CHÍNH KHÍ VIỆT

Sunday, February 15, 2015

Trần Thị Bông Giấy: ÔI! NHỮNG NGÀY XƯA BAO GIỜ CŨNG ĐẸP! (Quyển sách đặc biệt tưởng nhớ Mẹ hiền vừa mới qua đời ngày Nov. 29/2014 - 8/10 Giáp Ngọ).

ÔI! NHỮNG NGÀY XƯA BAO GIỜ CŨNG ĐẸP!
 
TRẦN THỊ BÔNG GIẤY

 (Quyển sách đặc biệt tưởng nhớ Mẹ hiền vừa mới qua đời ngày Nov. 29/2014 - 8/10 Giáp Ngọ).
Bài 1.
MẸ VÀ CHA TÔI:
HAI NỖI DÀY VÒ
KHÔNG BAO GIỜ CẠN
(Tâm Bút)
I.
Hơn tất cả mọi người Tình, người Bạn, mẹ tôi hiện hữu trong đời tôi lâu nhất, là người “dày vò” tôi nhiều nhất và cũng là người “bị” tôi làm cho đau khổ cao nhất. Đặc biệt giai đoạn sống này, kể từ khi ngồi xuống viết Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga, những trang đời ngày xưa với từng khuôn mặt người Tình người Bạn sống lại rõ nét bao nhiêu thì các hình ảnh về mẹ tôi trên các giai đoạn ấy càng sừng sững trước mắt bấy nhiêu.
Đêm đêm, những cơn ho như xé nát lồng ngực phát ra từ giường ngủ của bà đã chính là những Tiếng Gõ Hình Phạt đập mạnh lên trái tim tôi, triền miên vang vọng trong sự sâu dầy của đêm và của chính cõi lòng tôi u ám. Cái hình phạt lương tâm, đáp trả cho những khổ đau không ngớt trong trái tim bà theo một chuỗi đời sóng gió tôi từng trải qua trong định mệnh; cũng là hình phạt --như một đặc ân– mà so với các anh em tôi, ở kiếp này, tôi còn may mắn hưởng được bằng sự hiện hữu của bà cạnh bên.
Khác với ba cô em gái, tôi không “đến gần” mẹ tôi được trên những khúc quanh nguy hiểm của một cuộc đời điên đảo. Trong mỗi lúc đối diện khuôn mặt Định Mệnh, mẹ tôi là người thứ nhất không bao giờ được tôi nghĩ đến trên những chia xẻ này. Không chia xẻ không phải vì không cần đến bàn tay giúp đỡ của bà, mà chỉ vì không muốn đem thêm cho bà cái khổ. Tôi tự ôm lấy mọi niềm riêng cho đến khi giải quyết xong tất cả trong đơn độc. Đó là điểm khác với ba cô em gái. (Các em tôi rất ủy mị tiểu thư, không ngần ngại kể cho mẹ nghe từng sự kiện nhỏ trong đời sống lứa đôi đầy trúc trắc của mình!)
Nói cách khác, tôi chỉ “đến” với mẹ trên những thành công nào tôi có được; mà khốn nỗi, những thành công trong đời tôi thì lại hiếm như ngọc quý! Vì vậy, đã xa càng xa hơn nữa trong những tâm sự mẹ con kiểu con nít đàn bà. Dù vậy, không thể chối –và có lẽ mẹ tôi cũng biết—rằng tôi là đứa con thương mẹ nhất trong gia đình, nhưng theo “kiểu thương của riêng tôi”, một kiểu thương vẫn không bao giờ khiến bà hài lòng trong sự đón nhận.
Lấy ví dụ: Tôi không như các em tôi, ưa thích làm hành động ngồi xuống “bóp dầu bóp mỡ” cho mẹ mỗi khi bà lên cơn mệt; cũng luôn luôn chối đi những lời than thở rất đàn bà của bà về “thằng rể này không được, đứa con dâu kia không hay... v..v..” (“Đó là loại chuyện cát bụi thì hãy nên trả về cho cát bụi!”, câu nói này của tôi thường làm cho bà bực bội). Nhưng bù lại, tôi sẵn sàng cắt đứt giao thiệp với một người bạn nếu thấy mẹ tôi tỏ cái ý “không hài lòng” theo người ấy; sẵn sàng bóp nát trái tim mình trước một tình yêu nếu thấy nét buồn tỏa ra trong đôi mắt đẹp của bà theo cái viễn ảnh “tôi sẽ làm cho bà không an tâm trong sự đi sâu vào tình cảm người kia”.
Một ví dụ nữa cho sự khác biệt giữa tôi và ba cô em gái trong cái nhìn về tình thương dành cho mẹ:
Thời gian đầu sau cuộc đổi đời Tháng Tư 1975, trong khi ba cô em vẫn tiếp tục “tiểu thư đài các” ở nhà với mẹ thì tôi đã lao mình vào một đoàn cải lương, phiêu bạt khắp nơi. Môi trường này hẳn nhiên là thỏa mãn cho cái máu ưa thích giang hồ đây đó của tôi, nhưng sâu kín và quan trọng hơn cả cho thái độ chịu đựng được những gì gọi là “trái cựa” trên đủ mọi mặt giữa tôi và cái giới sống đó chính là tấm thẻ nghệ sĩ mang một giá trị quyền lực trong chế độ Cộng Sản, điều có thể “cứu vớt” cho gia đình tôi cái nạn khỏi phải bị đẩy đi vùng kinh tế mới mà nhà nước CS đã đề ra thời gian đó với những gia đình “ngụy” thuộc thành phần tiểu tư sản.
Mỗi chuyến lưu diễn trở về, thân xác tàn tạ gầy còm, tâm tình u hoài rách nát, nhưng hễ nhìn thấy căn nhà thời thơ ấu vẫn còn chưa bị phát mãi, thấy mẹ và các đứa em vẫn an bình trong cuộc sống ở thủ đô, tôi đã nghe thật yên lòng.
Trái lại, mẹ tôi không bao giờ hiểu được điều này, lại luôn trách rằng tôi là đứa con “bất hiếu”, không muốn ở gần mẹ, lúc nào cũng chỉ làm cái hành động “gieo vào lòng mẹ nỗi khắc khoải theo những bước chân lang bạt của con!”
II.
Tôi là đứa con “không bình thường” của một cuộc hôn nhân “không bình thường”. Cha tôi xuất thân gia đình quí tộc ở Huế. (Bà nội tôi là một tiểu thư khuê các, con gái một vị quan đại thần triều đình Minh Mạng, cũng là chủ nhân một lò vôi ở Ba Vinh, rất giàu có. Bà mất khi 22 tuổi vì chứng sản hậu trong một cơn ghen theo chồng sau ba ngày sanh cô út tôi. Khi ấy cha tôi chỉ mới lên 2.) Từ 9 tuổi, vì không chịu được sự hành hạ khắc nghiệt của bà mẹ kế, cha tôi được gửi vào nội trú trong trường Pellerin. Đỗ xong bằng Brevet ở đây, ông ra Hà Nội tiếp tục học trường Bưởi, đậu Tú Tài I.
Cũng tại Hà Nội, tình cờ nghe được một bà giáo sư người Pháp kéo violon, máu mê âm nhạc bắt đầu trỗi dậy, nên xin học violon với bà. Ông nội tôi nghe tin, gọi về, nổi giận đập cái vỏ đàn. Cha tôi bèn bỏ Huế vào Sàigòn. Vì rất giỏi tiếng Latin và tiếng Pháp nên ông được nhận vào làm việc tại nhà giây thép gió, một công việc không phải dễ dàng tìm ra ở thời buổi đó. (Những điều này do các người bạn cha tôi kể lại khi tôi đã lớn khôn). Ông nội tôi lại kêu về bắt lấy vợ. (Thời gian này cha tôi kết bạn với Hàn Mặc Tử, Tạ Xuân Thuận, những người có thân phụ là bạn quan với ông nội tôi. Đó cũng là thời gian nhạc sĩ Phạm Duy tìm đến làm quen với ông. Ông lớn hơn Phạm Duy chừng một chục tuổi.) Cha tôi không chịu lấy vợ, lại trốn nhà đi phiêu bạt nhiều nơi, và lần này không trở lại với gia đình cho đến ngày ông nội tôi mất, về chịu tang...
Ở trên tôi viết “một đứa con không bình thường của một cuộc hôn nhân không bình thường” do từ câu chuyện tôi sẽ kể tiếp đây.
Mẹ tôi tuy chào đời trong một gia đình dân dã tại làng An Cựu ở Huế, nhưng ông ngoại tôi cũng từng được đi du học Pháp, đậu kỹ sư hóa học, nghiên cứu về cách chế biến thuốc nổ dùng bắn các loại đá để nghiền thành vôi trộn cát làm nhà. Bà là người đến sau, hiện hữu trong đời cha tôi giống y như một cái bóng. Bà vợ trước là dì ruột tôi, sau khi ủy thác em gái “ở lại lo giùm hai đứa con chị và săn sóc anh ấy”, đã bỏ đi xây tổ ấm 1với người đàn ông kế tiếp trong đời bà.
Chuyện người lớn, từ thuở bé cho đến tận lúc này, vẫn là những điều tôi không muốn tìm biết. Nhưng không muốn không có nghĩa là không biết. Theo thời gian, mọi thứ đều được gạn lọc, mai một. Và cũng theo thời gian, có những điều sống mãi trong ký ức con người để không bao giờ chịu chung số phận “tàn phai”.
Với tôi, cái “không bao giờ” vừa kể, tôi đã từng có được, khởi đi từ hai kỷ niệm riêng biệt về cha và mẹ. Đó là những xúc cảm đã gây nên một dấu ấn mạnh mẽ trong tôi ngay từ thơ dại để trở thành cái-tôi-hướng-Thiện về sau khi đã lớn; là một trong những may mắn hiếm hoi tôi từng có; là hai luồng ánh sáng soi đường và giữ cho tâm hồn tôi khỏi rơi xuống hố sâu trên những khúc quanh nguy hiểm của cuộc đời.
Một buổi tối tôi được cha nắm tay, dắt đi ra ngoài đầu ngõ. Trời mưa. Hai cha con đứng nấp mưa dưới một mái hiên cách ngôi nhà tôi đang ở một quãng đường. Thật lâu, dù trời đã tạnh mà vẫn không thấy ông nhúc nhích. Đột nhiên tôi cảm nhận bàn tay ông nắm chặt bàn tay tôi. Ngạc nhiên ngẩng nhìn thì bắt gặp cái nét rất đớn đau lộ trên khuôn mặt. Nhìn theo ánh mắt, thấy bà mẹ lớn của tôi đang cùng sánh vai một người đàn ông lạ phía bên kia đường. Cha tôi cứ nhìn theo hai người cho đến khi họ đã khuất hẳn nơi một khúc quẹo, cái nắm tay lúc bấy giờ trở thành run rẩy. Trong ý thức của một đứa con nít còn rất nhỏ –khoảng 5 tuổi--, tôi bỗng dưng “cảm thông” rất rõ sự đau khổ của cha tôi, nên cũng im lìm không dám nhúc nhích.
Hai cha con cứ đứng hồi lâu nơi cái mái hiên trước khi trở về nhà. Vẻ mặt ông thản nhiên như không hề có gì xảy ra ngoài chuyện đi mua một gói thuốc lá!
[Suốt cuộc đời, kỷ niệm này vẫn cứ nằm trong tiềm thức tôi với nguyên cảm xúc của buổi chiều mưa thuở nhỏ. Và bây giờ, sau mấy chục năm đau khổ vì tình yêu, tôi mới hiểu tại sao tôi có cái tánh thủy chung dường ấy, tại sao tôi chưa hề mang trong đầu ý nghĩ phản bội người đàn ông “thời điểm hiện tại” nào của mình. Câu đáp gom lại trong chỉ một ý nghĩ:“Bởi vì đã từng ‘cảm nhận’ rất sâu sự đau đớn của cha trong buổi chiều mưa khi lên 5 tuổi ấy mà tôi không bao giờ nỡ làm đau đớn cho người đàn ông của tôi trên cùng cảm nghĩ ‘bị phụ tình’ như ông.”]
Mẹ tôi là người đàn bà đẹp, cái đẹp xa vời u uẩn với dáng dấp thanh tao và đôi mắt to sâu đượm nét buồn dại khờ man mác.
[Trong bốn chị em gái tôi, đứa nào cũng được thừa hưởng hai điều này từ mẹ. Vũ, anh Ngọc và tất cả những người đàn ông của tôi ai cũng đều có chung nhận định. Riêng anh Ngọc có lần nói với tôi: “Mẹ sanh bốn cô con gái mà cô nào viết chữ cũng đẹp (như cha tôi: tôi thêm) và đôi mắt cũng đẹp như mẹ. Đẹp nhất phải kể là mắt của em!”
Ngày đó tôi không hiểu tại sao có điều đặc biệt ấy. Sau này mới khám phá ra cái đẹp mà anh Ngọc nhận định về đôi mắt tôi chỉ là sự pha trộn giữa cái dại khờ thăm thẳm trên hình thể của đôi mắt mẹ và nỗi suy tư triền miên của trí não cha mà tạo thành.]
Khi cha tôi qua đời thì mẹ tôi mới chỉ 31 tuổi. Một đêm vì bệnh không ngủ được mà câu chuyện giữa mẹ tôi và hai người cậu vô tình lọt vào tai tôi. Một cậu nói: “Anh chết đi, để lại cho chị một đàn con vừa của chồng vừa của mình, chị lại không có nghề nghiệp gì trong tay. Bây giờ làm vợ ông ta, ông ta sẽ lo giùm cho các đứa con chị.”
Ngạc nhiên vì chữ “ông ta”, tôi cố lắng nghe câu chuyện người lớn. Cậu thứ hai thêm vào: “Em cũng nghĩ chị nên nhận lời làm vợ ông ấy.”
Khi bắt đầu hiểu chuyện thì chính là lúc tôi bỗng nghe một nỗi đau vô cớ tràn ngập tâm tư mà chẳng hiểu tại sao. Nào dè, những lời mẹ tôi vang lên mồn một (cho đến tận lúc này tôi vẫn còn nhớ cái âm giọng buồn buồn dìu dặt như giòng sông Hương buổi ấy):
“Suốt bao ngày tháng ở với nhau, tôi vẫn tôn trọng anh trong những kỷ niệm với chị ấy nên không hề một lần khuyên nhủ anh ráng chăm lo sức khoẻ. Tôi cứ để yên cho anh với những đêm thức trắng, những lần say ngất ngư, những lúc làm việc mê mải. Tôi hoàn toàn thiếu trách nhiệm chia xẻ của một người vợ, cứ nghĩ như vậy là đúng. Cho đến một buổi nghe anh kêu đau, tôi đưa anh đi bác sĩ. Sau khi khám xong, biết tôi là vợ, ông bác sĩ xin gặp riêng, bảo rằng: ‘Ông nhà bị ung thư phổi đến thời kỳ chót. Bà nên đáp ứng cho ông tất cả những gì ông muốn, bởi tôi đoan xác rằng cao lắm là chỉ hai tháng nữa thôi, ông sẽ qua đời.’
Ngay khi nghe lời báo ấy, tôi mới chợt thấy thương anh vô cùng. Những ngày gần cuối vào thăm trong bệnh viện, thấy anh hay nằm nhìn đỉnh trần mà thở dài, lại than rằng: ‘Các con còn nhỏ quá, học hành chưa đâu vào đâu.’ Và anh xin tôi ráng lo cho mọi đứa con nếu có tệ lắm cũng phải xong bậc Trung Học. Tôi hứa với anh điều đó.”
Nghe xong lời mẹ, bỗng dưng tôi thấy đau nơi ngực, nhưng cố cắn chặt hai hàm răng không để cho mẹ và hai cậu biết rằng tôi đang còn thức và sắp bật khóc với câu chuyện nghe lỏm.
[Mấy chục năm sau nhìn lại buổi ấy mới thấy thật kinh ngạc vì sự chọn lựa quá sớm của Định Mệnh trên con người mình. Ở đây, điều chọn lựa ấy không chỉ đặt trên vấn đề Tình Yêu –như đã trình bày suốt hơn 700 trang ở những đoạn trước—mà còn trên cái ý hướng “đứng mũi chịu sào, sống cho kẻ khác” trong trọn cuộc đời. Bởi vì, sao lại tôi mà không phải là một trong số các anh chị em kia “vì bệnh mới nghe lọt được câu chuyện người lớn?” Tự hỏi, giả thử ở vào vị trí tôi đêm ấy, liệu rằng họ có sẽ từ câu chuyện mànhận ra cái giá trị cao cả về lòng hy sinh của mẹ hay không?
Tiếng Gõ Của Định Mệnh trên mặt Tình Yêu không chỉ là “gõ” từ cái tuổi 22 trong những ngày làm vợ Sơn như Chung viết trong bài Tựa tác phẩm Trân Sa, mà chính thật đã “gõ” từ cái chết anh Chàng, hơn nữa, từ mối tình tan nát với Vũ. Nhưng phải nói đúng hơn cả, Tiếng Gõ Của Định Mệnh đã khởi đi từ cái tuổi lên 5 với kỷ niệm buổi chiều mưa đi ra đầu ngõ cùng cha, và nhất là từ cái lần nghe lỏm câu chuyện người lớn giữa mẹ và hai người cậu của tôi như ở trên đã kể.]
Mẹ tôi nói tiếp với hai cậu tôi:
“Bây giờ nếu phải bước thêm bước nữa, tôi sợ rằng mình sẽ không thực hiện được cho tròn lời hứa với người đã chết. Các con tôi dù ngoan thế nào thì đối với một người đàn ông không phải là cha chúng, cũng đều giống như những hạt bụi vướng vào mắt. Huống hồ tôi biết chúng sẽ không phải là những đứa dễ dạy theo cái nghĩa thông thường.”
[Ở câu nói cuối bên trên, mẹ tôi đã RẤT ĐÚNG. Ngay khi chúng tôi còn rất nhỏ, mẹ tôi đã “nhìn ra” được các con bằng cái nhìn mẫn cảm của một người mẹ khi nói lên điều “chúng tôi sẽ không phải là những đứa dễ dạy theo cái nghĩa thông thường.” Quả thật, luôn luôn trong ý thức “tự sinh tồn” của anh chị em tôi đều có sự phản kháng đặc biệt đối với những điều Xấu của cuộc đời.
Ông anh lớn tôi hiện đang ở bên Tây. Một dạo sang thăm anh, ngồi nhắc chuyện ngày thơ, anh tâm sự với tôi rằng: “Phải công nhận tuổi thơ của anh em mình có điều buồn đặc biệt hơn những đứa trẻ khác. Anh nhớ có lần cậu Bảo vì một lý do không ra gì đã đánh anh không nương tay bằng những cái tát tới tấp vào mặt. Đau quá, anh chạy xuống bếp. Cậu chẳng tha, chạy theo. Cùng đường, phản ứng tự vệ đẩy anh đến chỗ cầm lên con dao để gần, định bụng, cậu mà xấn lại thì anh sẽ đâm cho chết (không phải đâm cậu mình mà là đâm một người ác với mình). Đột nhiên ngay lúc đó anh kịp nghĩ, mình có thể bỏ dao xuống dễ dàng nhưng không thể bỏ tâm Ác của mình. Chính cái tâm Ác mới là điều tai hại; nếu có nó, không những nguy cho mình mà còn nguy cho kẻ khác. Do đó, anh bỏ dao để rồi cậu được nước đánh anh cho đến khi hả giận mới thôi. Anh sống bình an tâm hồn cho đến ngày nay có lẽ cũng nhờ ý thức: Tâm Ác khó bỏ hơn bỏ dao bỏ súng, và thương tội cho những ai không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ tâm Ác.”
Thủy, đứa em trai thứ nhì, lúc 18 tuổi, vài tuần lễ trước khi du học Belgique (năm 1971) lại gặp một chuyện xảy ra. Dạo đó, trong công việc làm ăn, mẹ tôi có đưa cho một bà quen mượn 150.000 đồng Việt Nam, với điều kiện trả lại nguyên vốn trong vòng một tháng. Giá trị 1 lượng vàng lúc đó chỉ bốn ngàn đồng bạc ($4.000) VN.
Xui xẻo cho mẹ tôi rằng bà này có máu cờ bạc nên dùng số tiền, đánh bài thua sạch. Năm lần bảy lượt mẹ tôi đi tìm, bà trốn biệt. Đến khiếu nại với ông chồng, ông này chẳng những không giải quyết giùm cho nạn nhân, còn dửng dưng bảo rằng: “Đã biết vợ tôi có máu cờ bạc sao còn giao trứng cho ác! Chuyện hai người, ráng giải quyết với nhau.” Mẹ tôi vô cùng buồn khổ. Biết chuyện, Thủy giận lắm, nhưng tánh cậu lầm lì ít nói nên chẳng ai hay cậu đang mưu tính điều gì. (Sau này mẹ tôi thường nói: “Sinh Thủy ra đã 18 năm mà chẳng hề biết tánh cậu cho tới lúc đó!”)
Một bữa trời sắp sửa tối, cả nhà đang ngồi ăn cơm, bỗng thấy Thủy dắt xe gắn máy chạy đi. Mẹ tôi sinh nghi, bảo cậu tôi chở bà theo sau xe Thủy. Thấy Thủy chạy về hướng nhà người đàn bà có máu mê cờ bạc, mẹ tôi càng hoảng. (Sau này mẹ tôi được nghe kể lại), Thủy đàng hoàng đi vào, đứng ngay giữa nhà bà này. Trước mặt vợ chồng con cái và cả bà nữa đang quây quần ăn uống, Thủy lớn giọng hỏi: “Bà có trả lại số tiền đã giật của mẹ tôi không?” Bà kia –người Quảng Trị—cất giọng bỡn cợt: “Nếu tau không trả, mi làm chi tau?” Thủy vụt rút cây sắt giấu trong lưng áo, sấn về phía bà, hét lớn: “Thì giết bà để bà đừng sống mà làm khổ người khác.” Xong, giơ cao cây sắt định quất lên đầu bà. Ngay lúc ấy cậu và mẹ tôi bước vào. Cậu tôi phóng tới chụp tay Thủy, còn mẹ tôi thì vái Thủy như tế sao: “Mẹ lạy con! Tuần sau con đi du học rồi! Tương lai con mới là quan trọng hơn số tiền này! Mẹ lạy con!”
Cũng vì hành động này của mẹ và em tôi mà ngay hôm sau, ông chồng đã cho mời mẹ và cậu tôi lên nhà ông, để rồi trước cả đám rể dâu con cái, ông và cậu con trai lớn đã năn nỉ mẹ tôi cho được trả làm ba lần số nợ này. Đó là số tiền đầu tiên ông trả cho một “nạn nhân” trong những người bị lường gạt bởi bà vợ cờ bạc của ông. Gia đình nhân vật này hiện đang ở San Jose, và cũng là chỗ quen biết với tôi, nhưng TUYỆT ĐỐI họ không bao giờ nhắc lại chuyện cũ.]
Ở trên là hai kỷ niệm về cha và mẹ lưu lại suốt đời trong tôi như hai luồng ánh sáng kỳ diệu. Trong một chuỗi dài năm tháng mãi đối đầu với những biến cố chết người, chỉ nhờ vào hai luồng sáng ấy –nhất là luồng sáng từ mẹ—mà tôi nhiều lần ngoi lên từ cái hố sâu đang ngụp lặn, chứ không để cho mình phải bị chìm luôn.
[Có lần TNH nói “Điểm bất hạnh của em là trong đời, em chưa hề biết nể phục ai!” Câu này đúng và sai với tôi, nhưng tôi không muốn cải chính. Đúng, bởi trong 8 năm ăn ở, chưa bao giờ TNH thấy tôi nể phục ai. Và sai, vì cái nể phục của tôi duy nhất chỉ dành cho người mẹ mình mà thời gian ấy, TNH đã không thể nhìn ra do bởi lòng nhỏ nhen đố kỵ.
Thật sự, tôi rất nể phục mẹ tôi trên nhiều điểm. Bà là vị thầy sáng giá nhất trong suốt cuộc đời tôi. Từ bà, tôi học được nhiều điều quý báu, và bài học lớn nhất chính là “lòng hy sinh và sự chịu đựng nỗi cô đơn của một người đàn bà đang khi còn trong cái tuổi thanh xuân.”
Học và hành là hai điều khác biệt, nhưng không thể phủ nhận rằng giữa hai sự kiện “học & hành” luôn luôn có những sợi giây vô hình làm cho kết hợp, để rồi sự ứng dụng cái học vào cái hành, không mặt này cũng mặt khác, con người có thể tìm thấy lợi ích của nó. Lấy ví dụ: Một người học âm nhạc nhiều năm không có nghĩa là sẽ trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp trải tiếng lòng ra cho đời qua những bản nhạc, hay những cung bậc tuyệt diệu trên cụ thể hình thức; nhưng trong cuộc sống kẻ ấy, cái “hành” trên âm nhạc được thể hiện bằng sự lãng mạn tâm tư, bằng nỗi rung động dễ dàng của trái tim khi nhìn một cảnh sắc đẹp của thiên nhiên. v.v... Và những thể hiện như vậy sẽ khiến đời sống nội tâm kẻ ấy phong phú hơn để vượt qua những trúc trắc nào sẽ gặp trên đường đời.
(Ở ví dụ này, cái “hành” ít ra không trực tiếp làm lợi cho ai, cũng làm lợi cho riêng bản thân kẻ “học” để từ đó, sẽ có những lợi ích gián tiếp khác cho những người chung quanh.)
Cũng vậy, các bài học thâu lượm từ mẹ tôi rõ ràng đã không phải là vô ích cho tôi. Dù rằng trải qua một cuộc đời rất ư sóng gió, tôi vẫn giữ âm ỉ trong mình cái sức phản kháng mạnh mẽ để vượt qua mà không ngã gục. Dù rằng trên con đường Tình Yêu gặp rất nhiều trắc trở gian truân thì cuối cùng tôi vẫn ứng dụng được bài học “chịu đựng nỗi cô đơn vì lợi ích của kẻ khác” vào trong trái tim mình.
Một ví dụ: Sau khi TNH bỏ đi, đã có rất nhiều độc giả hoặc bạn hữu đặt câu hỏi với tôi: “Sau này mẹ tôi chết đi, Vân San đi lấy vợ, Âu Cơ lớn lên lấy chồng, tôi sẽ ở với ai? Sao không nghĩ đến điều lập gia đình lần nữa để lúc tuổi già có người cho mình nương tựa?” Tôi đáp: “Hạnh phúc tương lai đâu chưa thấy, chỉ thấy rằng nếu bây giờ làm theo lời khuyên của anh tức là tôi đã vô tình đánh mất niềm tin và sự nương tựa vào tình mẹ của Âu Cơ và Vân San –luôn cả của mẹ già. Những gì hai đứa con và mẹ tôi cần nơi tôi ở lúc này quan trọng hơn là những ai và điều gì tôi cần cho tôi một lúc nào đó ở tương lai’.]
Bây giờ, qua miệng lưỡi âu yếm hay chữ nghĩa viết ra trong các bản văn nho nhỏ, Âu Cơ thường nói lên sự ngưỡng mộ dành cho tôi. Đó là điều vừa làm tôi cảm động lại cũng khiến tôi sợ hãi. Sợ hãi vì e rằng nó sẽ không có được đủ sự chịu đựng như tôi trên những gian truân sẽ gặp trong mai hậu nên dễ dàng ngã gục khi thấy “không giống được như mẹ”; nhưng cảm động, bởi, có hình ảnh nào đẹp và cao quý hơn trong lòng một đứa nhỏ, một con người, cho bằng hình ảnh Mẹ? Một kẻ có lòng thương cho mẹ sẽ không bao giờ là kẻ tàn nhẫn. Một kẻ có sự ngưỡng mộ cho hình ảnh mẹ sẽ không bao giờ thất bại trong cuộc đời. (Chữ “không thất bại” này phải hiểu theo chiều sâu của từ ngữ.)
Giữa hai đứa con, phải thú nhận rằng tôi an lòng cho Âu Cơ hơn cho Vân San trên rất nhiều khía cạnh của phần nội tâm suy nghĩ. Giữa hai đứa, nếu như cuộc đời có gặp gian truân sóng gió, tôi tin rằng Âu Cơ sẽ vượt qua dễ dàng hơn so với Vân San.
III.
Ở tôi là sự pha trộn kỳ diệu giữa hai bản chất cha và mẹ. Từ cha, tôi có cái máu phóng khoáng không câu nệ tiểu tiết hình thức, nhưng từ mẹ, lại rất ngăn nắp đàng hoàng. Các em tôi chỉ có cái tánh của mẹ mà không được may mắn di hưởng sự phiêu bồng vô trật tự của cha. Nếu bảo rằng sự cô đơn đeo đẳng trong suốt cuộc đời tôi là một “khuôn mặt Định Mệnh” thì phải kể khuôn mặt ấy phát sinh từ cha tôi, và “sự chịu đựng được nó” là nhờ ở cá chất mẹ tôi mà tạo thành. Ngay từ khi còn rất nhỏ, sau khi cha tôi đã qua đời, tôi vô tình tự tạo cho mình cái thói quen “truy tìm dấu vết một người cha”. Tôi hay ngồi một mình trên căn gác, lục lọi đống giấy tờ tài liệu cha để lại. Những trang nhật ký, các bản nhạc cổ điển được chép lại kỹ lưỡng; những quyển sách nhạc ố màu (được mẹ tôi bảo “là kết quả từ những giọt rượu loang cha vẫn uống...”); các bản nhạc do ông sáng tác, các bài thơ nho nhỏ; những mẩu thư tay bằng nét chữ rất đẹp viết cho mẹ tôi trong những ngày gần chết... đã là những điều làm thổn thức ghê gớm trái tim thơ dại của tôi. Có một mẩu, tôi nhớ mồn một từng chữ như sau:
“Em, ngày hôm qua anh đau quá nên đã nhăn nhó cùng em. Những đêm ở bệnh viện trắng lạnh và dài như vô tận, anh đã suy nghĩ nhiều đến em và các con còn nhỏ dại mà lòng buồn vô hạn. Em hãy thương mà tha thứ cho anh. Trên đời này, em không thương anh thì còn ai nữa thương anh.”
[Lúc đã lớn hẳn rồi, nhớ lại lá thư trên, đặc biệt câu cuối, tôi luôn luôn tự hỏi không biết khi đọc những lời ấy vào những ngày cha tôi gần chết, mẹ tôi đã nghĩ gì? Bà có từng rung động? Tôi tin rằng có, nhưng chỉ là nỗi rung động bình thường của một người vợ hiền lành mà không phải là sự rung động “đồng cảm” từ trái tim một nghệ sĩ dành cho một nghệ sĩ, như tôi đã dành cho cha tôi ngày nhỏ –và bây giờ…
Nỗi cô đơn của cha, tôi thấm cảm –một cách rất vô thức—ngay từ khi còn thơ dại, để rồi suốt đời về sau, trong hành động đi tìm một người cha, đi tìm một-khuôn-mặt-Định-Mệnh, “tiêu chuẩn” đầu tiên đặt ra cho một người Tình trong đời tôi phải là một nhân dáng cô đơn hơn hết, nhất là nỗi cô đơn ấy phát sinh từ những liên hệ gia tộc.
Suốt đời, tôi có khuynh hướng yêu những người đàn ông thiếu tình mẹ. Trong mối tình với Vũ, anh yêu tôi sâu đậm chỉ vì luôn nghĩ về tôi như một người con gái “không biết tính toán”, nhưng anh –và cả tôi nữa thời gian ấy—đâu hay rằng “tôi đã rất tính toán” trong sự cho đi và nhận lại một tình yêu. Dạo ấy tôi không hề hiểu tại sao tôi yêu Vũ. Sau này mới biết, chính vì sự “mất mẹ quá sớm” của Vũ mà đã khiến tôi yêu anh một cách “rất không tính toán”!]
Tôi lập lại lời ở trên đã viết: “Tôi là đứa con không bình thường của một cuộc hôn nhân không bình thường”. Hai cụm từ “không bình thường” đều mang cùng ý nghĩa “cuộc hôn nhân giữa cha và mẹ tôi không phải kết tụ từ một tình yêu.”
Cha tôi không yêu mẹ tôi, điều này được cảm nhận bằng cái nhìn riêng của tôi từ khi còn rất nhỏ: Trong nhà tôi chẳng bức chân dung nào của mẹ được treo lên tường, mà chỉ toàn các bức của dì tôi được phóng lớn. Đêm đêm cho tới gần sáng, cha tôi vẫn ngồi nơi bàn viết kéo violon hay ghi chép, với những cốc rượu đậm và những điếu thuốc lá được liên tục đốt. (Sau này nghe mẹ kể rằng, những bản đàn của ông đều chỉ là những bản ngày xưa từng kết nên mối tình đẹp giữa ông và dì tôi). Nhất là với kỷ niệm buổi chiều mưa ở trên tôi kể, đã cho tôi cái cảm nhận non nớt rằng trái tim cha tôi chỉ hoàn toàn dành cho người xưa!
[Thời gian hai tháng trước khi cha tôi chết, đang nằm ở bệnh viện Hồng Bàng Chợ Lớn, ông đã BA LẦN nhờ mẹ tôi, nhờ bà ngoại tôi nhắn dì tôi vào cho ông “gặp và có chút chuyện cần nói”, nhưng dì tôi từ chối lời nài xin ấy!
Khi nghe chuyện này, tôi có hỏi mẹ tôi cho rõ ràng sự việc thì bà trả lời bằng giọng rất buồn: “Mẹ cũng không ngờ cha con lại bi lụy như vậy theo một người đàn bà bạc hãnh như dì. Có lẽ ông còn thương dì lắm.” Tôi thấy thật tội nghiệp cho mẹ tôi: “Thế mẹ có buồn không khi nghe lời nhắn đó?” Mẹ tôi gật đầu: “Buồn và tủi thân lắm, nhưng khi ấy cứ nhớ đến lời ông bác sĩ bảo rằng hãy nên làm vui lòng cha con mọi thứ, ông sắp chết rồi, nên lại bỏ qua cái buồn cho ông!”
Thực sự, chuyện người lớn trong gia tộc là điều tôi vẫn không bao giờ muốn tìm biết, như trên đã viết. Nhưng với câu chuyện BA LẦN NHẮN dì tôi vào Sàigòn cho gặp, trong khi bà đã có chồng con, thì lại là điều tôi không thể nghĩ ra nơi hình ảnh “một người cha đang đi tìm” của mình! Từ câu chuyện này, tôi lại càng thấy thương mẹ hơn, càng thấy kính trọng bà hơn ở những nhẫn nhục của bà mà tôi biết chắc rằng, một đời thà chết chứ không thể nào tôi thực hiện cho xong!]
Một điểm rất đặc biệt nữa là suốt thời thơ ấu, tôi chưa bao giờ nghe cha mẹ lớn tiếng với nhau. Mẹ tôi sống âm thầm bên cạnh cuộc đời cha tôi như một cái bóng, thương chồng, thương con mình và cả hai đứa con riêng của chồng, đặc biệt bà chị thứ hai cùng bú chung bầu sữa mẹ với tôi, đã tỏ ra quyến luyến mẹ tôi --hơn cả tôi—ngay từ khi còn nhỏ.
[Sau khi cha chết, hai bà chị lớn được trả về cho dì tôi. Nhưng kể từ ấu thơ, hai chị tôi đều rất thương mẹ tôi. Nhất là bà chị thứ hai, đến tận bây giờ vẫn tỏ ra bằng hành động và lời nói lòng thương cho dì (mẹ tôi) nhiều hơn cho mẹ ruột.]
Mẹ tôi làm đúng vai trò của một người vợ Huế có căn bản tốt, nhưng chỉ thế! Bà không hề tỏ ra ghen tương khi thấy cha tôi, một nghệ sĩ tài hoa, lại luôn được đàn bà lượn quanh như những con bướm bay vờn nơi một cành hoa đẹp. Có thể bà cũng buồn, cũng tủi, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy sự phiền trách của bà một cách cụ thể đối với cha tôi.
[Khi đã lớn, tôi luôn luôn thắc mắc tại sao mẹ tôi lại có thể “lặng câm như tượng đá trong cuộc đời cha tôi” như thế? Rồi tự đi đến kết luận: “Có lẽ vì bà không yêu cha tôi, hay vì bà dành cho ông một sự kính trọng lớn quá nên không tỏ ra chút gì phiền trách nếu ông có lỡ làm cho bà bị tổn thương tình cảm; hoặc có thể điều đó nẩy sinh từ sự chịu đựng truyền thống của ‘những người lớn thuở trước’?”
Nhưng dù vỗ về mình trong bất cứ kết luận kiểu nào, tôi cũng không bao giờ muốn tự làm cái hành động “lặng câm như tượng đá” ấy cả.
Đó là điểm RẤT KHÁC giữa mẹ tôi và tôi. Chính vì khác mà luôn luôn tôi có thái độ từ bỏ chứ không là chịu đựng trong vấn đề tình cảm.
Ở ngay điểm này, tôi cũng thấy mình cưu mang một lượt cả hai cá chất cha và mẹ. Từ mẹ, tôi thừa hưởng sự “không ghen tuông” khi đối diện với sự phụ phàng của người đàn ông; nhưng từ cha, tôi có được thái độ cao cả của một kẻ “chấp nhận thua cuộc mà quay lưng” chứ không ghen tương hay níu kéo, hoặc câm lặng chịu đựng (như mẹ tôi) trước một nát tan tình cảm. Đó là điểm thất bại suốt đời của tôi. Chữ “nhẫn” của mẹ tôi trong vấn đề tình cảm là điều duy nhất tôi không học được vì đã không muốn học từ bà.]
“Sự thiếu thốn tình cảm” không phải là điều mà tôi chỉ nghĩ về cho mẹ tôi thôi, lại còn cho chính cả tôi nữa. Suốt thời thơ ấu, tôi luôn mang mặc cảm “không được cha thương”. Dáng dấp cha tôi cao ráo, khinh khoát, khuôn mặt đẹp một cách nghệ sĩ, tính tình điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ đúng phong thái một chàng trai phong lưu đất Thần Kinh. (Các anh em trai tôi không ai có được cái đẹp nghệ sĩ và bản chất quí phái như của ông).
[Suốt đời, tôi không có cảm tình với đàn ông Huế không những vì cá chất “chồng chúa vợ tôi” truyền thống của họ làm cho tôi chán ghét, mà còn bởi tôi CHƯA TỪNG may mắn gặp được người đàn ông Huế nào giống như cha tôi, từ vóc dáng đến tâm tư.]
Ông đối xử với mẹ tôi và các con bằng thái độ mềm mỏng nhu thuận, nhưng bất cứ ai trong nhà cũng đều nhìn ra tình thương và sự ưu ái hơn hết chỉ là cho bà chị thứ hai. Ông hay nói với mẹ tôi: “Nó mất mẹ từ khi còn măng sữa, nên thương nó đặc biệt!” Ông luôn dành cho chị những “ưu tiên”. Ví dụ, đi đâu về với các cái bánh, các món quà cho từng đứa con, ông luôn luôn cho chị thứ hai này cái quyền chọn lựa trước, sau mới đến những đứa con khác. Có lẽ, nếu tôi là ba đứa em gái nhỏ, chắc cũng chẳng lấy đó làm điều suy nghĩ. Khổ nỗi, tôi và bà chị thứ hai sàng sàng bằng tuổi nhau, vì vậy mới nẩy sinh cái mặc cảm “không được cha thương” trước những chênh lệch này. Nhất là thời gian còn bé, trong nhà, tôi là đứa con thấm nhuần nhanh nhất những bài học tiếng Pháp, bài học violon của cha tôi, nên cái mặc cảm kia lại vô tình biến thành một nỗi tủi hờn bất mãn nhiều hơn.
[Giờ đây làm cái hành động khai quật lại những kỷ niệm tuổi thơ sau khi nó đã nằm im trong lớp bụi thời gian đến mấy chục năm, tôi càng nhận thấy rõ rệt hơn cái tính Định Mệnh của cuộc đời mình. Sự cô đơn trong tâm thức không phải về sau mới có, mà đã có ngay chính từ những ngày còn rất bé. Sự đi tìm “hình bóng một người cha” trong suốt cuộc đời cũng là do từ đó. Đi tìm, (chứ không là TÌM LẠI) vì tôi từng đã “không có” một người cha trong trí tưởng ngày nhỏ. Và không bao giờ tôi có thể “tìm ra” bởi cũng ngay từ thuở nhỏ “tôi đã từng có một người cha máu thịt” với những vóc nét, tính tình và bản chất --là cha tôi.]
Cha tôi là một người trí thức tài hoa. Cái tài hoa của ông biểu lộ qua các bài thơ, các bản văn, các mẩu nhạc rời tôi gom nhặt được qua đống giấy tờ ông để lại. Cái tài hoa đó còn biểu lộ qua ngón đàn tuyệt diệu chẳng những được truyền tụng trong giới giáo sư của tôi ở trường Nhạc Sàigòn thời kỳ sau khi cha tôi đã chết, lại còn tình cờ một lúc nào đó được nghe từ những người bạn cũ của cha tôi trong thời kỳ phiêu bạt giang hồ với ông.
[Thời gian học trường Nhạc Sàigòn, sau các buổi thi violon, tôi và Trọng vẫn thường được cô Phạm Thị Lạc Nhân, (giáo sư dương cầm của trường và cũng của ba đứa em gái tôi sau này) âu yếm vuốt tóc chị em tôi mà nói: “Cô không lạ nếu các con đàn hay như thế. Ba các con rất tài hoa, nếu các con không đàn hay mới là điều đáng ngạc nhiên.” Cũng nhờ cái uy thế cha tôi mà tôi và Trọng rất được những vị thầy violon trường Nhạc ngày xưa ưu ái.
Một kỷ niệm khác về cái tài hoa của cha tôi: Thời gian 5 năm lưu diễn với đoàn Cải Lương Sàigòn I, tôi có quen bác Ba Túc, nhạc sĩ kéo violon ban Cổ Nhạc trong đoàn. Bác đã già, giọng đàn rất ngọt ngào điêu luyện. Khi biết tôi là con gái cha tôi, bác vui mừng đặc biệt, tự nhận là bạn ông thời gian cùng ông phiêu bạt với gánh hát Nam Hồng thập niên 1940. Từ đó bác hay kể về các chuyến lưu diễn trên ghe của hai người cho tôi nghe. Có lần, ngồi trên mạn thuyền từ Long Xuyên qua Rạch Giá, bác nhìn tôi, bật la lớn: “Đấy! Đấy! Chính ngay cái chỗ con ngồi bây giờ đấy mà ngày xưa cũng trên một chuyến ghe của gánh Nam Hồng, từ Long Xuyên qua Rạch Giá, cha con đã ngồi. Ông rất tài hoa, kéo violon rất hay. Tiếng đàn ông đã làm mê mẩn tất cả gánh hát. Ông uống rượu cũng tài lắm! Vừa uống vừa đàn cho các bác nghe, nhất là vào những đêm trăng.” Và bác cười mỉm: “Tài đàn và tài uống rượu của con bây giờ ít ai qua được, nhưng chắc vẫn không bằng cha con ngày xưa đâu!”
Cũng cái tài hoa này mà tôi (và TNH) được chính nữ họa sĩ Trương Thị Thịnh kể cho nghe thời gian bà mới qua Mỹ, đầu thập niên 1990: “Ba rất tài hoa. Cả ba chị em cô đều mê tiếng đàn ba thời gian ông ghé Nha Trang và quen biết gia đình cô ở đó.” Với câu chuyện này, mẹ tôi kể thêm: “Cả ba chị em bà Thịnh đều mê tiếng đàn và mê cả con người nghệ sĩ phong nhã của cha con. Nhưng nhận thấy không muốn vì mình mà tình cảm chị em bà xào xáo, ông đã bỏ Nha Trang mà đi. Dạo ấy cha con chưa lấy vợ.”]
Cái trí thức của cha tôi biểu tỏ qua cái tủ sách có ghi chú đầy các giòng chữ của ông bên lề các cuốn văn chương, triết học dầy cộm bằng tiếng Latin, tiếng Pháp. (Ngay khi còn nhỏ, cũng nhờ cái tủ sách này mà đã tạo nên trong tôi thói quen đọc sách để rồi trở thành một đam mê lớn trong đời về sau. Tôi rất mang ơn cha tôi ở điểm này. Ông qua đời ở cái tuổi ngoài bốn mươi, không để lại cho chúng tôi điều gì trên thực tế đời sống, nhưng cả một kho tàng chữ nghĩa đã được ông gieo vào máu chị em tôi ngay từ thuở nhỏ là cũng nhờ vào cái tủ sách đồ sộ này.
IV.
Thời gian cha tôi bắt đầu nằm xuống trong cơn bệnh ung thư phổi thì mọi sinh hoạt bình thường trong gia đình đột nhiên bế tắc. Không còn tiếng đàn, không còn tiếng hát từ cái radio mở ra. Tất cả đều phải im lặng để giữ cho cha tôi được yên. Không khí trong nhà thấm mùi ảm đạm theo hình ảnh Thần Chết đang lấp ló ngoài cửa. Riêng chị em tôi hằng ngày được gửi lên nhà một người bạn cha tôi –chúng tôi thường gọi là bác Năm. Nơi đây là một căn biệt thự rộng có vườn cây bao bọc chung quanh, tọa lạc trên đường Công Lý, được dùng làm ký túc xá kèm tư cho các đứa trẻ con trường Pháp.
Mỗi ngày, cùng ngồi học chung, ăn chung, ngủ chung với các đứa trẻ này nhưng sao trong tâm hồn tôi vẫn chỉ hiện hữu một khoảng cách biệt rất lớn. Có cái gì đó trong sự cư xử của hai cô con gái chủ nhân đối với lũ con nít nhà giàu và đối với chị em tôi khiến tôi buồn tủi. Tôi không thân cận được với ai, ngay cả các chị em ruột của mình, lúc nào cũng chỉ chực lặng lẽ lẻn ra ngoài vườn, mong cho chiều mau xuống để lại được bà vú già đến đón. Vì thế mà tôi bị tiếng là "con bé u uất." Mỗi buổi trưa, nhất là những trưa trời mưa, thức dậy trong tiếng nước gõ đều trên các nhánh lá ổi làm thành một chuỗi âm thanh não nề man mác, tôi nghe lòng buồn rũ rượi. Cái ý tưởng "mong chết đi để thoát khỏi cái không gian đau khổ này" đã đến trong tôi từ những buổi trưa như thế. Chưa đầy 10 tuổi mà tôi đã nhìn cuộc đời một cách thật bi quan.
[Ngày nay nhớ lại thời kỳ thơ ấu xa xưa, tôi vẫn không tránh được cho mình một nỗi run rẩy.]
Mỗi buổi tối trở về nhà, cái tâm trạng u ám càng thêm dầy đặc. Nhìn cha tôi nằm trong màn hay ngồi thỏm trong chiếc ghế bành rộng, thân thể gầy ốm, không hiểu sao tôi vẫn thấy sờ sợ. Tôi không dám đến gần ông, thậm chí cũng hết sức tránh né nhìn ông; mỗi khi phải đi qua chỗ ông nằm, tôi đều nhắm kín mắt, bước vội.
[Nhiều năm sau, tôi vẫn tự trách mình ở cái điều xa rời cha trong những ngày cuối cùng ấy. Nhưng cũng từ đó mà hiểu rằng không phải tôi muốn chạy trốn ông mà chính là chạy trốn nỗi thương tâm đang ứ đầy khi ấy trong tôi.]
Cho đến một ngày, khi bác sĩ xác định thời gian sống của cha tôi chỉ còn độ hai tháng thì ông được đưa vào nằm trong bệnh viện Hồng Bàng. Hai tháng trời vắng cha, lũ trẻ con như rắn mất đầu, tự dưng đứa nào cũng trở nên ủ rũ. Hằng ngày chúng tôi không còn lui tới ngôi nhà của bác Năm nữa. Mỗi buổi chiều, mẹ tôi đều vào bệnh viện thăm cha tôi. Bệnh viện Hồng Bàng chuyên trị bệnh lao nên đám trẻ chúng tôi họa hoằn từng đứa mới được đi theo mẹ.
Riêng tôi cứ mỗi lần được làm như vậy là một lần tôi lại nghe thật buồn trong bụng. Tôi thấy miễn cưỡng mà phải đi, cái tâm trạng “muốn chạy trốn” của thuở nào ông còn nằm ở nhà trở lại với tôi. Vào bệnh viện, tôi cứ đứng im nhìn ra cửa sổ mà không dám nhìn lên khuôn mặt và cái thân thể vô cùng gầy ốm của cha, không dám để cho cảm xúc trong tim mình òa ra thành tiếng khóc trong cái nhìn ấy. Có một lần theo mẹ vào bệnh viện với cây đàn violon cầm theo trên tay bà do lời cha tôi yêu cầu bữa trước, tôi thấy ông ngồi trên giường, ôm cây violon vào ngực, đưa tay vuốt nhẹ lên cần đàn, vẻ mặt cực kỳ âu yếm.
[Thời gian theo học violon với bà giáo sư người Pháp ở Hà Nội, cha tôi là một nhạc sinh tài hoa xuất sắc của bà. Cây đàn mẹ tôi đem vào bệnh viện bữa đó là do bà tặng cho cha tôi trước khi trở về Pháp. Cũng cây đàn đó, 20 năm xưa đã là “người bạn, người yêu” góc bể chân trời của cha tôi, thì 20 năm sau lại là “người tình yêu dấu nhất của tôi” trong rất nhiều năm.]
Lúc 2 giờ trưa ngày thứ Sáu 16/10/1959, nhằm ngày rằm tháng 9 năm Kỷ Hợi, tôi bệnh nặng nên được mẹ “đặc biệt” dành lại cho một phần súp nấu riêng cho cha tôi. Tôi định để cho nguội rồi mới ăn. Nào dè từ ngoài cửa bước vào người đàn ông nằm giường bên cạnh giường cha tôi trong bệnh viện. Ông đến báo tin cái chết của cha. Tức thì tiếng khóc nấc được vỡ òa ra, đầu tiên là từ mẹ, sau lan tràn khắp nhà ở các chị em tôi, ở bà mợ và dì Tư, bà vú chăn giữ chúng tôi. Chỉ riêng tôi, lạ một điều là đã không hề khóc. Tự dưng nhìn tô súp đã nguội để trên thành cửa sổ từ ban nãy, nghe ngán lên tới cổ. (Mãi đến chiều nhìn lại mới thấy rằng kiến đã bu đầy quanh miệng tô.) Tôi không khóc, chỉ thấy nghèn nghẹn nơi đầu cổ họng và dừng lại đó. Tôi để mặc mọi người ngồi ôm mặt khóc, lẳng lặng đi vào phòng ngủ cha tôi –căn phòng mà dạo trước tôi nhiều lần tránh né không dám nhìn vào khi ông còn nằm ở đó. Trong phòng, tôi úp mặt vào chiếc áo veste màu nâu thẫm đang còn treo trên móc, cố tìm một chút hơi hướm của cha. Khi ấy trời bỗng đổ mưa thật to. Có một điều kỳ quái là kể từ đó, tâm trí tôi chỉ gõ đều theo nhịp mưa rơi mà không nghĩ gì đến cha tôi đang nằm chết nơi xa.
Ngay buổi chiều hôm ấy, tôi theo bà chị lớn –khi ấy 16 tuổi— và một ông anh họ vào nhà xác để cúng bữa “cơm đầu” cho cha tôi. Trời chạng vạng tối. Người gác cửa mở ra cái khăn phủ mặt cho chị em tôi nhìn cha lần cuối. Trong lúc anh chị tôi đang thắp nhang khấn vái thì tôi đứng ngắm khuôn mặt ông. Cha tôi trông bình thản như đang ngủ. Nét mặt không còn cái vẻ đau khổ vì chứng ung thư phát tác những ngày gần cuối, nhưng một bên mép thấy ứa ra dòng máu vẫn còn chưa lau, bấy giờ đổi thành màu huyết dụ.
[Về sau mẹ tôi kể lại, dòng máu bên mép biểu lộ sự oan ức của ông. Bữa đó lúc 1 giờ trưa cha tôi kêu mệt. Người bệnh nằm bên cạnh bấm chuông gọi y tá. Bà y tá vào, thay vì chích cho ông mũi thuốc khoẻ, thì lại là thuốc ngủ. Ông ngủ và không còn đủ sức để thức dậy nữa từ đây. Từ đó cho đến tận bây giờ, có điều lạ là tôi rất yêu màu đỏ.  Màu đỏ đối với kẻ khác tượng trưng cho sự chiến thắng, sự mãnh liệt... Còn tôi lại chỉ nghĩ màu đỏ là cái màu của sự biệt ly!
Cũng nhiều năm sau mẹ và thím tôi có lần đi cầu hồn cha tôi về, dẫn tôi theo. Tôi không muốn tin những điều mê tín nhưng cũng thấy rờn rợn vì cái không khí ma quái buổi đó, nên đến khi hồn cha tôi về, đã sợ quá, bỏ đi ra ngoài đầu ngõ đứng. Bất thần bà thím đi ra gọi tôivào. Bà nói: “Cha hỏi sao con lại bỏ đi không cho cha thăm.” Việc không tin mà phải tin. Cha tôi về qua thân xác bà đồng, nói y hệt giọng Huế nhỏ nhẹ của ông. Khi mẹ tôi đưa ra tấm ảnh mấy chị em tôi, hỏi, thì bà đồng trả lời rõ ràng tên từng đứa. Mẹ tôi hỏi: “Lúc anh chết, cái đồng hồ anh ai đeo?” Cha tôi trả lời: “Cậu Bảo đeo.” Sau đó, qua lời nói bà đồng, ông cho biết rằng lẽ ra ông phải ngoài 70 tuổi mới chết nhưng vì chết oan ở cái tuổi ngoài bốn mươi nên linh hồn bây giờ chỉ bay vật vờ không nơi đến. Và xin mẹ tôi cúng cho ông một ít áo quần tiền bạc, đặc biệt gửi cho ông cây viết!]
Trước thi hài cha tôi trong nhà xác buổi chiều hôm đó, tôi cũng vẫn không thể ứa ra đôi dòng lệ như chị tôi đang khóc. Tôi cứ đứng nhìn cha, cố ghi khắc thật đầy vào óc toàn thể con người và khuôn mặt ông. Nhìn lên chị thấy đang sùi sụt, nhìn sang anh thấy mắt cũng đỏ hoe, tôi chỉ biết làm theo các động tác của anh chị trong buổi lễ cúng “cơm đầu” cho cha tôi mà đôi mắt ráo hoảnh.
Tuy nhiên, đã có một cái buồn vô cùng ứ tràn tâm thức ngay giây phút đó. Cái buồn mới mẻ lạ lùng tôi chưa từng bao giờ cảm nhận trước kia. Tôi cứ đứng nhìn khuôn mặt cha. Bỗng dưng như một phép lạ, các hình ảnh cũ quay trở về rõ ràng trong trí não. Những buổi học đàn với cha, những lần được cha dẫn đi ciné ở rạp Đại Nam, rạp Moderne, những món quà nho nhỏ cha vẫn đem về sau mỗi lần đi phố... Rõ nét hơn là kỷ niệm buổi chiều cùng cha đứng nấp mưa dưới một mái hiên nơi đầu ngõ, nhìn theo bóng dáng dì tôi... Ngay chính giây phút đó, tôi tức khắc biết rằng “Đã hết rồi tất cả! Tất cả mọi kỷ niệm trong đời tôi từ nay sẽ không bao giờ còn hiện hữu bóng dáng cha tôi.” Bấy giờ, mới thấy mắt mình cay cay. Và đôi giòng lệ chảy dài trên hai má khi tôi theo anh chị rời khỏi nhà xác, bước vội những bước sũng nước mưa dưới cái bóng đêm âm u ma mị.
[Nhiều năm sau tôi vẫn ngạc nhiên về mình theo trạng thái “không khóc” buổi chiều nhận tin cha tôi chết đó. Nhiều năm vẫn tự dày vò với điều bất hiếu kia. (Thực sự thì tôi biết mình đã không hề là đứa con bất hiếu với cha, nếu hiểu chữ Hiếu theo cái nghĩa của riêng tôi chứ không là của kẻ khác.) Cho đến một bữa, chợt nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ tôi bên cạnh đứa em trai (một câu chuyện tôi sẽ kể ở đoạn sau) tức thì trong óc tôi hiện ra rõ ràng câu giải đáp cho thái độ im lìm không khóc được của mình như trên.
Vào buổi trưa nhận tin cha chết, mẹ tôi là người gào lên trước nhất. Ngay giây phút nghe những tiếng gào đó, tôi chợt thấy lạnh cả người. Nó bi thương như tiếng kêu của một con thú rừng cùng đường tuyệt vọng. Nó đau đớn đến cái độ bóp chết luôn cả nỗi đau đớn đang phát ra từ chính trái tim tôi. Lại thêm những ngày những đêm tiếp theo, sau khi đã đem quan tài cha tôi về nhà, nhất là khi hạ huyệt, tiếng gào của bà khiến tôi càng thêm sợ hãi. (Từ đó cho tới khi khôn lớn, và đến tận bây giờ, tiếng gào này đã biến thành một nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi trong tâm hồn tôi.)
Có lần tôi nghe cậu Bảo tôi kể: Sau khi cha tôi chết, đêm đêm mẹ tôi vẫn ngồi bên bàn thờ ông tụng kinh rồi khóc lóc tỉ tê. Giữa khuya, tiếng khóc của người đàn bà nghe não nùng ai oán quá đã khiến cậu tôi không thể ngủ được nên mặc áo bỏ đi khỏi nhà.
Từ ngày cha chết, có điều lạ ghi nhận là tôi CHƯA TỪNG BAO GIỜ khóc ra “bằng lời, bằng miệng”. Thảng hoặc với những tan vỡ trái tim, tôi chỉ ứa nước mắt là cùng. Và cũng đâm sợ tiếng khóc của bất cứ ai, đặc biệt của mẹ tôi. Mẹ tôi không bao giờ hiểu được cái uy lực tiếng khóc của bà đối với tôi đã cao như thế nào. (Cũng may bà không hiểu!) Không hiểu rằng nếu chỉ cần nhìn thấy những giòng nước mắt của mẹ tôi, tôi đủ đạp đổ tất cả từ tình yêu, đàn ông, danh vọng, tiền bạc cho đến luôn mạng sống của mình!
Và cũng may, từ dạo cha tôi chết đi, bà dẫu nhiều lần khóc vì con cái, nhất là vì tôi, nhưng không bao giờ còn òa ra bằng lời bằng miệng, mà chỉ là những hàng lệ chảy dài từ đôi mắt đẹp cô đơn.]
(Xem tiếp bài 1 đoạn sau).
--------

0 comments:

Post a Comment

 

Subscribe to our Newsletter

Contact our Support

Email us: Support@templateism.com

Thành Viên của Website