LÊN ĐÀN, ĐÀN ĐỨT
YÊU NÀNG, NÀNG ĐI!
(Nhật Ký) (Bài 1)
YÊU NÀNG, NÀNG ĐI!
(Nhật Ký) (Bài 1)
GIAI ĐOẠN
(5.1966 -- 11.1970)
(5.1966 -- 11.1970)
Nhà Văn Trần Thị Bông Giấy
[]
Buổi chiều trời mưa, tôi tìm đến Trúc Mai nhưng không gặp cả Trúc Mai lẫn Hà. Chỉ mỗi anh Sơn ở nhà. Trời thật lạnh. Tôi ngồi dựa salon, chờ đợi...
Cho đến lúc bên tai vang lên bản nhạc Le Beau Danube Bleu từ cái máy hát đặt ở góc nhà, rồi lại tiếng cười rộ... thì tôi choàng tỉnh giấc mơ màng. Hà đang đứng trước mặt tôi, mỉm cười, dịu dàng:
“Em lạnh hả?”
Tôi gật nhẹ đầu:
“Em bị mưa khi chờ xe lâu quá.”
Anh sốt sắng:
“Vậy để anh lấy thuốc cho uống.”
Tất cả những điều này đều không qua được mắt Mai và anh Sơn.
[Một lần trong lớp học, tôi nghe Mai kể: “Anh Hà quý Thu Vân lắm. Trúc Mai giới thiệu nhiều cô bạn cho mà không đứa nào được ảnh chấm. Chỉ riêng Thu Vân, ảnh cứ thắc mắc tìm hiểu và cứ nhắc nhở Mai mời Thu Vân đến chơi.”
Tôi nghe thật ngượng vì những lời Trúc Mai nói mà chẳng hiểu tại sao.]
Buổi chiều tại nhà Mai, mọi người xin tôi đàn và riêng Hà thì lại xin bài Tristesse. Đứng tựa cửa trước, anh cúi đầu nghe rồi lại ngước nhìn tôi, ánh mắt xúc cảm. 23 tuổi, học Quân Y và là em ruột anh Sơn, hôn phu của Mai, anh gặp tôi chỉ mới 5 ngày trước đây tại nhà Trúc Mai khi anh vừa từ Dalat xuống. Vậy mà chỉ trong 5 ngày ngắn ngủi, anh đã gửi đến tôi trọn cả một tấm lòng.
Buổi chiều mưa, trong phòng khách nhà Trúc Mai, hầu như ai cũng nhìn ra được tấm tình dễ thương của Hà dành cho tôi, trong lúc thật sự, tâm tư tôi chỉ là gói trọn nỗi lo lắng của một đứa con gái 18 tuổi chưa dám yêu, chưa dám thẳng thắn nhận lãnh một mối tình.
Lúc 6 :30, trời vẫn còn mưa, tôi phải đến trường Nhạc. Trúc Mai dành phần đưa tôi đi. Ánh buồn tức thì lộ hẳn trên khuôn mặt chàng trai cao lớn đẹp đẽ này. Cho đến lúc anh Sơn không chịu, bảo Trúc Mai để Hà đưa tôi đi thì nét vui mới lại sáng rỡ trên mặt anh.
Cầm cái áo mưa của Trúc Mai, Hà choàng lên đầu tôi, cột giây dưới cằm.
Chúng tôi ra đi.
Thái độ anh chững chạc dịu dàng, kể cho tôi nghe rằng hình ảnh tôi cứ làm cho anh phải suy nghĩ. Anh xin được biết nhà tôi, rồi lại xin tôi đến chơi với Trúc Mai thường xuyên hơn... Đáp lại tất cả những yêu cầu này, tôi chỉ đơn giản đáp:
“Em yêu những điều ngẫu nhiên không sắp xếp, như chuyện em ngẫu nhiên gặp anh tại nhà Trúc Mai cách đây năm ngày...”
Hà gật đầu tiếp lời tôi:
“Buổi chiều em mặc cái robe trắng, đến mời Trúc Mai đi dự récital piano, không ngờ người khách tình cờ được nhận thiệp lại là anh chứ chẳng phải Trúc Mai....”
Lúc 9 giờ tối tan học, tôi bỗng giật mình nhìn thấy Hà bước ra từ trong một góc tối của con đường, vai áo khoác mưa màu xanh thẫm, dáng dấp đẹp đẽ cao lớn. Tôi cười:
“Em nghĩ là anh không đến.”
Hà cũng cười:
“Có chứ. Chết cũng đến! Em lạnh phải không?”
Rồi rút từ trong túi một viên thuốc cảm, anh đưa cho tôi:
“Em uống đi kẻo về nhà lại bệnh.”
Tôi ngoan ngoãn bỏ viên thuốc vào miệng, nghe anh kể:
“Lúc đưa em vào trường xong, anh lại phải đưa anh Sơn đi công việc, về nhà thì đã 8 giờ tối, anh ăn vội chén cơm rồi đi ngay, sợ em chờ. Anh nghĩ, lần khác chưa biết chứ lần này thì dù mưa gió bão bùng cỡ nào, anh vẫn đến đón em, sợ em về một mình cảm mưa mà bệnh thì anh buồn lắm”
Đưa tôi đến quán cháo góc đường Sương Nguyệt Ánh – Lê Văn Duyệt, anh hỏi:
“Em làm bạn với Trúc Mai đã lâu chưa?”
Tôi đáp từ tiểu học, nhưng cả hai chưa được gọi là bạn thiết. Anh gật đầu:
“Anh cũng vậy, không có bạn thân. Tuy nhiên anh nghĩ nếu mình tìm được người tri kỷ thì không có gì bằng em hả?”
Những kỷ niệm nho nhỏ thế này sao thật nên thơ!
Đi bộ bên nhau từ Lê Văn Duyệt tới Tú Xương, tôi bày tỏ:
“Em thích nhất con đường Tú Xương này vì nó vắng lạnh và có cái nhà xác của bệnh viện St. Paul.”
Rồi lại tâm sự:
“Em không thích bị ràng buộc mà chỉ yêu sự cô đơn. Tự thấy mình không thích hạp được với ai, nên với ai, em cũng đều nói rằng đừng nên nghĩ đến em nếu không muốn một ngày sẽ...”
Hà bỗng ngắt ngang lời tôi:
“... Sẽ khổ vì em chứ gì? Sao em nghĩ kỳ vậy? Đừng nên đè nén tình cảm quá chỉ khổ cho mình em ạ.”
Rồi cười cười, anh hỏi:
“Còn anh? Sao không nói cho anh nghe luôn như với những người khác?”
Tôi bối rối quay mặt đi:
“Em đâu biết anh nghĩ gì về em mà nói?”
Hà bỗng dừng xe, quay lại nhìn tôi, giọng thật dịu dàng:
“Anh thương em lắm! Cái dáng em sao thật buồn khiến anh se lòng. Anh sợ rằng mai sau đời em sẽ khổ, nhưng không biết cách nào để chia xẻ với em.”
[]
Sàigòn thứ bảy 14/5/1966
Đêm nay đi dự buổi diễn kịch Molière ở trường Nhạc, thốt nhiên tôi thật mong gặp anh trong cái đám đông áo quần lịch sự kia. Đang lặng lẽ băn khoăn thì bỗng nghe bên tai có tiếng nói nhẹ:
“Em đợi ai vậy”
Hóa ra là Hà.
Cả hai bỏ buổi diễn kịch, đi dạo dưới mưa. Lang thang trên con đường Nguyễn Du và Huyền Trân Công Chúa vắng bóng người, tôi nghe anh nói:
“Em là mây mà anh là nước. Nước làm nên mây và mây lại tạo thành nước. Hai vật thể khác nhau nhưng thật cũng chỉ là một.”
Tâm tư tôi rung động mơ hồ.
Một lúc, anh muốn đưa tôi trở vào thính đường xem kịch, tôi không chịu; anh nói:
“Sao em bướng bỉnh quá”,
Tôi bảo:
“Ừ thì ghét em đi!”
Anh lắc đầu:
“Không ghét em được. Không bao giờ.”
Rồi xiết bàn tay tôi, giọng anh dịu dàng:
“Anh không biết tình cảm chúng mình sẽ kéo dài tới đâu; chỉ mong sao lúc nào cũng giống như bây giờ.”
Vuốt tóc tôi, anh hỏi nhẹ:
“Sao em hay buồn vậy? Cái dáng em thật bé bỏng đến tội nghiệp, lúc nào trông cũng như đang lo nghĩ điều gì.”
Tôi lặng im, nghe anh tiếp:
“Anh không muốn ba mẹ mất tin tưởng về anh. Xưa nay làm việc gì, anh cũng đều cho ba mẹ biết. Hồi chiều bỗng dưng mẹ nói anh còn nhỏ lắm...”
Tôi chợt hiểu, thấm nghe lòng thật chùng nên gật đầu :
“Phải, anh còn trẻ quá. Đừng nên nghĩ đến em. Trong chuyện tình cảm, em có thể rung động vì đối tượng một thoáng chợt nhưng không yêu sâu xa một người nào đâu. Em không từng yêu và... ”
Anh bật tiếp theo câu nói tôi:
“ ... sẽ không bao giờ yêu ai!”
Tôi gật đầu.
Anh ngần ngừ:
“Anh thương ba mẹ vô cùng nhưng có những điều anh không sao từ bỏ được. Như cái điều thương em.”
Tôi thốt bàng hoàng.
Giọng anh nghiêm trang hẳn:
“Năm hay mười năm sau anh không biết em có gì thay đổi không, chứ còn anh chắc là có thay đổi. Anh sẽ còn gặp nhiều người con gái nữa, nhưng người đầu tiên làm sao khiến anh quên được. Làm sao anh có thể quên em?”
Tôi nói nhỏ:
“Còn em thì lại không hề muốn nghĩ đến hôn nhân. Em sợ sự ràng buộc khi đã từng nhìn thấy nhiều lần sự tan vỡ trong gia đình.... ”
Anh nhìn tôi, vẻ lạ lùng; đưa tay xiết chặt bàn tay tôi hồi lâu; sau cùng nói:
“Anh biết chắc rồi có một ngày em sẽ chán anh bởi NGHỆ SĨ CHỈ YÊU CÁI ĐẸP. Một ngày, sẽ có nhiều người khác đứng vào vị trí hiện tại của anh trong tình cảm em.”
Tâm tư tôi mang mang rung cảm, nhưng cũng gật đầu:
“Có lẽ anh nói đúng. Em chỉ biết rung động vì cái đẹp của đối tượng chứ không nghĩ rằng sẽ có đối tượng nào để cho em thật sự yêu thương. Anh đừng nghĩ đến em. Cứ để tình cảm trôi đi và rồi anh sẽ quên em mau chóng.”
Anh lắc đầu:
“Làm sao quên được? Không! Đừng bắt anh quên những gì đẹp đẽ hôm nay trong kỷ niệm chúng mình.”
[]
Sàigòn, Chủ nhật 18/9/1966
Tại nhà Mai chiều nay, khuôn mặt Hà hớn hở trông đến hay. Tôi nói nhức đầu, anh bảo:
“Vậy thì em ngồi dựa lưng vào salon mà ngủ đi. Có em đến, anh hết buồn rồi.”
Tôi lắc đầu nói không ngủ được. Anh cười:
“Anh thương em ở điểm nào em biết không?”
Tôi bỉu môi:
“Em thì có gì để cho anh thương?”
Anh nhìn tôi, điệu trầm tư:
“Có nhiều lắm chứ. Nhất là cái tánh nghĩ gì nói nấy, nhức đầu nói nhức đầu, không ngủ được nói không ngủ được.”
Xong, đặt một cái dĩa violon vào máy hát và giở một trang trong cuốn Reader’s Digest, anh đọc lên:
“Tình yêu phải bao gồm sự kiên nhẫn, dịu dàng và lòng bao dung...”
Lại la to:
“Không! Không được. Kiên nhẫn với em không được.”
Giọng dịu lại, anh tiếp:
“Người ta bảo ‘Dạy con từ thuở lên ba, dạy vợ từ thuở mẹ cha đưa về...’ ”
Tôi bật cười:
“Cứ y như anh Sơn đang nói với Mai.”
Sau một hồi lâu im lặng, anh bày tỏ:
“Anh không dám nghĩ đến một ngày em sẽ là vợ anh nhưng mong em đi dần vào khuôn khổ của một người con gái bình thường, như thế em sẽ tìm thấy được hạnh phúc dễ dàng hơn.”
Âm nhạc dịu dàng quá khiến tôi bật thốt:
“Mỗi lần nghe bất cứ nơi đâu một khúc nhạc violon là em không sao giữ cho mình bình thản được. Có những mơ ước xa xôi cứ như vây phủ tâm hồn để những khi như vậy, tình yêu, vật chất hay đời sống gia đình đều như trở thành vô nghĩa với em.”
Mặt anh chợt tái, lặng im thật lâu; mãi sau nói nhỏ một mình:
“Muộn rồi! Anh ngỡ rằng có thể hiểu em nhưng bây giờ mới nhận ra rằng em vẫn còn thật khó hiểu với anh. George Sand chỉ yêu Chopin và làm đau khổ cho Musset. Em có nhiều cá chất rất giống với George Sand.”
Khi thấy tôi đứng lên từ giã, anh chạy ra khóa cửa cổng rồi cười nói với tôi:
“Bây giờ muốn về, anh ẳm em quăng ra, chịu không?”
Nhưng lắc đầu ngay sau đó:
“Mà thôi! Nếu em không chịu cho anh giữ thì cũng vô ích. Anh mong có đủ tài năng để giữ cuộc đời em kìa. Bây giờ đang mưa, ở lại chút nữa đi, anh kể chuyện cho nghe.”
Dựa nguời vào sofa, tôi nghe giọng nói mang âm hưởng Dalat của Hà trầm ấm bên tai:
“George Sand là một người rất đặc biệt. Bà phụ phàng Musset để yêu cuồng nhiệt người nhạc sĩ tài hoa Chopin. Anh thì không bao giờ muốn em giống như George Sand cả.”
Lúc trời đã ngớt mưa, đưa tôi về, Hà nói:
“Đêm nay anh dành tất cả thì giờ của anh để đưa em đi lại trên con đường Tú Xương. Ngày nào còn gặp em, anh còn đưa em đi lại trên con đường nhà xác kia.”
Dưới tấm áo mưa chật hẹp, tôi thấy mình thật nhỏ bé yếu đuối trong vòng tay to lớn của Hà đang choàng quanh đôi vai tôi. Trái tim như nở ra những rung cảm chân thành khiến tôi cứ luôn mỉm cười để nghe những lời anh tỏ bày chân thật:
“Anh thích những lúc thế này, Thu Vân của anh thật ngoan và đáng yêu.”
Lại có lúc vòng tay anh xiết lại thật chắc đôi vai mỏng, miệng bật tiếng kêu sảng khoái:
“Anh thương em quá! Anh muốn con người em nhập hẳn với anh để không bao giờ anh còn mất em.”
Rồi lại thở dài:
“Bởi vì, sao anh không thể nào tin được rằng em sẽ là đời đời của anh.”
Trái tim tôi xôn xao vì hai chữ đời đời anh vừa thốt, nhưng vẫn im lặng. 18 tuổi, chưa yêu ai, vậy mà tôi vẫn không thể nào tin được rằng trên thế gian này lại có được một tình yêu vĩnh cửu đời đời... Với anh cũng chỉ là như vậy...
*
* *
Thư Hà gửi:
Sàigòn, thứ hai 19/9/1966
Thu Vân ơi,
Mỗi lần đi trong mưa thì anh lại nhớ đến em nhiều lắm, từ cái ngày 5/5/1966 đầu tiên em đến thăm Mai để rồi gặp anh tại đó, cho đến những ngày tháng 5 trời Sàigòn mưa dầm dề, anh chợt biết là anh đã thương em! Nhớ và mong gặp em cũng đang đi trong mưa như anh vì anh nghĩ chúng mình sẽ hiểu và cảm thông được với nhau nhiều hơn qua những giọt mưa lạnh.
Sáng nay thức giấc trong tiếng mưa to quá đến không ngủ lại được, tự hỏi em đang thế nào? Chiều nay trời cũng mưa, đến nhà Mai trong cơn mưa, đọc thư em cùng với tiếng mưa rơi và viết cho em, mưa vẫn rơi đều hạt...
Bây giờ mưa lại càng lớn hơn và anh không nghĩ gì nữa, chỉ tiếc là không có em bên cạnh để cùng nghe mưa rơi.
Anh muốn viết nhiều hơn nhưng đã đến giờ đi dạy, anh phải đi và lại đi trong mưa...
Anh của em, Trần Phụng Hà.
[]
Sàigòn, thứ năm 20/10/1966
Vẫn gặp Nghinh trong orchestre trường Nhạc, một người bạn lớn hơn tôi 8 tuổi, chơi violon alto, tánh tình rất dịu dàng, gia cảnh nghèo. Gốc Hà Nội, anh được tôi dành cho nhiều cảm tình nhất trong ban nhạc và cũng nhiều lần được tôi kể cho nghe hết mọi nỗi tâm sự, như một người bạn trai đối với một người bạn trai.
[]
Sàigòn, thứ ba 25/10/1966
Trong thính đường trường Nhạc, ngồi cùng Thụy dưới hàng ghế khán giả nhìn lên sân khấu có ban nhạc thầy Nghiêm Phú Phi đang tập dượt, tôi cười với Nghinh. Khi tan buổi tập, Nghinh xuống ngồi cạnh chúng tôi. Tôi hỏi anh:
“Anh có biết bản Duyên Thề không? Em vừa nghe được tối hôm qua trong radio. Hay quá!”
Nghinh gật đầu hát nho nhỏ:
“Một vì sao sáng trong đêm lạnh vắng
Người tìm quên lãng khi xuân còn thắm...”
Giọng hát thật ấm mang âm hưởng Hà Nội khiến tôi ngạc nhiên. Tôi có bao giờ nghe Nghinh hát đâu nên thật là thích thú (như đã từng thích nghe Hà hát Tristesse bằng tiếng Pháp).
Trong trọn cuộc đời, rồi bài hát nào sẽ được tôi ưa thích hơn cả? Tristesse, Duyên Thề, Nỗi Lòng, hay Biệt Ly.
[]
Sàigòn thứ Tư 26/10/1966
Trong giờ Việt Văn buổi sáng, Tú Uyên hỏi:
“Đêm qua Nghinh thế nào?”
Tôi đáp rằng Nghinh hát Duyên Thề thật hay.
Tú Uyên cười:
“Chuyện giống như trong tiểu thuyết. Chàng hát cho nàng nghe!”
[DUYÊN THỀ (Nhạc và Lời: Thanh Trang).
Một vì sao sáng trong đêm lạnh vắng
Nhạc buồn xa vắng mênh mông trần thế
Ánh mắt sáng ngời, lòng trời u tối, không gian xa vời
Tìm đến với nhau, cho quên hận sầu
Ngày đó lứa đôi vui duyên tình đầu
Mộng ước tan rồi để buồn mai sau, để buồn mai sau.
Ngày dù xa khơi có luyến tình người
Giọng buồn không vơi sẽ tắt nụ cười
Một ngày yêu nhau buồn cho chín kiếp thương đau
Rồi về mai sau có nhớ tình đầu
Ngày buồn không vơi chấp nối hận sầu
Một ngày xa nhau chỉ còn thương đau, chỉ còn thương đau.
Một vì sao sáng trong đêm lạnh vắng
Người tìm quên lãng khi xuân còn thắm
Héo hắt tiếng cười mảnh hồn tê tái mênh mông u hoài
Ngày đó có ta mơ ân tình dài
Buồn thắm nét môi duyên chưa thành lời
[]
Sàigòn thứ Ba ngày 8/11/1966
Đến đón tôi ở trường Nhạc chiều nay, Hà nói:
“Lâu lắm anh mới gặp em. Một tháng rồi!”
Tôi nghe chút ít bồi hồi trong dạ, hỏi khẽ:
“Anh về Dalat thế nào? Có vui không?”
Hà lắc đầu:
“Buồn lắm. Những lúc bình thường anh ít nghĩ đến em, nhưng khi trời mưa sao lại nhớ em khủng khiếp. Như buổi chiều nay, anh nói với Mai lúc trời đang mưa: ‘Sao anh nhớ Thu Vân quá!’”
Tôi lặng im nhìn xuống đất, ngẫm lại thời gian một tháng qua, chẳng nghĩ đến anh chút nào. Lại nghe anh tiếp:
“Về Dalat, anh gặp nhiều chuyện buồn đến thường mất ngủ. Những đêm sáng trăng, anh khoác par-dessus đi mãi trong vườn, mong có em bên cạnh để chỉ cho em biết khắp mọi nơi trong trang trại nhà anh.”
Tôi mỉm cười lắc đầu.
Hà hỏi:
“Sao em lắc đầu? Em không thích ở chung với anh dưới một mái nhà sao? Không thích về thăm quê hương anh sao?”
Nét buồn phủ tràn khuôn mặt anh khiến tôi xúc động. Tránh ánh mắt Hà, tôi cúi đầu đáp khẽ:
“Thích lắm chứ. Nhưng em biết mình sẽ không đem lại hạnh phúc được cho anh nếu em là một đứa con trong gia đình anh. Em biết anh sẽ thất vọng khi thấy em vẫn còn ước mơ những vùng trời xa lạ khác...”
Giọng nói anh thật buồn:
“Anh không giữ em được. Anh biết điều ấy từ lâu vậy mà sao vẫn cứ muốn vỗ về mình rằng nó không thật. Chỉ tại anh.”
Rồi đi đi lại lại bên nhau trên con đường Tú Xương im vắng, cái dáng cao lớn đẹp đẽ của Hà đâm như chùng hẳn xuống trong nỗi buồn để chỉ trong một lúc thật thoáng, tôi nghe thương anh nôn nao và chỉ muốn nhận lời làm vợ anh mà thôi...
[]
Sàigòn thứ Tư 21/12/1966
Ngày sinh nhật Trúc Mai. Tôi đi cùng Tú Uyên. Bạn bè tụ họp đông đảo. Tôi ngồi lẩn vào trong một xó góc, không nhận chai nước ngọt Hà mang đến, lòng nghe cô đơn vời vợi. Tú Uyên ghé tai tôi nói nhỏ:
“Chàng thật beau! Thu Vân và chàng đẹp đôi quá!”
Ban nhạc chơi các điệu khiêu vũ, tôi ngồi im lặng. Từng người bạn lần lượt hát tặng Trúc Mai một bản mừng sinh nhật, tôi vẫn ngồi im không tham dự. Đột nhiên, Hà đến trước mặt tôi xin được nghe violon bản Tristesse Chopin. Ánh mắt Hà thiết tha van nài quá khiến tôi không thể từ chối.
Ôi! Anh dấu ái! Em không đáp được tấm tình anh nhưng trọn kiếp này, Tristesse vẫn là bản nhạc em dành để tưởng nhớ riêng anh.
Đôi mắt Hà vẫn dõi theo tôi suốt buổi từ những góc cạnh khác nhau trong căn nhà rộng, thiết tha xoáy buốt.
Cho đến lúc 9 giờ tối, tôi và Tú Uyên cáo từ. Trúc Mai đề nghị Hà và tôi hộ tống Tú Uyên về Hạnh Thông Tây.
Trên con đường từ Hạnh Thông Tây Gò Vấp trở lại Yên Đổ, trời gió thật lạnh, Hà vói người về phía sau, nắm bàn tay tôi ấp vào ngực, nói:
“Em hài lòng chứ? Đêm nay anh thấy em vui lắm, em đùa giỡn, em ăn kem ăn bánh với mấy tên nhạc sĩ.”
Tôi ngạc nhiên khi lần đầu nhìn ra sự tức giận của Hà. Lại nghe anh tiếp:
“Lúc nãy anh uống hết ba chai bière. Đôi khi anh thấy cần phải uống để quên...”
Ngừng xe lại, anh quay người, vuốt tóc tôi, nói nho nhỏ:
“Em có vẻ thách thức anh khi trò chuyện với mấy thằng nhóc! Anh phải bỏ đi xuống bếp kiếm bière uống.”
Tôi lắc đầu:
“Em không muốn anh uống rượu. Mỗi lần nghe Mai kể rằng anh uống rượu, em lại càng thêm một tí thất vọng.”
Anh cười rộ:
“Vậy mà anh nhớ có một lần em kể, từ thuở nhỏ thấy ba càng uống rượu đàn càng hay, em nói với anh, lớn lên em mong có một người chồng biết uống rượu...”
Tôi thốt bàng hoàng, không ngờ anh nhớ rõ từng câu nói của tôi đến vậy. Giọng anh vang đều:
“Anh cần phải quên những cái gì anh đã đánh mất. Lúc nãy anh uống ba chai bière là để quên hình ảnh em rực rỡ trong buổi dạ vũ trước mặt lũ con trai. Cái gì của anh phải là của riêng anh.”
Khuôn mặt anh lộ nét giận dữ:
“Nếu anh có thù ghét thằng bạn nào thì anh sẽ giới thiệu cho nó quen và yêu em, VÌ CHỈ CÓ YÊU EM, NÓ ĐÃ ĐỦ KHỔ RỒI!
Em chi phối anh nhiều quá đến không học, không làm việc gì được cả. Sao em tàn nhẫn và vô tâm vậy?”
Nâng cằm tôi lên, anh nhìn sâu vào đôi mắt, lại lắc đầu quay đi...
*
*
Lá thư cuối của Hà.
Thứ hai 24/4/1967
Thu Vân yêu dấu,
Cảm ơn em đã chúc anh thi đậu, nhưng vì không có “sao” nên cho đến bây giờ, anh vẫn chưa gặp được giây phút nào sáng lạn. Định mệnh, một phần do các yếu tố bên ngoài đưa đẩy, một phần do mình tạo ra. Thì thái độ hay nhất của mình là “chấp nhận định mệnh” phải không em?
Anh nhớ một câu: “Ta gặp định mệnh trên những con đường ta đi để mà tránh nó... ”
Tránh làm gì? Che giấu cũng chẳng ích lợi gì. Mình có dối thì dối kẻ khác, không lý lại tự dối với cả chính mình? Và anh nghĩ trên đời, chẳng có gì đẹp cho bằng Sự Thật. Cái tuyệt mỹ với anh chính là Sự Thật đó em.
Trên phương diện tình cảm cũng vậy, vì không thật nên đã gây ra nhiều hiểu lầm và từ đó, sự đổ vỡ dĩ nhiên phải đến. Nếu có trách ai tạo nên đổ vỡ thì phải tự trách chính mình trước. Phải nghĩ là mình đã muốn cái gì và có lẽ rằng không được toại nguyện nên đã buông xuôi.
Chuyện giữa Thu Vân và anh đã được gần một năm rồi. Những kỷ niệm vui buồn chỉ là để đánh dấu một quãng đường định mệnh của mỗi người rồi đi vào tiềm thức hay chìm trong quên lãng đều chỉ là do ở cá tính của mỗi người. Không hiều Thu Vân nghĩ thế nào, chứ còn anh, anh không mong tìm lại những gì đã mất bởi vì dù sao đổ vỡ cũng nhiều rồi, có vá víu thì cũng đã mất đi ít nhiều cái đẹp của nó.
Chúc em thành công trong kỳ thi sắp tới.
Anh, Trần Phụng Hà.
[]
Cali, June 22/2014, Sunday.
(Xem tiếp THƯƠNG TỘI ĐỜI NHAU)
0 comments:
Post a Comment