CHÍNH KHÍ VIỆT

Sunday, February 15, 2015

Trần Thị Bông Giấy: ÔI! NHỮNG NGÀY XƯA BAO GIỜ CŨNG ĐẸP! (Bài 2 và Hết)

ÔI! NHỮNG NGÀY XƯA BAO GIỜ CŨNG ĐẸP!
(Bài 2 và Hết)

Trần Thị Bông Giấy

 V.
Cha tôi đã có công gieo vào vùng đất tâm hồn tôi những hạt giống cấu tạo nên kiếp đời một người nghệ sĩ ham chuộng tự do, ham chuộng nghệ thuật, ham chuộng văn chương âm nhạc, ham chuộng những ý tưởng cao cả; nhưng chính mẹ tôi mới là bậc có công chăm sóc và làm lớn dậy những hạt giống ấy thành cây. 
Sau cái chết cha tôi, điều đầu tiên mẹ tôi làm là gõ cửa nhà các vị giáo sư đồng nghiệp có uy tín của ông để xin cho tôi và Trọng vào học violon nhạc cổ điển Tây Phương trong trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn. 
Đây là môi trường chỉ quy tụ toàn con cái giới quyền quý của Sàigòn thuở trước. Để được nhận vào, nhất là ở ngành Nhạc Cổ Điển Tây Phương, chú trọng hàng đầu trên hai nhạc khí violon & piano, điều tiên quyết là phải xuất thân con nhà thật giàu. 
Ở Việt Nam thời đó, nói đến học sinh trường Pháp là người ta nghĩ đến ba chữ “con nhà giàu”! Nhưng trường Pháp còn có dăm bảy trường khác nhau, không xin vào được trường này cũng có thể xin vào trường khác; chứ còn QGÂN thì chỉ một trường DUY NHẤT và ở Sàigòn mới có. (Mãi về sau, giữa thập niên 1960 chính phủ mới cho thành lập thêm trường Nhạc Huế, nhưng thành phần ban giáo sư không được hùng hậu và tài giỏi như ở trường Nhạc Sàigòn).

Trong môi trường như vậy, ngay từ tuổi thơ, vô tình mà tôi đã học được những bài học quý giá cho cái nhìn về cuộc đời mai sau. Năm đầu tiên rất khó để được thâu nhận. Trong các kỳ thi lên lớp trong quy chế 7 năm của trường, nếu không là con ông cháu cha hay học sinh xuất sắc thì dễ dàng bị đánh rớt và loại ra khỏi trường ngay.

[Giờ đây nhìn lại tuổi thơ, tôi luôn luôn có cái tâm trạng dở khóc dở cười. Khóc, vì bị đẩy vào “giành một chỗ đứng” trong một nơi chốn khác biệt với hoàn cảnh tang thương của mình khi ấy mà KHÔNG ĐƯỢC CHO TRANG BỊ chút nào thực tế ngoài chính cái sức mạnh nghị lực được trui rèn từ từ trong tâm khảm. Và cười, vì cũng NHỜ VÀO SỰ ĐÀO LUYỆN “bất đắc dĩ” đó, tôi mới trở thành một nghệ sĩ, nhà văn của thời điểm hôm nay.
Tôi đã không lạ rằng tại sao lại yêu mến Dostoievski trên hết trong số các nhà văn lớn của thế giới. Lý do: Khi ngồi xuống viết về cuộc đời ông, đã “khám phá” ra rất nhiều điều trùng giống giữa tôi và ông, đặc biệt những trải qua của nhà văn trong hoàn cảnh và tâm tình ở cuộc sống tuổi thơ và thời niên thiếu.
Lúc đưa câu hỏi trong bài viết về Dostoievski: “Fyodor Dostoievski sẽ ra sao nếu không từng có được một người cha nhiều nghị lực, giỏi xoay sở và cố lòng đặt trên con mình nhiều hoài bão?” thì đó cũng là câu hỏi tôi đặt cho chính lòng mình: “Tôi có sẽ là nhà văn như hiện tại không nếu như ngày đó mẹ tôi không đưa tôi vào một môi trường xa lạ như QGÂN Sàigòn với một hoài bão luôn đề ra trước mắt như một bổn phận: Tôi phải trở thành một nghệ sĩ?”
Các em gái tôi không “khổ nhọc” (như tôi và Trọng) khi bắt đầu làm học trò cô Lạc Nhân ở trường Nhạc. Chính cái uy tín “sinh viên xuất sắc” trong Trường dạo trước của Trọng và tôi đã lót đường cho các đứa em. Thêm nữa, gia đình tôi khi ấy đã “lấy lại được thế đứng vững vàng trong xã hội” nên các em không bị phân tranh tâm hồn trong sự so sánh giữa hoàn cảnh mình và hoàn cảnh các bạn đồng học. Do đó cũng chẳng ai trong số họ có được cái nghị lực, hoặc được tiếng “tài hoa” như tôi và Trọng đã tạo ra thuở trước và trong cả cuộc đời mai sau.]

Từ 10 và 8 tuổi, chị em tôi đã ý thức được điều “chênh lệch giai cấp” này nên tự buộc mình học hành rất gắt. Khi ấy với tôi, "thi đậu lên lớp" không chỉ là kết quả tốt sau một năm học mà còn mang ý nghĩa cao hơn, sâu kín hơn. Âm nhạc cổ điển Tây Phương đã trở thành cần thiết với tôi, là máu huyết tôi, nuôi sống tôi, an ủi tôi. Nó cũng là người bạn tâm giao, tôi không thể đánh mất. Tôi tìm sự trú ẩn trong nó, trao gửi nỗi lòng cô đơn cho nó. 
Chị em tôi là học trò violon của thầy Tạ Văn Toàn, du học Pháp về, tính tình nóng nảy nhưng lại rất có lòng thương học trò. Cuộc hôn nhân tan vỡ (với người vợ rất đẹp, cũng là một giáo sư của tôi, dạy môn Sử Nhạc) đã là nguyên nhân cho những cơn nóng giận vô cớ của thầy, đồng thời lại khiến tình thương thầy trải đầy cho chúng tôi hơn.

[Mấy chục năm trời trôi qua, nhớ lại tuổi thơ, tôi thấy mình luôn mang cảm tưởng xa lạ cách biệt với tất cả bạn và thầy chung quanh. Với đám bạn, tôi được nể trọng vì sự học dẫn đầu của mình, nhưng vẫn không hề có người bạn thân nào cả. Với các thầy, chỉ là cái cúi đầu chào mỗi khi chạm mặt chứ không một lần dừng lại trò chuyện. Luôn cả với thầy Tạ Văn Toàn, tôi mang ơn thầy trong sự dạy dỗ nên cố học thật giỏi cho ông vui lòng; trong các kỳ thi hay đỗ thủ khoa tạo niềm hãnh diện cho ông trước các vị thầy khác, nhưng thật sự không bao giờ tôi thấy “thân” với ông.
Điều nói trên trái ngược hẳn với cha tôi ngày trước và với tôi sau này: lớp học trò nói chung của cha tôi (hoặc của tôi từ xưa đến nay), hễ người nào càng rơi vào những hoàn cảnh đau khổ bao nhiêu (con nhà nghèo, cha mẹ bỏ nhau, mồ côi cha hoặc mẹ..v..v.) lại càng “quấn” theo tôi—như các anh học trò miễn phí của cha tôi đã từng yêu mến ông-- bấy nhiêu. Sau khi cha tôi chết, những anh học trò này vẫn nhiều năm lui tới thăm viếng lễ Tết cho mẹ tôi.]

Có một kỷ niệm lạ lùng xảy ra với tôi như một chứng minh cho sự quan trọng ngần nào của âm nhạc trong tâm hồn tôi dạo đó. 
Mỗi năm trước mùa nghỉ hè, các nhạc sinh của nhiều vị thầy phải trải qua một kỳ khảo hạch lý thuyết CHUNG với nhau. Có đậu lý thuyết mới được vào kỳ thi nhạc khí; sau đó “được ở lại” hay phải “rời khỏi trường” trong mùa học tới cũng là do kết quả từ cuộc thi nhạc khí này.
Các cuộc thi nhạc khí đều là một cuộc trình diễn sân khấu thực sự của từng nhạc sinh, tổ chức ngay trong thính đường trường Nhạc. Toàn thể giáo sư piano & violon của trường ngồi ở hàng giám khảo; đàng sau là các hàng ghế quan khách, các bậc phụ huynh, các nhạc sinh ở những ngành học khác.

[Mỗi kỳ thi, trong khi các bạn đồng song được cả gia đình đi dự, làm thính giả ủng hộ tinh thần, thì chị em tôi chỉ lặng lẽ ôm đàn, đón cyclo đi thi một mình. 
Từ đó, cái thói quen “đi một mình” trong các lần trình diễn xảy ra trong đời là điều rất quen và rất làm thoải mái cho tôi.]

Ngoài ra, trong niên khóa, các nhạc sinh của từng mỗi vị thầy phải thi riêng với nhau tại lớp hai kỳ đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt. Năm học cuối cùng, kỳ đệ nhất lục cá nguyệt, tôi chiếm hạng nhì trong khi hạng nhất rơi vào tay một anh bạn mù cả hai mắt.

(Ghi chú riêng: Người bạn nêu trên tên Đào Khánh Trường. Ngày xưa, tuy trường Nhạc Sàigòn bị tiếng là nơi quy tụ của giới con nhà thật giàu, nhưng cũng có những biệt lệ của chính phủ dành cho lớp nhạc sinh giỏi âm nhạc từ trường Mù ở Sàigòn chuyển sang. Các anh được học tất cả các môn thuộc về âm nhạc như chúng tôi, nhưng khi viết hay đọc note nhạc thì lại theo cái cách riêng đã được đào tạo từ trường Mù. Anh Đào Khánh Trường hiện đang ở Sàigòn, đứng ra tổ chức một ngôi nhà tình thương, chủ trương gom góp những trẻ em mù lòa về nuôi dạy, cho học chữ, học đàn. Mùa hè năm 2003, biết chuyện, về Việt Nam, tôi có ghé thăm anh, thấy trong nhà anh có rất nhiều trẻ em mù mặt mày xanh xao, ốm yếu. Hỏi chuyện một vài em, được các em trả lời rằng rất hạnh phúc trong tình thương của anh ĐKTrường. Khi hỏi chính anh “Sao không lấy vợ?”, tôi được anh đáp trong một cái cười rất hiền: “Vợ anh là những đứa trẻ này đây!”)

Đến kỳ đệ nhị lục cá nguyệt, cũng vẫn chỉ anh ấy chiếm hạng nhất, trong khi tôi hạng nhì. Điều này làm tôi suy nghĩ.
Sau khi đã tự thỏa mãn với mình cái kết luận rằng đôi mắt mù đem lại “may mắn” hơn cho bạn tôi trong việc không bị chi phối vì ngoại cảnh, tiếng đàn trở nên hay ho trong trẻo, tôi bèn quyết định hủy hoại đôi con ngươi của mình để đạt cho được cái độ bình tĩnh của anh. Nên về nhà, lẻn vào phòng cậu Tân --lúc đó đang học Dược--, ăn cắp lọ thuốc độc cậu vẫn dùng làm thí nghiệm hóa học, rồi tự tay điểm hai giọt vào mắt. Cả mấy chục ông trời đổ ập vào tôi khi ấy. Tôi nghe như đau xé ruột gan, như có ai lấy trăm ngàn kim nhọn chọc vào đôi con ngươi. Khi cơn đau dịu xuống, thử hé mắt nhìn, chẳng thấy gì cả, tưởng thành công! Nào dè mọi sự mờ mờ hiện ra, rồi rõ hẳn...

[Sau này nhớ lại, nghĩ là mình điên. Nhưng nếu có trở lui mọi sự, tôi tin mình vẫn chỉ hành động như cũ; bởi vì lúc ấy chính là con tim dẫn dắt, chứ không phải lý trí.]

Tôi cũng không được sống gần mẹ. Vì công việc làm ăn mà bà phải đưa cả gia đình ra định cư Nha Trang cho gần bên ngoại tôi, chỉ mỗi tôi và Trọng lưu lại trong căn nhà thơ ấu ở Sàigòn, dưới cái kỷ luật sắt của hai ông cậu cứng rắn và một bà mợ tính tình hững hờ lạnh nhạt. Một tuổi thơ biết cảm nhận sâu sắc sự cô đơn và đau khổ bắt đầu đến với tôi.
Có những kỷ niệm rất buồn nhưng cũng rất đẹp không bao giờ bị xóa nhòa trong ký ức. Mỗi năm –ngoài hai tháng nghỉ hè Nha Trang—tôi và Trọng chỉ được sống gần mẹ đôi ngày trong những dịp bà đáp xe lửa về thăm chị em tôi. Đó là những lúc hiếm hoi hạnh phúc cao độ cho tôi. Ba mẹ con đưa nhau đi ăn, đi phố. Những chiếc xe cyclo-máy chạy như đuổi gió chở mẹ con tôi vùn vụt trên các con đường Sàigòn. Trong làn gió mát đến lạnh người như thế, tôi hay làm cái hành động ngước cổ hít vào phổi cho kỳ hết cái mùi thơm hạnh phúc của hiện tại tỏa ra từ làn áo mẹ, trong óc vang lên điệp khúc: “Ngày mai mẹ đi, mình đâu còn được sung sướng thế này.”

[Nhớ lại kỷ niệm những buổi chiều cùng mẹ và em ngồi trên chiếc cyclo máy, tôi đã lạ lùng rằng sao ngay từ khi ấy, đã có sự cảm nhận về ý nghĩa của một thứ hạnh phúc chan hòa bằng cái ý niệm “mất đi” như trên?]

Có một kỷ niệm: Một lần ba mẹ con ngồi trong một quán ăn ở Sàigòn, bàn bên cạnh là vợ chồng ông Phạm Duy và các con ông. Tôi nhận ra ông vì ngay từ khi cha tôi còn sống, ông vẫn đến nhà nhờ cha tôi soạn giùm các bản nhạc; có một dạo ông ở cùng chung trong khu nhà tôi ở. Tôi hỏi mẹ: “Hình như ông kia là ông Phạm Duy? Sao ổng không chào mẹ?” Mẹ tôi đáp:  “Bây giờ cha con đã chết, ổng đâu còn ai để nhờ giúp đỡ thì chào mẹ làm gì?”

[Khi đã lớn, tôi mới nhận ra cái thái độ “chua chát” của mẹ khi nói câu đó. Sau này, có dạo hợp tác với anh em Duy Quang, dẫu được Duy Quang ưu ái  hơn các đồng nghiệp khác trong ban nhạc thì đó cũng chỉ là sự ưu ái nẩy sinh từ sự kiện “tôi là một tay violoniste có giá” chứ không vì là bạn chơi thời thơ ấu của Duy Quang. Anh không một lần nhắc lại với tôi cái thuở gia đình anh còn rất hàn vi đó].

Ngoài cái hạnh phúc cao độ được ở cạnh mẹ trong ít ngày, tôi còn có được một cái hạnh phúc tuyệt diệu khác trong suốt thời kỳ thơ ấu. Đó là những lần học trò được báo nghỉ buổi học đêm để sửa soạn cho cuộc trình diễn của một tài danh quốc tế đến Việt Nam với giá vé bán ra thật đắt, thay vì về nhà, tôi nấp lại đàng sau một cái bàn học của lớp (những lớp học đều nằm ngay bên trong khuôn viên thính đường trường Nhạc), chờ người gác dan đã bỏ đi với chùm chìa khóa lủng lẳng trong tay, mới lần dò ra, kiếm cái góc tối nhất ở cuối hàng ghế thính giả, ngồi chờ cho tới lúc kéo màn. Trên sân khấu, người nhạc sĩ mở ra những âm thanh quyến rũ bao nhiêu thì trong tâm hồn tôi lại mở ra những chân trời mới lạ bấy nhiêu. Tôi tưởng tượng mình sẽ chính là người nhạc sĩ đó trước bao nhiêu khán giả –trong số có mẹ tôi-- đang nín thở theo từng âm thanh phát ra từ chính đôi tay của mình... 

[Nỗi mơ ước này đâm trở thành một ám ảnh không nhỏ trong tâm hồn, để rồi khi càng lớn, càng thấy mình không thể biến thành cái hình tượng ước mơ thuở nhỏ, đã có thật nhiều lúc tôi chỉ nghĩ đến sự kết thúc cuộc đời!
Nhiều năm sau, tôi không hề dám dự khán bất cứ cuộc trình diễn violon hay piano nhạc cổ điển Tây Phương nào, ngay cả khi ở Âu Châu, môi trường dễ dàng cho tôi tìm lại những gì đã mất. Thậm chí, không hề dám bật lên cái TV để xem một chương trình nào thuộc loại đó. Không dám, vì không muốn khuấy động trong chính trái tim mình một niềm đau không dứt; không dám vì sợ hãi sự đối diện lại với nỗi dang dở ước vọng của cuộc đời mình…
Giờ đây nhìn lại, tôi thấy thời gian 5 năm Nước Chảy Qua Cầu mới là quãng đời sung sướng nhất cho tôi. 
Có lần, cô em gái thứ nhì –Kiều Mỵ—một tay pianiste có hạng, đã nói với tôi: “Em thường tự hỏi, chị em mình cùng xuất thân từ một gia đình đàng hoàng, giáo dục kỹ lưỡng, cùng được học loại nhạc cổ điển Tây Phương cao quý; vậy mà không hiểu sao chị có thể tấu lên những bản đàn tầm thường trước những khán giả dân quê như trong thời gian theo đoàn cải lương lưu diễn? Riêng em tự nghĩ, không bao giờ có thể đàn cho người nào nghe nếu như người ấy không có trình độ thẩm thấu loại nhạc cổ điển Tây Phương.”
Khi ấy tôi đáp: “Nghệ thuật là của chung thiên hạ. Ai cũng có quyền thưởng  lãm. Và nghệ sĩ là những người được Thượng Đế trao vào tay một tài năng nghệ thuật. Đáp lại, người nghệ sĩ phải trải tài năng ấy ra cho tất cả nhân loại. Vấn đề không phải là loại nhạc nào mình trình tấu, mà chính là sự trình tấu của mình có làm lợi ích cho kẻ khác hay không? Bởi nghĩ vậy, nên khi chơi những bài nhạc tầm thường cho đám dân quê tầm thường chẳng hiểu gì âm nhạc (khoan nói đến nhạc Cổ Điển) chị vẫn thấy giống như đang đàn những concerto của Beethoven, của Bach cho những người hiểu nhạc nghe. Hẳn nhiên, mình cũng thích nếu được làm như thế, nhưng quan trọng hơn với chị chính là ý nghĩ: “Làm êm ái cho tâm hồn bất cứ kẻ nào đang lắng nghe tiếng đàn mình.”]

Khi vài ngày đoàn tụ đã qua, mẹ tôi trở về Nha Trang. Đó mới là lúc cho tôi cảm nhận sự đau đớn của mình hơn bao giờ hết. Các lớp học của trường QGÂN thường chỉ diễn ra vào buổi chiều tối để khỏi trùng vào các lớp học chữ ban ngày của học sinh. Vì thế mà những buổi tối ngồi trong lớp solfège của thầy Hùng Lân, trong khi một tai lắng nghe các bài chính tả hay các lời giảng, thì tai còn lại tôi chỉ chú tâm đến tiếng côn trùng từ bên ngoài khu vườn tối vọng vào qua các thành cửa sổ. Nước mắt chỉ chực ứa ra trong những bài xướng âm phải hát lên cùng cả lớp. Tôi đâm ước mơ khung trời Nha Trang xa xôi có mẹ và em đang quây quần khi ấy. Rồi nghĩ, “chốc nữa về nhà, thay vì nhìn thấy khuôn mặt dịu dàng của mẹ thì lại chỉ là những tiếng quát tháo của cậu mợ”, tôi đâm sợ hãi và buồn nản đến chỉ muốn bật khóc thật to trước mặt bạn và thầy.

[Mãi sau nghĩ lại, tôi thấy mình đã “trưởng thành” ngay từ khi mới 10 tuổi ấy. Sự “kềm nén ước muốn tự nhiên của một đứa con nít” đã trui rèn được cho tôi về sau cái đức tính "CAM ĐÀNH, CHỊU ĐỰNG TẤT CẢ MỌI HOÀN CẢNH".
Cũng từ những kềm nén như vậy mà luôn luôn tôi có khuynh hướng PHÁ ĐỔ TẤT CẢ mọi cái gì “kềm nén” để hướng về một thứ TỰ DO thật sự trong cuộc đời về sau. 
Ý nghĩa của TỰ DO chỉ hiểu được sau khi con người đã đi qua cái vòng kỷ luật chặt chẽ.]

Ngoài những kỷ niệm buồn-êm-đềm-không-bao-giờ-phai-nhạt, tôi cũng còn những kỷ-niệm-buồn-một-cách-rất-đáng-phải-lãng-quên.
Như trên đã nói, tôi và Trọng phải lưu lại Sàigòn dưới sự chăm giữ của hai ông cậu và một bà mợ (một ông còn độc thân, một ông đã có gia đình.) 
Hai cậu tôi tuy không có cái tâm ác độc nhưng lại là những người rất gắt gao khó tính. Cái kỷ luật hai ông đặt ra cho chúng tôi đúng là kỷ luật sắt. Trong nhà, nơi nào cũng có treo các chiếc roi mây. Ăn ngủ đi học đi chơi phải có giờ giấc nhất định. Không bao giờ chúng tôi được làm những gì mà không thông qua sự đồng ý của các ông. Không có cái màn vòi vĩnh trẻ thơ. Không có cái màn mè nheo con nít. Giữa hai chị em vô tình đã đặt ra với nhau “những khẩu hiệu mật” để báo cho nhau nghe những điều có thể là “không vui” về thái độ của các cậu mình. 

Có một câu chuyện rất đau lòng xảy ra cho em tôi và cả cho mẹ qua cái lối giáo dục gắt gao như vậy. Một câu chuyện mà tôi vẫn cố quên mỗi khi nhìn lại tuổi thơ, nhất là sau khi em tôi đã qua đời trong cái tuổi hãy còn khá trẻ vào năm 2001. 
Bữa đó, mẹ tôi theo lệ thường về Sàigòn đôi ngày với chúng tôi. Tới giờ phải tập đàn, em tôi không thi hành vì ỷ vào sự hiện diện của mẹ. Ông cậu còn độc thân đâm nổi giận, bắt đầu cầm lên cây roi mây, quát tháo. Tôi sợ hãi lấy đàn ra tập. Còn Trọng thì không, nên bị bắt nằm xuống quất vài roi. Nghe tiếng la của Trọng, tôi buông đàn không tập nữa.

[Giờ đây, khi ngồi dạy các bài tập violon trong cuốn Méthode de Mazas cho các đứa học trò nhỏ ở Mỹ, hễ cứ đến bài học mà tôi phải đàn buổi đó là cả một trời thơ ấu đau lòng hiện lại trước mắt theo với kỷ niệm xưa!]

Trên giường, Trọng vụt làm hành động –chưa bao giờ dám làm trước đó--, nhổm dậy tính phóng xuống đất. Cậu tôi chụp em lại, quất túi bụi vào người Trọng. Tôi đứng nhìn thì thấy em tôi vẫn bất kể tiếng hét lớn và những nhát roi đuổi theo của cậu, cố lết xuống bếp, đến bên cạnh mẹ lúc đó đang đứng nấu ăn. Trong bếp, một cảnh tượng rất đau lòng xảy ra. Em tôi, một tay níu lấy áo mẹ, một tay đưa lên đỡ những cú roi tới tấp giáng xuống trên đầu trên cổ. Khuôn mặt cậu tôi đỏ lên trong cơn giận. Còn mẹ tôi, vẫn cúi nhìn trên lò bếp, nước mắt ràn rụa nhưng không cả đưa tay nắm lấy tay em…
Sau khi đã hả cơn giận, thấy em không còn khóc được nữa, cậu tôi mới buông roi. 
Mẹ tôi tự tay bế em vào giường, lấy dầu xoa bóp lên những lằn bầm tím cho em, đầu cúi gục. Tôi đến cạnh bên thì thấy cái nét cực kỳ đau khổ hiện lên trên khuôn mặt vẫn ràn rụa nước mắt của bà, những giọt nước mắt thương tâm nhỏ đầy trên tấm thân của em tôi, nằm im như đang chết, chỉ thỉnh thoảng nẩy người rên lên dưới những cái xoa rất nhẹ từ bàn tay mẹ mình.

[Từ kỷ niệm đau lòng ấu thơ kia mà đã làm nẩy sinh hai khuynh hướng hành động và suy nghĩ khác và giống nhau trong tôi và Trọng.
1/ Trọng đâm có tư tưởng thù ghét các người họ hàng, thù ghét sự hành hạ trẻ thơ, thù ghét bạo lực. Cũng vì lẽ đó mà suốt 30 năm du học Tây Đức, sống đời độc thân ở Berlin cho tới chết, em không màng dùng kết quả của cái học và bằng cấp tạo được để xây dựng cho chính mình một đời sống thực tế ổn chắc, vợ con yên ấm, lại bỏ tất cả tâm trí vào chuyện theo đuổi “xã hội chủ nghĩa”, chuyện giúp đỡ cho giới lao động Đức và Việt Nam những cái gì họ cần.
2/ Tôi cũng cùng tâm trạng thù ghét bạo lực và sự hành hạ trẻ thơ như em, nhưng thay vì lên án hành vi ông cậu buổi đó với lòng thù ghét, tôi chỉ thấy tội nghiệp cho ông ở một cơn giận không đáng. Chính những lằn roi quất lên em tôi, về sau lại là những lằn đã “quất trên chính lương tâm ông” trong tình cảm chị em đối với mẹ tôi. 
Bữa đó nếu không có sự trở về của mẹ, tôi tin rằng cùng lắm Trọng chỉ bị quất vài roi chứ không phải là một trận đòn tàn tệ như thế. (Nhưng cũng tự hỏi, nếu không có mẹ tôi, Trọng đâu có làm hành động chạy đi níu lấy mẹ như vậy?)

Ngoài ra, theo cái kỷ luật sắt chị em tôi đã phải chịu đựng dạo đó, tôi luôn luôn bào chữa (nếu không muốn nói là “mang ơn”) cho cậu tôi bằng ý nghĩ: “Nếu không thế, bản chất tự rèn luyện nghị lực như một hình thức tránh né những trận đòn nhừ tử –để về sau un đúc thành MỘT CÁ TÍNH RẤT ĐỘC LẬP-- sẽ không bao giờ có mặt trong tâm hồn hai chị em tôi.”

Cũng từ CÙNG một kinh nghiệm trải qua mà giữa hai chị em đã có điều Rất Giống, cho dù sự hành xử trên hai điểm giống ấy có chiều hướng khác biệt. 
Em tôi với bản chất cương nghị của một người đàn ông đã trở thành người  có tư tưởng cách mạng; còn tôi, sự nhu thuận trong thân xác và tâm hồn một phụ nữ lại khiến tôi trở thành nghệ sĩ, nhà văn. Hai con đường chọn lựa đều cùng có chung mục đích PHỤC VỤ CHO KẺ KHÁC, và đó là điểm GIỐNG giữa chị em tôi.

Tuy nhiên, trên hết phải kể là tôi rất kính trọng thái độ của mẹ tôi bữa đó. Ngay từ bữa đó, tôi đã hiểu rằng bà đau lòng đến chừng nào khi nhìn con mình quằn quại dưới những lằn roi dữ dội, nhưng bà vẫn im lặng chịu đựng vì một mục đích cao xa hơn. Điều cần thiết của bà khi ấy là sự giáo dục và trông nom giùm hai đứa con chứ không phải là nỗi đau lòng của một người mẹ.
Khi viết về Dostoievski với cái chương kể chuyện “nhà văn nhìn thấy một con ngựa gầy bị quất túi bụi từ bàn tay anh xà ích SAU KHI anh này bị một thương buôn chủ nhân chiếc xe quất túi bụi lên lưng”, tôi càng cảm phục thái độ câm lặng của mẹ tôi hơn. Bạo lực phát sinh bạo lực, cứ vậy mà con người bao giờ cũng tự trói mình vào cái vòng bạo lực không ngơi nghỉ. 
Mẹ tôi đã làm được một hành động “rất vĩ đại” mà có lẽ ngay chính một nhà  văn vĩ đại như Dostoievski cũng không làm được: Thay vì đi theo chiều hướng thông thường “bạo lực phát sinh bạo lực” của con người, bà đã HÓA GIẢI bạo lực bằng sự câm lặng chịu đựng ngay khi ấy và bằng tấm lòng rất vị tha về sau của bà. 
(Về sau, khi gia đình cậu mợ tôi lâm cảnh khốn khó thì chính các đứa con của hai người lại là những đứa được bà nuôi nấng cho ăn học dạy dỗ bằng tình thương dịu dàng của bà chứ không chút nào bằng bạo lực như chị em tôi đã từng nhận chịu.)
Tôi kính trọng bà càng nhiều hơn trên sự câm lặng ấy bởi biết rằng chính mình sẽ KHÔNG BAO GIỜ LÀM ĐƯỢC như bà trong cùng hoàn cảnh. Vì thế, với hai đứa con của tôi, nhất là Âu Cơ kể từ khi Trần Nghi Hoàng bỏ đi, CHƯA BAO GIỜ tôi có trong đầu cái ý tưởng phải gửi con cho bất cứ ai, luôn cả gửi vào các nhà giữ trẻ như thói quen của các bậc cha mẹ ở Mỹ vẫn làm.

Cũng nhân kỷ niệm nát lòng này mà khi nhìn lại tuổi thơ trong "cái nhìn của một người lớn đã chín muồi mọi ngõ ngách Cuộc Đời", tôi thấy “đau” cho cha tôi hơn là cho mẹ tôi thuở nhỏ. Tự nghĩ, khi nhìn những lằn roi quất tới tấp trên thân thể đứa con chỉ mới 8 tuổi đó của mình, hẳn linh hồn ông đau đớn lắm khi không còn được hiện diện trên cõi đời để bảo vệ cho con!
Sau này, nhìn lại các người trong họ tộc bên Ngoại, luôn luôn tôi chỉ thấy ứ lên trong mình một cảm giác thật là chán ngán! Từ Bà Ngoại đến các cậu tôi, ai cũng đều có sự đối xử rất không công bình với mẹ tôi so với tình cảm dành cho dì tôi. Các đứa con của dì tôi với người chồng đi sau CHƯA BAO GIỜ phải nếm mùi cay đắng từ các cậu tôi như chúng tôi đã nhiều lần nếm. Lý do dễ hiểu là họ luôn có một người cha để bảo vệ những khi cần thiết, làm sao có thể trải qua những kinh nghiệm nát lòng như của chị em tôi?!]

VI.
Ngoài âm nhạc, tôi còn bấu víu vào văn chương như một người bạn tâm huyết. Trong cái tuổi thơ cô đơn đó, chị em tôi không hề có bất cứ trò chơi trẻ con hay thú tiêu khiển nào ngoài chuyện học hành, đọc sách và đánh đàn. Không có bạn, tôi dùng các quyển sách làm bạn. Đọc xong, lại viết đầy trong nhật ký những cảm nghĩ của mình. Không có trò chơi, tôi dùng tiếng đàn mình để tạo niềm vui.
Một điểm “dễ thở” cho chị em tôi là các cậu tôi tuy không phải là người ưa thích văn chương nhưng cũng không hề cấm cản chúng tôi việc đọc sách hay chơi nhạc. Trái lại, họ còn “khuyến khích” bằng cách “nới lỏng” thời gian cho chúng tôi mỗi khi thấy chị em tôi quá đà trong việc thức khuya bên bàn viết với cuốn sách hay với cây đàn.
Tôi đọc rất sớm, và rất nhiều. Những quyển sách đầu tiên được lục lọi từ cái tủ sách để lại của cha tôi, kéo dài qua các cuốn tôi tự mình đi tìm đi kiếm. Những quyển sách được mua bằng sự nhịn ăn quà sáng hay các món tiền xin của mẹ, tiền lì xì Tết, để đem về làm tài sản riêng cho mình. Những quyển sách, theo thời gian tôi lớn dần, được gạn lọc thành hệ thống quy củ theo từng tác giả, chất cao dần trên cái tủ sách. 
Đặc biệt, ngay từ thuở nhỏ, tôi đã có cái tánh không muốn đọc các cuốn sách mướn ở tiệm hay mượn của bạn bè hoặc ở thư viện. Chúng PHẢI ĐƯỢC MUA từ tiền túi riêng tôi. Điểm đặc biệt thứ hai là không muốn đọc các loại sách dâm ô.

[Khi còn niên thiếu, tôi chưa hề một lần nghĩ rằng mình sẽ là nhà văn mai sau. Nhìn lại mọi sự, thấy quả là một điều kỳ lạ khi mà ngay từ thuở nhỏ đã RẤT TÔN TRỌNG tâm huyết nhà văn, thương và hiểu cho cái số phận “nghèo khổ” của họ qua hành động “không bao giờ muốn đọc sách mướn hay sách mượn từ bất cứ ai.” Giờ mới hiểu, chính là tôi đã thấy “tự thương cho vai trò nhà văn của mình” lúc này! 
Sự kiện “chưa từng muốn đọc các loại sách dâm ô” là do ở cái lòng yêu mến văn chương chân thành mà ra. Với Âm Nhạc cũng thế. Trước mỗi lúc chơi đàn, tôi phải sạch sẽ, áo quần tề chỉnh. Có lần một người bạn Pháp đưa ra nhận xét: “Cô là một nghệ sĩ đích thực” khi biết từ tôi cái thói quen bất biến đó.]

Tôi yêu thích các tác giả Pháp và Đức trên hết. Các nhân vật của các tác giả Âu Châu nổi tiếng đã mở ra cho tôi những cái nhìn mới lạ về cuộc đời và sự sống. Nhưng phải nói, kể từ khi “giao duyên” cùng chữ nghĩa Dostoievski, mới thấy rằng cái máu yêu văn chương của tôi chỉ chú trọng trên hết cho các tác phẩm của ông.

[Điểm rất đặc biệt khác nữa mà mấy mươi năm sau nhìn lại mới nhận biết là trong TẤT CẢ những “người đàn ông của tôi”, chưa ai từng có cái máu yêu văn chương như tôi; có nghĩa rằng, chưa ai từng “đọc nhiều” như tôi. Họ cũng là những người yêu văn chương, yêu âm nhạc, nhưng cái “văn chương âm nhạc” của họ chỉ nằm ở mặt cạn bên ngoài chứ không được đào sâu vào tận gốc rễ. 
Có thể nói, đó cũng là một trong những đầu mối lớn lao khiến tôi “quay lưng” dễ dàng cùng họ khi xảy ra điều tan vỡ mà không nuối tiếc. Quay lưng trong ý nghĩ kiêu hãnh rằng “Tôi giàu hơn họ!” thì kẻ tiếc nuối phải là họ chứ chẳng là tôi!]

Từ năm 17 tuổi đọc bản dịch của Trương Đình Cử cuốn Tội Ác Và Hình Phạt  lần đầu cho đến bây giờ, Dostoiev -ski vẫn là nhà văn được tôi ngưỡng mộ nhất. Giữa ông và tôi như có một giao cảm rất kỳ diệu. Tôi đọc đi đọc lại đến thuộc lòng bất cứ tác phẩm dầy cộm nào của ông mà tôi có được trong tay.

[Bốn năm trước, 2001, khi Âu Cơ mới 14 tuổi, một bữa nói với tôi: “Bà giáo bắt tụi con mỗi đứa phải đọc một cuốn sách tự chọn, xong thuyết trình nó. Mẹ nghĩ con nên đọc cuốn nào?” 
Lúc ấy tôi đang viết về cuộc đời Dostoievski đến cái chương giới thiệu tác phẩm Tội Ác Và Hình Phạt, nên trả lời trong vô thức: “Con thử đọc cuốn này xem sao?” “Có khó không mẹ?” 
“Mẹ không biết, chỉ biết rằng khi đọc nó lần đầu năm 17 tuổi, mẹ thấy rất kinh hoàng trong cái cảm nghĩ sợ hãi cuộc đời. Bây giờ con chỉ 14 tuổi mà đọc được mới gọi là hay!”
Cũng vì cái ý thách đố này mà Âu Cơ đã ngồi xuống với tác phẩm. 
Sau suốt một tuần, đến nói với tôi: “Con chịu thua!” 
Tôi vỗ về: “Một tác phẩm nổi tiếng được thế giới công nhận hẳn phải có giá  trị độc đáo của nó. Con đọc một lần không hiểu, cứ đọc lại, đọc lại, sẽ tìm ra cái hiểu mà thôi!” 
Âu Cơ ngồi xuống lần thứ hai, rồi lần thứ ba, xong đến nói với tôi: “Con cám ơn mẹ đã giúp con đọc xong cuốn sách bằng lời khuyên ‘hãy cứ đọc đi  đọc lại một tác phẩm cho đến chừng nào hiểu mới ngưng’!”
Tôi muốn thử xem cái hiểu của nó cỡ nào nên bảo nó kể lại toàn diện tác phẩm. Thì thật kinh ngạc, nó hiểu TẤT CẢ, không phải chỉ bề mặt mà chính là ở cái chiều sâu mà Dostoievski đã gửi vào trong tác phẩm của mình.

Nhân lẽ đó mà khi viết Tài Hoa Mệnh Bạc IV riêng về một mình Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Dostoievski, tôi đã ghi lời đề tặng: “Cho Âu Cơ, con gái đã đọc thông làu Tội Ác Và Hình Phạt bằng Anh ngữ khi chưa đầy 14 tuổi."
Sự thật, khi muốn Âu Cơ đọc tác phẩm nói trên là tôi cũng muốn từ chính kinh nghiệm của mình mà thử nghiệm tâm hồn và cuộc đời con gái mai sau.  Tôi tin rằng, một đứa nhỏ –như tôi thuở 17 và như Âu Cơ 14 tuổi bấy giờ—một khi đã “vượt qua” được cái “địa ngục trần gian” Dostoievski đã vẽ ra trong Tội Ác Và Hình Phạt mà vẫn không bị “rối loạn đầu óc” thì mai sau sẽ trở nên một trong những kẻ sau đây:
1/ Nếu là độc giả thì sẽ yêu mến loại văn chương có giá trị thật sự trên từ ngữ ấy.
2/ Là nhà văn, sẽ rất khiêm tốn trên chữ nghĩa của mình.
3/ Là một người bình thường sẽ tự tạo được cho mình một sức mạnh nội tâm như các nhân vật trong đó đã mở ra cho họ. Ví như một người đã trèo lên tới đỉnh cao nhìn xuống các mốc lưng chừng, sẽ không còn thấy gì là nguy hiểm nữa.]

Cái đam mê đọc sách được thể hiện rất sinh động trong suốt cuộc đời tôi. Dù rằng không phải chính Cha tôi đã tự tay hướng dẫn tôi từng quyển sách (như Dostoievski đã được cha mẹ làm thế, và như Âu Cơ cũng đã từng và còn đang được tôi làm thế) nhưng mãi mãi tôi vẫn mang ơn Cha Mẹ tôi ở điểm này. Ông chết sớm quá khi chúng tôi còn nhỏ quá (đứa em gái út khi ấy vừa tròn một tuổi). Vì vậy mà TẤT CẢ những gì thuộc văn chương nghệ thuật, SAU KHI đã nhận từ cha DÒNG MÁU đam mê văn chương nghệ thuật, và nhận từ mẹ những ĐIỀU KIỆN VẬT CHẤT để biến cái đam mê ấy thành cụ thể thực tế thì TỰ TÔI đã un đúc và làm phát triển chúng ra trong suốt cuộc đời mình.
Chính nhờ những tác phẩm văn chương đọc từ thuở bé và trở thành máu huyết nuôi dưỡng tâm hồn mà đã biết bao phen bị cuộc đời đánh gục, tôi vẫn cứ ngóc đầu trổi dậy, không chịu đầu hàng vận số. 
Chính nhờ cái nhã thú mê nhạc cổ điển Tây Phương mà tự dưng tôi thấy mình “đứng yên như bàn thạch” trong một cuộc đời đầy dẫy những biến cố tai ương đã trải qua. 
Trong các thú vui dành cho con người, tôi không thấy điều nào lợi ích cho bằng sự đọc sách. Một thân xác có luyện tập thể thao thì mới khoẻ mạnh; một cái đầu cũng thế, cái lối thể thao hay nhất là sự đọc sách mà thôi.

Khi tôi 15 tuổi, mẹ tôi đưa các em về ở hẳn trong Sàigòn để theo học trường Nhạc. Phần bà vẫn đi đi về về giữa Sàigòn và Nha Trang. Hai ông cậu với cái kỷ luật sắt cũng vì tình trạng lính tráng mà không còn ở trong gia đình tôi nữa. Thay thế là cậu út và anh Thuận Văn Chàng khi đó vào trọ học trong nhà mẹ tôi. 
Trong trọn đời, phải nhận rằng thời gian ba năm này, tôi đã được trải qua những ngày sống êm đềm nhất trước khi CHÍNH THỨC BẮT TAY CÙNG SÓNG GIÓ ĐỊNH MỆNH --kể từ đây sẽ là KHÔNG NGỪNG NGHỈ. 
Ba năm, bước chân vào thời kỳ thiếu nữ, tôi được Mẹ dạy cho rất kỹ những  điều mà âm thầm bà đã đặt để một “kỳ vọng” trên tôi. Nhiều lần bà nói thẳng ra với tôi là “chỉ muốn con trở thành nghệ sĩ chứ không phải sống đời bình thường như bao cô gái”. 
Đó cũng là ý nghĩ của tôi ngay từ thuở còn rất ngây thơ. 
Thực sự trong đầu, chưa bao giờ tôi tự vẽ hình ra một cuộc đời bình thường chồng vợ. Nhưng khác với mẹ tôi, mục đích đời tôi –dẫu chỉ là manh nha chưa rõ nét—cũng không bao giờ như cái hướng lái danh vọng ổn định của bà.

0 comments:

Post a Comment

 

Subscribe to our Newsletter

Contact our Support

Email us: Support@templateism.com

Thành Viên của Website