người lính già oregon
Tôi muốn nói, hội nghị của một loài ễnh ương, cóc nhái, bởi những tiếng kêu oàng oạc, oàm oạp, mà rỗng tuếch, vang lên từ những đầm lầy, suốt bao năm qua, nay vẫn tiếp diễn. Hay là của một loài bò sát già nua, tàn tạ, không thể ngóc đầu lên nổi để, sau nửa thế kỷ, nhìn thấy cái gì cao hơn, khác hơn, thật hơn là những ổ đất dơ dáy trong đó chúng phải chui rúc. Tôi muốn nói đến cái gọi là Hội Nghị Thượng Đỉnh về chiến tranh Việt Nam, The Vietnam War Summit, tại Thư Viện Tổng thống LBJ, Austin, Texas, trong ba ngày từ 26 đến 28 tháng 4, đúng vào dịp các cộng đồng người Việt tỵ nạn tưởng niệm Quốc Hận 2016, mà những cái tên nghe đã mòn tai như Henry Kissinger, như John Kerry, như Dan Rather, như Peter Arnett, như Tom Hayden, như Nick Ut, v.v… đã làm tôi buồn nôn. Và phẫn nộ.
Nói đến bọn này, tôi không thể không nghĩ đến định nghĩa trứ danh "political animal", trong nội dung khác, của triết gia Hy Lạp Aristotle (thế kỷ IV BC) để chỉ con người. Hay tác phẩm có tính cách châm biếm và sức hút kỳ lạ của nhà văn Anh George Orwell, Animal Farm (1945), mà những nhân vật chính đều là súc vật, cũng như trong những truyện ngụ ngôn của Aesop, thế kỷ VII-VI BC Hy Lạp Cổ, hay La Fontaine, thế kỷ XVII Pháp, và những truyện khuyết danh thế kỷ XIX Việt Nam có tính cách răn đời, Lục súc tranh công, Trê Cóc, và Trinh Thử . Nhưng nếu những gia súc, chẳng hạn, trong trại chăn nuôi Manor Farm, có tên người và nói tiếng người, một ngày đẹp trời, tụ họp vùng lên làm cách mạng để phản kháng cách đối xử độc tài, bất công và hà khắc của trại chủ Jones, và chiếm quyền tự trị (và qua đó, độc giả ngầm hiểu rằng Orwell ám chỉ cuộc Cách Mạng Nga, và sau khi thành công, cả hai chế độ mới, dưới quyền của con heo chủ Napoléon trong Animal Farm, và Lénine, Staline trong lịch sử Nga, đều trở thành hà khắc, bất công, và độc tài hơn đối với đồng loại), thì ngược lại những cóc nhái và bò sát trong Hội Nghị Austin đã xuất hiện dưới dạng người, hoặc đúng hơn, người máy, robot made in USA, vặn nút là lập tức phát ra điệp khúc cũ rích của phản bội, của dối trá, của xuyên tạc, của ngoan cố (Kissinger tuyên bố, “tôi không ân hận gì cả”), được ngụy trang dưới chiêu bài khôn ngoan, linh động, thức thời. Còn tệ hơn cả những con vật trong Aesop, La Fontaine, Orwell, và những truyện Nôm khuyết danh –tất cả, dù sao, có liêm sỉ và thiện chí.
Tại sao tôi phải xử dụng những lời lẽ nặng nề như vậy? Là vì tất cả những thuyết trình viên trên được mời đến đều ít nhiều là những tên phản bội trơ trẽn nổi tiếng, không những đối với đất nước và đồng hương Mỹ của chúng mà còn đối với quân và dân VNCH mà có thời, và khi cần, chúng gọi là đồng minh, như Kissinger và Kerry, những tên phản chiến hạng nặng, một chiều, thiên Cộng, vô luân như Dan Rather, Tom Hayden, những tên Việt Nam khả ố, như Việt Gian Huỳnh Công Út. Tất cả bọn người ấy đã góp phần không nhỏ trong cái chết tức tưởi của Miền Nam. Tôi rất khinh chúng nó, nếu không muốn nói căm hận. Làm sao tôi có thể viết một cách lịch sự về chúng nó? Tuy nhiên, nếu có độc giả thân hữu nào thấy khó chịu, tôi thành thật xin lỗi, và quý vị ấy có thể ngừng tại đây, vì đọc tiếp sẽ khó chịu hơn.
Khi thấy tên những thuyết trình viên này, tôi đã biết chúng sẽ nói gì rồi trong hội nghị: chắc chắn, và đó là thực tế qua những tường trình tôi có trong tay, chúng sẽ lặp lại những gì mà chúng đã viết, đã nói từ nửa thế kỷ nay, hay trước đó, trơn tru như những con vẹt được nuôi, vỗ béo, và lột lưỡi để phun ra những điều mà chúng không hiểu, và tệ hơn, không tin, dù có hiểu. Khi không thấy tên một chính khách VNCH “biết quá nhiều” nào được mời, như Trần Thiện Khiêm, Bùi Diễm, Nguyễn Tiến Hưng, Hoàng Đức Nhã…, hay một đại diện Cộng đồng người Việt quốc gia tỵ nạn nào tại hải ngoại, tôi hiểu đó là một cuộc họp của một băng đảng mafia, mà dù có quá nhiều tài liệu lịch sử đã phơi bày trọn vẹn sự thật, vẫn tiếp tục phản bội và nói láo về chính nghĩa và sự chiến đấu kiên cường và hy sinh đau đớn của hàng triệu quân dân Miền Nam trong nhiệm vụ chống giữ đất nước trước sự gây hấn và xâm lăng điên cuồng của Cộng sản phương Bắc.
I. Chiến tranh Việt Nam và thực chất của nó:
Quả vậy, theo những tài liệu đã được giải mật, và, chẳng hạn, quyển The Real War của cựu Tổng thống Nixon (Warner Book, 1980) và bản thảo hồi ký của bà Ngô Đình Nhu, thì một trong những nguyên do chính dẫn đến sự chiến đấu trực tiếp của quân đội Mỹ tại Việt Nam là Tổng thống John F Kennedy, sau vụ đổ bộ ngày 17/4/1961 tại Vịnh Con Heo (Bay of Pigs), Cuba, bị thảm bại, đã chỉ thị tướng Maxwell Taylor tìm hiểu sự việc, rút tỉa kinh nghiệm (“order a postmortem”, Nixon, sđd, t. 110) và muốn giao Việt Nam cho Bộ Quốc phòng [NLGO: đưa quân chiến đấu vào], thay vì CIA [NLGO: phụ trách cố vấn và tình báo]. Để thực hiện mưu đồ, chính quyền Kennedy bắt đầu chỉ trích chính sách “Ấp chiến lược” không hữu hiệu, và toa rập với truyền thông cấp tiến và thiên tả Mỹ dựng nên kết quả “bi đát” tưởng tượng về phía VNCH trong trận Ấp Băc (2/1/1963), để nhân đó chê bai quân đội ta đánh giặc kém (thực ra con số địch bị giết và bị bắt trong trận này lên đến gần cả trăm, theo bà Ngô Đình Nhu và báo chí VNCH thời ấy). Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cực lực phản đối âm mưu của phe “diều hâu” trong chính phủ Kennedy và của cả Kennedy, vì thấy trước hậu quả tai hại của việc quân Mỹ nhảy vào –tạo cớ cho Liên Sô và Tàu Cộng xua quân can thiệp, mở rộng chiến tranh, điều đã xảy ra trên thực tế. Mỹ bèn bày ra vụ “đàn áp Phật giáo”, bật đèn xanh cho tên đại sứ Cabot Lodge nham hiểm, trịch thượng và lũ phản tướng tay sai ngu dốt, tham tiền lật đổ và hạ sát cụ Diệm.
Mười năm sau, 1973, bị sa lầy trong cuộc chiến tranh bất qui ước, dựa trên chiến thuật du kích, khủng bố và tuyên truyền của Việt Cộng, Nixon và Kissinger đã tung chiêu bài “hòa bình trong danh dự” (Peace with honor), để rút chân ra, qua cái gọi là hòa đàm Paris lưu manh, bịp bợm, bắt đầu sau vụ Tết Mậu Thân, 1968, và được ký ngày 1/1/1973.
II. Kissinger và Realpolitik:
Đây là thời cơ bằng vàng cho Kissinger mang ra phủi bụi luận án tiến sĩ về “Bang giao quốc tế” cũ mèm (1954) và kiến thức nặng về realpolitik (chính trị thực tiễn) học được tại Harvard, mà y chưa tiêu hóa kịp, ra ứng dụng: A world Restored: Metternich, Castlereagh and the Problems of Peace, 1812-1822. Theo đó, hòa bình mà Metternich, bộ trưởng Ngoại giao Áo quốc, thần tượng của Kissinger, đã thiết lập, từ năm 1812, cho toàn cõi Âu Châu dựa trên sự liên minh giữa các nước, nhất là giữa bộ trưởng ngoại giao Anh Castlereagh (người đã từng tuyên bố: “We have no eternal allies, and we have no perpetual enemies”, chúng ta không có đồng minh muôn đời và chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn) và Metternich, hai nhân vật đối chọi nhau như nước với lửa, để chống lại Napoléon một cách thành công, là phương cách giải quyết tốt đẹp mọi xung đột. Đó là chính sách “hòa dịu” (danh từ ngoại giao là détente) với kẻ thù. Cho nên, trước khi văn kiện chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký tại Paris, Kissinger đã đi gặp hai lãnh tụ Sô Viết Brezhnev và Trung Cộng Mao Trạch Đông, năm 1971, để dọn đường cho Nixon đến Moscou và Bắc Kinh, nhờ hai quan thầy của Cộng sản Bắc Việt áp lực buộc chúng ngưng bắn để đổi lại việc Mỹ rút quân hoàn toàn.
Kissinger là người giới thiệu với Nixon chính sách realpolitik. Y đã tự biện minh cho những hoạt động ngoại giao tráo trở của mình, bằng cách mô tả, trong World Order (Peguin Press, 2014), với nhiều thiện cảm, nhà ngoại giao “thò lò muôn mặt” thế kỷ XIX Pháp, Talleyrand, người đã liên tục bỏ bên này theo bên kia, bình dân gọi là trở cờ, phản thùng: bỏ chức giám mục để theo Cách mạng, bỏ Cách mạng để theo Napoléon, bỏ Napoléon để thương lượng cho vương triều Pháp được phục hồi, và cuối cùng xuất hiện tại hội nghị Vienna trong tư cách bộ trưởng ngoại giao của vua Louis XVIII. Qua hành động thay đổi lập trường và phe nhóm, Talleyrand bị nhiều người kết án là “tên cơ hội chủ nghĩa”, nhưng được Kissinger bênh vực và ca tụng như một “nhân cách tuyệt vời” (formidable personality) trong việc dàn xếp những xung đột lớn trên thế giới. Realpolitik cũng giống chính sách ngoại giao Smart Power bây giờ mà Obama đang áp dụng, để đối lại với Hard Power quá cứng rắn của George W Bush hay Soft Power (dùng tiền bạc, viện trợ để mua chuộc) –được xem như đã lỗi thời. Tuy nhiên, chúng ta, những quân dân VNCH, là nạn nhân trực tiếp của học thuyết Kissinger, không thể chấp nhận và trái lại, coi đó, một cách hữu lý, như một hành động “đâm sau lưng chiến sĩ”, phản bội đồng minh, hoặc nếu không là opportunism (cơ hội chủ nghĩa) thì cũng Machiavellism (chủ thuyết của Machiavelli, chính trị gia Ý, thế kỷ XVI, lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện). Quả thế, trên bàn hội nghị Paris, Nixon và Kissinger đã đi đêm, đi ngày với Cộng Sản Bắc Việt, phớt lờ đồng minh chiến đấu trung tín của mình là VNCH, bắt ngồi chung chiếu dưới với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, bù nhìn của Bắc Việt. Còn gì xấc láo, mất dạy hơn? Bọn chúng bàn với nhau điều gì, ai biết? Việc Lê Đức Thọ từ chối Giải Nobel Hòa Bình cho thấy CSBV đã có âm mưu xua quân cưỡng chiếm Miền Nam, ngay từ sau khi văn kiện ngưng bắn được ký chưa ráo mực. Kissinger cũng biết thế, nhưng vẫn muối mặt chìa tay nhận giải, để mang tiếng nhục. Về điều này, xin xem quyển Worldmaking: The Art and Science of American Diplomacy (xuất bản bởi Farrar Straus & Giroux, 2015) của David Milne, giáo sư Sử học Cận đại tại University of East Anglia (Anh quốc).
III. Những tên đầu sỏ phản chiến:
1) John Kerry:
a- Theo Unfit for Command (O’Neill, do Regnery Publishing, Inc. ấn hành, 2004), và The Many Faces of John Kerry (David Bossie, WND Books, Tennesse, 2003) thì cựu chiến binh Kerry, đương kim Bộ trưởng Ngoại giao của Obama, sau bốn tháng phục vụ ở Việt Nam, đã trở về Mỹ, trở thành phát ngôn viên của nhóm "Vietnam Veterans Against the War", ra Quốc hội tố cáo "tội ác" của lính Mỹ, và của chính y, tại VN.
b- Năm 1970, Kerry đã đến Paris, với tư cách cá nhân, để nói chuyện riêng với đại diện cấp cao của phái đoàn Cộng sản. "Tôi đã đến Paris. Tôi đã nói chuyện với cả hai phái đoàn trong hòa đàm, có nghĩa là Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời”, y xác nhận.
c- Kerry lại sang Paris lần thứ hai mùa hè 1971 để gặp đại diện Cộng sản bàn về việc thả tù binh và củng cố lực lượng cho nhóm chống chiến tranh của mình và phong trào phản chiến.
d- Theo FBI, ngày 14/6/1971, Kerry, trong bài diễn văn đọc tại cơ quan YMCA, Philadelphia, đã ca tụng Hồ Chí Minh và gọi hắn ta là George Washington của Việt Nam, đồng thời lên án Hoa Kỳ về những hoạt động quân sự tại Việt Nam.
e- Qua sự điều tra chính xác và mới nhất, tác giả của Unfit for Command cả quyết rằng hiện nay trong Bảo Tàng Viện Di Tích Chiến Tranh (War Remnants Museum) ở Sài Gòn –trước kia mang tên Bảo Tàng Viện Tội Ác Chiến Tranh– có treo một bức ảnh của John Kerry trong một phòng với tiêu đề "Thế giới ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến", kế bên hình của các lãnh tụ Trung Cộng, các nhóm khủng bố như Fatah (thuộc Mặt trận giải phóng Palestine). Hình chụp năm 1993 lúc Kerry bắt tay “đồng chí” Ðỗ Mười, Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam.
f- Theo The Many Faces of John Kerry, trong hồi ký của tướng VC Võ Nguyên Giáp, xuất bản năm 1985, tên của Kerry được nhắc đến như một người đã góp công lớn cho Cộng sản, vì nếu không có những người phản chiến như Kerry, Giáp viết, thì Cộng sản khó mà chiến thắng.
Với thành tích phản chiến thân Cộng ấy, người ta không lạ gì John Kerry, trong bài thuyết trình, đã ca tụng hết cỡ Việt Cộng về kinh tế, tự do, nhân quyền, luận điệu không khác chi tên đại sứ Việt Cộng Phạm Quang Vinh, hiện diện trong hội nghị, hay xa hơn, tên đại sứ pê-đê của Mỹ tại Hà Nội, Ted Osius. Tất cả đều cùng một giuộc.
2) Tom Hayden:
Tên này là cựu dân biểu, thượng nghị sĩ tiểu bang California. Nhưng nổi tiếng về lập trường phản chiến, làm lợi cho Việt Cộng. Năm 1968, y giữ vai trò nòng cốt trong những vụ biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại Đại Hội Dân Chủ tại Chicago, và bị đưa ra tòa, kết án. Một điều mà nhiều người quên, hay không biết, là sau chuyến đi chung năm 1972 đến Hà Nội, thì năm sau, 1973, y cưới (và nay đã ly dị) ả Jane Fonda, nữ quái phản chiến trắng trợn, mà các cựu chiến binh Mỹ gọi là “con phản bội”. Đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Sau đó, Hayden còn đi Việt Nam và Căm Bốt vài lần nữa. Xin xem The Viet-Nam Reader (gồm những bài viết liên quan đến chiến tranh VN, xb bởi Marcus Raskin và Bernard Fall, Vintage Book, 1965, 1967, về Hayden, 408-414).
Trong bài diễn văn của y tại hội nghị, Hayden vẫn hiện nguyên hình là một tên phản chiến thiên Cộng (nói đến chất độc màu da cam), mặc dù có đoạn y nhắc đến sự hy sinh của hàng trăm ngàn chiến sĩ Miền Nam bị bỏ quên, nhưng đồng thời cũng lếu láo xem họ như những lính đánh thuê, được trả tiền và huấn luyện và chết dưới sự chỉ huy của người Mỹ (“they were paid for, trained and sent to their deaths under our command”).
3) Dan Rather và Peter Arnett:
• Dan Rather là thông tín viên của CBS tại Việt Nam từ năm 1966. Nhưng vốn bản chất nói láo, những báo cáo của y toàn là phóng đại, có hại cho VNCH, đề cao chiến thắng giả tưởng của Việt Cộng, chẳng hạn vụ Tết Mậu Thân tại các thành phố Miền Nam. Sau này trở thành anchorman kỳ cựu của đài, chứng nào tật ấy, y dựng hai chuyện động trời, đó là:
a- The Wall Within: Tháng 6, 1988, y phỏng vấn, trên đài, sáu người tự nhận là cựu chiến binh Mỹ tại VN, đều khai là đã chứng kiến những hành động dã man [của lính Mỹ], hai người khai là đã giết hại thường dân, hai người khác đã chứng kiến cái chết của bạn bè, đồng đội, và tất cả bị ám ảnh và khủng hoảng bởi hậu quả chiến tranh, như thất vọng, thất nghiệp, vô gia cư. Nhưng sự thật được khám phá là theo hồ sơ quân bạ, trong sáu người chỉ có một là đã phục vụ tại Việt Nam, một Navy SEAL, 16 tuổi, chuyên sửa quân cụ, và năm người kia là cựu chiến binh lèo.
b- Killian documents: Để tố cáo Tổng thống George W Bush đã đào ngũ khi còn là Trung úy phi công trong Vệ Binh Quốc Gia Texas, tháng 9, 2004, cũng trên CBS, Rather trưng ra những tài liệu chứng minh do xếp cũ của Bush, Trung tá Jerry Killian, cung cấp. Sau đó, người ta khám phá rằng những tài liệu ấy đánh máy và trình bày rất đẹp, rất “hiện đại”, nghĩa là giả mạo, bởi lý do rất đơn giản là thời đó mẫu chữ đánh máy còn thô sơ, lạc hậu, khác hẳn với thời internet bây giờ. Bị lộ tẩy, CBS sa thải Rather.
• Cũng thuộc diện “nhà báo nói láo ăn tiền” là Peter Arnett. Tên này gốc Tân Tây Lan, làm việc cho hãng Associated Press (AP) tại Việt Nam, từ 1962 đến 1975 trong tư cách thông tín viên chiến tranh. Có vợ Việt Nam, và đã ly dị. Tháng 7, 1963, y bị cảnh sát chìm đấm cho vỡ mũi khi đang làm phóng sự [NLGO: bố láo] về những cuộc biểu tình của Phật giáo chống Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tháng 9, 1972, y dẫn hai tên peaceniks (phản chiến) William Coffin và David Dellinger ra Hà Nội. Những bài phóng sự về chiến tranh của y làm tướng Westmoreland và Tổng thống Johnson khó chịu, bị đánh giá tiêu cực. Và thiếu chứng cớ. Chẳng hạn, chuyện y nghe các sĩ quan Mỹ, năm 1968, đề nghị “dội bom Bến Tre để cứu lấy thành phố” và tiêu diệt VC, mà không cần quan tâm đến sinh mạng của dân. Nhưng sĩ quan nào nói, trường hợp nào, nguyên văn ra sao, thì chính Arnett không cho biết, hay không biết, khiến ai cũng nghi ngờ về sự chính xác của chuyện y kể. Y cũng là một trong những phóng viên Âu Tây cuối cùng còn ở lại Sài Gòn khi Cộng quân vào thành phố, đã gặp bộ đội Cộng sản và bọn chúng đã chỉ cho y bằng cách nào chúng đã vào được.
Năm 2003, được NBC và National Geographic phái đi Iraq để viết phóng sự về cuộc “xăm lăng” (invasion) của Mỹ tại đó, y đã được Iraq TV –là đài do chính phủ kiểm soát– phỏng vấn. Dở cái mửng phản chiến cũ từ hồi Việt Nam, y lên án Mỹ về những thương vong của thường dân, và ca ngợi sự chống trả của quân dân Iraq. Cuộc phỏng vấn đã gặp phản ứng dữ dội từ phía Mỹ, khiến NBC và chính y phải lên tiếng xin lỗi. Kết quả: Y bị NBC, MSNBC và National Geographic cho nghỉ việc.
Vậy mà, trong hội nghị Texas, hai tên Rather và Arnett vẫn ngoan cố, to mồm đề cao vai trò và ảnh hưởng của báo chí trên chiến tranh, mặc nhiên cho nhiệm vụ của mình là “vĩ đại”, dù trên thực tế, chỉ dựa vào sự nói láo, bịa đặt, hoặc phóng đại. Thực chất, phong trào phản chiến, với sự hỗ trợ của những tên nhà báo vô liêm sỉ, ngồi phòng lạnh tại Sài Gòn, bên gái đẹp và ly rượu, như “phóng viên” Al Gore, chẳng hạn, mà bịa chuyện chiến trường, chỉ là công cụ được thành lập, o bế cho kế hoạch “rút lui”, “hòa bình trong danh dự” của tập đoàn Nixon-Kissinger, phản bội Miền Nam Việt Nam mà thôi, chứ chẳng phải vì lý tưởng nhân bản gì ráo trọi.
4) Trường hợp Nick Ut:
Về tên Việt Gian này (đang sống tại Los Angeles, năm nào đã về Việt Nam, cùng với Kim Phúc The Napalm Girl, lãnh bằng khen của Việt Cộng, nhờ công lao tuyên truyền phản chiến hữu hiệu), nhiều bài báo đã viết, khen có, chê có, và tôi không muốn lặp lại. Vắn tắt như sau: Y là nhiếp ảnh gia của AP, giữa rất nhiều nhiếp ảnh gia quốc tế khác tại Việt Nam, trong số có David Hume Kennerly, người được mời lên phát biểu, trong Hội Nghị Cóc Nhái tại Texas, cùng với Út, về “sức mạnh của hình ảnh” trong chiến tranh. Út là nhiếp ảnh viên thuộc loại thường thường bậc trung, không được nhắc nhở mấy trong chiến tranh, cho đến khi “chụp” được Cô bé Napalm.
Tôi để “chụp” trong ngoặc kép, vì nó còn có nghĩa là “may vớ được”,và vì dựa trên suy luận và cảm nghĩ cá nhân, dĩ nhiên chủ quan, tôi không tin đó là bức ảnh chụp xác thực (authentic). Xin nêu ra hai giả thuyết:
A. Hình đã được ráp? Hình cô bé Kim Phúc trần truồng là thật, cũng như hình những nhân vật khác (năm người lính và bốn em bé), nhưng không được chụp trong cùng một không gian và thời gian. Phải chăng Kim Phúc được ráp vào từ một bức ảnh khác, khiến trở nên riêng lẻ, lạc lõng, nhưng nổi bật trong một bối cảnh chung rất chìm, bình thường, không có gì làm độc giả xúc động? Nói cách khác, nếu không có Kim Phúc, cả bức hình cũng vứt đi. Vì sao?
a) Hậu cảnh (background) của bức hình là một vùng khói đen mịt mờ do bom Napalm. Căn cứ trên bức hình, đoạn đường từ vùng khói đó đến chỗ Kim Phúc khá xa. Trong khi bốn đứa trẻ khác mặc quần áo đường hoàng, thì từ đâu và từ hướng nào, lại lọt vào hình ảnh của một Kim Phúc trần truồng như thế? Lại nữa, nếu cùng xuất phát từ một nơi, từ một thời điểm, thì tại sao bốn em khác không bị thương tích, mà chỉ một mình Kim Phúc?
b) Dáng vẻ của những người lính bước phía sau (không rõ mặt) rất chậm rãi, bình tĩnh, nếu không muốn nói quá thản nhiên, như đi tuần tiễu, có lẽ họ đã quen với trận mạc. OK. Nhưng trước cảnh một bé gái trần truồng bị thương tích, khóc lóc, mà họ vẫn dửng dưng, tà tà bước theo như thế, không chạy đến giúp đỡ, hỏi han, thì quả là tàn nhẫn –điều mà do kinh nghiệm cá nhân tôi không bao giờ tin, bởi đã xảy ra biết bao trường hợp và hình ảnh chụp những người lính VNCH, không riêng ngành CTCT, mà cả tác chiến, đều ra tay cứu giúp, bảo vệ thường dân khi họ gặp hoạn nạn.
c) Trong hình, Kim Phúc là người thứ hai, ở giữa, về mặt kỹ thuật và khoảng cách, phải thấp nhỏ hơn bé trai thứ nhất là đúng. Nhưng so với hình bé gái hàng thứ ba, mặc áo trắng, phía sau, thì em này cao lớn hơn, chụp rõ nét hơn, thì hơi lạ và gây thắc mắc. Ấy là chưa nói hai cánh tay của Kim Phúc dài quá khổ so với thân hình của em và cánh tay của bốn em kia. Dị tật bẩm sinh? Nhân tiện, xin nói thêm: Vấn đề ghép hình trong nhiếp ảnh là chuyện bình thường. Lấy một ví dụ: bức ảnh Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh, tại Đại hội Cộng sản Tours, Pháp, tháng 12 năm 1920, được chứng minh là một bức ảnh ngụy tạo, hoặc ghép. Xin đọc quyển Les photos truquées, Un siècle de propagande par l’image, của Gérard Le Marec, Editions Atlas, Paris, 1985, tr. 93 (về HCM). Nhưng đó phải là một đề tài cho một bài khác.
d) Trở lại Nick Ut. Theo tài liệu trên Web, lúc đầu AP không muốn phổ biến hình ảnh Kim Phúc trần truồng, nhất là ở phía thân trước –điều tối kỵ đối với AP vào năm 1972, bất kể tuổi tác, trai hay gái. Nhưng vì nhu cầu tuyên truyền, họ đã làm một luật trừ, với điều kiện không được phổ biến một “close-up”, tức là một bức hình “chụp sát quá và riêng lẻ” (“with the compromise that no close-up of the girl Kim Phuc alone would be transmitted”). Điều này làm tôi suy diễn rằng có thể Nick Út đã có một bức ”close-up” của Kim Phúc, chụp ở đâu và lúc nào thì chỉ có Trời, Nick Út và Kim Phúc biết, nhưng bị AP bắt sửa lại và ghép vào một bức hình đã có sẵn cảnh napalm để cho hiệu quả tuyên truyền được mạnh thêm?
B. Hình đã được “đạo diễn” (dịch rộng chữ fixed, sửa đổi? Nếu chú ý, người ta sẽ thấy trên hai cánh tay dang rộng, và bàn chân phải của Kim Phúc có những vết trắng lớn. Trong quyển We were there Viet Nam (Eyewitness Battlefield stories, edited by Hal Buell, Tess Press, 2007, khổ lớn), tr. 249, có đăng bức hình “The Napalm Girl” chiếm hết hai trang, và ở một góc nhỏ trang hai, hình của Kim Phúc cũng trần truồng (chụp từ phía lưng), được những người lính khác bên đường cứu chữa tạm thời, và để lại những vết thuốc trắng trên lưng, giống như trên tay chân trong bức hình chính. Nghĩa là, có thể, Kim Phúc đã được chữa bỏng trước (chứ không phải sau này, theo tài liệu, được Nick Ut chở vào nhà thương), rồi được những người lính ấy cho nhập bọn với đám lính và em bé đi ngang qua? Dưới sự đạo diễn của nhiếp ảnh gia kiêm đạo diễn Nick Út, bởi vì không phải tình cờ mà Kim Phúc “được chạy” ở vị thế giữa, trung tâm (với cả hai nghĩa đen và bóng) trong khi bốn em khác đều chạy tạt qua hai mép đường? Tôi còn đi xa hơn để nghi ngờ rằng sự hoảng hốt của bé trai hàng đầu (gros plan) đang khóc, cũng như của Kim Phúc, hàng hai, cũng đã được “đạo diễn” –khác với bé gái hàng ba, có vẻ bình tĩnh hơn, và hai bé trai nhỏ, không khóc tí nào. Quả thế, các em, nhất là Kim Phúc, đã thoát xa địa điểm dội bom, dưới sự bảo vệ của những người lính đi phía sau, thì mức độ cảm xúc và sợ hãi của các em sẽ phải giảm xuống, không còn hoảng sợ quá đáng như trên gương mặt bé trai hàng đầu và Kim Phúc hàng thứ hai.
Cũng trên Web, Tổng thống Nixon đã nghi ngờ tính chất xác thực của bức hình, và thắc mắc không biết nó có bị fixed không. Dĩ nhiên, khi một tổng thống nghi ngờ là phải có đủ lý do, phải có ý kiến và bằng chứng của các phụ tá và chuyên viên nhiếp ảnh. Biết được việc này, Nick Út đã trả lời, một cách tự cao tự đại, đại khái, trong bức hình đó, “một trong những bức hình đáng ghi nhớ nhất của thế kỷ 20”, y nói, Kim Phúc là bé gái có thật, bằng xương bằng thịt. Không ai chối cãi sự thật ấy, nhưng Nixon chỉ muốn nói bức hình đã bị fixed, chứ không phải Kim Phúc là người... ma. Thế thôi.
Tại hội nghị, Nick Ut và David Hume Kennerly đã huênh hoang đề cao “sức mạnh của hình ảnh”. Mâu thuẫn thay, đa số những hình ảnh chiến tranh của những nhiếp ảnh gia tại Việt Nam, như bức hình do Eddie Adams chụp tướng Loan bắn tên Việt Cộng trên đường phố Sài Gòn, năm 1968, hay bức hình của Kim Phúc năm 1972, đã bị triệt để lợi dụng bởi tập đoàn “kẻ cướp và bà già”: (1) phong trào phản chiến tại Mỹ và trên thế giới, (2) chính quyền Nixon, và (3) Việt Cộng. Đó có phải là sức mạnh tự nó thật, hay phương tiện cho nhu cầu lừa bịp được dàn dựng một cách rẻ tiền và bất nhân (biến một bé gái nạn nhân chiến tranh đáng thương, Kim Phúc, thành một công cụ tuyên truyền bỉ ổi)?
Còn nữa. Người ta không thấy một bức hình nào được chụp hay phổ biến rộng rãi về tội ác của VC trong vụ chúng tấn công Huế dịp Tết Mậu Thân 1968, hoặc pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy, ngay sau khi Hiệp định được ký kết, đầu năm 1973. Tại sao? Như thế, rõ ràng, Nixon, Kissinger và những chính trị gia, đồng lõa với bọn phóng viên, nhà báo, nhiếp ảnh gia, báo chí Mỹ, Âu Châu và cả thế giới, đã đồng loạt nhắm mắt lên án nạn nhân, VNCH, thay vì thủ phạm, Việt Cộng.
IV. Lời kết:
Chúng ta cần phân biệt quan niệm chính trị tổng quát với nhiệm vụ tự nhiên hiện nay chống Việt Cộng, tranh đấu cho lý tưởng tự do, nhân quyền, dân chủ của đất nước. Không thấy, hoặc cố tình không thấy, sự khác biệt ấy, nhiều cơ sở tôn giáo, hay giáo dục của người Việt quốc gia hải ngoại, tuyên bố “không làm chính trị”, cho nên đã cấm treo cờ, chào cờ, hát quốc ca.
Nhưng ở đây tôi muốn nói đến chính trị nói chung, đồng nghĩa với lươn lẹo, gian manh, phản bội, và theo context đó, những chính trị gia, politicos, ở trong cương vị nào, từ lãnh đạo cho xuống thằng phóng viên hay nhiếp ảnh gia quèn, cũng đều là phường vô luân, vô sỉ, vô lại. Với cái chềt bi thảm của Tổng thống Ngô Đình Diệm, năm 1963, đã mất đi một lớp sĩ phu chính trị gia và lãnh đạo chân chính với đạo đức, tiết tháo, thanh liêm, trung trực của những bậc hiền nhân quân tử thuở xưa. Loại chính trị gia chính danh ấy đã bị tuyệt chủng.
Còn lại bây giờ chỉ là đám chính trị gia bát nháo, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi, bất nhân, bất tín, bất lương –mà người ta đã bắt gặp diễn lại những trò khỉ cũ rích, nhàm chán, như trong The Vietnam War Summit vừa qua tại Austin, Texas.
Portland, 24/5/2016
NLGO
0 comments:
Post a Comment