Thành tích "đồng hành" với "Cách Mạng" của một tăng sĩ Phật Giáo
Điều chưa biết về một hòa thượng từng là chiến sĩ biệt động Sài Gòn
|
![]() Hòa thượng Thích Viên Hảo khi ra khỏi nhà tù Phú Quốc về TP Hồ Chí Minh.
Nhân Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012- 2017 thành công (22- 24/11/2012), Báo Vĩnh Long giới thiệu bài viết về một hòa thượng yêu nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngay tại nội thành Sài Gòn, Cơ quan tình báo CIA của Mỹ và Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy quyền Sài Gòn không hề biết những trận đánh “xuất quỷ, nhập thần” của Biệt động thành Sài Gòn bắt đầu từ đâu, xuất phát thế nào mà luôn làm chủ thế trận và chiến thắng.
Một trong những người mà tình báo CIA của Mỹ và Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy quyền Sài Gòn truy nã mãi không ra là Hòa thượng Thích Viên Hảo tại chùa Tam Bảo (đường Dương Công Trường, Quận 10, TP Hồ Chí Minh). Hòa thượng Thích Viên Hảo tên thật là Tô Thế Bình (SN 1932, quê ở TX Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp).
Từ nhỏ, cậu thiếu niên Tô Thế Bình sống với ông nội tại Sa Đéc cho đến năm 11 tuổi. Tại làng hoa Tân Quy Đông nổi tiếng khắp xứ Nam Bộ này, người dân đa số theo đạo Phật và đi tu khá đông. Sau khi ông nội qua đời, gia đình Bình mai táng rồi gửi bài vị lên chùa thờ cúng trong chùa tại TX Sa Đéc.
Năm 21 tuổi, anh Tô Thế Bình được các sư thầy cho theo học kinh Phật ở chùa An Quang (Sài Gòn). Đúng 9 năm sau, vào lúc 30 tuổi, nhà sư Thích Viên Hảo (pháp danh của Tô Thế Bình) làm trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ có tên là chùa Tam Bảo ở đường Dương Công Trường (Quận 10, TP Hồ Chí Minh). Và đây cũng là một cơ sở của cách mạng tại trung tâm đô thành.
Điều lạ là từ tấm lòng nhà Phật, nhà sư Thích Viên Hảo đã hiểu ra đạo và đời trong những năm tháng Sài Gòn nằm dưới chính quyền Mỹ- ngụy.
Song lúc đó, giữa đô thành đầy mật thám Mỹ- ngụy, không một ai biết rằng nhà sư trẻ Thích Viên Hảo, từ chỗ giác ngộ, trở thành một chiến sĩ biệt động thành rất gan dạ khi tham gia các trận đánh ở Sài Gòn nhằm vào quân xâm lược. Trong lớp áo cà sa của nhà sư ấy là một ý thức của con người làm điều thiện, giải phóng cho dân tộc.
Hàng ngày, sư Thích Viên Hảo đi đó đây làm phật sự, gặp các phật tử cùng làm điều thiện và cũng là để có thời gian trực tiếp dò la những cứ điểm, tình hình quân địch, nắm thông tin các điểm mà biệt động thành phải ra tay để giáng trả kẻ thù.
Những năm 1962, nhà sư Thích Viên Hảo đã trở thành một chiến sĩ biệt động thành của Đại tá Tham mưu trưởng Biệt động Tư Chu - thuộc đơn vị Phân khu 6, do đồng chí Nguyễn Văn Tăng (sau là Đại tá tại Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh) làm chỉ huy. Chùa Tam Bảo từ những năm đó đã trở thành nơi đi về, hội họp bí mật, kể cả cất giấu vũ khí cho đội biệt động thành trong một thời gian dài.
Công việc đào hầm bí mật trong chùa rất gian khổ, vừa để cho anh em biệt động trú ẩn an toàn, bí mật và lâu dài khi bị địch truy đuổi vừa để trữ một số vũ khí cho anh em khi hành quân ra thực hiện các trận đánh.
Sau này, khi đã già yếu, tại một cuộc gặp truyền thống của biệt động thành ở Quận 10, Hòa thượng Thích Viên Hảo nói: “Lợi dụng vận chuyển vật liệu, xe cộ ra vào thường xuyên, tôi đào hầm trong chùa để giấu cán bộ và chứa vũ khí, đạn dược. Sau này tôi còn mở rộng hầm để hội họp, có thể tạm lánh lâu dài”. Liên tục nhiều năm sau, rất nhiều lần, sư Thích Viên Hảo đã dùng xe gắn máy của mình, với bề ngoài là người mặc áo cà sa đi lên căn cứ ta ở Củ Chi chở chất nổ, súng K54, có lúc còn chở cả súng cối 81 ly về nơi tập kết an toàn bằng cách ngụy trang rất khéo léo như đang chở các vật dụng cúng bái từ chỗ bà con cúng bái đức Phật trở về.
Những năm này, ban ngày, Hòa thượng Thích Viên Hảo đi thực địa, vận chuyển vũ khí, còn tối lại vẽ sơ đồ các trận đánh cho đơn vị. Nơi chùa Tam Bảo đóng đã trở thành nơi xuất phát của các chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn- Gia Định khiến địch khiếp vía nhưng truy tìm không ra.
Chiến sĩ biệt động Tô Thế Bình đã cùng đồng đội đánh hàng chục trận như trận đánh cầu treo bến xe Sài Gòn, trạm điện ở Trường đua Phú Thọ, cabin điện Chợ Thiếc, đánh mìn Nhà Quốc hội khu vực bến Chương Dương… Và tất cả các trận đánh này được Hòa thượng Thích Viên Hảo điều nghiên kỹ nên đều giành chiến thắng.
Những trận đánh vang dội của biệt động Sài Gòn với súng đạn, thuốc nổ khối lượng lớn giữa nội đô đã khiến cho CIA và cơ quan Đặc phủ Tình báo Trung ương Sài Gòn điên tiết, gắt gao truy tìm khắp nơi. Chúng tăng cường mạng lưới tay sai đi sục sạo.
Tình thế không may là vào cuối năm 1967, khi chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Hòa thượng Thích Viên Hảo bị một kẻ phản bội chỉ điểm và ông đã sa vào tay địch.
Tại một trận đánh của đơn vị Phân khu 6 đánh cư xá đường Nguyễn Văn Thoại (góc ngã tư Bảy Hiền bây giờ). Trận đánh đang diễn ra rất gay go, ác liệt, vì địch huy động những lực lượng thiện chiến trả đũa.
Quân biệt động đẩy lui nhiều đợt tấn công và tiêu diệt nhiều tên địch nhưng địch lúc ấy được chi viện ùa ra bao vây cả khu vực mà đội biệt động thành đang chiếm giữ. 2 chiến sĩ của ta rút ra sau cùng bảo vệ cho đồng đội nhưng xe máy đạp mãi không nổ. Cả hai chiến sĩ trên xe tìm cách xử lý và sau đó, xe nổ máy được và chạy an toàn. Song, do sơ hở đường thoát hiểm, nên 2 chiến sĩ đã để lộ cơ sở. Địch kéo đến rất đông cảnh sát dã chiến, quân cảnh để bao vây toàn bộ khu vực chùa Tam Bảo. Hòa thượng Thích Viên Hảo bị một kẻ chỉ điểm bắt tại chùa và bị kết án tù, sau đó bị đày ra nhà tù Phú Quốc. Đến lúc này, người dân quanh khu vực chùa Tam Bảo mới biết thầy Thích Viên Hảo chính là một chiến sĩ biệt động Sài Gòn đầy trung kiên, dũng cảm với cách mạng.
Tại nhà tù Phú Quốc của đế quốc Mỹ, Hòa thượng Thích Viên Hảo sống rất điềm tĩnh và đem những hiểu biết về cách mạng để giáo dục những người sai đường lạc lối do không chịu được cực hình tra tấn, hành hạ của kẻ thù. Bằng sự hiểu biết rộng của mình, Hòa thượng đã ôn tồn giáo huấn, khuyên bảo anh em đoàn kết nhau một lòng, son sắt thủy chung đi theo cách mạng.
Năm 1973, Hòa thượng Thích Viên Hảo cũng nằm trong những tù binh cộng sản, được trao trả tù binh theo Hiệp nghị Paris về Việt Nam, cùng với hàng trăm chiến sĩ cộng sản, tử tù khác ở Côn Đảo, Phú Quốc trở về.
Một sáng tháng tư đẹp trời bên bờ sông Thạch Hãn, ranh giới chia cắt đất nước ở Vĩ tuyến 17, Hòa thượng Thích Viên Hảo được trở về với cách mạng, với nhân dân trong vòng tay đồng đội, đồng chí, đồng bào, anh em, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay, trong sự hân hoan của những người dân Quảng Trị ra đón các chiến sĩ cách mạng trở về.
Sau ngày 30/4/1975 lịch sử, hòa thượng xin về nghỉ dưỡng tại TP Hồ Chí Minh và được UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh mời tham gia công tác ở UBMTTQ thành phố. Sau đó, Hòa thượng Thích Viên Hảo về trụ trì một ngôi chùa nhỏ- chùa Thiện Hạnh trên đường Đinh Tiên Hoàng, Quận 1. Hòa thượng Thích Viên Hảo đã viên tịch vào ngày 15/7/2005 tại TP Hồ Chí Minh.
Chiến sĩ biệt động thành Tô Thế Bình- Hòa thượng Thích Viên Hảo đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, cùng nhiều huy chương, bằng khen khác... ghi nhận lòng quả cảm, trí thông minh, trung thành vô hạn giữa việc đạo, việc đời của một hòa thượng có lòng trung dũng, kiên cường đã đến với cách mạng. Nguồn Vĩnhlong Online
Phạm Bá Nhiễu
|
Thích Viên Hảo tục danh Tô Thế Bình là vị sư đầu tiên mặc áo nà sư,đầu độ nón cố,chân mang dép râu chạy xe vù vù trên đường phố từ sau 30.04.1975. Vui nhất là tong thời gian làm việc tại văn phòngThành hội Pg Tp.HCM. Sau khi hết giờ ra về,nhà sư núp vào lầu chuông chùa Ấn Quang để cổi áo cà sa thay vào bộ đồ âu phục để về chùa Thiện Hạnh Q1.Nhiều người thấy và biết nhưng không ai dám hó hé gì. Có lần tôi gặp và nói với thầy: Thầy ăn mặc như vầy,ra đường lỡ có người hành hung,đệ tử đâu dám đứng ra can thiệp. MÔ PHẬT.
ReplyDelete