Nhất. Dân trốn kinh tế mới về sống lẩn lút ở khu Khâm Thiên (Đống Đa) buôn bán trao tay ở Ga Hàng Cỏ đã tổ chức đánh đồn công an Ga ở phố Lý Thường Kiệt, bắt công an trói lại và lấy phất trần "đánh đít" như đánh con nít. Nhiều chuyện tưởng như "bịa" mà diễn ra đều đặn hàng ngày. Cảnh sát được trang bị nón sắt, chó berger và xe mô-tô có thuyền đi tuần tra cũng chẳng làm gì nổi những thanh niên sắp là "bộ đội cách mạng" ấy cũng như những "chú lính mới" được về phép trước khi đi Nam. Tổ chức đoàn thanh niên, cánh tay mặt của đảng vội đẻ ra một quái thai mới gọi là "Thanh niên cờ đỏ" để góp phần giữ gìn trật tự anh ninh ở các nơi công cộng, nhưng vừa khai sinh thì đã thành trò hề. Bởi lần ra quân đầu tiên của đoàn thanh niên cờ đỏ của Hà-nội là "vồ" được Hoàng Tuấn, tổng cục trưởng tổng cục thông tin; trung tá bác sỹ giám đốc Sở y tế Hà-nội và đặc biệt là cả "đồng chí" Phạm Lợi, bí thư thành đoàn thanh niên Hà-nội kiêm chỉ huy trưởng thanh niên cờ đỏ. Cả ba vị đang có hành động "mèo chuột" với nữ nhân viên cấp dưới trong xó tối ở công viên!!! Thanh niên Hà-nội không còn tin vào "đạo đức sáng ngời" của các "lãnh tụ" nữa, nhất là sau này lại xảy ra vụ "đồng chí" Vũ Quang, bí thư thứ nhất đoàn thanh niên lao động, lãnh đạo đoàn đi thăm ông A-gien-đê của Chilie đã "hủ hóa" với ca sỹ Diệu Thúy (người đã có hôn phu) trên đường ghé qua Cuba và bị mật vụ Cuba "tố cáo". Cả Hà-nội ồn lên về vụ "cướp vợ" này. Ông Trường Chinh ra lệnh các cơ quan đoàn thể họp cải chính cho... Vũ Quang. Và, vài tháng sau cũng chính Trường Chinh ủng hộ việc Vũ Quang cứ cưới đại ca sỹ Diệu Thúy đi, mặc cho ngay cả các con của Vũ Quang phản đối. Thôi làm công tác thanh niên, Vũ Quang về làm chánh văn phòng trung ương đảng rồi còn leo tới chức trưởng ban đối ngoại trung ương đảng (thay Nguyễn thành Lê). Và, cô ca sỹ Diệu Thúy bỏ cái nghề "xướng ca vô loài" để dựa hơi chồng buôn lậu đô-la Mỹ và hạt xoàn!!! Cho nên Noel 1969, người Hà-nội, nhất là thanh niên, nô nức đi lễ Nhà Thờ, chính quyền cộng sản đành bó tay chịu thua. Những năm tiếp theo, trong cái lạnh của tháng cuối trong năm, Hà-nội có các hàng sản xuất "lậu" nhưng lại bán "công khai" tấp nập để phục vụ lễ Giáng Sinh. Cả ngoại thành, nội thành từ bảng lảng chiều đã nô nức kéo về khu vực Nhà Thờ Lớn. Hàng Bài từ đoạn ngã tư với Hai Bà Trưng đã phải cấm xe cộ. Quanh Hồ Gươm người người chen nhau như nêm. Quanh Nhà Thờ Lớn người đứng đông đến nỗi tràn kín cả cổng chính của tòa soạn báo Nhân Dân. Công an và chó berger không dám nghênh ngang vì đã có nhiều chó berger bị đập chết khi đi trong đám đông... không tìm được "thủ phạm". Những tên công an chìm dễ bị ăn đòn "hội chợ" nếu chót lộ đuôi hoặc có cử chỉ thiếu tôn kính với Chúa. Chẳng còn ai sợ ghi sổ đen hay chụp hình lưu trong hồ sơ của Cục 78 bộ công an nữa. Cả Hà-nội chào đón ngày Chúa Giáng Sinh. Cả Hà-nội bảo vệ đức tin của Chúa. Và, Noel lại trở lại là niềm hy vọng của mọi người, mọi nhà.
 
Tháng 11-1992


Chuyện ngoài lề về bầu cử Quốc Hội khóa 9 của cộng sản Việt Nam

Việt Thường
Cộng sản Việt Nam đã cho phép tổ chức bầu cử Quốc hội "bù nhìn" khóa 9 vào ngày chủ nhật 19-7-1992 trên toàn quốc.

Hầu hết 601 người được đưa ra trong trò hề bầu cử này là do Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một công cụ do cộng sản Việt Nam nặn ra để gom tất cả các thành phần dân chúng Việt Nam vào trong tổ chức ngõ hầu dễ lãnh đạo và còn có lợi ở chỗ như là một tổ chức có tính "toàn dân", làm cái mặt nạ "dân chủ" cho cộng đảng.

395 người đã được cho trúng cử. Đương nhiên đó là những người đương chức đương quyền như Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải v.v... Số còn lại hầu hết là những người có quyền lợi gắn bó chặt chẽ với cộng sản hoặc có quá trình "gọi dạ bảo vâng" với cộng sản. Còn lại đếm chưa hết đầu ngón tay là những người đã thấm nhuần chân lý sống trong xã hội cộng sản là "thứ nhất ngồi ỳ, thứ nhì đồng ý". Và nếu có ai đó không đồng ý thì cũng chỉ là "hạt cát trong sa mạc".


Dù không trực tiếp chứng kiến nhưng cũng có thể thấy được giới lãnh đạo cộng sản Việt
Nam hí hửng ra sao với cái cấu trúc Quốc Hội con rối lần này.

Phải chăng nhân dân Việt
Nam lại chấp nhận để cộng sản lừa quả thứ 9 ? Không phải vậy. Chỉ xét kết quả bầu cử ở hai thành phố tiêu biểu là Hà-nội và Sài-gòn thì rõ :

- Ở Hà-nội, giáo sư trường đại học y khoa là bác sỹ Tôn Thất Bách được cao phiếu nhất 91,96% trong khi Đỗ Mười, tổng bí thư cộng đảng chỉ được 80,29%. Còn ở Sài-gòn, đầy tớ trung thành bậc nhất của đảng là Phạm Thị Thanh Vân, quen được gọi là luật sư Ngô Bá Thành, bị đảng "đuổi việc" một cách khéo léo là dựa vào "ý dân"!

Mặc dù bị siết chặt bằng một thể chế chính trị hà khắc và độc tài nhất trong lịch sử Việt Nam (hơn cả thời thực dân Pháp thống trị), nhưng người dân Hà-nội vẫn có 1001 kiểu chống cộng - tầng lớp thống trị - trên mọi bình diện. Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm và kế tiếp là các chuyện tiếu lâm thời đại, sửa lời bài hát; các bài thơ ghế đá; sự kiện thơ Lý Phương Liên; nhại thơ Bút Tre; đi lễ cả Nhà Thờ, lẫn Chùa và Miếu; cúng lễ tổ tiên; chế riễu những thiếu nhi đeo khăn quàng đỏ, thanh niên đeo huy hiệu đoàn; phong trào học Anh ngữ rầm rộ, né tránh học tiếng Nga và tiếng Tàu. Cao hơn nữa là tụ họp đánh phá các đồn công an, các nhà hàng quốc doanh, ăn cắp chiếc xe hơi của Trường Chinh, đặt chất nổ ở tòa soạn báo quân đội nhân dân, rồi sự kiện Tạ Đình Đề v.v... Còn trong bầu cử Quốc Hội bù nhìn, ngay lần bầu khóa 2, lần đầu tiên tên của Hồ Chí Minh đã bị một phiếu xóa bỏ ở ngay khu bầu cử Ba-đình, nơi tọa lạc biệt điện của Hồ Chí Minh. Người anh hùng dấu tên đó đã làm cho Sở công an Hà-nội; Cục bảo vệ chính trị, Cục 78 bộ công an điên cuồng lên. Trong cơ quan, ngoài đường phố một thời chuyện lén về "cái anh chàng liều mạng" đó. Từ lần bầu khóa 3 trở đi, cộng sản Việt Nam rút kinh nghiệm để có thể dễ dàng điều tra ra "kẻ" dám xóa tên "lãnh tụ" trong phiếu bầu thì người Hà-nội không xóa nữa mà cố tình vi phạm điều lệ bầu. Thí dụ : phiếu bầu in 7 tên, được bầu 6 thì hoặc cứ để cả 7 tên hoặc xóa cả 7 tên. Cho dù bắt toàn thể cử tri đi bầu nhưng không một ai được 100% số phiếu, kể cả Hồ Chí Minh


Dưới chế độ công sản, đi bầu cử là một điều bắt buộc chứ không phải là quyền lợi của cử tri. Bởi vì ứng cử viên phải là người do tổ chức của cộng sản đưa ra, ngay cả người sẽ phải là vật hy sinh để bị gạch tên cũng thuộc thành phần mà lý lịch đã được Cục 78 thuộc bộ công an nhận xét là "tốt", là "không có vấn đề". Mỗi lần bầu cử là một lần cộng sản kiểm tra lại "bộ máy thống trị" của cộng sản xem có khả năng kiểm tra tư tưởng nhân dân, tổ chức cho nhân dân tuân lệnh của đảng đến mức độ nào. Vì thế ứng cử viên là ai, cử tri không được phép biết; nguyện vọng của cử tri là gì, ứng cử viên chẳng thèm bận tâm. Chỉ có điều biết là tất cả cử tri, theo sự lãnh đạo của các tổ chức đảng ở cơ sở, phải "hồ hỡi, phấn khởi" đi bỏ phiếu. Mọi người được học tập phải ăn mặc những bộ áo quần đẹp nhất, phải có nét mặt tươi cười cho dù là gia đình đang có đại tang. Vì, đại tang chỉ là nỗi "buồn riêng", còn ngày bầu cử là cái "vui lớn của cả nước". Công sản tổ chức sao cho người hấp hối cũng phải bỏ phiếu, bằng cách mang hòm phiếu đến tận giường người sắp chết, rồi con cháu hoặc tổ dân phố cử người bỏ phiếu hộ. Cho nên cái mà báo chí cộng sản thường đưa tin đại loại như 99% hoặc !00% cử tri đi bỏ phiếu thì người đọc phải hiểu là ở khu vực bầu cử đó, tổ chức đảng cơ sở đã phối hợp với các cục hay phòng chức năng của Sở công an và Bộ công an làm được tốt cái việc kiểm tra định kỳ (các dịp bầu cử quốc hội hoặc hội đồng nhân dân) tư tưởng nhân dân ở địa phương mình quản lý vẫn khuất phục đảng là bao nhiêu phần trăm. Trước tháng tư 1975, có lẽ cả miền Bắc Việt Nam chỉ có một người duy nhất "tẩy chay" trò hề bầu cử của cộng sản mà chính quyền cộng sản phải nuốt hận làm vui, đó là đức Hồng-y Trịnh Như Khuê. Còn cán bộ và nhân dân thì bị tước luôn cả cái quyền "không muốn đi bầu cử" cũng không được. Bởi vì chính quyền cộng sản ngoài việc khủng bố tư tưởng trước và trong khi bầu cử, còn gắn việc bầu cử vào các quyền lợi hàng ngày của cán bộ và nhân dân, như muốn đi đâu phải xin giấy thông hành mà công an chỉ cấp thông hành với điều kiện đương sự phải xuất trình thẻ cử tri có đóng dấu của ban tổ chức bầu cử xác nhận đã đi bầu, nghĩa là đã bầu đúng như đảng hướng dẫn; phụ nữ có con mong muốn mua sữa tiêu chuẩn cho con nhỏ cũng phải xuất trình thẻ cử tri cùng tem phiếu cung cấp sữa; các hộ đi mua gạo, đi khám bệnh, đi làm giấy khai sinh, khai tử, hôn thú v.v... cũng phải xuất trình thẻ cử tri hợp lệ. Phóng viên báo chí và cơ quan thông tấn nước ngoài chỉ nhìn thấy nơi bỏ phiếu nhộn nhịp, mọi người ăn mặc chỉnh tề, nét mặt "phấn khởi" chứ chẳng bao giờ họ có thể thấy được những sơị dây vô hình và oan trái mà đảng cộng sản Việt Nam cột chặt cử tri với thùng phiếu mà đảng nặn ra. Sau năm 1975, nhân dân ở miền Nam Việt Nam chắc không thể quên được việc họ phải giữ gìn thẻ cử tri như bùa hộ mạng, kể từ lúc được làm công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và liền ngay đó đảng hứng trí đổi sang thành nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.


Đảng cộng sản Việt
Nam đã dùng mọi biện pháp để đảm bảo tất cả đại biểu quốc hội là "nghị gật", là con bài của đảng đưa ra. Nhưng chắc chẳng ai có thể hiểu được những sự thực phũ phàng ở trong cái quốc hội bù nhìn ấy, là đảng còn cẩn thận cho hầu hết đại biểu của quốc hội là đảng viên, phải theo kỷ luật đảng là tán thành tất cả ý kiến đảng dù cho mình có ý kiến khác đôi chút. Đảng tuyển lựa những đại biểu quốc hội vốn là thành viên của chính phủ, của lãnh đạo đảng ở các tỉnh, số còn lại là đảng viên nhưng phải hoàn toàn "ngu dốt" như làm nghề quét rác, đổ phân, cu ly làm đường, đồ tể mổ bò v.v... bởi vì dốt thì chỉ có con đường duy nhất là "đồng ý" trong các cuộc họp của quốc hội, vì có biết mô tê gì đâu mà có ý kiến.

Trong quốc hội bù nhìn, cũng có một vài ngưới là nhân sĩ hoặc đảng phái khác mà cộng sản cho phép hoạt động như đảng Dân Chủ, đảng Xã Hội. Thế nhưng trong các cuộc họp của quốc hội, các đại biểu đó không được phép tự do tham luận, mà ai tham luận và nội dung tham luận cái gì là do Ban thư ký của quốc hội "giao nhiệm vụ". Đã thế, tham luận còn bị đại diện của cộng sản kiểm duyệt trước và cho ý kiến sửa chữa và xác nhận mới được nộp lên Ban thư ký Quốc Hội. Thí dụ : ngay như Trần Đăng Khoa, phó tổng thư ký đảng Dân Chủ Việt Nam kiêm phó chủ tịch quốc hội, ấy thế mà bản tham luận của ông ta phải đưa cho Nguyễn Việt Nam duyệt, là đảng viên cộng sản giữ chức ủy viên trung ương đảng Dân Chủ, phụ trách tuyên huấn và tổ chức của đảng Dân Chủ kiêm tổng biên tập tuần báo Độc lập, cơ quan "ngôn luận" của đảng Dân Chủ Việt Nam!!! (Sau tháng 4-1975, Nguyễn Việt Nam vào Sài-gòn và giữ chức chủ tịch hội đồng nhân dân Sài-gòn). Ngay như sinh thời của bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên, vốn là nhân sỹ trí thức, gần cuối đời được kết nạp đảng (kiểu làm cảnh như Nguyễn Hữu Thọ), nhưng bao giờ tham luận hoặc các bài nói chuyện của ông ta đều phải được đại diện đảng đoàn cộng sản ở Bộ Giáo Dục duyệt trước, mặc dù tất cả đều do thư ký riêng của ông ta (là đảng viên cộng sản và do ban tổ chức trung ương chỉ định) soạn thảo. Những người có "quyền" duyệt bài của bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên lại là các "phó" của ông ta : các thứ trưởng giáo dục Hà Huy Giáp (bí thư đảng đoàn cộng sản), Võ Thuần Nho (ủy viên đảng đoàn, là em của tướng Võ Nguyên Giáp), Hồ Trúc (ủy viên đảng đoàn còn kiêm thêm ủy viên ban bí thư đoàn thanh niên cộng sản). Giờ đây, người nước ngoài và kể cả người Việt
Nam vẫn còn ngộ nhận cho rằng Nguyễn Hữu Thọ là người có quyền lực. Sự thật ông ta (tuy cũng đã được vào đảng cộng sản, kiểu như Nguyễn Văn Huyên) vẫn là bù nhìn, có khác là bù nhìn có tầm vóc lớn hơn và trang sức lòe loẹt hơn mà thôi. Hiện nay, tuy mang danh chủ tịch đoàn chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc, nhưng mọi việc là do phó của ông ta, nhân vật Phạm Văn Kiết tức Năm Vận, người đã được là một trong số 101 ủy viên chính thức của trung ương cộng sản Việt Nam sau đại hội cộng đảng lần thứ 4, quyết định.

Đảng cộng sản Việt Nam có thể quá kém cỏi trong lãnh đạo và quản lý kinh tế, nhưng họ rất "vô địch" về mặt đàn áp, thống trị, về tổ chức khống chế dân, bảo vệ an ninh chính trị, quản lý các nhà tù và lừa đảo, trí trá. Cho nên, trong lần bầu cử quốc hội bù nhìn lần thứ 9 này, có vẻ như "mới" hơn tám lần trước, ví dụ có cho "tự do ứng cử" bên cạnh sự giới thiệu của Mặt Trận Tổ Quốc; thành phần trí thức nhiều hơn; có người tưởng phải đắc cử lại rớt đài như Phạm Thị Thanh Vân, có người uy tín ở khu vực bầu cử còn cao hơn cả uy tín của người đứng đầu cộng đảng, như giáo sư Tôn Thất Bách được 91,96%, còn Đỗ Mười chỉ được 80,29%.

Nếu cộng sản đẻ ra 1001 cách đàn áp nhân dân thì nhân dân cũng có 1001 sáng kiến để chống trả. Tỷ lệ đắc cử 91,96% của giáo sư Tôn Thất Bách là một thí dụ. Vậy giáo sư Tôn Thất Bách là ai ? Sao ông giáo sư này có uy tín lớn như vậy ở cái đất Hà-nội, thủ đô của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam với biểu tượng là cái lăng của ông Hồ Chí Minh được xây ở sân đua xe đạp do thực dân Pháp làm ra ?

Giáo sư bác sỹ Tôn Thất Bách là nhà phẩu thuật có tài, con trai của cố giáo sư bác sỹ Tôn Thất Tùng, nguyên giám đốc bệnh viện Việt-Đức (tức bệnh viện Phủ doãn ở Hà-nội). người tìm ra phương pháp mổ gan khô, người được qua Mỹ hội thảo về chất độc màu da cam sau năm 1975, khi về có một loạt bài đăng ở báo Nhân Dân (nếu đọc kỹ sẽ thấy sự ca ngợi nền tự do và giàu có ở Mỹ), và sau loạt bài viết đó thì đột ngột chết vì bệnh tim, mặc dù trước đó cả vợ con (đều ở ngành y) cũng như bạn bè, họ hàng và đồng nghiệp không ai nghe nói giáo sư Tôn Thất Tùng có bệnh tim bao giờ. Là một nhà chuyên môn đơn thuần, không đảng phái, trực tính nhưng cộng sản Việt Nam lợi dụng được nhiều ở uy tín cũng như lý lịch của giáo sư Tôn Thất Tùng để bôi bóng cho cái bánh vẽ "dân chủ", cho nên có nhiều câu nói và việc làm của giáo sư Tôn Thất Tùng, nếu là ở người khác chắc phải đi cải tạo mút chỉ, như giáo sư Tôn Thất Tùng rất coi thường "chuyên gia" nước đàn anh. Quan điểm cộng đảng Việt
Nam là phải coi "chuyên gia" như cha, chú, như thầy. Ngoài ra, giáo sư Tôn Thất Tùng còn có những câu nói kiểu "bạo phổi" như ông thường nói rằng ngoài sách về y khoa ra ông chưa bao giờ có thể xem một cuốn sách chính trị hoặc thơ văn của Việt Nam(tức của cộng sản) mà ông chỉ thích các loại "Série Noire" với các tác giả như Peter Cheney, Jean Bruce, Agatha Christie v.v... Là cháu rể của tổng đốc Vi Văn Định, có quan hệ cột chèo với giáo sư thạc sỹ Hồ Đắc Di và tiến sỹ bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên (hai ông này là con rể của tổng đốc Vi Văn Định), giáo sư Tôn Thất Tùng gần như ít chơi với ai ngoài 2 người họ hàng này. Giáo sư Tôn Thất Tùng tự hào dòng dõi hoàng phái của mình một cách công khai và ông thường tỏ vẻ "coi thường" công trình "súp-ti-lít" phòng lao của bác sỹ bộ trưởng y tế Phạm Ngọc Thạch (đảng viên cộng sản) là phản khoa học và ông xin từ chức thứ trưởng bộ y tế. Đây là trường hợp từ chức duy nhất trong chế độ cộng sản ở Việt Nam cho đến nay. Giáo sư Tôn Thất Tùng là thể hiện chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam trong trí thức ở chế độ cộng sản miền Bắc Việt Nam. Đó là điều người Hà-nội yêu mến ông ta vì từ lý lịch đến nói và hành động hoàn toàn ngược lại với dòng "chính thống" của cộng sản Việt Nam. Có lẽ do ảnh hưởng của gia đình, nên ngay từ lúc còn ngồi ở trường Phổ thông 3A ở Hà-nội, giáo sư Tôn Thất Bách đã có hành động được nhiều thanh niên cùng lứa tuổi kính phục : đó là từ chối làm đơn gia nhập đoàn thanh niên cộng sản. Nếu không phải là con giáo sư Tôn Thất Tùng, lá bài "dân chủ" của đảng, thì chắc học sinh Tôn Thất Bách đã bị đuổi học.

Trong trò hề bầu cử quốc hội khóa 9 này, nắm bắt được giáo sư Tôn Thất Bách cũng giống cha, là nhà chuyên môn đơn thuần nên cộng đảng giới thiệu ra ứng cử cho đủ màu sắc. Người dân Hà-nội, quá quen võ của cộng sản nên đã lách qua chỗ sơ hở không thể tránh được của đảng mà biểu lộ ý kiến của mình một cách "hợp pháp". Cái ý kiến đó là : chúng tôi tín nhiệm một người phải là trí thức; một người lý lịch gia đình và bản thân không nằm trong công thức của cộng sản; một người mà lúc còn trẻ đã ý thức được rằng không nên gia nhập một tổ chức "cánh tay mặt" của đảng cộng (có lẽ vì mường tượng thấy nó là tổ chức "không đàng hoàng").

Đỗ Mười, người quyền hành nhất ở Việt Nam bấy giờ bị thua tín nhiệm khá xa (dù trong bầu bán lòe bịp) đối với một người không quyền hành, xuất thân "phong kiến", ngay ở khu vực bầu cử thuộc thủ đô Hà-nội (đại diện của cả nước) là bằng chứng rõ ràng rằng nhân dân Việt Nam sẽ lựa chọn chế độ chính trị nào nếu có một cuộc bầu cử thực sự công bằng và tự do !


Còn việc bầu cử ở Sài-gòn thì sao ? Có hai sự việc đáng lưu ý : một là bà luật sư Ngô Bá Thành (tên khai sinh là Phạm Thị Thanh Vân) được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu ra ứng cử ở đơn vị bầu cử số 4 ở Sài-gòn bị... rớt đài. Theo bà Ngô Bá Thành tuyên bố lý do ngã ngựa của bà, ấy là do có gian lận trong khu vực bầu cử 4 nhằm loại trừ bà ra khỏi quốc hội khóa 9. Qua trả lời phỏng vấn của phóng viên đài BBC, bà luật sư Ngô Bá Thành nói rằng :"...ở những tổ mà người ta mạn đàm về việc bầu cử thì đả có những sự hướng dẫn là đừng có bỏ phiếu cho tôi, vì tôi nhiều lần ở quốc hội đã đưa ra những ý kiến rất là thẳng thắn lên án những người vi phạm luật pháp, dù người đó là ai, trong đó tất nhiên dẫn đầu là tham nhũng..."


Trước khi nhận xét ý kiến của bà luật sư Ngô Bá Thành, nghĩ rằng cần thiết nhắc lại "quá trình làm cách mạng" của bà Ngô Bá Thành. Là một trí thức được đào tạo tại phương Tây, bà luật sư Ngô Bá Thành làm việc và sinh sống ở Sài-gòn. Ông thân sinh ra bà là thú y sỹ Phạm Văn Huyến cũng từng hăng hái chống chính quyền Sài-gòn, ủng hộ Hà-nội nên bị tướng Nguyễn Cao Kỳ cho đẩy ra miền Bắc. Chắc cũng tưởng sẽ được đón tiếp như một anh hùng (loại hoang tưởng), nào ngờ cộng sản Hà-nội coi ông thú y sỹ Huyến quá tầm thường, cho ở một căn phòng độ 12m2, tháng tháng ra Mặt Trận Tổ Quốc lãnh 45 đồng tiền Hà-nội (bằng lương bậc 2 của nhân viên bưng cà phê ở cửa hàng quốc doanh). Chỉ mãi đến khi cộng đảng quyết định dùng lá bài Ngô Bá Thành quấy phá chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nhằm làm suy yếu lực lượng quốc gia chống sự xâm lăng của cộng sản thì thú y sỹ Huyến mới được nâng "trợ cấp" lên gần 80 đồng, được đổi sang một căn phòng rộng hơn tý chút và được quét vôi lại tường cho "vệ sinh". Bà luật sư Ngô Bá Thành bị chính phủ Nguyễn Văn Thiệu bắt giam tại đề lao Gia-định, bà tuyệt thực (nhưng vẫn húp trứng gà và uống sữa). Tuy ở tù nhưng bà vẫn được họp báo để phê phán chế độ Sài-gòn.

Sau tháng 4-1975, cộng sản Hà-nội chưa lường đúng chỗ "yếu" của miền Nam nên hết sức quan tâm công tác "địch vận". Họ tuyên bố chính sách "hòa hợp, hòa giải dân tộc", tuyên bố "duy trì năm thành phần kinh tế". Viên tướng hậu cần Đinh Đức Thiện cho mở lớp nghiên cứu chính trị cho trí thức ở miền
Nam làm như đảng cộng thực lòng yêu quí trí thức. Trong khi đó, ở Hà-nội, Xuân Thuỷ, bí thư trung ương cộng đảng, phó chủ tịch quốc hội cho mời cựu thị trưởng Hà-nội trước 1954 là ông dược sỹ Thẩm Hoàng Tín ăn cơm, gặp gỡ thú y sỹ Phạm Văn Huyến ủy lạo và gợi ý có thể sẽ đề cử bà luật sư Ngô Bá Thành làm chủ tịch ủy ban nhân dân Sài-gòn sau khi thành phố này hết thời kỳ do quân quản cai trị. Được tin này, bà luật sư Ngô Bá Thành ngồi trong căn nhà riêng ở kế Nhà Đèn (chắc là) ngửa mặt lên trời cười lớn ba tiếng cho rằng ngôi mộ tam đại bắt đầu phát !

Nào ngờ, hầu hết các tướng tá, quân đội cũng như nhân viên chính quyền, tổ chức đảng phái ở miền
Nam đều mắc quả lừa "hoà hợp, hòa giải" của cộng đảng, đem thân vào chốn tù đày. Đó là lý do sự chống đối quá yếu ớt của miền Nam. Cho nên cộng đảng thấy không cần thiết phải đeo "mặt nạ" dựng "con rối" nữa. Nhiệm vụ bù nhìn của Mặt Trận Giải Phóng, của Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, của đảng Nhân Dân cách mạng đã hết. Lịch sử đã sang trang, cộng đảng lộ nguyên hình không cần biến hóa nữa; cụ Thẩm Hoàng Tín không được Xuân Thuỷ mời ăn cơm lần thứ hai. Phương án "chủ tịch Sài-gòn Ngô Bá Thành" bị quăng vào sọt rác. Tiếc rằng bà luật sư Ngô Bá Thành, có thể có học về luật nhưng "nhẹ dạ" về chính trị và cứ "hoang tưởng" sẽ là một thứ Nguyễn Thị Định chăng. Bà ta từ chối cái ghế giáo sư ở đại học Mỹ, ra sức "ca ngợi" cộng sản Hà-nội (bảo hoàng hơn cả nhà vua), tưởng rằng nếu không làm chủ tịch Sài-gòn thì chí ít cũng giữ một ghế bộ trưởng. Bà đã chuẩn bị tư tưởng và kiến thức nên khuân về nhà đủ các sách lý luận chính trị của nhà xuất bản Sự Thật, từ Marx, Lénine đến Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh và Phạm văn Đồng v.v... Quyết tâm theo cộng sản nhưng bà chẳng hiểu gì về cộng sản . Sở dĩ bà Nguyễn Thị Bình được làm bộ trưởng giáo dục trong chính phủ thống nhất, cũng như trước đó là bộ trưởng ngoại giao của chính phủ lâm thời con rối Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, cướp chỗ của Trần Bửu Kiếm, để đọc các bài được viết sẵn ở hội nghị Paris về Việt Nam, là vì bà Bình đã từng là thư ký riêng của Nguyễn Thị Thập, ủy viên trung ương đảng cộng từ khóa 2, chủ tịch hội Liên Hiệp Phụ Nữ. Bà Bình đã vào đảng cộng từ lâu, do Nguyễn Thị Thập kết nạp, và đã được cho làm Vụ phó Vụ lễ tân bộ ngoại giao của chính phủ cộng sản Hà-nội. Chính ở đây, bà Bình với vẻ duyên dáng, giọng nói ấm áp, đã lọt vào "mắt xanh" của bộ trưởng Xuân Thủy, bí thư trung ương đảng cộng. Xuân Thủy giữ chức vụ bộ trưởng ngoại giao cho đến khi làm nhiệm vụ hòa đàm ở Paris mới bàn giao cho Nguyễn Duy Trinh. Trong con mắt của ông lang băm Xuân Thủy, bỏ nghề dao cầu đi làm cách mạng vô sản, thì phụ nữ muốn tham chính phải có tiêu chuẩn "đẹp". Cho nên ngoài bà Bình là người được Xuân Thủy nâng đỡ, còn một cô gái đẹp nữa là cô tự vệ ở thị xã Thanh Hóa, tên Nguyễn Thị Hằng, tuy chỉ là chiến sỹ thi đua, còn thua xa về thành tích so với Ngô Thị Tuyển là anh hùng toàn quốc. Nhưng Tuyển hơi "xấu", còn Hằng cao lớn, trông như lai, thật là mát mắt, cho nên đã được Xuân Thủy lôi về từ hợp tác xã đan cói, hấp một cái thành đại biểu quốc hội, thành viên có giá của ủy ban đối ngoại. (hiện nay Hằng là ủy viên trung ương chính thức cộng đảng khóa 7). Còn bà Ngô Bá Thành, đã chẳng phải là đảng viên, về hình thức, dung nhan ở dưới mức trung bình thì làm sao đủ "tiêu chuẩn làm quan tắt" được.


Được cộng đảng cho một chân đại biểu quốc hội. Tất nhiên là được Mặt Trận Tổ Quốc "hiệp thương" giới thiệu ra ứng cử ở Sài-gòn. Tất nhiên là được "ở những tổ mà người ta mạn đàm về việc bầu cử thì đã có những sự hướng dẫn là bỏ phiếu cho" bà luật sư Ngô Bá Thành, và quả nhiên bà Ngô Bá Thành đã trúng cử theo đúng cách thức bầu bán như lần này bà thất cử. Nhưng chỉ lần này, vì rớt đài bà Thành mới thấy "sự gian lận", mới chua chát "phủ nhận giá trị pháp lý, chính trị, đạo lý của cuộc bầu cử" . Bà khoe với phóng viên đài BBC rằng :"nhiều lần ở quốc hội đã đưa ra những ý kiến rất là thẳng thắn lên án những người vi phạm luật pháp, dù người đó là ai...". Chuyện "lên án" này chắc chỉ có bà Ngô Bá Thành và người bị bà lên án biết với nhau. Còn người dân, người ta chỉ thấy bà là con người tráo trở "ăn cơm của miền Nam (trước 4-1975) để quấy phá miền Nam", hãnh tiến vì nhiều cuộc họp của dân phố Sài-gòn, nhân dân yêu cầu bà đến dự, nhưng bà "khinh", không thèm đến dù cho chỉ là một lần. Bà nghĩ là gần gũi với "trung ương" nên xem thường "địa phương", thậm chí bà cũng chẳng thèm đến họp với đoàn đại biểu quốc hội (bù nhìn) thuộc thành phố Sài-gòn. Đã từ lâu, trên các báo Sài-gòn Giải phóng, Tuổi trẻ v.v... người ta lên án thái độ nịnh trên, coi thường cử tri của bà. Giới lãnh đạo cộng sản coi bà là đày tớ trung thành, căn cứ vào những phát biểu của bà khi công du ra nước ngoài, nào là chính sách giam giữ sỹ quan, nhân viên... chính quyền ở Sài-gòn cũ là đúng, là nhân đạo v.v... trong khi mà bà đã từng được đối xử ra sao khi bị chính phủ Nguyễn Văn Thiệu giam ở đề lao Gia-định. Cũng cái đề lao đó nay đổi thành T.20 (hoặc trại giam Phan Đăng Lưu), tù nhân bị giam tàn bạo như thế nào, đã bao giờ bà dám "thẳng thắn lên án những người vi phạm luật pháp" chưa ? Chưa bao giờ. Nếu còn trong thời hoàng kim, chắc chắn giới lãnh đạo cộng sản tiếc gì bà một chỗ ngồi "gật đầu" trong quốc hội bù nhìn. Nhưng giờ đây chính bọn họ đã thấy sức mạnh của nhân dân ở Nga Xô (xưa) và các nước Đông Âu (cũ) cũng như lòng căm phẫn của nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước. Họ đành "thí" bà, hy vọng nhất thời xoa dịu được chút nào lòng dân đang bất mãn với chế độ hiện hành. Ngã đau thật, nhưng bà luật sư Ngô Bá Thành vẫn hoang tưởng suy diễn rằng :"Tôi hiện giờ là chủ nhiệm ủy ban pháp luật của quốc hội khóa 8, nếu tôi đắc cử lần này thì chắc là quốc hội cũng sẽ bầu tôi tiếp tục làm chủ nhiệm ủy ban". Đọc câu phát biểu trên, dù là con nít cũng thấy bà Ngô Bá Thành tâm thần không ổn định.

Là người trong cuộc của những tró hề bầu cử và ứng cử của cộng sản; là người có bằng cấp chứng nhận kiến thức về luật pháp, vậy mà điều đơn giản là tất cả các cuộc bầu bán dưới chế độ cộng sản đều là gian lận có tổ chức chặt chẽ, là phi pháp lý, phi chính trị, phi đạo lý, bà luật sư Ngô Bá Thành vẫn chưa nhận ra và "thẳng thắn" nêu những điều đó khoanh tròn trong đơn vị bầu cử 4 ở Sài-gòn, nơi bà bị gãy ghế. Quả là thẳng thắn vậy thay ! Nhất là đoạn thư bà gửi cho Hội đồng bầu cử, rằng :... "Tôi phải công khai bày tỏ thái độ của mình trước sự bôi nhọ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà tôi đã dày công vun đắp trong quá trình làm người đày tớ thật trung thành của nhân dân tại quốc hội, từ ngày đất nước sạch bóng quân thù và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam." Đọc những dòng lâm ly trên của một phụ nữ tuổi đã xế chiều, vốn không nhan sắc, dù Xuân Thủy còn sống chắc cũng mủi lòng cho "người đày tớ thật trung thành"; bị chủ vứt sọt rác mà vẫn "trung thành"; còn nhà trường và các giáo sư đã có công đào tạo ra cái loại "trí thức, luật gia" đó chắc phải che mặt xấu hổ.

Sự việc thứ hai đáng chú ý ở Sài-gòn trong bầu cử là việc Nguyễn Hữu Khương, đại tá, giám đốc sở công an Sài-gòn, đã đắc cử. Vậy Nguyễn Hữu Khương là con người như thế nào ? Ông ta vốn xuất thân bên quân đội, từng là đệ tử ruột của viên đại tá quân đội mang họ Hồ, chuyển ngành ra làm phó ban kinh tế của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam mà trưởng ban là bà Nguyễn Thị Dung, mẹ vợ của Huỳnh Tấn Mẫm, có một thời gian làm đại sứ cho cộng sản Hà-nội ở Liên hiệp quốc. Viên đại tá họ Hồ này có dính liú vào nhiều vụ việc bê bối về kinh tế ở Mặt Trận Tổ Quốc, và đột ngột chết, một cái chết còn nhiều bí ẩn ở nhà riêng tại đường Võ Thị Sáu (Hiền Vương cũ) Sài-gòn. Khương được chuyển qua Sở công an Sài-gòn khi đeo lon đại úy, rồi lên thiếu tá trưởng phòng quản lý trật tự an ninh chính trị và an toàn xã hội, một đệ tử thân tín của thượng tướng công an Lâm Văn Thê. Năm 1987, Khương được thăng phó giám đốc phụ trách thường trực Sở công an Sài-gòn, đeo lon trung tá. Và, khi Lâm Văn Thê chết, Nguyễn Hữu Khương được giữ chức quyền giám đốc Sở công an và đầu năm 1991 được vào thành ủy của Sài-gòn. Con đường quan lại thật trôi chảy bởi Nguyễn Hữu Khương được "phe cộng sản miền Nam" coi là người "Nam" hoàn toàn, không dính dáng gì đến miền Bắc, nhất là chưa bao giờ có quan hệ với giới chức công an chóp bu ở Hà-nội. Đã thế Nguyễn Hữu Khương lại cực kỳ khôn ngoan với các cấp lãnh đạo của thành phố, đã giúp Võ Trần Chí và nhóm Nguyễn Vĩnh Nghiệp đẩy Phan Văn Khải ra Hà-nội bằng một số "tang chứng" cụ thể; đã làm lớn vụ Đường xuân quán nhưng lại cho chìm luôn vụ cháy Immexco, cũng như các vụ bê bối khác của con rể Nguyễn Vĩnh Nghiệp (chủ tịch thành phố Sài-gòn, thay Phan Văn Khải) v.v... cũng như của Ba Thi (giám đốc công ty lương thực Sài-gòn) là người làm kinh tài riêng cho giới chức cộng sản "miền Nam". Cho nên Nguyễn Hữu Khương đã nhanh chóng được nhận chức giám đốc thực thụ của Sở công an Sài-gòn và đeo lon đại tá. Giờ đây, đại tá Nguyễn Hữu Khương được vào quốc hội khóa 9 chính là do ý đồ của nhóm miền Nam (cộng sản) muốn đánh bóng lá bài này, chuẩn bị cho việc giành giật chỗ đứng trong ngành công an của cả nước. Vì công an không chỉ là công cụ chuyên chính của chế độ, mà lúc này, cái lúc "mở cửa" làm ăn buôn bán, các chức sắc cộng sản chóp bu ở cả hai miền Nam và Bắc của Việt Nam đều cho vợ con, họ hàng và tay chân thân tín "bung ra" làm ăn kinh tế, cố vơ vét thật nhiều đề phòng khi nhân dân nổi dậy còn "dọt" ra nước ngoài có vàng và dollars Mỹ mà xài, độ vài đời, thì phải có người trong phe mình nắm chức vụ chủ chốt trong ngành công an và hải quan để bảo vệ và giúp đỡ cho những "dịch vụ bê bối" được thuận buồm xuôi gió. Đó cũng là lý do Giám đốc Hải quan Sài-gòn mới vừa bị đình chỉ công tác nhưng có lẽ lại được thăng lên Tổng cục phó Hải quan !(?)

Bản hiến pháp 1992 của cộng sản Việt Nam đã ra đời. Dù cho có cởi mở tý chút trong bầu cử quốc hội bù nhìn khóa 9 lần này thì cũng chẳng ai làm gì vượt được ra ngoài quỹ đạo mà hiến pháp qui định cho đảng cộng sản địa vị độc quyền cai trị đất nước; phải xây dựng chủ nghĩa xã hội (nghĩa là điều khỏan cho phép đến một lúc nào đó có thể ăn cướp của dân dưới hình thức gọi là "thủ tiêu quyền tư hữu về tư liệu sản xuất"; phải lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm gốc (nghĩa là được phép vô liêm sỉ trong ứng cử).

Tuy nhiên, qua lần bầu quốc hội bù nhìn khóa 9 lần này, chúng ta thấy được sự lúng túng của giới chức cầm quyền cộng sản trước cao trào giành dân chủ thực sự của nhân dân Việt Nam; thấy được sự phân hóa trong giới lãnh đạo, chia thành bè nhóm; và nhất là thấy được lòng dân Việt Nam quá chán ghét và căm phẫn những gì là "cộng sản".

Đối với cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, những ai còn lăm le "đi đêm" để "theo đóm ăn tàn" của cộng sản hãy nhìn vào tấm gương "thí quân" mà Ngô Bá Thành là nạn nhân tự nguyện.

15-8-1992
Việt Thường
 

 
 
 

 

0 comments:

Post a Comment

 

Subscribe to our Newsletter

Contact our Support

Email us: Support@templateism.com

Thành Viên của Website